TỔ ĐÌNH TAM BỬU TỰ Ba Chúc - An giang
♠♠๑۩۞۩๑ -KỲ HƯƠNG TỰ- ๑۩۞۩๑♠♠
Trang này được thực hiện bởi các đồng đạo TỨ ÂN HIẾU NGHĨA - TIỀN GIANG

16 tháng 4, 2013

Đi tìm sự thật về truyền thuyết Mộ Bà – Công chúa Ngọc Hân (tiếp theo và hết)

Theo ông Trần Hữu Thành, công chúa Ngọc Hân và 2 người con đào thoát khỏi cuộc tru di của Gia Long là nhờ mưu kế của La Sơn Phu Tử. Theo kế đó thì Ngô Văn Sở đã đem con cháu mình chết thay cho con vua Quang Trung... Để ẩn tích, tránh tai mắt của vua Gia Long, Nguyễn Quang Mục (lấy tên Đoàn Minh Huyên) đã khoác áo nhà sư lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương để mưu đồ tập hợp nhân lực khôi phục lại cơ đồ. Ông Trần Hữu Thành chiết tự: Kỳ Hương đồng nghĩa với Hồ Thơm. Còn Bửu Sơn là Tây Sơn (?!). Bởi vậy, Bửu Sơn Kỳ Hương không thờ tượng mà chỉ thờ tấm vải màu đỏ không chữ tượng trưng cho lá cờ Tây Sơn… ***Ông Ba Thới là ai?*** Chứng cứ mà ông Thành đưa ra là dựa vào một quyển sách của cư sĩ Sripolieu có tựa là "Thân thế Phật thầy Tây An và Ngọc Hân Công chúa qua Kim cổ Kỳ quan" của tác giả cư sĩ Sripolieu. Chúng tôi chưa tìm được lai lịch của vị cư sĩ này. Nhiều người cho rằng cư sĩ Sripolieu là người dân tộc thiểu số, cư trú ở Bạc Liêu từ trước năm 1975. Không ai biết cụ thể ông sinh sống, tồn tại ở địa chỉ nào và bây giờ ở đâu. Quyển sách "Thân thế Phật thầy Tây An và Ngọc Hân Công chúa qua Kim cổ Kỳ quan" được ghi là "Viết xong ngày Mậu Tý, tháng Canh Tý, mùa đông năm Bính Tý", tức ngày 8/11/1966. Sách thuộc loại tự đánh máy, không có giấy phép phát hành của chế độ VNCH, được photo thành nhiều bản rồi trao tay nhau từ trước năm 1975. Từ tựa sách, cho thấy Sripolieu nêu giả thuyết trên dựa vào một quyển sách khác có tên gọi là "Kim cổ Kỳ quan", tác giả là ông Ba Thới. Trong quyển "Thân thế Phật thầy Tây An và Ngọc Hân Công chúa qua Kim cổ Kỳ quan", tác giả Sripolieu cho rằng, ông Ba Thới đã ẩn ý tiết lộ tông tích Phật thầy Tây An trong quyển "Kim cổ Kỳ quan". Ông Ba Thới có tên là Nguyễn Văn Thới đã qua đời từ năm 1925. Ông sinh năm 1866 ở Cao Lãnh, Đồng Tháp, giỏi chữ Nho. Thuở còn trẻ, ông sinh sống bằng nghề "lái rỗi", tức là nghề con buôn thu mua nông, thủy sản dạo. Gặp món gì mua món ấy, mua món nào bán món ấy. Trong một chuyến buôn về vùng Cái Dầu, An Giang, ông gặp Trần Văn Nhu - con trai Quản Cơ Trần Văn Thành. Thời điểm đó, cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bãi Thưa (còn gọi là Bảy Thưa) đã bị Pháp đàn áp, dập tắt. Tuy vậy, ông Nhu vẫn ngấm ngầm tập họp nghĩa sĩ chuẩn bị báo thù cha, phục thù dân tộc, kháng Pháp. Ông Nhu vẫn theo phương pháp của cha dùng lý thuyết tâm linh của Bửu Sơn Kỳ Hương quy tụ nghĩa sĩ. Ông Ba Thới ngộ được chí lớn của ông Trần Văn Nhu nên năm 1905 đã dời cả gia đình về Láng Linh sinh sống. Ông trở thành một quân sư của lãnh tụ kháng chiến Trần Văn Nhu. Ông Nhu dùng chùa Bửu Hương tự còn gọi là chùa Nhà Láng, tức dinh Đức Cố Quản làm nơi họp bàn việc kín. Ngày nay, địa chỉ đó là đền thờ đức cố quản Trần Văn Thành. Mưu sự chưa thành thì năm 1912 mật thám Pháp biết tin. Trong một lần họp kín, nghĩa sĩ đang họp tại Bửu Hương tự thì quân Pháp bất ngờ bao vây. Lãnh tụ Trần Văn Nhu, ông Ba Thới và một số nghĩa sĩ trốn thoát. Pháp bắt được 83 người. Chúng mở phiên tòa kết án giam và đày Côn Đảo 56 người, đồng thời phát lệnh truy nã ông Trần Văn Nhu và ông Ba Thới. Cả hai người thất lạc nhau. Trước tin Pháp cầm tù nghĩa sĩ, trong trạng thái bất lực, ông Ba Thới