TỔ ĐÌNH TAM BỬU TỰ Ba Chúc - An giang
♠♠๑۩۞۩๑ -KỲ HƯƠNG TỰ- ๑۩۞۩๑♠♠
Trang này được thực hiện bởi các đồng đạo TỨ ÂN HIẾU NGHĨA - TIỀN GIANG

18 tháng 10, 2011

Doanh nhân Ngô Lợi với vùng đất An Giang

0 nhận xét

Khẳng định công lao khẩn hoang vùng đất An Giang vào cuối thế kỷ XIX của Danh nhân Ngô Lợi

EmailIn

Ngày 30/9 vừa qua, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, hơn 50 nhà khoa học, nhà nghiên cứu của các viện, trường từ các tỉnh, thành phía Nam như Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng và thành phố Hồ Chí Minh đã tham dự Hội thảo khoa học: "Khẳng định công lao khẩn hoang khai phá vùng đất An Giang vào cuối thế kỷ XIX của Danh nhân Ngô Lợi''.


Chùa Tam Bửu
Tại cuộc hội thảo, có 71 báo cáo tham luận của 76 tác giả và đồng tác giả đã làm rõ, khẳng định về thân thế sự nghiệp, những đóng góp của danh nhân Ngô Lợi trong việc khẩn hoang lập làng ổn định dân cư của vùng đất phía Nam, đặc biệt là An Giang, biên giới Tây Nam của Tổ quốc vào cuối thế kỷ thứ XIX. Hội thảo cũng đã nghe báo cáo tham luận của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu về Ngô Lợi. Ông tên thật là Ngô Viện, được người dân tôn kính gọi tên Đức Bổn sư Ngô Tự Lợi hay Năm Thiếp, sinh năm 1830 tại huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Sinh ra trong thời kỳ xóa bỏ phong kiến chuyển sang thực dân thuộc địa vơ vét, bóc lột, đẩy cuộc sống nhân dân vào cảnh lầm than khốn khó, ông đã sớm ý thức tham gia kháng Pháp. Là sỹ phu Cần Vương, tham gia khởi nghĩa ở vùng Mỹ Tho - Tiền Giang, bị giặc truy nã, ông chạy về vùng cù lao Ba thuộc huyện An Phú (An Giang) ẩn thân. Ngô Tự Lợi là người có tâm đạo từ rất sớm, có định hướng tôn giáo và tu hành ngay từ tuổi 20. Ông đã đứng ra thành lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đến ngày rằm tháng 9 (âm lịch) năm 1870, ông được phong danh là Đức Bổn Sư, sau đó dẫn tín đồ vào vùng Thất Sơn - Núi Tượng khẩn hoang, lập thôn An định. Tại đây, ông cùng các tín đồ lập nghiệp, đẩy mạnh truyền đạo kết hợp với điều trị bệnh cho nhân dân và từ đây ông bắt đầu chiêu mộ sĩ phu chống Pháp , thu nhận thêm nhiều tín đồ là những nông dân mất ruộng, nghĩa quân thất trận … đẩy mạnh phong trào ngày càng lớn mạnh, khiến quân Pháp phải nể phục.
Các ý kiến còn khẳng định công lao của ông qua 7 năm đã khai hoang hơn 12.000 ha để lập nên 4 thôn An Hòa, An Thành, An Lập, An Định và xây 7 chùa ở nhiều nơi để nhân dân thu thân, thờ cúng ông bà. Ông còn là người thông minh, tài, đức vẹn toàn; giàu lòng yêu nước thương dân; có công to lớn đối với đất nước bằng những hoạt động đa dạng như khẩn hoang lập ấp để an dân; biết tận dụng vùng rừng núi, biên giới kết hợp kháng Pháp; khai sáng Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Đây là tôn giáo nội sinh đặc thù của vùng 7 Núi An Giang được hình thành và phát triển gắn liền với quá trình di dân, khai hoang lập làng, xây dựng căn cứ kháng chiến, hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích “Học Phật tu thân”, “Tứ đại trọng ân”, “Hòa hợp đoàn kết dân tộc”, với quan niệm tu hành phải hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng, tự rèn tâm sửa tính, làm lành lánh dữ, lấy chữ tín và ân đất nước làm trọng.
PGS.TS Trần Hồng Liên - Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho rằng, Ngô Lợi tập hợp nghĩa quân kháng Pháp lại đứng trong tổ chức Tôn giáo. Để thu hút được lực lượng kháng chiến, ông đã biết dựa vào phong tục, tín ngưỡng của dân tộc và lễ nghi trong Phật giáo, đây là nét đặc thù riêng của lịch sử vùng đất phía Nam của Tổ quốc, rất xứng đáng được tôn vinh là Đức Bổn sư./.

