TỔ ĐÌNH TAM BỬU TỰ Ba Chúc - An giang
♠♠๑۩۞۩๑ -KỲ HƯƠNG TỰ- ๑۩۞۩๑♠♠
Trang này được thực hiện bởi các đồng đạo TỨ ÂN HIẾU NGHĨA - TIỀN GIANG

27 tháng 12, 2012

Thám hiểm thánh địa pháp sư Đông Nam Á

0 nhận xét
  Từ xưa, cái tên Tà Lơn trở thành một "thương hiệu uy thế" đối với những người tín ngưỡng huyền thuật ở khu vực Đông Nam Á. Họ tin rằng, những pháp sư có quá trình tu luyện tại núi Tà Lơn mới tài giỏi thật sự. Vì vậy, sau một thời gian dài học pháp thuật nhuần nhuyễn tại quê nhà, những đồ đệ huyền thuật ở các nước này đều khăn gói đổ về núi Tà Lơn, chui vào hang sâu giữa rừng thẳm để… tốt nghiệp cấp đại sư.
  Không ít người đã bỏ mạng trong quá trình tu luyện tại đây rồi được giới huyền thuật phong "thánh". PV đã "phượt" đến tận đỉnh núi này để tìm hiểu sự thật.
  • Điềm chỉ của một pháp sư Việt

Trước khi sang đất bạn thám hiểm thánh địa Tà Lơn, tôi ghé thăm một ông bạn già tên Chín, cư ngụ ở Tri Tôn, An Giang. Trong giới huyền thuật ở miền Tây Nam Bộ, ông Chín được nhiều nhiều người biết tiếng vì ông đã từng sang Tà lơn luyện phép. Ông Chín cũng rất nổi tiếng ở địa phương vì hàng chục lần bị kiểm điểm tội truyền bá mê tín dị đoan. Với ông, phép thuật không thuộc loại "mê tín dị đoan" mà là một "nét văn hóa tâm linh của người xưa truyền lại". Do mải mê luyện bùa, ngải, phép thuật từ nhỏ nên ông không được đến trường học văn hóa. Tất nhiên, ông mù chữ loại nặng.

Dù mù tất cả các loại chữ viết chính thống trên thế giới nhưng ông lại rất rành các loại chữ bùa, từ chữ bùa Pàli đến chữ bùa Phạn, bùa Lèo, bùa Năm Ông, bùa Lục Sơn (chữ Kh'mer cổ)… Ông đã từng hội ngộ với rất nhiều đại pháp sư khu vực Đông Nam Á tại đỉnh núi Tà Lơn. Những lần hội ngộ như vậy, ông và các đại pháp sư khác quốc tịch, dị biệt ngôn ngữ phải nói chuyện với nhau bằng "tiếng bùa" và "bắt ấn quyết" (tức ra dấu).

Trình độ văn hóa của ông Chín là con số không nhưng trình độ về bùa, chú, ngải thì thuộc đẳng cấp "đại sư". Ông Chín khẳng định, ai cũng biết đường lên đỉnh Tà Lơn nhưng đường đến nơi tu luyện của các pháp sư thì chỉ có giới pháp sư thuộc đẳng cấp trung sư mới có quyền biết. Đó là những địa điểm bí ẩn chưa có trên bản đồ. Ông từ chối tháp tùng, mặc dù tôi đề nghị một cái giá bồi dưỡng khá cao. Không chịu đựng nổi sự nài nỉ quyết tâm của tôi, ông đành vẽ một bản sơ đồ kèm lời khuyên: "Chú cứ chạy xe gắn máy qua bển. Đường xe hơi rộng mênh mông nhưng giá thuê rất mắc. Với xe gắn máy, chú có thể luồn lách nhiều chỗ và chủ động thời gian đi".

Tôi quyết định mang xe gắn máy sang đất bạn đề chinh phục đỉnh Tà Lơn.
Một đạo sĩ người Việt tu luyện nơi hang này và viên tịch,
được người địa phương phong thánh, tạc tượng.
Ông Chín diễn giải, theo tiếng Kh'mer thì "Tà Lơn" có nghĩa là "Ông thần lớn", tức là vua của các vị thần linh. Đối chiếu với văn hóa tâm linh Việt và tiếng Việt thì "tà" không có nghĩa tương xứng. Một số người cho rằng dịch nghĩa "tà" sang tiếng Việt là "thần hoàng bổn cảnh". Tuy nhiên đối chiếu theo văn hóa tín ngưỡng thì điều này sai biệt rất xa. Với người Kh'mer, ông "Tà" là một pháp sư tài giỏi nhất khu vực. Ông Tà dùng huyền thuật trừng trị bất kỳ ai dám chống lại ông, kể cả dân làng. Nếu ai tuân phục ông Tà sẽ được huyền thuật của ông ta bảo vệ. Ông Tà rất nóng tính và hung dữ.

Còn "thần hoàng bổn cảnh" của người Kh'mer luôn luôn là phụ nữ. Theo truyền thuyết Kh'mer, dãy núi Lục Sơn Tà Lơn do một vị thánh nữ được gọi là Veang Kh'mau "cai quản". Người dân Kh'mer sinh sống dưới chân núi Tà Lơn cho rằng, chủ của đất đai vùng này là hoàng tộc Monivong (quốc vương Campuchia) nhưng khai khẩn vùng này là do một người phụ nữ Việt tên Nàng Mau. Ngày xưa, người dân vùng này chỉ biết hái lượm. Nhờ Nàng Mau dạy trồng lúa nước nên người dân không còn đói kém nữa. Và họ đã tôn người phụ nữ này làm vị thánh đại diện cho lòng nhân ái. Người ta đã xây một bức tượng Veang Kh'mau cao khoảng 20 mét đặt trên đỉnh Bokor.
  • Tiểu sử “thành phố ma”
Dãy núi Tà Lơn gồm 6 ngọn và ngọn chính có cái tên là Phnom Bokor, có nghĩa "Núi voi". Từ năm 2005, Chính phủ Campuchia đã quy hoạch Pokor - một trong 6 ngọn vùng núi hoang sơ này thành khu du lịch: Đền thờ Monivong - Công viên quốc gia Bokor. Đến đầu năm 2011, khu du lịch này mới hoàn tất cơ bản và đưa vào khai thác du lịch tâm linh. Vì thế, muốn vào núi phải mua vé. Giá vé vào "cổng trời" chỉ 2.000 real, tương đương 6.000 VNĐ.

Đường từ chân lên đỉnh núi dài 33 km được tráng nhựa rất phẳng, đẹp và hiện đại. Đó là con đường độc đạo lên núi. Những cung đường ưỡn ẹo trên những con đèo sâu hun hút và nhiệt độ khoảng 20oC khiến tôi có cảm giác như mình đang chạy xe trên đoạn đèo Đà Lạt.

Năm 1890, thực dân Pháp truy lùng một số người Việt Nam ẩn cư giữa rừng sâu trên đỉnh núi. Khi đó, họ phát hiện khí hậu vùng hoang sơ này rất lý tưởng cho việc nghỉ mát. Đến năm 1921, sau 9 tháng xây dựng, Pháp biến vùng rừng hoang thành một thị trấn trên núi mang tên tiếng Anh là Bokor Hill gồm: Nhà thờ Thiên Chúa giáo, bưu điện, bệnh viện, khách sạn. Các pháp sư bị nhà cầm quyền cầm tù. Những cái am, những hang động tu luyện của các pháp sư đều bị bỏ hoang phế. Một số pháp sư chạy sâu vào rừng tìm những hang động vắng tiếp tục tu luyện.

Ẩn dưới bãi đá là hàng ngàn hang động.