phẫn uất dùng dao cạo tự cắt cổ mình quyên sinh. Người nhà phát hiện kịp thời đưa ông đi bệnh viện cấp cứu. Do vết cắt đứt gần hết cổ họng, mất máu nhiều, ông mê man bất tỉnh. Khi tỉnh lại, ông cương quyết bứt tháo tất cả những bông băng và đòi về nhà. Ông ra dấu cho người thân rằng: Không sử dụng bất cứ thứ gì của Tây. Người nhà đành đem ông về nhà nằm chờ chết. Điều lạ là vết thương của ông dần hồi phục. Tuy cuống họng đã lành nhưng cổ họng vẫn còn hở, nên cơm ăn vẫn lọt ra ngoài. Trong điều kiện như vậy, ông vẫn tranh thủ sáng tác một số tác phẩm truyền bá tư tưởng "tu lành" và yêu dân tộc. 13 năm sau ông mới qua đời vì chứng bệnh khác. Lúc mưu sự kháng chiến chưa bị lộ, ông có sáng tác một số tác phẩm như: “Thiên tự”, “Cổ vãng kim lai”, “Vân Tiên”… bằng lối thơ thất bát (luân phiên 1 câu 7 từ, 1 câu 8 từ có âm điệu gần giống thơ lục bát). Trong quãng thời gian mang vết cắt ở cổ, ông vẫn sáng tác các tập: “Ngồi buồn”, “Kiểng - Tiên”, “Kim cổ Kỳ quan”, “Cáo thị”, “Tứ đại”, và “Thừa nhàn”. “Kim cổ Kỳ quan” (Những hào quang kỳ lạ từ xưa đến nay) có nội dung ca ngợi lối hành tu theo phái Bửu Sơn Kỳ Hương của Đức Phật thầy Tây An và tiên tri vận mệnh nước nhà (trong bối cảnh thực dân Pháp đô hộ) sẽ độc lập, tự chủ như một cường quốc. Ông dùng hơi hướng tâm linh đưa vào tác phẩm văn học có tính chất sử liệu để tuyên truyền, khơi gợi lòng yêu nước của quần chúng. Trong “Kim cổ Kỳ quan” ông đã ví mối đạo Bửu Sơn Kỳ Hương tương ứng với phong trào áo vải cờ đào của Vua Quang Trung gầy dựng cơ nghiệp Tây Sơn. Những trước tác của ông đều được viết bằng chữ Nôm nhưng được nhiều người truyền tụng như kinh kệ. Chúng tôi đã gặp con cháu nhiều đời của ông Ba Thới. Không ai còn lưu giữ được bản chính của ông bởi một sự cố. Vào những năm kháng Pháp, các tác phẩm của ông Ba Thới hoặc những gì liên quan đến tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa được xem là tài liệu chống chế độ bảo hộ. Sau khi ông qua đời, con cháu cất giấu kỹ trong nhà. Khoảng thập niên 50 thế kỷ XX, một cháu nội của ông Ba Thới là kẻ nghiện rượu, lười biếng. Vì thiếu tiền uống rượu, đã đem cái rương gia bảo của gia đình đi cầm cố cho một người bạn. Thấy chiếc rương cổ, người bạn đồng ý cầm. Khi kẻ nát rượu đi về, người cầm mở rương ra trông thấy những tập thơ. Vốn là một người có học chữ Nôm, ông ta lấy ra đọc rồi thích thú nghiền ngẫm. Một hôm, mưa gió kéo sập ngôi nhà người cầm rương. Nước thấm ướt và xóa mờ rất nhiều trang. Tiếc xót những thi phẩm tôn giáo hay, người cầm rương viết lại. Đến những đoạn chữ nhòe, ông ta chấm lửng. Chép xong, ông ta truyền tay cho bạn bè cùng đọc. Người đọc thấy hay chép tay lại làm của để dành. Những trước tác của ông Ba Thới cứ truyền tay kiểu như thế nên tam sao thất bổn rất nhiều. Khi đến tay cư sĩ Sripolieu thì tác phẩm không còn nguyên nghĩa gốc. Thế nhưng căn cứ vào đó, Sripolieu đã phỏng đoán Đức Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên có tên thật là Nguyễn Quang Mục - con Vua Quang Trung và thân mẫu là Như Ý Võ Hoàng hậu tức Công chúa Ngọc Hân, là "Bà" ở ngôi mộ Cái Nai. ở núi Sam, Châu Đốc. ***Một truyền thuyết lịch sử*** Trong cuốn "Thân thế Phật thầy Tây An và Ngọc Hân Công chúa qua Kim cổ Kỳ quan". Sripolieu cho rằng, Đức Phật thầy Tây An dùng tên Đoàn Minh Huyên để che giấu tông tích của mình đối với tai mắt nhà Nguyễn. Thông tin đó cứ lan truyền từ mấy chục năm nay cho đến khi lương y Trần Hữu Thành có được bản viết tay "Thân thế