1 tháng 10, 2011

Trang web: Tứ Ân Hiếu Nghĩa - Kỳ Hương Tự - Tiền Giang

0 nhận xét
Đầu tiên xin gửi dến tất cả thân bằng đồng đạo cùng chư huynh đệ đạo bạn đã ủng hộ trang blog nhà "Tứ Ân Hiếu Nghĩa:. Nay chúng tôi xin thông báo:
 Dự Kiến trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ dữ liêu từ trang này về  trang : Tứ Ân Hiếu Nghĩa - Kỳ Hương Tự
hoặc có thể vào trực tiếp link này: hieunghia.tk
Mong các thân bằng đồng đạo cũng như các chư huynh đệ đạo bạn gần xa tiếp tục ủng hộ.
                                                                                    -=Cẩn khải=-

14 tháng 8, 2011

Huyền Thoại Kỳ Bí Ở Thất Sơn

0 nhận xét
http://www.trungthu.us/XuanDinhHoi/Pictures/Tran1.jpg
http://tailieudulich.files.wordpress.com/2010/03/75f42_nui-dai-th-t-s-n-_405.jpg?w=405&h=305
(núi Dài)

Thủy Đài Sơn

Đi vòng quanh núi Tượng, dõi mắt về hướng núi Dài để xem có hòn núi nhỏ nào không. Tìm mãi không thấy đâm chán, trên bản đồ địa phương thì chỉ án chừng nó thuộc cánh đồng Ba Chúc gần núi Tượng hướng ra núi Dài. Tôi bèn dò hỏi dân địa phương thì đến được một nơi giống như cái gò đất nhỏ. Nếu không có thổ địa dẫn đường tôi cũng không tin nó chính là Thủy Đài Sơn hay còn gọi là núi Nước.
Núi Nước là hòn núi nhỏ nhất, nhỏ hơn tất cả những ngọn đồi và núi khác, gần như đất bằng, cao không quá 50m, ở gần núi Tượng. Khi chưa có đê bao chống lũ, vào mùa nước nổi (khoảng tháng 8 đến cuối tháng 10 âm lịch), chung quanh núi này là một biển nước mênh mông, đỏ quạch phù sa. Vì lẽ đó, núi có tên là núi Nước. Ở núi có một ngôi chùa nên được gọi là Thủy Đài Sơn. Chùa tên là chùa Linh Bửu, do Ngô Lợi giáo chủ Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho xây dựng vào ngày 9 tháng 6 năm Giáp Thân (1884).