Đến năm 1940, thất trận trước quân đội Nhật hoàng, thực dân Pháp co cụm về Phnôm Pênh, bỏ hoang thị trấn Bokor Hill. Sau năm 1945, khi Campuchia độc lập, nhà vua Shihanuk (cha) đã cho xây một cung điện nghỉ dưỡng ở đây và tái sử dụng các công trình của Pháp. Nhưng đến thời Kh'mer Đỏ diệt chủng, toàn bộ thị trấn nhỏ này bị phá hoang tàn. Khi Campuchia được giải phóng khỏi nạn diệt chủng của Pôn Pốt, người ta đã bỏ quên vùng núi hoang vắng này một thời gian dài. Suốt thời gian đó, chỉ có các pháp sư và tín đồ của họ thỉnh thoảng đi lên núi theo những con đường mòn hiểm trở để cúng bái và truyền phép thuật.
Bất ngờ năm 2001, đạo diễn Hollywood Matt Dillon nghe câu chuyện về Bokor bởi một đạo sĩ người Myanmar đã từng tu luyện nơi đây. Năm 2002, Matt Dillon cùng đoàn phim của ông đến tận Bokor thực hiện bộ phim City of Ghost.

Bộ phim nổi tiếng đến nỗi, từ năm 2003, dân Tây du lịch đến Campuchia đều đòi đến thăm "thành phố ma". Rừng thẳm, non cao của Bokor bị đánh thức.

Hiện giờ, trên đỉnh Bokor, cung điện Hoàng gia đã được xây dựng lại thành Bokor casino và một cụm phức hợp khách sạn casino Thansur Bokor Highland phục vụ du khách ngoại quốc hoạt động ngày đêm.

Các điểm am, miếu tu luyện của pháp sư thời xa xưa trở thành một quần thể du lịch tâm linh không thể thiếu của Bokor.

Tuy nhiên, theo thông lệ hàng năm, các pháp sư Đông Nam Á vẫn tìm về Bokor đi sâu hơn vào rừng, tìm những hang động hoang sơ để thu nạp tinh - khí - thần của vùng thánh địa.

  • Huyền thoại những hang động vô danh
Bỏ qua quần thể casino hiện đại tấp nập người xe, tôi tiếp tục tiến cao hơn về đỉnh núi, tại một ngã rẽ, có tấm biển hướng dẫn đến ngôi chùa Wat Sampov Pram mà giới pháp sư Việt gọi là chùa Năm Thuyền hoặc Nam Thiên. Đó chính là nơi "đắc đạo" của nhiều giáo chủ tôn giáo xuất xứ từ miền Nam Việt Nam và cũng là nơi luyện phép thần thông của các pháp sư vùng Đông Nam Á.

Trong các thư tịch, di ngôn, di tự của Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên - Giáo chủ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương; Bổn Sư Núi Tượng Ngô Tư Lợi - Giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa; Phật Trùm, Phật sống Cử Đa, Giáo chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ, Phật sống Trúc Lâm Nương, Trịnh Công Hương v.v… cho thấy các vị này đều đạt chánh quả, đắc đạo ở ngôi chùa Năm Thuyền này.

Những pháp sư nổi tiếng trước năm 1960 ở miền Nam như Thợ Đức Lỗ Ban; Ông Ba "bùa gồng"; tướng cướp Đơn Hùng Tín; Đông Cung Phan Xích Long và rất nhiều vị đại pháp sư khác cũng đã từng sang khu vực Năm Thuyền luyện phép.

Một bát hương dành cho người "đắc đạo".

Theo các tài liệu của các pháp sư Việt thì đó là một ngôi am nhỏ do Vua Monivong xây cất vào năm 1924 cho Hoàng tử Pre Thoong đến tu luyện. Pre Thoong được một đại pháp sư người Việt có tên thường gọi là Ba Gang hướng dẫn vào đây luyện phép tiên. Do nơi đây có 5 tảng đá hình chiếc thuyền nên được gọi là Năm Thuyền. Ông Ba GangCử Đa là hai phó tướng của Quản cơ Trần Văn Thành - người chỉ huy cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa trong giai đoạn chống thực dân Pháp (1867 -1868). Sau khi kháng địa bị thất thủ, Quản cơ Trần Văn Thành tử trận, Cử ĐaBa Gang về núi Tà Lơn tu luyện phép thuật chờ thời cơ. Lần lượt họ viên tịch tại nơi này và được dân địa phương đúc tượng phong thánh.
Ngày nay, Năm Thuyền không còn là ngôi chùa hoang vắng, u tịch. Nhà đầu tư đã xóa hầu hết dấu tích người Việt và "cải biên" thành một khu du lịch tấp nập người. Họ đã biến tượng Cử Đa và tượng Ba Gang thành "Phật Kh'mer". Ông "lục cả" trụ trì ngôi chùa là người Việt Nam cũng không còn.

Lần theo sơ đồ ông Chín "thầy pháp", tôi rời chùa Năm Thuyền, tiếp tục đi sâu xuống vực núi để đến một nơi đặc biệt. Đó là nơi có nhiều hang động huyền bí dành cho những pháp sư "thi tốt nghiệp cấp đại sư".

Vượt qua con suối, trước mặt tôi hiện ra một bãi đá rộng đến hút tầm mắt. Bãi đá mang nhiều hình thù quái dị chen lẫn với những loài cây cỏ dại. Hàng ngàn khối đá đa hình thù xếp chồng lên nhau tạo thành những cái am thiên nhiên lý tưởng và yên tịnh.

Dù đang giữa trưa, mặt trời đứng bóng nhưng ánh nắng rất dịu mát. Thỉnh thoảng, một làn mây xám bao phủ khiến cảnh vật trời đất trở nên âm u huyền bí. Tôi có cảm giác như mình đang lạc vào cảnh thượng giới. Tôi đi sâu vào bãi đá khoảng 1.000 mét. Ẩn dưới những khối đá, hàng hàng lớp lớp hang động sâu hút. Rất nhiều hang có dấu tích con người. Trước cửa một số hang ai đó đã đặt một bát nhang. Ông Chín "thầy pháp" đã từng kể cho tôi nghe chuyện một số pháp sư đến đây luyện phép và chết luôn trong hang. Với trường hợp như vậy, các pháp sư cho rằng, người chết đã đạt chánh quả và được phong thánh. Tuy nhiên, do không để lại tên tuổi nên các pháp sư đến sau gọi chung những "vị thánh" này theo tiếng Kh'mer là "tà phnum", có nghĩa là thần núi.

Lấy can đảm, tôi thử chui xuống một hang có bát nhang. Cửa hang hẹp vừa vặn thân người nên bên dưới hang tối đen như mực. Chân tôi chạm một phiến đá phẳng khoảng 1m2. Qua ánh đèn pin, tôi thấy trên phiến đá vẫn còn sót lại vài mẩu ngải khô, vài mẫu vải mục đã biến màu. Bên cạnh phiến đá còn có một khe đá sâu hun hút. Không mang theo dụng cụ leo núi, tôi đành bỏ cuộc rời khỏi hang.

Tình cờ khi trở về chùa Năm Thuyền, tôi gặp được một người đàn ông.

Ông tên Vang, 46 tuổi, cư ngụ tại phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, thuộc phái Trà Kha. Ông Vang vừa hoàn tất ngày luyện phép thứ 49 dưới một hang nơi bãi đá. Ông vui vẻ cho biết, nếu tôi đến đây sớm trước một tháng sẽ gặp ít nhất 20 pháp sư như ông ta. Giờ họ đã rời núi, chỉ còn mỗi mình ông ở lại cúng bái tạ ơn các "lục tà" ở chùa Năm Thuyền.

(Nguồn: tinmoi.vn)

Hội luyện phép và 36 ngôi mộ người Việt trên đỉnh Tà Lơn

0 nhận xét
Thêm chú thích

Ngoài dấu tích chùa Năm Thuyền, tại đỉnh Bokor còn rất nhiều địa chỉ mang tên thuần Việt như điện Minh Châu, điện Bình Thiên, điện Bàn Ngự, điện Tứ Giao… Đó là dấu tích của những người Việt xưa tu luyện phép thuật nơi này. Ngày nay, những cái tên đó đều được người bản địa "Kh'mer hóa" thành Mik Clau (Minh Châu), Bin Thi (Bình Thiên).

