TỔ ĐÌNH TAM BỬU TỰ Ba Chúc - An giang
♠♠๑۩۞۩๑ -KỲ HƯƠNG TỰ- ๑۩۞۩๑♠♠
Trang này được thực hiện bởi các đồng đạo TỨ ÂN HIẾU NGHĨA - TIỀN GIANG

30 tháng 8, 2012

Ông lão có mái tóc rồng ở Tiền giang


26/08/2012 | 10:32

Gặp ba ông lão có mái tóc rồng

Không chỉ nuôi tóc rồng, 3 anh em ông Nguyễn Văn Chiến còn chịu khổ hạnh ăn cơm với rau xanh, ngồi thiền giữa trưa để cầu nguyện hòa bình cho đất nước và sức khỏe bản thân.

Cụ ông Nguyễn văn Chiến khoe mái tóc dài
Nhưng điều đặc biệt nhất khiến người dân ấp Dầu (85 tuổi, ở ấp Dầu, xã Đông Hòa, huyện Châu Thành, Tiền Giang) ngưỡng mộ ba anh em nhà ông Chiến là mái tóc rồng như một biểu tượng cho lòng thành tu đạo gắn bó với họ trong suốt mấy chục năm qua.


Nuôi tóc rồng vì lòng mộ đạo?
Theo lời ông Chiến, đại gia đình ông theo đạo Tứ ân hiếu nghĩa nên từ nhỏ anh em ông được dạy dỗ phải biết hiếu với đồng bào, tổ quốc, hiếu với tổ tiên, cha mẹ. (Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do ông Ngô Lợi, một sỹ phu của phong trào Cần Vương sáng lập năm 1867, tại vùng núi Thất Sơn, An Giang. Tôn chỉ hành đạo của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là "Hành Tứ ân - Sống hiếu nghĩa - Vì đại đoàn kết dân tộc").
Ba ông lão tóc rồng trong một lần chụp ảnh hiếm hoi
Việc mấy anh em ông Chiến không cắt tóc là thể hiện sự hiếu nghĩa với cha mẹ. Quan niệm chung của mấy ông “da thịt, râu tóc là của cha mẹ không được tự tiện cắt bỏ. Phần nữa, mỗi lần cắt tóc là mỗi lần bệnh tật hành hạ nên dần dà nuôi tóc dài thành phương châm phấn đấu và chăm sóc bản thân”.
Chia sẻ về việc tu tại gia, ông cho biết: Hàng ngày, ông ngồi dưới gốc tre trước am tu khổ hạnh. Thời gian còn lại ông cặm cụi chăm sóc vườn cây ăn trái và rau xanh để tự cung tự cấp cho sinh hoạt ăn uống của bản thân.
Nhặt rác trên đường giao thông cũng là một việc thiện mà ông Chiến vẫn thường làm

Ông cho rằng, rau xanh tự trồng sẽ sạch và an toàn hơn, người như ông chỉ sống dựa vào rau quả càng phải cẩn thận hơn nữa. Mỗi ngày, ba anh em ông Chiến chỉ ăn một bữa cơm đúng giờ ngọ, khẩu phần ăn chỉ bao gồm cơm trắng và rau quả. Vậy mà, đến tuổi 85, ông Chiến vẫn minh mẫn và khỏe mạnh.
Cái am nhỏ, nơi ông Chiến tu tập từng là mái nhà nhỏ của ông và vợ, nhưng hai năm trước bà đã qua đời. Hiện nay, ông Chiến sống một mình bầu bạn với khói nhang một lòng hướng đạo.
Trong ba anh em, ông Chiến là người duy nhất cho người khác xem tóc và chụp ảnh, hai người còn lại rất e dè với báo chí cũng như không thích khoe “đuôi rồng” của mình với mọi người. Theo lời ông thì việc cho xem tóc có thể ảnh hưởng đến việc tu đạo nên họ e dè.
Ông Nguyễn Văn Chiến giới thiệu mái tóc rồng của mình
Tuy nhiên, ông thoáng hơn với quan niệm mình không làm trái lương tâm, pháp luật nên không phải ngại phiền điều gì. Sau lời đề nghị xem tóc, ông từ tốn tháo tấm vải quấn tóc và tuôn mái tóc rồng dài chấm đất trước ánh mắt tò mò, kinh ngạc của chúng tôi. Một mùi thơm nhẹ thoảng ra từ mái tóc, những sợi tóc vàng óng ánh xen lẫn vô số sợi bạc kết dính với nhau như những vảy rồng nhỏ dần về phía đuôi tóc.