(Thủy Đài Sơn)

Trong vùng có rất nhiều núi khác khá lớn như: núi Trà Sư, núi Phú Cường, núi Sam, núi Nam Vi… đều lớn hơn núi Nước nhưng không có tên trong Thất Sơn. Núi Nước được người xưa đặt tên và đưa vào Thất Sơn, có thể do sự tác động bởi những quan niệm thần bí, siêu nhiên trong dân gian…
Theo các tôn giáo trong vùng thì Thủy Đài Sơn chính là 1 cây “ếm”, và chính đức Bổn Sư (người lập đạo Hiếu Nghĩa) đã mở cây ếm đó. Tương truyền trên đỉnh núi, thuở xa xưa ai đó đã chôn sâu một trụ đá khắc chữ Tàu, cốt để trấn ếm long mạch, nhưng sau này đã được Bổn Sư Ngô Lợi cho đào lên phá hủy, và sau nữa người ta dựng lên ở đỉnh một con rùa bằng đá và xi măng.
(Rùa Đá trên Thủy Đài Sơn)
Núi tuy nhỏ và có dáng dấp như một hòn non bộ lớn, nhưng núi cũng có một ít cây cổ thụ, một ít hang động nhỏ…

(Cổ Thụ trên Thủy Đài Sơn)
Len qua là những bậc thang của núi, để lên đỉnh – một tảng đá bằng phẳng, cây lâm dồ che rợp mát, đủ để hơn 20 người ngồi sinh hoạt tập thể, ngắm nhìn ra bốn phía ruộng lúa xanh tươi, hưởng trọn không khí trong lành, nhất là vào mùa nước nổi từ tháng 6 đến tháng 10 trong năm. Núi Tượng và quần thể     khu di tích Nhà mồ, chùa Phi Lai, Tam Bửu, đồi Tức Dụp, quần thể căn cứ Ô Tà Sóc – núi Dài đều đã được công nhận di tích cấp quốc gia.

Ngọa Long Sơn

Rời Ba Chúc, tôi chạy dọc theo con đường nhựa đến Tri Tôn. Lúc này bên trái tôi là một ngon núi thật to và dài xa mịt mù. Tôi nhìn vào Googlemap thì thấy núi trải dài từ Đông sang Tây và hao hao dáng con rồng nằm ngủ. Không sai chạy tí nào tôi đã đến được điểm tâm linh kế tiếp: núi Dài.
Núi Dài còn có tên núi Dài Lớn, núi Dài Ba Chúc. Do có dáng như con rồng nằm nên còn có tên là Núi Rồng Nằm hán văn gọi là Ngọa Long Sơn. Đây  là trái núi dài nhất trong Bảy Núi (khoảng 8.000m), cao 580 m, nằm dọc theo tỉnh lộ 955B thuộc bốn xã Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc, Lê Trì của huyện Tri Tôn tỉnh An Giang.
Núi Dài thuộc dạng núi dốc, được hình thành trong thời kỳ tạo sơn mãnh liệt nên núi có độ cao và có độ dốc lớn trên 25 độ. Đỉnh núi gần như bằng phẳng trải dài hơn 8km, khó xác định đâu là điểm cao nhất. Dù trên núi có hai di tích lịch sử quốc gia là điện Trời Gầm và đồi Ma Thiên Lãnh nhưng Ngọa Long Sơn vẫn là con rồng đang yên ngủ bởi chưa khai thác du lịch được. Xưa kia núi Dài từng đầy rẫy ác thú.
Tương truyền vào năm 1819, khi Thoại Ngọc Hầu huy động dân binh xuống đóng trại tại Ba Chúc, chuẩn bị đào kênh nối Châu Đốc – Hà Tiên, đêm xuống tuy người đông song lúc nào cũng phải nổi lửa hoặc đánh động để xua đuổi cọp thường lảng vảng xung quanh. Huyền thoại Thất Sơn còn nói tới con nưa chín mũi (giống như trăn nhưng mũi có tới chín lỗ nhỏ) hết sức hung dữ, có con thân mình to bằng cây cột nhà!
(con nưa)
Núi Dài còn có rất nhiều nương rẫy, vườn cây ăn trái và thắng cảnh. Nhưng đặc biệt hơn cả đó căn cứ Ô Tà Sóc (suối Ông Sóc – theo tiếng Khmer là Tà), một di tích cách mạng đã được xếp hạng.
http://news.image.soixam.com/content/841706_1S.jpg
(Ô Tà Sóc)
(Điện Trời Gầm)
Ô Tà Sóc có nghĩa suối ông Sóc, nằm trên điểm cao của núi Dài, thuộc ấp An Ninh, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, cách thị trấn Tri Tôn 11km. Đây là một vùng sơn lâm hiểm trở, cho nên từ năm 1962 đến năm 1967, nơi này là căn cứ của Tỉnh ủy An Giang với nhiều cơ quan trực thuộc…
Ngoài Điện Trời Gầm, nơi đặt cơ quan Tỉnh ủy, còn có Điện Huỳnh Liên, Vồ Cò, Vồ Cỏ Xã…là nơi những cứ điểm quan trọng. Đặc biệt trên đồi Ma Thiên Lãnh, có hang rộng có thể chứa hàng nghìn người.