Cho đến tận bây giờ, người Kh'mer vẫn tin rằng, những "lục tà" người Việt có công khai mở thánh địa phép thuật vẫn còn "trụ trì trong không gian". Còn các pháp sư khu vực Đông Nam Á vẫn chọn nơi đây làm "trường thi tốt nghiệp" hàng năm.


  • Lễ hội luyện phép vặt sa
Nhận ra tôi là đồng hương, lại có "tín vật" đồng môn, ông Vang vui vẻ bắt chuyện. Ông Vang đưa tôi trở lại "kham maya kul" tức quần thể hang động luyện phép thuật. Chúng tôi vạch lá, len khe đá để đi mất nửa giờ đồng hồ mới đến nơi.

Trên đường đi, Vang "khai ngộ" cho tôi. Vang nói: "Khi Nam Tông Phật giáo đồ kết thúc mùa kiết hạ vào ngày rằm tháng 9 thì giới pháp sư bắt đầu vào mùa vặt sa. Vặt sa gần giống với nghĩa kiết hạ của Phật giáo. Vặt sa kéo dài 45 ngày kể từ rằm tháng 9 âm lịch đến kết thúc tháng 10 âm lịch hàng năm. Từ ngày đầu tiên của tháng 10 âm lịch là vào lễ vai xu pa na di ka, mà một số người gọi tắt là vai xu. Ông biết tại sao pháp sư chọn kết thúc mùa kiết hạ mới vào mùa vặt sa không? Bởi thời điểm đó, các hồn ma âm binh vừa được thấm nhuần đường tu. Tranh thủ lúc đó, mình lôi kéo họ về phủ phục dưới trướng mình".

Vang dẫn tôi qua khỏi khu vực hang mà tôi từng biết rồi tiến thật sâu vào "kham maya kul", đến tận mép một thung lũng sâu hun hút. Xuống đến lưng chừng thung lũng, trước mặt tôi là một quần thể hang động đầy vết tích con người: Chân nhang, tàn thuốc lá, chai nhựa, giấy vàng mã, tiền âm phủ vương vãi khắp nơi giống như vừa trải qua một đám tang tập thể. Vang giải thích: "Bãi kham bên ngoài dành cho những pháp sư mới đến luyện phép lần đầu. Ở đây chỉ có những pháp sư cao tay ấn luyện. Yếu nghề lò mò vào đây mà không có sư phụ đi kèm, ngồi 1 giờ là hồn xiêu phách lạc, bỏ chạy ngay. Đã từng có người chịu không nổi âm khí bị điên luôn".

Tôi vờ tin những lời Vang nói. Từ một cửa hang nhìn ra ngoài, kẻ không tin tâm linh cũng sởn gai ốc chứ đừng nói đến những người tín ngưỡng tà thuật. Vực thẳm sâu hun hút, vách núi dựng đứng, Thỉnh thoảng mây từ dưới thấp dâng lên bao trùm khiến không gian tối sầm. Gió len vào khe đá tạo thành âm thanh như ma rên, quỉ khóc… Nếu tịnh tâm không tốt, không điên mới là lạ.

Có lẽ e ngại tôi bị quỷ nhập, Vang xòe hai bàn tay ra trước mặt rồi cong ngón cái và ngón giữa lại như sắp búng lỗ mũi ai đó trong khoảng không, miệng hô chú thật lớn. Âm thanh vọng xuống thung lũng dội lên như phát ra từ cõi vô hình: "An xáng bang da màm a căm căm ú bà da da ba xa to bà ti ka rit xà mì..ì..ì". Sau này, tôi mở băng ghi âm nhờ một nhà sư Kh'mer trụ trì chùa Ph'nom Phi ở Tri Tôn (An Giang) dịch dùm: "Hỡi những thần linh, chánh thần, tà thần. Nếu nghi ngờ điều gì thì mong các ngài chỉ bảo".

Vang cho biết, đây là lần thứ 5 ông tham dự hội vặt sa ở đỉnh núi thiêng này. Nhiều người cho rằng, hội vặt sa Tà Lơn là một cuộc thi đấu tay đôi phép thuật của những pháp sư. Vang chưa từng biết những cuộc đấu đó nhưng vẫn khẳng định: Không thể có. Đã thi đấu tranh tài cao thấp thì không nhất thiết phải đến đỉnh Tà Lơn này. Đã đến đây, hận thù trần gian phải được rũ bỏ.

Một cửa "kham".

Đối với giới pháp sư, ngoài chuyện Tà Lơn là nơi có dấu tích những bậc Phật, Thánh đạt chánh quả, còn có yếu tố "chính huyệt" của khu vực Đông Nam Á. Họ cho rằng, nơi đây là điểm tập trung linh khí trời đất nên con người dễ hấp thu đầy đủ tinh, khí, thần của vũ trụ. Vì những yếu tố đó, các sư phụ luôn đưa đệ tử lên đây để kiểm tra khả năng tu luyện. Nếu vượt qua được kỳ vặt sa, kể như đạt cấp đại sư, đủ trình độ làm thầy. Với những người đạt bậc đại sư cũng đến đây để tôi luyện một món "đồ" (Bảo bối có ẩn chứa phép thuật) hoặc nâng cấp một tuyệt kỹ phép thuật nào đó.

Thông thường, những người dự hội mời một vị cao tăng Campuchia (nước chủ nhà) đứng ra chủ trì "trường thi". Trước khi vào hội, các pháp sư tự chọn và đánh dấu một cái hang rồi mời vị cao tăng chủ trì đi từng hàng làm phép trấn ếm. Sau khi trấn ếm xong các hang, vị cao tăng này phối hợp cùng các sư phụ cộng lực, đồng loạt bày trận địa phù phép, "giăng lưới" khắp bầu trời để truy tìm những ác quỷ, yêu tinh ẩn nấp, "trói" lại nhốt chung vào một cái chum sành có nắp. Vị chủ trì sẽ đem cái chum đó về chùa của mình làm "chiến lợi phẩm". Đám ác quỷ, yêu tinh sẽ được vị cao tăng đó trì chú đến khi thuần phục mới được thả ra làm ôsin "phần âm" cho chùa.

Khi đã trấn ếm an toàn, các sư phụ lùa đệ tử vào từng hang bắt đầu tu luyện. Mỗi đệ tử chỉ được phép mang theo 1 lít nước và một số củ ngải làm thực phẩm. Trong thời gian 45 ngày, nếu bước ra khỏi động, xem như bỏ cuộc thi và bị đánh rớt. Người nào vượt qua được, xem như "tốt nghiệp". Người nào hóa điên được cao tăng chủ trì rước về chùa nuôi suốt đời để trục vong. Họ cho rằng, người yếu tay ấn sẽ bị ác quỷ, yêu tinh nhập vào người khiến điên loạn. Người nào chết luôn trong động, xem như đã đạt cực đỉnh thông tuệ. Cả hội xúm lại trì chú tôn người chết làm thánh, thần.

Trong 5 lần tham dự "đại hội", Vang từng chứng kiến 2 trường hợp "hóa thánh" và 3 trường hợp hóa điên. Trong đó có 1 người Thái Lan chết và 2 người Kh'mer hóa điên. Số còn lại thuộc về người Việt Nam.

Kết thúc hội vặt sa, người nào "tốt nghiệp" sẽ được cao tăng chủ trì trao một "ấn vật" và một giấy chứng nhận có con dấu của Tổng hội Phật giáo Vương quốc Campuchia. Với giấy chứng nhận đó, pháp sư sẽ trở thành thượng khách của bất kỳ ngôi chùa nào trên đất Thái Lan, Myanmar, Campuchia,… trừ Việt Nam và Lào.

