TỔ ĐÌNH TAM BỬU TỰ Ba Chúc - An giang
♠♠๑۩۞۩๑ -KỲ HƯƠNG TỰ- ๑۩۞۩๑♠♠
Trang này được thực hiện bởi các đồng đạo TỨ ÂN HIẾU NGHĨA - TIỀN GIANG

16 tháng 6, 2010

TẾT ĐOAN NGỌ MỒNG 5 THÁNG 5

“Tháng giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà;
Tháng tư đong đậu nấu chè;
Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm”
Từ rất xa xưa, cùng với một số dân tộc Đông Á khác như Triều TiênTrung Quốc, người Việt Nam đã có ngày tết Đoan ngọ, còn gọi là tết Đoan dương, Đoan ngũ, tết Hàn thực hay tết nửa năm. Các gia đình truyền thống giữ tục làm cơm rượu và nấu chè trôi nước, trước cúng gia tiên, sau để quây quần ăn uống.
Tết Đoan Ngọ tồn tai từ lâu trong văn hoá dân gian Đông Phương và có một ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt văn hoá. Tết Đoan Ngọ còn gọi là tết Hàn thực vì trong ngày này theo tục lệ kiêng ăn món đồ nóng.  Ngày tết được tiến hành vào chính giờ Ngọ giữa trưa ngày mồng 5 tháng năm Âm lịch hàng năm.
 Tết Đoan ngọ - Ngày tết gắn với tục ngũ hành
Theo sách "Phong thổ ký" thì Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là giữa trưa. Đoan Ngọ tức là bắt đầu lúc giữa trưa. Tháng 5 là tháng có nắng to, khí dương đang thịnh như mặt trời vào lúc giữa trưa. Tết Đoan Ngọ là một nhịp nghỉ ngơi của nông dân sau khi thu hoạch xong các vụ mùa xuân-hè. Tết Đoan Ngọ chỉ có một ngàỵ Gọi là "tết" nhưng không nặng về nghi thức cúng bái hoặc xã giao, mà có chỉ ăn uống, "sêu tết" [tức là con rể tặng quà cho bố mẹ vợ, học trò đi "tết" thầy, nhân viên "tết" cấp trên; quà biếu "tết đoan ngọ" thường là vịt, ngan, ngỗng, nếp, rượu], giữ gìn sức khỏe và thực hiện phong tục đi hái một số lá cây về làm thuốc chữa bệnh...
Theo học thuyết âm dương ngũ hành, Ngọ được xếp vào quẻ Ly, thuộc hành Hỏa. Trong một ngày, dương khí cao nhất là giờ Ngọ. Trong một tháng, dương khí cao nhất vào những ngày Ngọ, nhất là ngày Ngọ thượng tuần (đầu tháng). Trong năm, dương khí cao nhất vào tháng Ngọ (tháng 5). Về từ nguyên, Đoan ngọ có thể hiểu nôm na là “ngày nóng nhất trong năm”, hoặc “ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm”. Đoan nghĩa là bắt đầu (khai đoan). Ngọ chỉ giờ ngọ, tức khoảng thời khắc nóng nhất trong ngày (từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều). Theo lịch kiến Dần (nông lịch hiện nay), tháng năm chính là tháng Ngọ (tháng giêng làtháng Dần). “Ngày 5” âm Hán Việt đọc là “ngũ nhật”, trong đó “ngũ”  gần với “ngọ”, cho nên Đoan ngọ còn gọi là Đoan ngũ. Vì vậy, giờ ngọ ngày Đoan ngọ là thời điểm giờ dương nhất, ngày dương nhất, tháng dương nhất trong năm (nên gọi tết Đoan dương).
Một chi tiết nữa là ngày Đoan ngọ rất gần với tiết Hạ chí trong nhị thập tứ tiết khí nông lịch, tức là ngày bắt đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm. Rõ ràng theo lối giải thích này, tết Đoan ngọ hoàn toàn không liên quan đến các nhân vật Ngũ Tử Tư, Câu Tiễn, Khuất Nguyên, Tào Nga hay Trần Lâm nào cả.