(Ma Thiên Lãnh)
Từ căn cứ địa này, Tỉnh ủy An Giang đã chỉ đạo quân và dân tỉnh đánh đuổi nhiều nhóm thổ phỉ và nhiều lần kháng lại các cuộc càng quét của quân đội Mỹ, quân đội Việt Nam cộng hòa…
Trong quần thể của căn cứ Ô Tà Sóc có trên mười địa danh khác nằm trong lò ảng từ chân suối lên gần đỉnh như đội Bảo Vệ, hang Quân Y, Dân Y, hang Tuyên Huấn, Điện đài, Phụ Nữ, Cơ Yếu… và điện Trời Gầm làm văn phòng, hội trường Tỉnh ủy chứa gần cả trăm người ăn ở, sinh hoạt – Là đỉnh cao căn cứ, nằm trải dài theo lòng suối thiên nhiên, hang động kỳ bí, quanh co uốn khúc theo lò ảng hơn 1.000 mét từ chân núi lên, nếu ai đã có nép mình vào địa đạo Củ Chi, thì đây là địa đạo thứ hai vậy.
(cánh đồng rộng lớn dưới chân núi Dài)
Tôi ôm cua 1 vòng rõ lớn quanh chân núi Dài , dân cư vùng này rất thưa thớt, chủ yếu làm ruộng sinh sống. Lát đát đây đó vài căn nhà trồng Thốt nốt và bán Thốt Nốt lạnnh giải khát, vào đây thì yên tâm là Thốt Nốt nguyên chất rồi. Tôi dừng xe bên một quán nhà lá đông khách học sinh đang ngồi nghỉ. Đúng như tôi dự đoán, Thốt Nốt ở đây ngon hơn hẳn đậm đà hương vị không bị pha.Tôi ghé thăm chùa Tà Miệt ở bên đường dưới chân núi Dài. Là chùa Miên nên kiến trúc rất đặc sắc. Mang đậm phong cách Phật giáo pha trộn Hindu.
Núi Dài – Ngọa Long Sơn tuy nằm trong hệ thống Thất Sơn và đang sở hữu căn cứ Điện Trời Gầm, Ô Tà Sóc đã được công nhận di tích lịch sử quốc gia, nhưng trong cái nhìn của người làm du lịch An Giang, nó là chốn hoang vu, hiểm trở, ít tiềm năng. Chính nhờ vậy mà núi Dài còn giữ được nét nguyên sơ, hùng vĩ…

Chức sắc, chức việc, tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa tham gia hội nghị