Chiều cùng ngày, Vang đưa tôi đi thăm một quần thể 36 mộ người Việt đã "hóa thánh" tại đỉnh núi linh thiêng này.
  • 36 ngôi mộ bí ẩn
36 ngôi mộ nằm thành 3 cụm riêng biệt nhưng gần nhau. Cụm trong cùng nằm lưng chừng thung lũng có 4 ngôi mộ nằm thành 2 lớp. Lớp trong, sát vách đá có 1 ngôi mộ, phía ngoài là 3 ngôi mộ. Cách đó không xa là một cửa động, trên vách đá có chạm một hàng chữ Hán "Động Kim Quang".

Ông Vang cho biết, những người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở An Giang đều khẳng định đó là mộ Vua… Hàm Nghi và 3 tướng cận vệ. Họ truyền miệng nhau rằng, khi Pháp xâm lược Việt Nam, Vua Hàm Nghi thật không bị Pháp bắt đày đi Algerie. Người bị bắt là một Hàm Nghi giả. Vua Hàm Nghi thật đã lẩn trốn về vùng Thất Sơn (An Giang) gặp Cử Đa. Ông Cử Đa đã đưa Vua Hàm Nghi sang Tà Lơn ẩn trú và chết tại đây. Tại ngôi chùa Phi Lai - Là nơi khai mở đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa - các tín đồ dành hẳn một bàn thờ trang trọng có đặt di ảnh Vua Hàm Nghi. Họ không căn cứ vào bất kỳ tài liệu lịch sử nào mà chỉ dựa vào lời tiên tri qua thơ của Đức Bổn sư Ngô Tự Lợi, Cử Đa và những… giấc mơ.

Ông Vang khẳng định: "Điều đó trái với lịch sử nên tôi không tin. Tôi nghĩ rằng, đó là ngôi mộ của những thành viên hội kín Phan Xích Long". Những điều ông Vang khẳng định có vẻ khả tín hơn.

Căn cứ vào sử liệu, năm 1912, Phan Xích Long (tức Phan Phát Sanh) tự xưng là Đông cung Thái tử, con trai Vua Hàm Nghi. Ông tự tôn mình làm "hoàng đế", khởi nghiệp kháng Pháp bằng cách lập hội kín. Trước đó, Phan Xích Long đã từng sang Tà Lơn luyện bùa phép. Những pháp sư Kh'mer gọi động Kim Quang là "khăm Lơn", gọi núi Bokor là "Tà Lơn", tức ông Tà Thần tên Lơn. Có thể họ đã gọi tên ngọn núi theo tên "Long" thành "Lơn".

Đường xuống "Kham maya kul".

Phan Xích Long đã dùng tín ngưỡng và bùa chú để thu hút thành viên hội kín (Theo tập 2, sách “Đại cương Lịch sử Việt Nam”). Một trong những phó tướng của Phan Xích Long có người tên Nguyễn Hữu Trí (quê Cần Giuộc, Long An bây giờ) đã lấy Tà Lơn làm đại bản doanh chỉ huy hội viên gài bom, tấn công chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của Pháp tại Sài Gòn, Chợ Lớn vào đêm 23, rạng sáng 24/3/1913. Pháp phát hiện và truy lùng. Kế hoạch tấn công bị bại lộ, Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí cùng các hội viên đào tẩu.

Nguyễn Hữu Trí chạy thoát. Phan Xích Long chạy ra Phan Thiết và bị bắt ở đó. Pháp đem Phan Xích Long về giam ở Khám lớn Sài Gòn cùng với 57 hội viên.

Năm 1916, nhân Pháp bại trận trong Thế chiến I, khoảng 300 hội viên của các hội kín ở Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Cần Giuộc, Cần Đước... cùng bí mật phá tù cứu Phan Xích Long. Nguyễn Hữu Trí chọn núi Cấm làm bản doanh bàn kế hoạch giải cứu "hoàng đế". Đêm 14 rạng ngày 15/2/1916, với khẩu hiệu "Cứu Đại ca" (tức Phan Xích Long), Nguyễn Hữu Trí chỉ huy hàng trăm hội viên ẩn mình trong những chiếc tàu buôn đậu trên sông cầu Ông Lãnh đồng loạt tấn công dinh Thống đốc và Khám Lớn. Họ đeo bùa chú, tay cầm binh khí thô sơ chia làm ba nhóm xông lên. Cuộc giải cứu thất bại, Nguyễn Hữu Trí tử trận. Một số hội viên kịp cướp xác Nguyễn Hữu Trí đào thoát.

Ngày 22/2/1916, thủ lĩnh Phan Xích Long cùng một số nghĩa sĩ bị Pháp tử hình tại Đồng Tập Trận. Sau đó, các đệ tử của ông bí mật đào mộ cướp xác đưa đi mất.

Họ đã đem thi thể Phan Xích LongNguyễn Hữu Trí sang núi Tà Lơn an táng tại động Kim Quang. Tướng cướp Đơn Hùng Tín một thời ngang dọc khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thời kháng Pháp là một trong những đệ tử thân tín của Phan Xích Long.

Chúng tôi tiếp tục khám phá những ngôi mộ còn lại. Hai cụm mộ còn lại gồm 32 cái nằm rải rác bên ngoài. Những ngôi mộ này là của những người thế hệ sau Phan Xích Long đến đây tu luyện rồi "hóa thánh".

Tất cả các ngôi mộ đều phủ những phiến đá đánh dấu. Có một ngôi mộ chất đá rất sơ sài không bia mộ. Ông Vang cho biết, vào khoảng năm 1970, những người luyện phép đến đây đã phát hiện một bộ xương khô vẫn còn ngồi trong tư thế thiền. Họ để nguyên tư thế của người chết rồi phủ đá lên.

Trong số 36 ngôi mộ chỉ có một vài ngôi được dựng bia khắc chữ. Có lẽ đó là mộ của những người giữ miếu, giữ am nên người ta biết rõ danh tính. Một ngôi mộ có đề bia: 

"Năm 1942 phựng ưu bà di Nguyễn Thị Quan, pháp danh Như Cẩm Nhứt, Vị giác linh.
Hạn: Nhâm Ngọ Niên, cửu nguyệt, nhị thập nhất".

Số còn lại, chết trong các hang đá, không danh tính nên những người đến sau chôn cất phủ đá đánh dấu.

Ở một số hang đá dưới sâu tận cùng đáy vực vẫn còn chứa một số xương cốt người tu luyện chết rũ không được chôn cất, không được nhang khói. Để leo đến đó phải mất hơn 20 giờ đồng hồ. Thời gian không cho phép tôi tiếp tục thám hiểm.

Điều ông Vang băn khoăn là, khu du lịch Bokor đang tiếp tục thi công mở rộng nhiều hạng mục. Một số di tích người Việt xưa rơi vào khu quy hoạch, đã bị Kh'mer hóa. Những quần thể mộ người Việt, những quần thể "khăm" có thể bị khu du lịch san phẳng, trong đó có những ngôi mộ của nghĩa quân Phan Xích Long. Nếu các nhà khoa học lịch sử không kịp thời nghiên cứu, những di tích đó sẽ biến mất vĩnh viễn, một góc nhỏ lịch sử dân tộc Việt sẽ mai một.
(tintuc.vnn.vn đăng lại từ antg.cand.com.vn)

25 tháng 11, 2012

Thủy Đài Sơn và huyền thoại về phong thủy

0 nhận xét
Thất Sơn hay Bảy Núi là tên gọi chung của vùng núi phía tây nam, cận biên giới Campuchia, thuộc các huyện Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang). Vùng Thất Sơn có đến gần 40 ngọn núi lớn nhỏ. Nhưng tiêu  biểu nhất là bảy ngọn: Thiên Cấm Sơn (núi Cấm), Ngoạ Long Sơn (núi Dài), Ngũ Hồ Sơn (núi Dài năm giếng), Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô), Anh Vũ Sơn (núi Két), Liên Hoa Sơn (núi Tượng), Thủy Đài Sơn (núi Nước).


