TỔ ĐÌNH TAM BỬU TỰ Ba Chúc - An giang
♠♠๑۩۞۩๑ -KỲ HƯƠNG TỰ- ๑۩۞۩๑♠♠
Trang này được thực hiện bởi các đồng đạo TỨ ÂN HIẾU NGHĨA - TIỀN GIANG

16 tháng 9, 2010

Nhà Lớn ở đảo Long Sơn


Một trăm năm đã trôi qua kể từ ngày ông Lê Văn Mưu đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi Nhà Lớn trên đảo Long Sơn, TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), đến nay, mọi sinh hoạt của lớp lớp cháu con ông vẫn được duy trì như những ngày ông còn sống. Nhà Lớn, nơi ông Mưu từng sống và làm việc khi xưa, trở thành nơi khởi nguyên của một tín ngưỡng dân gian chất phác, được người dân quanh vùng tin yêu, gọi bằng cái tên giản dị: Đạo ông Trần.


Cũng như nhiều người, một thời gian rất dài, tôi cứ nghĩ ông tên Trần hay họ Trần chi chi đó. Cho nên khi ông chết đi, cảm cái tài, phục cái tâm lương thiện, cao vời của ông, người ta noi học ông, lấy đạo đức của ông làm cái đạo của mình. Nhưng tôi đã lầm. Cái tên Lê Văn Mưu hoàn toàn không ăn nhập gì với "Đạo ông Trần" mà các thế hệ con cháu ông lập nên, như tấm gương soi mình vào đó. Tôi đem thắc mắc hỏi bác Lê Văn Từ, xã Long Sơn,  hậu duệ của ông Nhà Lớn Lê Văn Mưu, bác chỉ cười chất phác:

- Con cứ nhìn bác coi, tất sẽ có câu trả lời.

Đã không ít lần về thăm Long Sơn. Hình ảnh những người đàn ông, già cũng như trẻ, trong bộ bà ba đen, đầu búi tó, đi chân đất không còn xa lạ. Nhưng thú thực, khởi thủy của ba từ "Đạo ông Trần" với tôi vẫn là ẩn số. Thấy tôi "bí", bác Từ đành giải thích:

- Ông ngày xưa làm lụng vất vả, lúc trên đồng, khi ngoài biển, quanh năm đi đất, cởi trần cho nên bà con trong vùng thương, lấy cái tên ông Trần để gọi.

Ông Trần tên thật là Lê Văn Mưu, quê gốc Hà Tiên, Kiên Giang, là một tín đồ của đạo "Tứ ân hiếu nghĩa". Từng tham gia cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở quê nhà, không thành công, bị quân giặc truy lùng, ông phải cùng những người thân trong gia đình, đi trên năm chiếc ghe lớn, vượt biển từ Hà Tiên tới chợ bến Long Điền, rồi chọn núi Nứa làm chốn dừng chân, lập ấp Bà Trao, nay là xã đảo Long Sơn, làm nơi lánh nạn. Ông tổ chức khai phá đất hoang, cấy trồng và đánh bắt hải sản. Năm 1904, một trận bão lớn đã gây thiệt hại nặng ở miền Tây Nam Bộ. Nghe tin dân đói khổ, ông mở kho gạo cứu dân. Tiếng lành đồn xa, người dân bốn phương quy tụ đến với ông cùng góp sức mở mang đồng ruộng. Năm 1910, ông cho xây dựng Nhà Lớn. Năm 1927, lại cho xây thêm lầu Cấm và hai ngôi nhà khách, đồng thời cho xây sáu dãy nhà phố làm nhà ở cho bá tánh phương xa, xây chợ cho dân buôn bán, xây trường học cho trẻ nhỏ trong vùng... Nhà Lớn nhanh chóng trở thành "điểm đến" của không ít dân nghèo khắp nơi. Ông đưa họ vào sống ở những dãy nhà dành cho bá tánh, hướng dẫn họ cách khai khẩn đất hoang, trồng trọt, chăn nuôi đến chừng nào đủ ăn thì cất nhà ra ở riêng, trả lại nhà phố cho người khác. Ông giúp họ từ tâm, chẳng màng lợi ích, đúng với tinh thần đạo nghĩa ông vẫn thường răn dạy cháu con.

Nhà Lớn Long Sơn gồm nhiều nhà có lối kiến trúc tựa kiểu đình làng Việt Nam, nhưng không theo một quy hoạch tổng thể nào. Các nhà lầu, nhà trệt xen kẽ kế tiếp nhau, không đăng đối, không sau trước, đã tạo nên một bố cục kiến trúc khác lạ, phá vỡ nghiêm luật xây dựng đương thời. Đây là di tích bằng gỗ đồ sộ vào hàng nhất nhì trong cả nước được làm bằng các loại gỗ lim, sến, trắc..., một tập hợp quần thể kiến trúc khép kín mà liên thông, được chia thành ba khu riêng biệt: Đền thờ; nhà hội, trường học, chợ, nhà bảo tồn Ghe Sấm và khu lăng mộ Ông Trần, với nhiều hiện vật quý còn lưu lại như bộ bàn ghế bát tiên (khắc hình tám vị tiên ông, được cẩn hoa cương và xà cừ), bộ tủ thờ cổ cẩn xà cừ 33 chiếc có nguồn gốc tận Hà Đông, nhiều câu đối, hoành phi, liễn thờ... có giá trị. Tất cả đều thể hiện tính đoàn kết, quần cư của những người tha hương khi đến chốn rừng núi hoang vu lập nghiệp. Năm 1991, Nhà Lớn được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Dù đã tròn trăm tuổi nhưng những dãy nhà phố, nhà lầu, cũng như các vật dụng liên quan đến ông Trần ở Nhà Lớn hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Và quan trọng, trong không gian cổ kính của những ngôi nhà ấy, con cháu ông vẫn giữ trọn được nếp sinh hoạt mang nặng tính cộng đồng như ngày ông còn sống. Bà Ba Kiềm (Lê Thị Kiềm), hậu duệ đời thứ tư của ông Trần, hiện đang quản lý và trông nom Nhà Lớn, tâm sự: Khách đến với Nhà Lớn, nếu có nhu cầu, đều được Nhà Lớn lo ăn nghỉ miễn phí. Hằng năm, Ban tình thương của Nhà Lớn đều tổ chức thăm hỏi, động viên những gia đình khó khăn; hỗ trợ gạo, tiền cho những mảnh đời bất hạnh. Tặng quần áo, sách tập cho những trẻ em nghèo. Riêng năm 2009, Nhà Lớn tặng hơn sáu tấn gạo cho các hộ nghèo và hai căn nhà đoàn kết trị giá 30 triệu đồng cho hai hộ trong xã.