Từ ngàn xưa vùng đất từ Nam Dương Tử đến Bắc Đông Dương đã là vùng nông nghiệp lúa nước trù phú do các dân tộc Bách Việt gầy dựng nên. Chính sự phụ thuộc vào tự nhiên theo kiểu “trông trời trông đất trông mây, trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm” để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mới là cơ sở để người nông nghiệp quan sát tự nhiên, quan sát thời tiết, từ đó biết được ngày 5 tháng năm âm lịch là ngày dài nhất và nóng nhất trong năm, là “ngày đại kỵ”. Trong điều kiện thời tiết khác thường như vậy, người Bách Việt cổ chủ trương không đi làm đồng (để bảo vệ sức khỏe), chỉ nên tổ chức nấu nướng cúng tổ tiên và ăn uống (để tưởng nhớ tổ tiên và đoàn kết gia đình), đua thuyền rồng, tắm sông (để giải nhiệt, cầu mưa (rồng: thủy thần)), đeo bùa ngũ sắc cho trẻ em (để tránh tà ma) hoặc đi hái thảo dược (hoặc trà) với niềm tin thảo dược sẽ có dược tính cao nhất vào giờ ngọ trong ngày.
Ngày tết Đoan ngọ là một trong chuỗi các ngày tết truyền thống ứng với ngày tháng số lẻ (Tết Nguyên đán: 1 tháng giêng; Tết xuống đồng: 3 tháng ba, Tết Đoan ngọ: 5 tháng năm, Tết Ngâu: 7 tháng bảy; Tết Trùng cửu: 9 tháng chín) và có liên quan đến tư duy số lẻ phương Nam (như trong cách nói “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”). Hơn nữa, tết Nguyên đán của người Việt xưa tổ chức vào đầu tháng Tý, tức tháng 11 âm lịch (nay tổ chức vào đầu tháng Dần – tháng giêng). Từ đầu tháng tý tính đến đầu tháng ngọ (tháng năm) là vừa tròn nửa năm, do vậy dân gian Việt Nam còn gọi ngày Đoan ngọ là Tết nửa năm.
 Quan niệm về nguồn gốc Tết Đoan ngọ
Hiện tại có nhiều thuyết lý giải về nguồn gốc ngày Đoan ngọ. Không ít người cho rằng phong tục này bắt đầu từ cái chết của công thần nước Sở là Khuất Nguyên thời Chiến Quốc. Khuất Nguyên vì bị các thế lực quan lại khác hãm hại, bị vua Sở hất hủi đã trẫm mình giữa dòng Mịch La vào ngày 5 tháng 5 âm lịch năm 278 trCN. Một số sử sách Trung Hoa về sau như Tục Tề Giai Ký, Tùy Thư, Phong Thổ Ký, Cảnh Sở Tuế Thời Ký từ thời Nam Bắc Triều đến thời Đường đã gắn ngày tết Đoan ngọ với sự kiện này và truyền bá ra cộng đồng, từ đó hình thành quan niệm “tưởng nhớ Khuất Nguyên”.
Trong văn hoá Việt thì ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch lại là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ. Trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao:
Tháng Năm ngày tết Đoan dương.
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.
Ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ được chọn vào ngày 5 tháng năm được giải thích là xuất phát từ hai chuỗi chấm đen (mỗi dãy 5 chấm) bao quanh chòm 5 chấm trắng ở phần trung tâm Hà đồ trong thuyết Âm dương – Ngũ hành. Số 10 (số âm lớn nhất trong dãy 10 chữ số từ 1 đến 10) ở bên ngoài bao lấy con số 5 ở bên trong được hiểu là bao lấy trung tâm của vũ trụ, bao lấy Ngũ hành. Đó chính là hình ảnh mẹ Âu Cơ yêu thương đùm bọc đàn con trăm trứng để gầy dựng nên nong sông Việt Nam hôm nay. Lấy số 10 tách đôi ra thì thành cặp 5-5, ứng với ngày 5 tháng 5, tượng trưng bằng 2 dãy 5 chấm đen trong Hà đồ (hình).