Thủy Đài Sơn là ngọn núi nhỏ nhất trong Bảy Núi, chỉ cao chừng 54 mét, nằm giữa những cánh đồng rộng lớn, cách tỉnh lộ 955B và núi Tượng khoảng 600 mét, thuộc địa phận thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Thủy Đài Sơn gắn liền với những huyền thoại trong dân gian về phong thủy của đất phương Nam.
Ngã ba cây Dầu (Ba Chúc). Ảnh: Mai Lý
Từ Tri Tôn đi khoảng 14km về đến thị trấn Ba Chúc, đi tiếp tới tới ngã ba Cây Dầu, rẽ về phía trái chừng non cây số sẽ đến Thủy Đài Sơn. Chùa Núi Nước (Linh Bửu Tự) nhỏ gọn nằm dưới chân núi, cách đường nhựa chừng 300 mét. Chùa do ngài Ngô Lợi (*), giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho xây dựng ngay chân núi vào năm Giáp Thân (1884). Phía sau chùa là đồng ruộng mênh mông, xa xa là núi Dài thâm u, bí ẩn.
Theo một lối mòn nhỏ quanh co, du khách có thể len lách qua những tảng đá khổng lồ để khám phá cảnh quan nhiều màu sắc huyền bí. Có một cây sung cổ thụ cành lá um tùm che phủ một am miếu nhỏ thờ thần Hổ, theo lời các sư huynh tu trong chùa, cây sung nầy đã có trên 300 năm tuổi. Qua khỏi chánh điện chùa Núi Nước một đỗi, đi lên vài mươi bậc tam cấp, du khách sẽ gặp miếu Bà. Đây là một ngôi miếu nhỏ, đẹp, nằm khuất giữa những cây sung, cây sứ và ngọc lan cổ thụ. Không gian miếu Bà u tĩnh, là nơi cho những người hành hương cầu xin, khấn nguyện. Trước miếu Bà có một tảng đá khổng lồ hình quả trứng, người địa phương gọi là Thiên Trứng (!).
Miếu Bà. Ảnh: Mai Lý
Du khách còn có dịp khám phá thêm sân Tiên, Thạch Bàn, hang Ông Hổ, Rùa Đá Thần... mặc dù núi này nhỏ hơn các ngọn núi khác nhưng trong dân gian người ta tin rằng ở đây có sự huyền bí, mầu nhiệm về tâm linh nên Thủy Đài Sơn đã được người xưa xếp vào hệ thống Thất Sơn... Vào mùa nước nổi (khoảng tháng 8 đến cuối tháng 10 âm lịch), chung quanh núi này là một biển nước mênh mông, trắng xóa không thấy bờ bến. Có lẽ vì vậy mà núi có tên là Núi Nước.
Truyền thuyết dân gian kể rằng: xa xưa, có một người khách trú phương Bắc là đệ tử nhiều đời của Cao Biền (806-820). Thời Bắc thuộc, Cao Biền làm Tiết Độ Sứ (Giao Châu) kiêm pháp sư đại phù thủy của vua Đường được sai đi trấn yểm các long mạch của nước Nam. Khi đến Thủy Đài Sơn, đệ tử của Cao Biền phát hiện long mạch trên Thủy Đài Sơn nên ông ta đã ra tay “yếm huyệt”.
Rùa thần Núi Nước. Ảnh: Mai Lý
Rất nhiều năm sau, tới đời thầy Ngô Lợi, khi đến đây lập chùa, ông đã phát hiện ra dã tâm của người đệ tử Cao Biền ngày trước. Ngài Ngô Lợi cho đào lấy trụ yếm lên phá hủy, trụ đá ấy dài độ một tầm, vuông chừng hai nán tay gộp lại  có khắc chữ cổ tượng hình  rất lạ lùng. Trụ đá trấn yểm có sức nặng lạ kỳ. Phải huy động hàng chục người mới kéo nó lên khỏi huyệt. Trụ đá bị vất xuống lung (ao) trâu đầm có phân, nước tiểu hôi hám để hủy đi tà khí. Về sau trong một đêm mưa to, gió lớn, trụ đá ấy bị sấm sét đánh tan tành thành tro bụi. Ngay chổ huyệt yếm, ngài Ngô Lợi cho dựng lên ở đỉnh núi một con rùa bằng đá (tượng trưng cho sự trường thọ), hiện nay Con Rùa Đá vẫn còn nguyên vẹn.
Các truyền thuyết về Cao Biền còn lưu lại rất nhiều trong dân gian. Như ở Phú Yên, tương truyền có mả Cao Biền ở đó, ông ta đã cất công đi nhiều nơi của nước Nam để tìm long mạch trấn yếm. Cuối cùng Cao Biền phải bỏ mạng tại đây, mả Cao Biền là một đụn cát ở chân núi sát biển. Dân trong vùng truyền khẩu câu: Ngó lên hòn núi cả thấy mả Cao Biền / Thấy đôi chim nhạn đang chuyền nhành mai.
Về phương Nam nắng ấm ruộng xanh, mênh mang sông nước, đến với Thủy Đài Sơn, ngọn núi nhỏ bé nhất của Thất Sơn, du khách sẽ cảm nhận được nét đặc trưng  của ngọn núi có  huyền thoại  phong thủy ly kỳ nầy.
(TBKTSG Online)

Kỷ niệm 122 năm Đức Bổn sư viên tịch

0 nhận xét

Trong 2 ngày 24 và 25/11 (nhằm ngày 12 và 13/10 Âm lịch) tại khu di tích lịch sử chùa Tam Bửu - Phi Lai, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, lãnh đạo tỉnh, huyện, các ban ngành cùng với đông đảo tín đồ và nhân dân các tỉnh Nam bộ đã hành hương về tham dự Lễ kỷ niệm 122 năm Đức Bổn sư Ngô Tự Lợi viên tịch.

Đức Bổn sư Ngô Tự Lợi tên thật là Ngô Viện sinh năm 1830 tại huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, có tâm đạo, định hướng tôn giáo và tu hành ngay ở tuổi 20, ông đã chính thức đứng ra truyền đạo, thu nhận tín đồ thành lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Ông cũng là sỹ phu yêu nước tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp lưu lạc về vùng Bảy Núi An Giang.

Do có nhiều đóng góp đối với đất nước nên ông được người dân kính trọng gọi tên Đức Bổn sư Ngô Tự Lợi, Ngô Viện hay Năm Thiếp.

Đáng trân trọng là trong quá trình tham gia kháng Pháp ông còn tranh thủ khai hoang hơn 12.000 ha lập nên 4 thôn An Hòa, An Thành, An Lập, An Định và xây 7 chùa ở nhiều nơi trong và ngòai tỉnh để nhân dân tu thân, thờ cúng.

Đạo “Tứ Ân Hiếu Nghĩa” đã trở thành là tôn giáo nội sinh đặc thù của vùng 7 Núi An Giang được hình thành và phát triển gắn liền với quá trình di dân, khai hoang lập làng, xây dựng căn cứ kháng chiến và họat động theo tôn chỉ mục đích “Học Phật tu thân”, “ Tứ đại trọng ân”, “ sống hiếu nghĩa hòa hợp vì đại đoàn kết dân tộc”.

Đến nay đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã phát triển mạnh ra 16 tỉnh thành phố trong cả nước, với hơn 60.000 tín đồ.

Để tưởng nhớ đến ông, năm 2011, tỉnh An Giang đã tổ chức hội thảo về thân thế, sự nghiệp, qua đó khẳng định ông là người có công lớn đối với đất nước, một danh nhân tài đức vẹn toàn; yêu nước thương dân; có công khẩn hoang lập ấp để an dân; biết tận dụng rừng núi kết hợp biên giới kháng Pháp và chủ động khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa .

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hồng Liên - Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, để thu hút được lực lượng kháng chiến, Ngô Lợi đã biết dựa vào phong tục, tín ngưỡng của dân tộc và lễ nghi trong Phật giáo, đây là nét đặc thù riêng của lịch sử vùng đất phía Nam của Tổ Quốc rất xứng đáng được tôn vinh là Đức Bổn sư.

Lễ kỷ niệm Đức Bổn sư Ngô Tự Lợi viên tịch được tổ chức hàng năm tại xã Ba Chúc (Thánh địa đạo Tứ ân Hiếu nghĩa), đây cũng là lễ lớn nhất trong năm của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, diễn ra trong 2 ngày mùng 12 và 13/10 Âm lịch, với nhiều nghi thức như lễ thỉnh cổ hoa từ chùa Long Châu về chùa Tam Bửu; Lễ Thượng tràn phan; Lễ Thượng quốc kỳ; Lễ tưởng niệm….

Ngoài Chùa Tam Bửu - Phi Lai, tại các chùa đạo Tứ ân Hiếu nghĩa trong tỉnh cũng đồng loạt tổ chức lễ tưởng niệm, tạo điều kiện cho tất cả tín đồ tưởng nhớ đến ông và đón du khách tham quan, hành hương tìm hiểu về người đã sáng lập đạo./.

Thu Trang (TTXVN)

30 tháng 8, 2012

Ông lão có mái tóc rồng ở Tiền giang

0 nhận xét

26/08/2012 | 10:32

Gặp ba ông lão có mái tóc rồng

Không chỉ nuôi tóc rồng, 3 anh em ông Nguyễn Văn Chiến còn chịu khổ hạnh ăn cơm với rau xanh, ngồi thiền giữa trưa để cầu nguyện hòa bình cho đất nước và sức khỏe bản thân.

Cụ ông Nguyễn văn Chiến khoe mái tóc dài
Nhưng điều đặc biệt nhất khiến người dân ấp Dầu (85 tuổi, ở ấp Dầu, xã Đông Hòa, huyện Châu Thành, Tiền Giang) ngưỡng mộ ba anh em nhà ông Chiến là mái tóc rồng như một biểu tượng cho lòng thành tu đạo gắn bó với họ trong suốt mấy chục năm qua.

17 tháng 4, 2012

Đạo và đời - TỨ ÂN HIẾU NGHĨA

0 nhận xét
Đạo và Đời - Tứ Ân Hiếu Nghĩa
(Video clip này sẽ được đăng tải trong thời gian sớm nhất, hoặc vui lòng click vào link trên để xem!)


16 tháng 4, 2012

Chuyện về người gọi hồn dưới chân núi Tượng!

0 nhận xét


Thứ Hai, 16/04/2012 - 2:12 PM
Chuyện về người gọi hồn dưới chân núi Tượng!


Đã hơn 30 năm trôi qua, chính xác là 34 năm nhưng mỗi khi có ai nhắc đến quá khứ kinh hoàng, ông Bùi Văn Lê (thường gọi Ba Lê), Trưởng Ban quản tự chùa Tam Bửu (thị trấn Ba Chúc, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) luôn sầu giọng. Lần này cũng vậy, nỗi đau mất mát tưởng đã ngủ yên hơn 3 thập kỷ qua trong ông sống lại.


Ông Ba Lê ký tặng sách viết về đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho tác giả bài viết.
Hướng ánh mắt ngấn nước về phía trước - nơi có ngôi mộ tập thể chứa đựng hài cốt hơn 1.000 thường dân bị quân diệt chủng Pôn Pốt sát hại vào năm 1978, ông Ba Lê thổ lộ rằng vợ con ông cùng hàng chục người thân cũng chết thảm dưới bàn tay bạo tàn của đội quân khát máu. Nhưng khác ở chỗ xác người thân của ông ở lại với núi Tượng, trong một hang đá mà ông đã… bít lối!
Được công nhân Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia năm 1989, chùa Tam Bửu nơi ông Ba Lê làm Trưởng ban quản tự thuộc địa phận ấp An Định, thị trấn Ba Chúc. Chùa nằm dưới chân núi Tượng, một ngọn núi nhỏ dáng voi phục, chiều cao khiêm tốn, 145m. Các bậc cao niên ở vùng cho biết chùa Tam Bửu được ông Ngô Lợi cùng những môn đệ tạo lập vào tháng 6-1882, sau quá trình khẩn hoang lập thôn ấp để gây dựng lực lượng, chờ thời cơ đánh Pháp. Ông Ngô Lợi là một chí sĩ yêu nước trong phong trào Cần Vương chống Pháp do vua Hàm Nghi khởi xướng, đồng thời là người sáng lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Ông Lê Văn Đức, nguyên Trưởng ban Tổ chức chùa Tam Bửu cho biết, trước và sau khi chùa Tam Bửu được thành lập, ấp An Định đã trải qua nhiều đạo nạn, trận nào cũng tắm máu những người yêu nước và thường dân vô tội: "Trong khoảng thời gian 12 năm, từ năm 1976 đến năm 1888, Pháp đã 7 lần xua quân đến làng tổ chức bắt bớ, đốt phá, tra tấn, đưa đi tù đày những tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Bi thảm nhất là "đạo nạn" xảy ra vào năm 1887, Pháp tràn vào làng thiêu huỷ nhà cửa, chùa chiềng, đày đi Côn Đảo 13 người, xử bắn tại chỗ 8 người, cưỡng bức hơn 400 gia đình với gần 2.000 người đi khỏi làng…".
Núi Tượng - nơi ông Ba Lê chứng kiến vợ con cùng người thân bị quân Pôn Pốt tàn sát.
So với "đạo nạn" xảy ra vào năm 1978 do quân diệt chủng Pôn Pốt "thủ vai chính", "đạo nạn" năm 1887 kém  xa về mức độ thiệt hại, số người chết và đặc biệt là tội ác man rợ khiến cả nhân loại phải khiếp sợ, căm phẫn. Lại hướng mặt về phía ngôi mộ tập thể mà nhiều người quen gọi là Nhà mồ ngàn người (1.159 bộ hài cốt), ánh mắt ông Ba Lê nhòa đi khi chìm về một thuở quá vãng đau thương. Giọng ông lúc này chậm rãi, đau đớn. Ông nói rằng qua 1.000 năm bị giặc phương Bắc giày xéo và hơn 100 năm hết bị Pháp rồi Mỹ xâm lăng, sau năm 1975, khi kẻ thù bị quét sạch khỏi 2 miền Nam-Bắc, những tưởng từ đây người dân làng An Định đời đời được sống yên vui, ai ngờ thảm cảnh ập đến:
"Cuối tháng 2/1978, quân Khơmer đỏ do Pôn Pốt làm thủ lĩnh sau khi tấn công vào 8 tỉnh biên giới Tây Nam Việt Nam, trong đó có An Giang đã đánh vào Ba Chúc. Đến ngày 18/4 năm ấy, chúng tràn vào Ba Chúc. Trong 11 ngày đêm chiếm đóng (18/4 đến 30/4/1978), đội quân diệt chủng đã sát hại đến 3.157 người dân, trong đó có vợ và 5 đứa con của tôi" - ông Ba Lê, nhớ lại nỗi đau trong tiếng uất hận!
Đang sống bình yên, hạnh phúc bỗng dưng vợ con cùng hàng ngàn người thân, bà con chòm xóm bị sát hại một cách bạo tàn, dã man chẳng khác gì thời trung cổ như bị cắt cổ, bị quân khát máu dùng cuốc, búa, xẻng đập đầu hay dùng lưỡi lê xuyên thủng tim…, hỏi còn nỗi đau nào hơn, có nỗi kinh hoàng nào hơn?
Trong mùi hương trầm thoảng quyện đang sưởi ấm cho vong linh hàng ngàn con người chết thảm, ông Ba Lê tâm sự đến bây giờ, khi vùng đất Ba Chúc hồi sinh sau thảm họa diệt chủng, trong ông vẫn nhớ thương, vẫn còn mãi dáng hình, nụ cười, cả ánh mắt, gương mặt hãi hùng của vợ con trong quá trình bị quân diệt chủng lùng giết: "Làm sao có thể quên được tiếng thét kêu cứu của các con lúc trú ẩn trong hang đá bị kẻ thù phát hiện và ra tay sát hại" - ông Ba Lê, lại trĩu giọng.
Ở tuổi 70 nhưng ông Ba Lê hãy còn rất khoẻ, tráng kiện. Những thành viên trong Ban quản tự chùa Tam Bửu sẻ chia rằng dân Ba Chúc, từ người gia đến trẻ con, ai cũng biết ông, bởi ông là người quá nổi tiếng, bởi ông là thầy đờn tài hoa, có tài bốc thuốc nam chữa bệnh cứu người, có tiếng sáo gọi hồn thê thảm, có người nói rằng "sầu bi đến rợn người".


