TỔ ĐÌNH TAM BỬU TỰ Ba Chúc - An giang
♠♠๑۩۞۩๑ -KỲ HƯƠNG TỰ- ๑۩۞۩๑♠♠
Trang này được thực hiện bởi các đồng đạo TỨ ÂN HIẾU NGHĨA - TIỀN GIANG

25 tháng 11, 2012

Thủy Đài Sơn và huyền thoại về phong thủy

0 nhận xét
Thất Sơn hay Bảy Núi là tên gọi chung của vùng núi phía tây nam, cận biên giới Campuchia, thuộc các huyện Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang). Vùng Thất Sơn có đến gần 40 ngọn núi lớn nhỏ. Nhưng tiêu  biểu nhất là bảy ngọn: Thiên Cấm Sơn (núi Cấm), Ngoạ Long Sơn (núi Dài), Ngũ Hồ Sơn (núi Dài năm giếng), Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô), Anh Vũ Sơn (núi Két), Liên Hoa Sơn (núi Tượng), Thủy Đài Sơn (núi Nước).


Thủy Đài Sơn là ngọn núi nhỏ nhất trong Bảy Núi, chỉ cao chừng 54 mét, nằm giữa những cánh đồng rộng lớn, cách tỉnh lộ 955B và núi Tượng khoảng 600 mét, thuộc địa phận thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Thủy Đài Sơn gắn liền với những huyền thoại trong dân gian về phong thủy của đất phương Nam.
Ngã ba cây Dầu (Ba Chúc). Ảnh: Mai Lý
Từ Tri Tôn đi khoảng 14km về đến thị trấn Ba Chúc, đi tiếp tới tới ngã ba Cây Dầu, rẽ về phía trái chừng non cây số sẽ đến Thủy Đài Sơn. Chùa Núi Nước (Linh Bửu Tự) nhỏ gọn nằm dưới chân núi, cách đường nhựa chừng 300 mét. Chùa do ngài Ngô Lợi (*), giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho xây dựng ngay chân núi vào năm Giáp Thân (1884). Phía sau chùa là đồng ruộng mênh mông, xa xa là núi Dài thâm u, bí ẩn.
Theo một lối mòn nhỏ quanh co, du khách có thể len lách qua những tảng đá khổng lồ để khám phá cảnh quan nhiều màu sắc huyền bí. Có một cây sung cổ thụ cành lá um tùm che phủ một am miếu nhỏ thờ thần Hổ, theo lời các sư huynh tu trong chùa, cây sung nầy đã có trên 300 năm tuổi. Qua khỏi chánh điện chùa Núi Nước một đỗi, đi lên vài mươi bậc tam cấp, du khách sẽ gặp miếu Bà. Đây là một ngôi miếu nhỏ, đẹp, nằm khuất giữa những cây sung, cây sứ và ngọc lan cổ thụ. Không gian miếu Bà u tĩnh, là nơi cho những người hành hương cầu xin, khấn nguyện. Trước miếu Bà có một tảng đá khổng lồ hình quả trứng, người địa phương gọi là Thiên Trứng (!).
Miếu Bà. Ảnh: Mai Lý
Du khách còn có dịp khám phá thêm sân Tiên, Thạch Bàn, hang Ông Hổ, Rùa Đá Thần... mặc dù núi này nhỏ hơn các ngọn núi khác nhưng trong dân gian người ta tin rằng ở đây có sự huyền bí, mầu nhiệm về tâm linh nên Thủy Đài Sơn đã được người xưa xếp vào hệ thống Thất Sơn... Vào mùa nước nổi (khoảng tháng 8 đến cuối tháng 10 âm lịch), chung quanh núi này là một biển nước mênh mông, trắng xóa không thấy bờ bến. Có lẽ vì vậy mà núi có tên là Núi Nước.
Truyền thuyết dân gian kể rằng: xa xưa, có một người khách trú phương Bắc là đệ tử nhiều đời của Cao Biền (806-820). Thời Bắc thuộc, Cao Biền làm Tiết Độ Sứ (Giao Châu) kiêm pháp sư đại phù thủy của vua Đường được sai đi trấn yểm các long mạch của nước Nam. Khi đến Thủy Đài Sơn, đệ tử của Cao Biền phát hiện long mạch trên Thủy Đài Sơn nên ông ta đã ra tay “yếm huyệt”.
Rùa thần Núi Nước. Ảnh: Mai Lý
Rất nhiều năm sau, tới đời thầy Ngô Lợi, khi đến đây lập chùa, ông đã phát hiện ra dã tâm của người đệ tử Cao Biền ngày trước. Ngài Ngô Lợi cho đào lấy trụ yếm lên phá hủy, trụ đá ấy dài độ một tầm, vuông chừng hai nán tay gộp lại  có khắc chữ cổ tượng hình  rất lạ lùng. Trụ đá trấn yểm có sức nặng lạ kỳ. Phải huy động hàng chục người mới kéo nó lên khỏi huyệt. Trụ đá bị vất xuống lung (ao) trâu đầm có phân, nước tiểu hôi hám để hủy đi tà khí. Về sau trong một đêm mưa to, gió lớn, trụ đá ấy bị sấm sét đánh tan tành thành tro bụi. Ngay chổ huyệt yếm, ngài Ngô Lợi cho dựng lên ở đỉnh núi một con rùa bằng đá (tượng trưng cho sự trường thọ), hiện nay Con Rùa Đá vẫn còn nguyên vẹn.
Các truyền thuyết về Cao Biền còn lưu lại rất nhiều trong dân gian. Như ở Phú Yên, tương truyền có mả Cao Biền ở đó, ông ta đã cất công đi nhiều nơi của nước Nam để tìm long mạch trấn yếm. Cuối cùng Cao Biền phải bỏ mạng tại đây, mả Cao Biền là một đụn cát ở chân núi sát biển. Dân trong vùng truyền khẩu câu: Ngó lên hòn núi cả thấy mả Cao Biền / Thấy đôi chim nhạn đang chuyền nhành mai.
Về phương Nam nắng ấm ruộng xanh, mênh mang sông nước, đến với Thủy Đài Sơn, ngọn núi nhỏ bé nhất của Thất Sơn, du khách sẽ cảm nhận được nét đặc trưng  của ngọn núi có  huyền thoại  phong thủy ly kỳ nầy.
(TBKTSG Online)