0 nhận xét

Chức sắc, chức việc, tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa tham gia hội nghị phổ biến pháp luật
Trong hai ngày 14 và 15 tháng 7 năm 2011, gần 160 chức sắc, chức việc, tín đồ đến từ 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã tập trung tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang dự Hội nghị phổ biến pháp luật do Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức.
Tại Hội nghị này, chức sắc, chức việc, tín đồ thuộc Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã nghe báo cáo viên của Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ tỉnh An Giang phổ biến những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.
Là một tôn giáo nội sinh do Đức Bổn sư Ngô Lợi khai sáng năm 1867, Tứ Ân Hiếu Nghĩa được biết đến với truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Ngày nay, theo thống kê sơ bộ, tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa có khoảng gần 80 ngàn người sinh sống ở 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Bình Định trở vào nhưng tập trung chủ yếu ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Về tổ chức của đạo, theo Hiến chương đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã được Nhà nước công nhận có 02 cấp là Đạo hội (cấp toàn đạo) và Gánh đạo (cấp cơ sở). Cũng giống như Bửu Sơn Kỳ Hương, giáo lý của Tứ Ân Hiếu Nghĩa là “Học Phật, tu nhân”, tại gia cư sỹ, giáo luật của đạo là thực hiện Thập nhị lệ sự (12 điều tuân) đó là: Kính thiên địa; lễ thần minh; thờ phụng tổ tiên; hiếu lễ với cha mẹ; tuân thủ luật pháp; tôn trọng thầy dạy; yêu quý anh em giữ tình huynh đệ; tôn trọng tình bằng hữu; giữ gìn lề thói gia phong; đoàn kết xóm giềng; nâng niu tình chồng vợ; quan tâm giáo dục con cái. Tôn chỉ, đường hướng hành đạo là “Hành Tứ ân - Sống Hiếu nghĩa - Vì đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Việc phổ biến pháp luật là một trong những trọng tâm công tác của Ban Tôn giáo Chính phủ trong thời gian qua nhằm trang bị những kiến thức, hiểu biết về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam, trong đó có Tứ Ân Hiếu Nghĩa, một tôn giáo mới được công nhận về tổ chức vào tháng 6 năm 2010. Điều đó cũng khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân, cá nhân, tổ chức tôn giáo theo quy định của pháp luật./.

3 tháng 6, 2011

Ông Trần Văn Nhu (Cậu Hai Nhà Láng)

2 nhận xét


Ông Trần Văn Nhu, trưởng nam của Đức Cố Quản mà người đời gọi là Cậu Hai, cũng là môn nhân của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương, một lòng theo đuổi chí cha. Ông đã theo cha khởi binh chống Pháp, nhưng khi Đức Cố Quản thọ nạn, ông dìu dắt mẹ chạy về Láng Linh, ẩn tích mai danh và nuôi dưỡng mẹ già, vì lúc bấy giờ quân Pháp tầm nã ông rất gắt. Chẳng bao lâu thì Bà Cố Quản mất.
Mộ Trần Văn Nhu, tức ông Hai Nhà Láng, con của lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa Trần Văn Thành.

Về đoạn này, ông Vương Thông, môn đệ của Cậu Hai có thuật lại:

Cậu còn dìu dắt lịnh bà

Đem ra cho khỏi lánh mà lúc nguy.

Thiên cơ trần thế bất tri.

Khiến nên phụ tử chia ly rã rời.

Cậu Hai lời nguyện giữa Trời.

Thuận thời trở lại ẩn đời tu thân.

Phong trần ai cũng phong trần,

Nương theo phước mẹ thảo thân cho toàn.

Lịnh bà về cảnh Tây phang.

Cậu còn ở lại sửa sang chùa chiền.

Về Láng Linh, Cậu Hai lo xây dựng lại ngôi chùa Bửu Hương Tự. Vì không đủ tiền mua gạch cẩn nền chùa, hơn nữa để khỏi quyên tởi của thập phương Cậu Hai đem bán chiếc ghe sáu bổ tục gọi là Ông Sấm của Đức Cố Quản và vòng vàng của Bà Cố. Từ đấy Cậu Hai tiếp tục công trình hoằng hóa lợi sanh của Đức Phật Thầy Tây An. Cậu dùng cái ấn Bửu- Sơn Kỳ- Hương của Đức Phật Thầy trao cho Đức Cố Quản mà in lòng phái phát cho môn nhơn đệ tử. Cậu thu nhận nhiều đệ tử lỗi lạc như ông Nguyễn Văn Thới tục danh ông Ba Thới tác giả Kim cổ Kỳ quan, ông Vương thông ở núi Két, tác giả bài Sám giảng về Đức Cố Quản.