Một góc Nhà mồ tập thể.
Nỗi đau quá lớn không thể nói bằng lời, cũng chẳng thể chia sẻ với ai bởi những người còn sống sau trận thảm sát cũng hờn căm, phẫn uất, tan nát cõi lòng vì có người thân bị sát hại như mình, vậy là ông Ba Lê mượn tiếng sáo để tìm lại hình bóng vợ con cũng như ru ngủ những linh hồn xấu số! "Ngày 30/4/1978, quân diệt chủng Pôn Pốt bị bộ đội mình đẩy lùi. Ba Chúc được giải phóng và kể từ đó, nỗi đau của chú Ba Lê âm ỉ nhiều năm ròng. Đêm vắng lặng, tiếng sáo của chú Ba vang vọng nhuốm nỗi đau chất chồng. Tiếng sáo ai oán, não nề khiến nhiều người rơi nước mắt, thao thức mãi không thôi…" - ông Đức, chia sẻ!
Năm vợ con bị tàn sát, ông Ba Lê chỉ mới 37 tuổi và cũng sau khi đống tro tàn đổ nát cùng xương cốt của hơn 1.000 thường dân bị sát hại được đưa vào Nhà mồ tập thể, khi câu chuyện đau thương ở Ba Chúc trở thành tâm điểm chú ý của toàn nhân loại, tên ông Ba Lê được gắn liền với một hang đá trên đỉnh núi Tượng, hang Ba Lê. "Hồi quân Pôn Pốt tràn vào Ba Chúc tìm người bắn giết, bà con trong đó có vợ con tôi cùng người thân trốn trong các hang đá trên núi Tượng" - ký ức đau thương trong ông Ba Lê, lại hiện về: "Núi Tượng hiện có 15 hang đá ôm trong nó hàng trăm xác người bị quân diệt chủng sát hại man rợ".
Hang Ba Lê như những hang đá khác trên đỉnh núi Tượng lúc đầu chỉ là những hang đá vô danh, sau để tưởng nhớ những bị chết thảm trong các hang đá sâu cũng như để chia sẻ cho nỗi đau mất mát quá lớn của những người còn sống, người dân xã Ba Chúc đã lấy tên người đặt cho hang đá như hang Ba Lê, hang Tám Ất, hang Cây Da…
Ông Ba Lê nhớ lại ngày định mệnh, cái ngày mà ông đang có tất cả và mất tất cả, mất vợ con cùng những người thân yêu: "Sau 8 ngày ẩn sâu trong hang đá cùng vợ con, anh chị em, người cô họ và bà con thân thuộc, chúng tôi bị chó săn của quân Pôn Pốt đánh hơi phát hiện. Cuối giờ chiều hôm đó, sau tiếng chó sủa, đám lính mở hang rồi xả đạn như mưa khiến nhiều người trúng đạn đẫm máu, trong đó có con tôi…".
Sau 2 băng đạn AK liên hồi của quân diệt chủng, tưởng rằng chúng hết đạn và đang thay băng, không bỏ lỡ cơ hội, Ba Lê kể lại ông chớp thời cơ lách mình ra khỏi khe đá phóng ra khỏi miệng hang, ngờ đâu vừa ra ngoài thì đụng phải họng súng của 2 tên lính Pôn Pốt. Ở tình thế cái chết mười mươi ấy, Ba Lê liều mình lao xuống hẻm đá hẹp và may mắn thoát khỏi làn đạn của đội quân thủ ác. Giọng ông lúc này trĩu nặng nỗi đau: "Khi ấy tôi vẫn kịp nghe, kịp biết chúng thảy lựu đạn vào hang, nghe cả âm thanh gào thét chết trong đau đớn của vợ con, người thân của mình".
Như đã nói,  trong 11 ngày đêm chiếm đóng Ba Chúc, quân Pôn Pốt sau các màn đốt phá, bắn giết đã vơ vét, chiếm đoạt tài sản của những con người bị chúng hành quyết. Và những người thân của ông Ba Lê cũng không nằm ngoài qui luật máu lạnh giết-cướp ấy của chúng. Giọng ông Ba Lê chùn lại khi nhắc đến đoạn ông quay trở lại miệng hang tử thần và đổ sụp trước cảnh tượng người thân, trong đó có 5 đứa con bé bỏng của mình bị những kẻ khát máu lột đồ, cướp sạch tài sản, thịt xương vung vãi, máu đen đặc, xác chồng xác lạnh buốt… "Lúc ấy trên đỉnh núi còn rất nhiều người ẩn trú trong các hang đá cần được báo hung tin nên tôi không có nhiều thời gian để quyến luyến, bi sầu. Tôi ôm chặt vợ con, rồi xếp mọi người nằm ngay ngắn, lấp miệng hang cho tới hôm nay…".
Những người biết chuyện đau thương của Ba Lê mỗi khi ôn lại quá khứ kinh hoàng sau những sẻ chia về mất mát đều có cùng nhận định rằng số ông "mạng lớn", lớn bởi ông 2 lần đứng trước cái chết mười mươi nhưng thoát chết một cách lạ kỳ. Ba Lê kể rằng sau khi lấp miệng hang, ông báo hung tin cho mọi người rồi đưa khoảng 50 người thân cùng bà con trong xóm rời núi, theo đường tắt lối mòn về xã Lương Phi, nơi còn trong tầm kiểm soát của bộ đội. "Nhưng chẳng may trên đường đi, chúng tôi lọt vào ổ phục kích của quân Pôn Pốt và bị chúng bắn xối xả chết trên 30 người. Khi gặp nhau tại Lương Phi thì chỉ còn 10 người"...
Sau khi quân diệt chủng Pôn Pốt bị đẩy lùi, vì vợ con nằm dưới hang sâu nên ông Ba Lê không qui tập đưa xương cốt vào "mộ tập thể" mà xem hang đá năm nào là mộ phần của vợ con. Cũng từ đó, trong nhiều năm ròng rã, ông lấy tiếng sáo gọi hồn làm bạn đồng hành, sống ẩn dật giữa núi rừng núi Tượng với tâm niệm được gần và an ủi linh hồn vợ con.
Sau này được bạn bè, người thân an ủi, động viên, vết thương lòng trong Ba Lê dần ngậm miệng, ông quyết định sống tích cực để vong  linh vợ con và những người thân yêu của mình không đau lòng. Ông giã từ tiếng sáo, sửa lại ngôi nhà bị trúng pháo, mở phòng khám thuốc nam trị bệnh cho mọi người. Rồi ông lập gia đình, sinh con, tham gia Ban Quản lý di tích lịch sử Nhà mồ Ba Chúc…
Chia sẻ với chúng tôi, chủ nhân của tiếng sáo gọi hồn năm nào thổ lộ rằng sống cuộc sống mới, ông vẫn không thể quên vợ con ngày nào và chừng như để bù đắp thiệt thòi, nỗi đau ấy trong ông, vợ con sau này của ông rất trân trọng tình cảm thiêng liêng ấy
nguồn "CAND.com.vn
nggphong ST

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn đại biểu đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa

0 nhận xét
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn đại biểu đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa

22 tháng 1, 2012

0 nhận xét

Vì sao cúng Giao thừa?