Ở vùng đồng bằng Nam Bộ, ngày mồng 5 tháng năm âm lịch còn là ngày "vía Bà" Linh Sơn thánh Mẫu trên núi Bà Đen (Tây Ninh). Dân gian trong vùng vẫn còn giữ tục buổi sáng ăn cơm rượu, trưa ăn khế hoặc chuối chát với hy vọng “trừ được sâu bọ, giun sán gây bệnh trong người”, ăn chè trôi nước hay đi tắm sông. Đến hẹn lại lên, các bãi tắm cạn đầu các cù lao sông Tiền, sông Hậu lại đón hàng ngàn cư dân địa phương và các vùng xa xôi đổ về tắm làm náo nhiệt một khúc sông. Không ít trong số họ tin rằng nước sông Mê-kông trong ngày Đoan dương trở nên “linh thiêng”, có thể giúp “tẩy rửa bệnh tật”, song cái chính vẫn là để được vui chơi, gặp gỡ bạn bè và giải nhiệt.
Có lẽ bắt nguồn từ hiện thực tết Đoan ngọ sản sinh từ trí tuệ của truyền thống nông nghiệp phương Nam, được người Trung Hoa về sau tại nhiều địa phương khác nhau lại gắn vào nhiều điển tích khác nhau từ Ngũ Tử Tư, Việt vương Câu Tiễn, Khuất Nguyên đến Tào Nga, Trần Lâm v.v. để biến ý nghĩa sơ khai của ngày tết này theo những chủ đích riêng. Sự thật rằng tết Đoan ngọ xưa do nhân dân lao động cùng nhau sáng tạo, cùng hưởng thành quả và không ai làm tác giả cụ thể. Chính ở điểm này, người Trung Hoa đã tìm cách này hay cách khác gắn nó với một giai thoại, một điển tích nào đó giống như họ đã từng làm với nghề mộc (Lỗ Ban), binh pháp (Tôn Tử) v.v.. Nếu quan sát kỹ, cả các thuyết mà người Trung Hoa dựng nên đều gắn với những con người phương Nam, như Câu Tiễn người nước Việt, Ngũ Tử Tư người nước Sở về đầu quân nước Ngô, Khuất Nguyên người nước Sở, Tào Nga người gốc Bách Việt cổ, Trần Lâm người vùng Quảng Tây v.v..
 Các sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng trong ngày Tết Đoan ngọ
Tết này đến vào sau vụ mùa. Lúa nếp, bắp đậu và kê khá dồi dào. Nông dân nghỉ ngơi lấy sức. Tại một số tỉnh miền Trung Việt Nam người ta gọi là "ĂN MÙNG NĂM"
Người ta đã làm lễ cúng tổ tiên vào giờ Ngọ, và đi hái lá thuốc vào giờ ngọ (khi mặt trời đứng bóng). Vì tin rằng vào lúc giữa trưa ngày mồng 5-5 tất cả các thứ lá cây đều hấp thụ được một loại khí thiên nhiên nào đó và trở thành dược liệu trị được nhiều thứ bệnh thông thường
Dùng mắt trần nhìn lên mặt trời, vì tin rằng ánh sáng mặt trời vào thời điểm ấy cũng có tác dụng tốt đối với con mắt. Tại miền Bắc, vào ngày mồng Năm tháng Năm Âm lịch, nhiều nơi có tục lệ ăn trứng luộc, ăn kê (chè) bánh đa (bánh tráng). Người lớn cả nam lẫn nữ đều uống một chút rượu có hòa một chút hồng hoàng hoặc tâm thần đan gọi là để "giết sâu bọ". Trẻ con được treo cho những túi bùa bằng vụn lúa các màu khâu thành hình trái đào, quả khế, quả quất... buộc chỉ ngũ sắc kết tua (gọi là bùa tua bùa túi), móng tay móng chân được nhuộm đỏ bằng lá móng (trừ ngón tay trỏ và ngón chân kề ngón cái), bôi hồng hoàng (một vị thuốc có màu đỏ pha vàng) vào thóp, vào ngực, vào rốn… để trừ tà ma bệnh tật. Có nơi phụ huynh bôi vôi vào cổ cho con cái lúc đi ngủ để trừ bệnh tật.