Năm Quý Sửu (1913) nhân có cuộc lễ kỷ niệm ngày chiến đấu của quân Gia nghị và cũng là ngày Đức Cố Quản mất tích (21 tháng 2 âm lịch)., tín đồ Bửu- Sơn Kỳ- Hương tụ hợp rất đông ở Bửu Hương Tự.

Cậu Hai có một người cháu tên là Nguyễn Văn Phẩm thường gọi Sáu Phẩm, vì có lòng ganh tỵ với những môn đệ được Cậu Hai tin cậy, nên lén mật báo với nhà cầm quyền Pháp ở tỉnh Châu Đốc rằng Cậu Hai mưu toan khởi nghĩa. Quân Pháp ập đến bao vây Bửu Hương Tự, nhưng nhờ có Trần Văn Chánh, con nuôi của Cậu Hai cõng cậu thoát khỏi vòng vây. Quân Pháp bắt tất cả 56 người, trong đó có 36 người bị án 13 tháng tù còn kỳ dư 20 người kia chống án và bị đày đi Côn đảo.

Sau khi vượt khỏi vòng vây. Cậu Hai được đưa ra Cái Dầu rồi xuống ghe thẳng đến xã Kiến An. Ở đây không bao lâu, vì quân Pháp gắt gao truy nã, nên Cậu Hai lên tận Nam Vang lánh nạn, cải trang giả dạng làm người khách trú. Nhưng liệu ở Nam Vang không tiện, Cậu trở về nương ngụ ở Cần Thơ, sau đó vào Trà bang thuộc tỉnh Rạch giá rồi tịch nơi đó.

Mặc dù thể xác trả về cho cát bụi. Cậu Hai Trần Văn Nhu đã thể hiện được tinh thần bất khuất của một tín đồ Bửu- Sơn Kỳ- Hương, trung thành với pháp môn Tu Nhân Học Phật, một lòng tận trung báo quốc, cùng cha khởi nghĩa cần vương, kháng chiến chống Pháp.

Ông Vương Thông đã tả cuộc đời của Cậu Hai trong mấy câu:

Láng Linh Cậu ở lần hồi.

Lập chùa cầu Phật dạy thôi lời lành.

Quản cho thân phận rách lành.

Lần hồi rẫy bái chư thành thầy ghi.

Như vầy mới trọn đạo nghi.

Ngay vua thảo chúa kinh vì Thành Tiên.

19 tháng 2, 2011

Linh Thứu Cổ Tự

0 nhận xét

Chùa Sắc Tứ Linh Thứu
Xã Thạnh Phú, H.Châu Thành, T.Tiền Giang
ĐT : (073)3893080

-//-

HUYỀN THOẠI VỀ THIỀN SƯ NGUYỆT HIỆN VÀ CHÚA NGUYỄN PHÚC ÁNH:



“Sắc vua phong tặng bảng vàng.
Trang nghiêm Phật Pháp vẻ vang quê nhà”



Năm 1984, Quan Trung Nguyễn Huệ vị anh hùng dân tộc đại thắng quân Xiêm ở trận Rạch Gầm Xoài Mút. Nguyễn Ánh thất trận, quây Tây Sơn đuổi theo gấp rút. Chúa Nguyễn cùng Nguyễn Huỳnh Đức ngẫu nhiên đến chùa Long Nguyên, gặp thiền sư Nguyệt Hiện.