Ngày cuối cùng của một năm là ngày 30/12 Âm lịch; giờ phút cuối cùng của một năm cũ qua đi và chuẩn bị đón năm mới đến được gọi là Giao thừa. Mỗi năm ông trời đều phân công một vị thần xuống cai quản mặt đất, thời khắc Giao thừa cũng chính là lúc vị thần cũ kết thúc nhiệm vụ của mình, bàn giao lại công việc cho vị thần mới. Những lúc ấy, mọi nhà bày mâm cỗ cúng Giao thừa để bày tỏ lòng biết ơn vị thần cai quản năm cũ đã trông coi cuộc sống của con người được bình yên, no ấm; và cũng để chào đón vị thần mới, cầu mong ông sẽ mang nhiều may mắn và hạnh phúc đến trong năm mới.
Vì thời gian các vị thần gặp nhau để bàn giao công việc không dài cho nên người lớn phải sắp đồ lễ cúng Giao thừa ở ngoài trời, để các vị thần có thể chứng giám lòng thành. Tục lệ cúng Giao thừa cũng là để con người cảm ơn trời, đất, chính vì thế mà đây là những giờ phút linh thiêng và quan trọng không thể thiếu.

Lì xì là gì?


Lì xì là khoản tiền nhỏ được người lớn chuẩn bị trong phong bao màu đỏ và cho trẻ con vào ngày đầu năm cùng những lời chúc chăm ngoan, mau lớn. Phong bao lì xì có ý nghĩa mang đến sự may mắn, thuận lợi cho trẻ em; bao lì xì đỏ tươi cũng chính là tấm lòng, sự yêu thương của người lớn trong gia đình dành cho con, cháu nhân dịp bắt đầu một năm mới.
Có câu chuyện cổ kể rằng ngày xưa ở Trung Quốc có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm Giao thừa, thích xoa đầu trẻ con và khiến đứa trẻ đau đầu, sốt cao, làm các bậc cha mẹ không dám ngủ để canh phòng. Có cặp vợ chồng lớn tuổi mới sinh được mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền đồng, ngày đêm túc trực bên bé.
Sau khi cậu bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối loé lên những tia vàng sáng rực khiến nó kinh hoàng bỏ chạy. Tục mừng tiền lì xì ra đời từ đó và có ý nghĩa như một món lộc trừ tai hoạ, mang lại may mắn cho trẻ nhỏ.

Sao không được quét nhà trong mấy ngày Tết?

Theo tục lệ ngày xưa, vào những ngày đầu năm, người Việt kiêng không quét nhà vì cho rằng làm như thế chính là đuổi ông Thần Tài ra khỏi nhà. Ông Thần Tài là người mang đến may mắn về tiền bạc, tài chính cho gia đình, nếu ngày đầu năm đã đuổi ông đi thì cả năm gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn, túng thiếu. Không ai muốn điều này cả, vì thế ngày 30 Tết dù có bận rộn đến đâu đi chăng nữa thì người Việt ta cũng cố gắng dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa cho gọn gàng, sạch sẽ để đón Tết.
Ngoài ra cũng có tục không cho lửa hay cho nước trong những ngày đầu năm. Lửa đỏ tượng trưng cho sự đầy đủ của cải trong nhà, nếu cho đi thì có nghĩa là cho luôn cả phần lộc của gia đình. Nước cũng được coi là biểu tượng cho sự thịnh vượng và nhiều tài lộc, đầu năm giữ cho nước bao giờ cũng có trong nhà, ngày trước thậm chí còn có tục trước năm mới phải gánh nước đổ đầy xô, thùng chứa để năm mới được may mắn, phát đạt nữa kia.

Đầu năm kiêng không mặc quần áo màu trắng, đen?

Nắng đầu năm luôn tươi và hoa lá mùa xuân nở đầy màu sắc; mùa xuân là mùa sinh sôi, mùa của mọi sự bắt đầu và mang đến nhiều niềm vui. Khi mùa xuân đến là người người lại nao nức chuẩn bị đón Tết, đi chơi xuân, và quần áo, trang phục chúng ta mặc cũng thể hiện niềm vui ấy. Áo quần mới nhiều màu tươi tắn, sặc sỡ sẽ mang theo niềm vui và hy vọng. Hai màu trắng và đen lại là những màu vốn được dân ta cho là màu của tang ma, buồn bã. Vì thế trong những ngày đầu năm mới, người ta thường kiêng mặc hai màu này, tránh mang đến điều không may hay nỗi buồn, sợ nó sẽ theo họ đến suốt một năm.

Thế nào là xông đất?

Người Việt quan niệm “đầu xuôi, đuôi lọt”, chính vì vậy mà vào ngày mùng 1 Tết, nếu mọi điều đều diễn ra suôn sẻ thì đó là dấu hiệu thật tốt cho một năm mới bắt đầu. Người khách đầu tiên đến chúc Tết cũng là người rất quan trọng; nếu người khách ấy có tính tình cởi mở, tốt bụng, vui vẻ mà tuổi lại hợp với chủ nhà thì đó là điều hết sức thuận lợi. Vì lẽ đó mà người Việt thường có thói quen xem tuổi, xem tính cách để mời một người khách xông đất nhà mình trong năm mới, với mong muốn gia đình sẽ được hưởng những điều tốt đẹp từ người khách ấy. Đó là lý do tại sao ba mẹ thường không cho con tự tiện đến nhà người khác vào sáng mùng 1 Tết khi chưa được gia đình người ta cho phép. Trong những ngày đầu tiên của năm mới, chúng ta nên tránh những điều không hay, không vui cho mình và cho cả người khác để mọi người đều có một năm thật thuận lợi.

Tại sao không được cãi nhau, khóc, buồn trong những ngày Tết?

Như đã nói, vì người Việt quan niệm khởi đầu một năm mới với nhiều niềm vui, mọi việc suôn sẻ là điều tốt, nên những điều ngược lại như xung đột, xích mích hay sự buồn khổ đều không tốt. Thường trước Tết, những người đang có xích mích hoặc giận hờn thường gặp mặt, nói chuyện với mong muốn hòa giải để ai cũng thoải mái, vui vẻ trong những ngày đầu năm.

Vào những ngày đầu năm lại càng không nên cãi nhau hay giận hờn, nếu con và bạn có gì chưa bằng lòng về nhau, hãy cùng nói ra để làm hòa để những ngày Tết của cả hai được vui vẻ, con và bạn cũng sẽ gặp nhiều may mắn. Dặn con đừng tranh giành hay trêu chọc em nhỏ, bạn bè dịp năm mới, những việc làm ấy là không hay và nó không mang lại may mắn cho con. Biết nhường nhịn để mọi người đều vui vẻ là hành động đáng khen và chắc chắn năm mới của con sẽ gặp nhiều điều tốt đẹp vì con đã rất ngoan.
Ngoài ra, ngày đầu năm mọi người còn kiêng làm rơi vỡ đồ đạc cũng với ý nghĩa mong những điều tốt đẹp, thuận lợi cho năm mới. Vì thế, bạn hãy dặn con không được chơi đùa khi mẹ, bà đang làm thức ăn, phải cẩn thận khi cầm hay mang món đồ dễ vỡ giữ may mắn cho cả gia đình. Khi đến chơi Tết nhà người khác cũng vậy, con càng phải cẩn thận để tránh mang đến điều không tốt cho gia đình người khác, làm được như thế thì cả năm con sẽ được nhiều người yêu thương.
Nhân dịp Xuân về, web:tuanhieunghia.tk thân chúc thân bằng,, đồng đạo gần xa và cả gia đình, nhất là các bạn trẻ, một năm mới tràn đầy những điều may mắn, vạn sự cát tường!