Vào ngày này có tục "giết sâu bọ" bằng cách sáng sớm chưa ăn uống gì đã được lót dạ bằng hoa quả đương mùa và rượu nếp. Người xưa quan niệm rằng: Trong cơ thể con người, nhất là bộ phận tiêu hoá thường có sâu bọ ẩn sống, nếu không diệt trừ thì sâu bọ ngày càng sinh sôi nảy nở gây nguy hại cho con người. Lũ sâu bọ này chỉ lộ diện vào ngày 5/5 Âm lịch nên phải làm lễ trừ sâu bọ vào ngày này. Theo quan niệm cổ truyền, có thể giết sâu bọ bằng cách ăn thức ăn, hoa quả, rượu nếp vào ngày 5/5. Cách trừ sâu bọ trong người như sau: mọi người sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc. Rồi bước chân ra khỏi giường ăn một bát rượu nếp cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết.
Trong ngày tết Đoan ngọ, thuở xưa ở các làng xã có tế thần ở đình, đền, ở thôn, xóm thì cúng miếu. Tại gia đình thì sửa cúng tổ tiên và cúng Thổ công, lễ cúng là phẩm vật toàn trái cây. Riêng các gia đình thầy thuốc còn có thêm lễ cúng Thánh sư. Các tục lệ như tục giết sâu bọ, tục nhuộm móng chân, móng tay, tục tắm nước lá mùi, tục khảo cây lấy quả, tục hái thuốc vào giờ Ngọ, tục treo ngải cứu để trừ tà... cũng được thể hiện trong ngày này. Ở một số nơi còn giữ tục tết thầy học, tết thầy lang trong dịp này để trả ơn sựdạy dỗ của thầy giáo và đền ơn cứu bệnh của thầy lang.
Lễ sêu
Trong những tục lễ của ngày Tết Đoan Ngọ, có lẽ tục người ta chú ý nhất là tục lễ sêu - một tục lệ mang đầy tính nhân văn giữa người với người, con cháu với ông bà, cha mẹ, người bệnh với thày thuốc, học trò với thày giáo. Những chàng trai đã dạm vợ hoặc hỏi vợ nhưng chưa cưới thường đi sêu bố mẹ vợ nhân ngày Tết Đoan Ngọ.
Lễ sêu trong dịp này bao giờ cũng có đậu xanh mới hái vào tháng Tư, gạo nếp của vụ chiêm. Ngoài ra tháng Năm cũng là mùa ngỗng và mùa chim ngói, cùng với gạo nếp, đậu xanh, bao giờ cũng có một đôi ngỗng và một, hai chục chim ngói. Kèm thêm là cân đường cát, trái dưa hấu, nghĩa là toàn những sản phẩm trong mùa.
Chỉ những chàng rể chưa cưới vợ mới đi lễ sêu, còn những chàng rể đã cưới vợ rồi thì hết lễ sêu, nhưng trong dịp tết Đoan Ngọ, các chàng rể dù nghèo vẫn cố chạy món quà nhỏ để biếu bố, mẹ vợ. Lễ biếu này nhiều, ít tuỳ tâm và không quan trọng bằng lễ sêu.
Nghi thức cúng lễ và tập tục ngày Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ đã trở thành Tết truyền thống. Nhà nhà, làng làng đều sửa lễ cúng ông bà Tổ Tiên, cúng Thần Thánh, cúng các vị Tổ Sư của nghề. Đặc biệt đây là Tết chú ý đến việc bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa sâu bọ (vi trùng) làm giảm sức khỏe của con người. Đó là việc giết sâu bọ, bằng cách ăn rượu nếp làm cho sâu bọ trong người bị say, ăn các trái cây như mận như xoài... là bồi thêm đòn cho sâu bọ chết. Người ta còn mài thần sa, chu sa cho trẻ uống để chống sự phản ứng trong cơ thể.
Ø  Tắm nước lá mùi: Là tập tục mà các làng quê thường có. Người ta đun lá mùi, lá tía tô, kinh giới, lá sả, lá tre vào chung một nồi, rồi mọi người già trẻ thay nhau múc tắm. Mùa nóng lại tắm nước nóng có lá thơm, mồ hôi toát ra, cảm giác khoan khoái dễ chịu, thơm tho làm cho con người phấn chấn và có lẽ cũng trị được cảm mạo, bởi nước lá mùi là vị thuốc nam.