Chúa tôi trang phục như kẻ thường dân, không để rõ tung tích. Nhưng Thiền Sư Nguyệt Hiện là người thông minh, xem dung mạo cử chỉ xét tình thế hiện tại cũng đã thầm nghi…

Vì lặn lội gió sương, Nguyễn Ánh phải chứng thương hàn, ăn ngủ không an, tinh thần suy kém. May thay, sư trụ trì rất giỏi dược thảo, do tâm từ bi nên hết lòng điểu trị. Vài hôm sau, Chúa Nguyễn Ánh vừa khỏe thì quân Tây Sơn đuổi đến ruồng bắt. Lạ thay ! Cửa chùa lúc ấy nhện giăng cả lối vào, cảnh vật hoang vắng đìu hiu như từ lâu không người để chân đến vậy.

Trong chùa Chúa tôi hoảng hốt chưa biết nơi nào ẩn thân. Hòa Thượng Nguyệt Hiện sực nhớ Đại Hồng Chung trên Đại Điện, bảo Chúa vào đó lánh nạn… (1)





Cơn kinh hải qua rồi Chúa ở lại chùa vài ngày bệnh tình huyên giảm, lại có giống chim linh cứ đậu chung quanh chùa kêu mãi (2). Hòa thượng đoán biết điềm chẳng lành nên bảo người khách lạ lánh đi nơi khác. Quả nhiên hôm sau quân Tây Sơn kéo đến lục soát chùa. Nguyễn Phúc Ánh may nhờ có chim linh mà được thoát nạn…(3)




Chuyện kể lại rằng : sau này, khi lên ngôi Vua, Nguyễn Phúc Ánh nhớ ơn cũ đã sắc tứ cho chùa…

Ngày nay trong chùa còn có câu đối treo ở chánh điện nhắc đến chuyện « Sắc Tứ »

- Sắc ngự định : « Long Tuyền, thịnh hỹ đạo tràng thuận cảnh hoằng khai thanh tịnh cảnh »
- Tứ phê tướng : « Linh Thứu phú tại Phật Pháp bình tâm phát nguyện diệu huyền tâm »

Hân hạnh thay chùa Long Tuyền thời bấy giờ « Án tuệ nghiêm trang, cửa Thiền tịch tịnh », Quyển Đại Nam nhất thống chí Định Tường, mục tựu quán có nói đến chùa Linh Thứu như sau :

Ở địa phận xã Thạnh Phú, huyện Kiến Hưng chùa này đã tối cổ mà còn có danh thắng. Năm Gia Long thứ 10 (1811). Ngự tứ tên là Long Tuyền Tự…

Năm Thiệu trị nguyên niên (1841) đổi lại tên chùa là Linh Thứu Tự.





Từ buổi khai sơn cho đến bây giờ, trải qua trên 15 đời trụ trì và mãi mãi về sau trên quê hương Tiền Giang vẫn còn câu chuyện này và ngôi Chùa cổ Linh Thứu vàng son trong chánh pháp từ bi cứu khổ với ý nghĩa :

« Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tiên »


PL 2548 năm Giáp Thân DL 2004
Trụ trì. Tỳ Kheo Thích Nữ Như Minh.




TIỂU SỬ TÓM TẮT SẮC TỨ LINH THỨU CỔ TỰ


Đây là ngôi chùa cổ ở Xã Thạnh Phú, Huyện Châu Thành, Tiền Giang.

Lúc đầu chùa chỉ là một cái am nhỏ bằng tre lá do bọn trẻ chăn trâu lập nên, vì thế được gọi là Chùa Mục Đồng. Mãi đến năm 1722, có một nhà sư từ miền Trung vào tên là Nguyễn Phước Chánh, pháp hiệu là Nguyệt Hiện đến trụ trì, ông này rất giỏi thuật phong thủy, sau khi xem xét thế đất ông cho rằng chùa được dựng trên mạch suối rồng, ắt sẽ có chơn mạng đế vương đến ngự. Nghe thế Hòa Thượng Nguyệt Hiện cho đặt tên chùa là Long Tuyền Tự, tức là Chùa Suối Rồng.