Đạo ông Trần ít quan tâm đến giáo lý, kinh kệ mà chú tâm nhiều đến việc thờ cúng, từ thiện và lấy việc "tu nhân" làm nền tảng cho sự hành đạo. Lời ông dặn ngày xưa, cháu con ông vẫn nhất nhất làm theo. Bà Kiềm cho biết, dù chịu ảnh hưởng sâu đậm của đạo Tứ ân hiếu nghĩa và một số đạo khác, nhưng đạo ông Trần có điểm khác là: Không lập chùa miếu, không chuông mõ, kinh kệ, không ép buộc ăn chay và cũng không dung túng tệ mê tín dị đoan. Nhiều tập tục riêng của Long Sơn do ông Trần chỉ dạy vẫn được tin theo, như: Viết liễn đón Xuân, đám tang chôn cất trong vòng 24 giờ (không coi ngày giờ, xả tang ngay tại mộ), đám cưới không coi ngày mà chỉ chọn hai ngày trong tháng là mồng 1 và 16 Ấm lịch, giờ hành lễ là giờ Thìn... Đặc biệt nhất là tục "chết đồng quách". Theo triết lý của ông Trần, thì "khi chết mọi người đều bình đẳng như nhau" , "sống thì đồng tịch đồng sàng, chết thì đồng quan đồng quách", cho nên áo quan được dùng chung cho tất cả mọi người. Gia đình có tang chỉ việc đến thỉnh áo quan về tẩm liệm. Khi đi đến mộ phần thì người chết được quấn vào chiếu cói chôn xuống đất, còn áo quan thì đưa về lại Nhà Lớn.


Mọi người đều tham gia phục vụ các hoạt động trong nhà Lớn bằng tinh thần tự nguyện

Xưa nay, việc trông coi và giữ gìn Nhà Lớn Long Sơn đều do nhân dân cùng con cháu ông Trần tự nguyện. Việc cúng lễ, quét dọn, tu bổ hằng ngày đều do các vị hương chức, phiên hầu và phiên ngũ (năm người) đảm nhiệm, cứ ba ngày thay phiên một lần, với 350 người tự nguyện thực hiện, nửa năm đáo lại một lần. Bác Thiều Văn Đông, xã Long Sơn, cho biết, chúng tôi làm hoàn toàn bằng tâm nguyện của ông ngày còn sống truyền lại, tất cả vì cộng đồng, vì những người khó khăn hoạn nạn, cho nên không màng lợi ích. Tham gia phiên hầu, phiên ngũ trong Nhà Lớn là một vinh dự rất lớn của mọi người. Ngoài tiền cúng công đức của bá tánh thập phương, tiền đóng góp từ tâm của bà con trong xã, mùa thu hoạch lúa đông xuân hằng năm, người dân một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lại gửi lúa về cung tiến cho Nhà Lớn.

- Mỗi năm 1.200 giạ lúa. Họ là những người cảm cái ơn trời biển của ông, phục tấm lòng độ lượng, bao la của ông cho nên làm rất tự nguyện. Nhà Lớn thường dành 400 giạ hỗ trợ dân nghèo, còn lại để phục vụ bá tánh thập phương khi đến thăm Nhà Lớn. Bà Ba Kiềm cho biết.

Hằng năm, vào ngày vía ông Trần (20 tháng 2 Ấm lịch) và ngày Trùng Cửu (9 tháng 9 Ấm lịch), Nhà Lớn Long Sơn tổ chức lễ hội rất lớn, thu hút hàng chục nghìn người đến tham quan, viếng đức ông Trần. Vào ngày 21 tháng Chạp, nếu có dịp ghé qua bạn sẽ được chứng kiến cảnh viết liễn Tết ở Nhà Lớn. Hình ảnh những ông già mặc áo the đen, đầu đội khăn vấn, ngồi trên chiếc chiếu, tay miệt mài viết liễn là nét đẹp được lưu truyền từ nhiều đời nay tại xã đảo này.

Tất cả vì cộng đồng, với tinh thần đồng cam cộng khổ, "thương người như thể thương thân", Nhà Lớn Long Sơn là điển hình cho nếp sinh hoạt quần cư khó tìm thấy ở ngoài đời, một nét văn hóa cổ rất cần giữ gìn và trân trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhận xét của bạn đang được chúng tôi duyệt qua, và chúng tôi sẽ đăng lên trong thời gian sớm nhất! Chào Thân ái!