Phật thầy Tây An và Ngọc Hân Công chúa qua Kim cổ Kỳ quan". Trong phần lời nói đầu, Sripolieu thừa nhận: "Chúng tôi nghiên cứu và giải thích theo bản in bộ Kim cổ Kỳ quan, xuất bản năm 1957 - Giấy phép số 423 -TTT/PKD Sài Gòn, do ông Trần Quang Lâm ở Láng Linh sao chép lại và dịch ra Quốc ngữ vào năm 1947 từ bản chính quyển “Của xưa để lại". Bản chính quyển "Của xưa để lại" do một người khuyết danh chép tay. Căn cứ vào tiểu sử Đức Phật thầy Tây An cho thấy địa chỉ mộ Bà phù hợp với nơi sinh. Điều đó có thể đoán "Bà" trong ngôi mộ là mẫu thân của Đức Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên. Đoàn Minh Huyên sinh vào ngày 14/11/1807 và viên tịch vào ngày 10/9/1856. Trong khi đó, Vua Quang Trung Nguyễn Huệ mất vào năm 1792. Căn cứ vào đó cho thấy, Đoàn Minh Huyên chào đời sau khi Vua Quang Trung Nguyễn Huệ mất đến 15 năm. Trong chính sử cũng không thấy nhắc đến người con nào của Vua Quang Trung Nguyễn Huệ có tên là Nguyễn Quang Mục. Theo chính sử, Vua Quang Trung Nguyễn Huệ và Công chúa Ngọc Hân chỉ có 2 người con là Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Thị Ngọc. Giả sử, Đoàn Minh Huyên thay tên, đổi tuổi để tránh tai mắt nhà Nguyễn thì 12 đồ đệ thân cận nhất của ngài phải biết. Trong khi đó, ông Ba Thới chào đời sau khi Phật thầy Đoàn Minh Huyên viên tịch đến 10 năm (Phật thầy Tây An sinh năm 1807 - viên tịch năm 1856). Chúng tôi đã trở lại mộ Bà một lần nữa để tìm hiểu về tấm bài vị "Hoàng Lê đường -Cung thỉnh - Hoàng Phủ chi - Lê Phủ vị". Lần trở lại này, cô Ba thủ từ cởi mở hơn. Bà cho biết, thời Pháp, ở địa phương có một ông quan phủ tên Bỉnh hồi hưu về địa phương. Tuy giàu nhưng ông sống một mình không vợ con và đã hiến tặng rất nhiều đất cho phủ thờ mộ Bà. Khi ông qua đời, một người cháu họ của ông tên là Ba Chỉ đem gửi bài vị cho chùa hương khói. Có thể ông phủ Bỉnh có họ Lê. Bây giờ con cháu ông đã tứ tán không ai biết cụ thể bài vị đó như thế nào. Cách nay vài năm, con cháu dòng hoàng tộc họ Lê ở Quảng Nam, nghe tin mộ Bà Cái Nai là mộ Công chúa Ngọc Hân đã lặn lội tìm đến tận nơi xem xét nghiên cứu. Sau đó, có lẽ nhận ra điều ngộ nhận đã lẳng lặng bỏ đi. Qua nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm về các giáo phái tín ngưỡng ở vùng Thất Sơn huyền bí, chúng tôi nhận ra rằng các giáo chủ khai đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa đều có chung lòng căm thù ngoại xâm. Họ đã dùng tín ngưỡng, tâm linh để thu phục nhân tâm, khơi gợi lòng yêu nước quần chúng để mưu đồ kháng chiến. Quản cơ Trần Văn Thành cũng sử dụng huyền thoại 5 "ông thẻ" để cắm mốc xây dựng căn cứ địa. Những lãnh tụ khởi nghĩa kháng Pháp như Phan Xích Long, Đạo Tưởng… đều tự xưng mình là "Vua Hàm Nghi tái sanh". Những pháp sư thời nay ở vùng Thất Sơn mỗi khi lên đồng nhập xác cũng thường xưng danh là Quan Công, Tề Thiên hoặc Cử Đa. Không có chứng cứ khoa học biện chứng nào chứng minh mộ Bà ở An Giang là mộ của Công chúa Ngọc Hân cũng như Đức Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên là con trai Vua Quang Trung. Tất cả điều đó chỉ là lời đồn mang tính huyền hoặc. Lịch sử không thể là thứ dùng tâm linh để phán đoán. Hy vọng những tin đồn thiếu cơ sở khoa học đó không còn lý do tồn tại nữa. (Ảnh: Mộ Đức Phật thầy Tây An - Đoàn Minh Huyên tại núi Sam, Châu Đốc).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhận xét của bạn đang được chúng tôi duyệt qua, và chúng tôi sẽ đăng lên trong thời gian sớm nhất! Chào Thân ái!