Ông Chiến cho biết: “Lúc trước, tóc nặng tới 3kg, nặng quá phải cắt bớt 1kg, tiếc lắm nhưng để vậy khó di chuyển và làm vườn”.
Mái tóc nặng gần 2kg được ông Chiến cẩn thận gói trong bọc vải, bới gọn trên đỉnh đầu, làm vườn, đi ruộng ông đều cảm thấy bình thường. Đuôi rồng là một phần máu thịt trên cơ thể ông Chiến từ mấy chục năm qua.
Ăn chay làm việc thiện
Chia sẻ về tóc rồng của những người anh em khác của mình, ông Chiến nói: “Không hiểu vì sao 3 năm trở lại đây tóc của ông Giày tự rụng hết”. Hiện nay chỉ còn ông Chiến và ông Tiên giữ và nuôi được “tóc rồng”. Việc nuôi tóc được xem là điều thiết yếu với gia đình này. Cũng theo lời ông, ngoài việc đó là minh chứng cho lòng mộ đạo còn là tự bảo vệ sức khỏe của mình.
Ông cho biết,từ nhỏ đến giờ cứ mỗi khi cắt tóc, ông và các anh em lại đau ốm thường xuyên. Kể từ thời học sinh đến mấy năm trước ông mới cắt tóc lần thứ 2 vì nó quá nặng. Song sau lần cắt đó cũng khiến ông ốm liệt giường. Được biết, hiện tại phần tóc ông cắt vẫn được ông cẩn thận bọc lại và treo trong am thờ tự.
Sau khi giới thiệu về phần tóc treo trong am, ông Chiến ôm mái tóc dài óng bước ra, đứng trước bụi tre ngoài hiên am tự và giới thiệu đó là gốc cây ông chọn để ngồi tu hành. Ông ngồi đó từ sáng đến chiều, ngoại trừ những lúc ông phải làm vườn và có người viếng thăm.
Người khác nhìn vào có vẻ ma quái nhưng thật ra ông Chiến muốn việc tu tập gần gũi với thiên nhiên. Khung cảnh điền dã có cây cối, sông nước, cho ông Chiến cảm giác thanh tịnh, mà điều đó hết sức cần thiết với người cần phải tịnh tâm như ông.
Hai anh em khác cũng có mái tóc rồng giống ông Chiến là ông Nguyễn Văn Giày (87 tuổi) và ông Nguyễn Văn Tiên (84 tuổi). Hai ông cụ này cũng còn minh mẫn, ông Tiên trước đây làm nghề đưa đò cho khách du lịch qua lại sông Tiền nhưng từ khi có cây cầu Rạch Miễu khách cũng thưa dần nên ông về ở ẩn ở xóm Dầu, ngày ngày chăm sóc vườn trái cây với hai anh trai.
Cả ba anh em ông Chiến đều đạt cái ngưỡng tuổi thất thập cổ lai hy. Tuổi cao mà sức khỏe vẫn ổn định, tinh thần sáng suốt, mặc dù từ khi có tóc dài các ông đã ăn uống ít đi, chỉ ăn chay và làm việc thiện. Vậy mà, buổi tối, mấy ông vẫn có thể đọc báo, xỏ kim chỉ dưới ánh đèn leo lét.
Chia sẻ về sức khỏe của mình ông cho biết: Việc tu dưỡng, chay tịnh không làm việc ác khiến tâm hồn thanh thản, cơ thể, tinh thần minh mẫn, sáng suốt. Việc ăn uống, sinh hoạt gần gũi thiên nhiên sẽ hạn chế bệnh tật. Cuối cùng ông nửa đùa nửa thật rằng: “Nuôi tóc dài với những người theo đạo như chúng tôi cũng là bí quyết rèn luyện sức khỏe để trường thọ”.
Cả ba anh em ông Chiến đều có vợ con. Ông Tiên và ông Giày đều có 7 người con, riêng ông Chiến có một trai một gái. Hai con ông Chiến đều đã lớn tuổi và cũng tu đạo, ăn chay một bữa vào giờ ngọ.
Người con trai thứ Năm của cụ Tiên cũng ăn chỉ ăn mỗi ngày một bữa mà sức mạnh lại hơn người. Nhiều bà con trong xóm cho biết: “Thằng Năm khỏe lắm, cây cối lâu năm, to mấy người ôm mới xuể, không ai bứng gốc nổi. Vậy mà, tụi tôi mướn, nó làm là được hết, thấy cái cảnh nó ôm gốc cây nhổ lên thấy mà sợ”.
Ông Chiến cho biết: Năm học lớp 12, tóc ông cũng đã rất dài và tết thành búi. Thế nhưng, thầy cô khuyên ông nên cắt tóc để cho giống bạn giống bè. Ông nghe theo lời về xin cha mẹ và họ đã đồng ý. Tuy nhiên, một sự lạ đã diễn ra. Sau khi cắt tóc, đầu ông thường xuyên bị đau nhức, học hành không còn sáng suốt, thuốc thang không thuyên giảm.
Đến khi tóc dài lại thì đầu tự hết đau, cảm cúm tự khỏi. Kể từ đó, ông Chiến không lần nào cắt tóc nữa.Việc chăm sóc tóc rồng cũng gặp không ít khó khăn. Tóc rồng chẳng may dính nước sẽ rất lâu mới khô, làm cho ba người đau đầu, chóng mặt, cảm lạnh.
Do đó, suốt hơn 30 năm qua, các ông không hề tắm gội cho tóc rồng, riêng ông Chiến khi da đầu bị ngứa ông chỉ xoa dầu vào phần gốc và gội lại với nước chứ không để ướt phần “đuôi rồng”.