Cũng tương truyền rằng sau khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh bại tại đoạn Sông Tiền từ Rạch Gầm đến Rạch Xoài Mút (1785), ông đã bỏ thuyền lên bờ chạy trốn. Bị truy đuổi ráo riết, ông phải chạy vào Chùa Long Tuyền Tự lánh nạn trong chiếc chuông đồng (Đại Hồng Chung). Lúc Nguyễn Ánh ngồi, Nguyễn Huỳnh Đức cùng Hòa Thượng và chú Điệu thả chuông xuống. Linh hiển thay, nhện đâu giăng phủ, bụi đất bám đầy chuông. Khi quân Tây Sơn kéo đến xô mãi mà chuông không lay động đành bỏ đi tìm nơi khác, vậy là Nguyễn Ánh thoát nạn.

Năm 1802, sau khi dẹp được nhà Tây Sơn Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long.

Năm 1811, nhớ lại ngôi chùa đã từng cứu mạng mình nên vua Gia Long ra sắc chỉ đặt lại tên chùa là Long Nguyên Tự tức là Chùa Bãi Rồng, và phong cho Hòa Thượng, ông Nguyễn Phước Chánh, người che chở cho vua thoát nạn, hàm ân là Mẫn Huệ Thiền Sư Đại Lão Hòa thượng, cấp ruộng đất, 10 người dân phu cho chùa và xem đây như là chùa của nhà vua.








Đến năm 1841, Vua Thiệu Trị cho đổi tên chùa thành Linh Thứu Tự, chữ Linh Thứu nói trên, tiếng phạn là Kỳ Xà Quật, tên của một hòn núi mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thường thuyết pháp khi xưa. Còn dân gian thì quen gọi là chùa Sắc Tứ là chùa được bảng vàng của nhà vua phong cho.

“Sắc vua phong tặng bảng vàng
Trang nghiêm Phật Pháp vẻ vang nước nhà”

Chùa đã trải qua hai lần trùng tu qui mô:
Lần thứ nhất vào năm 1890 do Hòa Thượng Chánh Hậu trụ trì.
Lần thứ hai vào năm 1974, để cho chùa có diện mạo đẹp đẻ như ngày hôm nay.

Chùa Sắc Tứ từ khi thành lập đã trải qua 15 đời truyền tự:
- Hòa Thượng Nguyệt Hiện (1722-178)
- Hòa Thượng Trí Huệ (1789-1811)
- Hòa Thượng Thoại Lâm (1811-1832)
- Hòa Thượng Huệ Thắng (1832-1854)
- Hòa Thượng Liễu Kim (1854-1869)
- Hòa Thượng Trí Hoàng (1869-1880)
- Hòa Thượng Chánh Hậu (1880-1897)
- Hòa Thượng Chí Thành (1897-1923)
- Giáo Thọ Chơn Huệ (1923-1935)
- Hòa Thượng Thành Đạo (1935-1951)







Đến 1951 chùa Sắc Tứ trở thành chùa Ni, từ đó chùa được 3 Ni trưởng thay nhau trụ trì :


- Ni trưởng Như Nghĩa.
- Ni trưởng Thông Huệ.
(Hai Ni trưởng đã viên tịch và được thờ ở hậu tổ).
- Viện chủ trì Ni trưởng Như Chơn đến 1994 vì tuổi già sức yếu, nên
- Ni sư Thích Nữ Như Quang kế thừa trụ trì (đến 1996 thì viên tịch).
- Năm 1996 Ni Sư Thích Nữ Như Mình trụ trì.
Từ buổi khai sơn và mãi mãi về sau, quê hương Tiền Giang vẫn còn lưu truyền câu chuyện này, ngôi chùa cổ Linh Thứu vàng son trong chánh pháp từ bi cứu khổ chúng sanh. Với ý nghĩa :


"Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tiên".

TRỤ TRÌ – NI SƯ THÍCH NỮ NHƯ MINH
ĐC: Xã Thạnh Phú, H.Châu Thành, Tỉnh Tiền Giang
ĐT: (073) 3.893080