TỔ ĐÌNH TAM BỬU TỰ Ba Chúc - An giang
♠♠๑۩۞۩๑ -KỲ HƯƠNG TỰ- ๑۩۞۩๑♠♠
Trang này được thực hiện bởi các đồng đạo TỨ ÂN HIẾU NGHĨA - TIỀN GIANG

18 tháng 10, 2011

Doanh nhân Ngô Lợi với vùng đất An Giang


Khẳng định công lao khẩn hoang vùng đất An Giang vào cuối thế kỷ XIX của Danh nhân Ngô Lợi

EmailIn

Ngày 30/9 vừa qua, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, hơn 50 nhà khoa học, nhà nghiên cứu của các viện, trường từ các tỉnh, thành phía Nam như Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng và thành phố Hồ Chí Minh đã tham dự Hội thảo khoa học: "Khẳng định công lao khẩn hoang khai phá vùng đất An Giang vào cuối thế kỷ XIX của Danh nhân Ngô Lợi''.


Chùa Tam Bửu
Tại cuộc hội thảo, có 71 báo cáo tham luận của 76 tác giả và đồng tác giả đã làm rõ, khẳng định về thân thế sự nghiệp, những đóng góp của danh nhân Ngô Lợi trong việc khẩn hoang lập làng ổn định dân cư của vùng đất phía Nam, đặc biệt là An Giang, biên giới Tây Nam của Tổ quốc vào cuối thế kỷ thứ XIX. Hội thảo cũng đã nghe báo cáo tham luận của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu về Ngô Lợi. Ông tên thật là Ngô Viện, được người dân tôn kính gọi tên Đức Bổn sư Ngô Tự Lợi hay Năm Thiếp, sinh năm 1830 tại huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Sinh ra trong thời kỳ xóa bỏ phong kiến chuyển sang thực dân thuộc địa vơ vét, bóc lột, đẩy cuộc sống nhân dân vào cảnh lầm than khốn khó, ông đã sớm ý thức tham gia kháng Pháp. Là sỹ phu Cần Vương, tham gia khởi nghĩa ở vùng Mỹ Tho - Tiền Giang, bị giặc truy nã, ông chạy về vùng cù lao Ba thuộc huyện An Phú (An Giang) ẩn thân. Ngô Tự Lợi là người có tâm đạo từ rất sớm, có định hướng tôn giáo và tu hành ngay từ tuổi 20. Ông đã đứng ra thành lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đến ngày rằm tháng 9 (âm lịch) năm 1870, ông được phong danh là Đức Bổn Sư, sau đó dẫn tín đồ vào vùng Thất Sơn - Núi Tượng khẩn hoang, lập thôn An định. Tại đây, ông cùng các tín đồ lập nghiệp, đẩy mạnh truyền đạo kết hợp với điều trị bệnh cho nhân dân và từ đây ông bắt đầu chiêu mộ sĩ phu chống Pháp , thu nhận thêm nhiều tín đồ là những nông dân mất ruộng, nghĩa quân thất trận … đẩy mạnh phong trào ngày càng lớn mạnh, khiến quân Pháp phải nể phục.
Các ý kiến còn khẳng định công lao của ông qua 7 năm đã khai hoang hơn 12.000 ha để lập nên 4 thôn An Hòa, An Thành, An Lập, An Định và xây 7 chùa ở nhiều nơi để nhân dân thu thân, thờ cúng ông bà. Ông còn là người thông minh, tài, đức vẹn toàn; giàu lòng yêu nước thương dân; có công to lớn đối với đất nước bằng những hoạt động đa dạng như khẩn hoang lập ấp để an dân; biết tận dụng vùng rừng núi, biên giới kết hợp kháng Pháp; khai sáng Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Đây là tôn giáo nội sinh đặc thù của vùng 7 Núi An Giang được hình thành và phát triển gắn liền với quá trình di dân, khai hoang lập làng, xây dựng căn cứ kháng chiến, hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích “Học Phật tu thân”, “Tứ đại trọng ân”, “Hòa hợp đoàn kết dân tộc”, với quan niệm tu hành phải hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng, tự rèn tâm sửa tính, làm lành lánh dữ, lấy chữ tín và ân đất nước làm trọng.
PGS.TS Trần Hồng Liên - Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho rằng, Ngô Lợi tập hợp nghĩa quân kháng Pháp lại đứng trong tổ chức Tôn giáo. Để thu hút được lực lượng kháng chiến, ông đã biết dựa vào phong tục, tín ngưỡng của dân tộc và lễ nghi trong Phật giáo, đây là nét đặc thù riêng của lịch sử vùng đất phía Nam của Tổ quốc, rất xứng đáng được tôn vinh là Đức Bổn sư./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhận xét của bạn đang được chúng tôi duyệt qua, và chúng tôi sẽ đăng lên trong thời gian sớm nhất! Chào Thân ái!