Tuy nhiên ông chỉ sống cô độc một mình dưới chiếc đò du lịch. Mỗi ngày, cụ già này cũng chỉ ăn bữa cơm Ngọ. Các cụ cho biết, trong chiến tranh chống Mỹ nhờ có mái tóc dài này mà bọn lính ngụy cho là thầy tu nên không bắt đi quân dịch như bao thanh niên khác.

Nếu đi làm tay sai cho giặc thì chắc chắn đã bỏ thân như bao người khác hoặc còn sống cũng mang tiếng phản bội đất nước. Trong kháng chiến, sống tại địa phương, các cụ bí mật làm công tác giao liên, nuôi giấu cán bộ cách mạng….

Các cụ còn cho hay, cuộc sống của ấp Dầu từ xưa đến nay rất yên bình. Trong kháng chiến dù “mưa bom, lửa đạn” nhưng ít có ngôi nhà nào bị trúng bơm, pháo cháy...

Ông Lê Văn Vân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Hòa cũng là người ở ấp xóm Dầu cho biết, các cụ tóc dài là có thật và rất lạ. Thời gian qua, các cụ tu tại gia, các cụ rất hòa nhã, luôn làm việc thiện, là nông dân tốt.

Riêng cụ Nguyễn Văn Chiến còn làm thành viên của Ban tế tự chùa Phước Hòa, xã Đông Hòa.
Theo Đời Sống và Pháp Luật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhận xét của bạn đang được chúng tôi duyệt qua, và chúng tôi sẽ đăng lên trong thời gian sớm nhất! Chào Thân ái!