Kỷ niệm 122 năm Đức Bổn sư viên tịch

0 nhận xét

Trong 2 ngày 24 và 25/11 (nhằm ngày 12 và 13/10 Âm lịch) tại khu di tích lịch sử chùa Tam Bửu - Phi Lai, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, lãnh đạo tỉnh, huyện, các ban ngành cùng với đông đảo tín đồ và nhân dân các tỉnh Nam bộ đã hành hương về tham dự Lễ kỷ niệm 122 năm Đức Bổn sư Ngô Tự Lợi viên tịch.

Đức Bổn sư Ngô Tự Lợi tên thật là Ngô Viện sinh năm 1830 tại huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, có tâm đạo, định hướng tôn giáo và tu hành ngay ở tuổi 20, ông đã chính thức đứng ra truyền đạo, thu nhận tín đồ thành lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Ông cũng là sỹ phu yêu nước tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp lưu lạc về vùng Bảy Núi An Giang.

Do có nhiều đóng góp đối với đất nước nên ông được người dân kính trọng gọi tên Đức Bổn sư Ngô Tự Lợi, Ngô Viện hay Năm Thiếp.

Đáng trân trọng là trong quá trình tham gia kháng Pháp ông còn tranh thủ khai hoang hơn 12.000 ha lập nên 4 thôn An Hòa, An Thành, An Lập, An Định và xây 7 chùa ở nhiều nơi trong và ngòai tỉnh để nhân dân tu thân, thờ cúng.

Đạo “Tứ Ân Hiếu Nghĩa” đã trở thành là tôn giáo nội sinh đặc thù của vùng 7 Núi An Giang được hình thành và phát triển gắn liền với quá trình di dân, khai hoang lập làng, xây dựng căn cứ kháng chiến và họat động theo tôn chỉ mục đích “Học Phật tu thân”, “ Tứ đại trọng ân”, “ sống hiếu nghĩa hòa hợp vì đại đoàn kết dân tộc”.

Đến nay đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã phát triển mạnh ra 16 tỉnh thành phố trong cả nước, với hơn 60.000 tín đồ.

Để tưởng nhớ đến ông, năm 2011, tỉnh An Giang đã tổ chức hội thảo về thân thế, sự nghiệp, qua đó khẳng định ông là người có công lớn đối với đất nước, một danh nhân tài đức vẹn toàn; yêu nước thương dân; có công khẩn hoang lập ấp để an dân; biết tận dụng rừng núi kết hợp biên giới kháng Pháp và chủ động khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa .

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hồng Liên - Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, để thu hút được lực lượng kháng chiến, Ngô Lợi đã biết dựa vào phong tục, tín ngưỡng của dân tộc và lễ nghi trong Phật giáo, đây là nét đặc thù riêng của lịch sử vùng đất phía Nam của Tổ Quốc rất xứng đáng được tôn vinh là Đức Bổn sư.

Lễ kỷ niệm Đức Bổn sư Ngô Tự Lợi viên tịch được tổ chức hàng năm tại xã Ba Chúc (Thánh địa đạo Tứ ân Hiếu nghĩa), đây cũng là lễ lớn nhất trong năm của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, diễn ra trong 2 ngày mùng 12 và 13/10 Âm lịch, với nhiều nghi thức như lễ thỉnh cổ hoa từ chùa Long Châu về chùa Tam Bửu; Lễ Thượng tràn phan; Lễ Thượng quốc kỳ; Lễ tưởng niệm….

Ngoài Chùa Tam Bửu - Phi Lai, tại các chùa đạo Tứ ân Hiếu nghĩa trong tỉnh cũng đồng loạt tổ chức lễ tưởng niệm, tạo điều kiện cho tất cả tín đồ tưởng nhớ đến ông và đón du khách tham quan, hành hương tìm hiểu về người đã sáng lập đạo./.

Thu Trang (TTXVN)