- Chúng tôi tình cờ gặp được ông đạo Trần Ngãi, một chức sắc của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa khi ông đưa đệ tử lên núi Sam tham quan.
Sự kế tục của Tứ Ân Hiếu Nghĩa
Với bộ bà ba cổ bâu truyền thống, tóc búi, đầy vẻ tiên phong đạo cốt, ông đạo Trần kể rằng, đức Bổn sư của ông là người sáng lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, tên thật là Ngô Viện, húy là Lợi, sinh năm 1831 tại Bến Tre. Thầy Ngô Lợi tự học kinh sách và năm 20 tuổi đã viết Bà La Ni kinh, rồi lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa năm 36 tuổi (1876), tự xưng là đức Bổn sư.
Trong chùa cổ Tây An. |
Ông đạo Trần Ngãi cho biết, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa thờ trần điều, thờ Phật, Sơn thần và trăm quan cựu thần liệt sĩ. Pháp môn tu hành của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là Trì niệm theo Thiền tông; Xử sự theo Nho giáo; Luyện tinh, khí, thần theo Lão giáo; Ấn quyết, thần chú theo Mật tông. Về giáo lý thì như Bửu Sơn Kỳ Hương, lấy Tứ đại ân làm trọng, không ăn chay trường, cũng hạn chế sát sinh và tín đồ đi chân đất...
Sợ dân chúng khởi nghĩa, từ năm 1881 trở đi, thực dân Pháp nhiều lần đem quân đàn áp, triệt phá bổn đạo, đốt phá chùa chiền, bắt nhiều tín đồ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đày ra Côn Đảo và buộc trở về nguyên quán.
Năm 1888, thầy Ngô Lợi bị bắt nhưng trốn thoát nhờ sự che chở của nhân dân. Năm 1890, thầy Ngô Lợi viên tịch tại núi Tượng trong Thất Sơn. Sau đó, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa dần dần xảy ra sự phân hóa do không có người chủ chốt lãnh đạo, khiến mỗi nơi hành đạo khác nhau.
Những ông đạo giỏi võ nghệ
Tiêu biểu như hai đại đệ tử của Phật thầy Tây An là Tăng Chủ và Đình Tây, có thể bắt cá sấu thành tinh, hàng phục cọp dữ. Hay đạo sĩ Bảy Do luyện võ ở núi Cấm, lập Nam Cực đường, thu phục dân chúng mưu đồ đánh Pháp.
Những "đạo sĩ Thất Sơn" lừng lẫy một thời, nay gần như đã đi vào quá khứ. Cũng như cố nhà văn Sơn Nam khi nói về ông đạo Từ Thông: "Người ta nhớ đến ông như nhớ vài trang sách Phong Thần tình cờ lượm được trong ngăn tủ bỏ quên, những trang sách rách nát hơi khó hiểu vì thiếu hồi thứ nhứt và không có hồi sau phân giải".
Với địa thế hiểm yếu, hoang sơ xưa kia, vừa có đồng bằng trồng trọt, vừa có núi rừng trú ẩn sát biên giới nên nhiều sĩ phu yêu nước của phong trào Cần Vương chọn vùng núi Sam và Thất Sơn nơi đây làm căn cứ chuẩn bị lực lượng chống thực dân Pháp hoặc chờ cơ hội nổi dậy. Miền đất này gắn liền với tên tuổi các nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng thế kỷ trước như: Thủ Khoa Huân, Trương Gia Mô, Huỳnh Mẫn Đạt, Doãn Uẩn, Phan Xích Long, Phan Bội Châu... cùng các nhân vật tôn giáo đặc biệt như Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên, đức Bổn sư Ngô Lợi hay giáo chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ. |
Thiên Tường
(nggphong@google.com sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nhận xét của bạn đang được chúng tôi duyệt qua, và chúng tôi sẽ đăng lên trong thời gian sớm nhất! Chào Thân ái!