Ø  Hái thuốc mồng Năm: Cây cỏ quanh ta có nhiều thứ trở thành vị thuốc chữa bệnh. Nhưng nếu các loại thảo mộc ấy được hái vào ngày mồng 5 tháng 5 ÂL, lại đúng vào giờ Ngọ thì tính dược càng được tăng lên, chữa các bệnh cảm mạo, nhức đầu đau xương... sẽ nhanh khỏi hơn. Do vậy dân gian thường hái ngải cứu, đinh lăng, tía tô, kinh giới... đem phơi khô cất đi, khi nào lâm bệnh thì sắc uống.
Ø  Treo cây ngải cứu trừ tà ma: Người ta còn lấy cây ngải cứu buộc gom thành nắm, treo ở đầu nhà, trước cửa để trừ tà ma. Thực tế thì hương thơm lá ngải sẽ giúp con người dễ chịu, khoan khoái. Lại có thể giảm bớt nhức đầu, đầy bụng nên khi lấy lá mồng năm, mọi người không thể quên lấy lá ngải cứu. Giết sâu bọ, hái thuốc mồng năm, tắm nước lá mùi, treo lá ngải trừ tà trong Tết Đoan Ngọ, nhằm làm cho con người, nhất là thế hệ trẻ, khoẻ mạnh để duy trì nòi giống, truyền thống của cha ông.
Ø  Tục đeo "bùa tui bùa túi": Người ta còn phòng xa những bất trắc do ma quỷ, rắn rết làm nguy hại đến tính mạng nên Tết mồng 5 tháng 5 còn có tục đeo "bùa tui bùa túi". Đây là thứ bùa ngũ sắc để đeo vào vòng cổ cho trẻ em. Người ta dùng vải và chỉ ngũ sắc để may, để buộc thành các túm bùa. Một túm hạt mùi, một túm hồng hoàng rồi một số quả như khế, ớt, mảng cầu... được buộc gộp thành bùa treo vào cổ trẻ em. Phải chăng hạt mùi kỵ gió, hồng hoàng kỵ rắn rết, còn các quả để giết sâu bọ, chỉ ngũ sắc là màu sắc của vũ trụ kim, mộc, thủy, hoả, thổ thường dùng để trừ ma quái, hy vọng sẽ đảm bảo cho thế hệ trẻ được khoẻ mạnh, tồn tại và phát triển.
Ø  Tục nhuộm móng tay, móng chân: Tết mồng 5 tháng 5 còn có tục nhuộm móng tay móng chân cho trẻ. Họ hái lá về giã nhỏ, lấy lá vông đùm từng nhúm rồi buộc vào móng tay, móng chân. Riêng ngón "thần chỉ" là ngón tay trỏ thì không buộc. Sáng dậy, mở các đầu ngón tay ra sẽ thấy các móng tay móng chân đỏ tươi, đẹp mắt. Ngoài mỹ thuật, tục này còn ẩn dụng ý trừ ma tà lôi kéo làm hại con người.
Ø  Tục khảo cây lấy quả: Dân gian quan niệm cây cũng có linh hồn nên những cây "chây luời" không chịu ra quả phải bị khảo. Một người trèo lên cây, một người cầm dao đứng dưới gốc. Người đứng dưới gốc hỏi tại sao cây chậm ra quả và dọa sẽ chặt bỏ. Người trên cây van xin được tha sẽ ra quả và hứa ra thật nhiều quả. Thường thì mỗi dịp này các cành rườm rà được phát bớt và mùa tới cây sẽ ra quả.
Trong tết này, các gia đình có làm lễ cúng gia tiên, cỗ cúng có cả chay lẫn mặn. Các chàng rể phải sắm quà biếu bố mẹ vợ nhân tết mồng năm, trong đó thường có mấy thứ: ngỗngdưa hấu, hoặc đậu xanh đường cát. Học trò cũng đến tết thầy, lễ vật tuỳ tâm, đại thể cũng như trên. Ở một số vùng quê, vào giờ Ngọ (12 giờ trưa) ngày mồng 5 tháng 5, nhiều người còn đi hái lá làm thuốc, vì tin rằng lá hái trong giờ phút này dù chỉ là các lá thông thường như lá chanh, lá bưởi, kinh giớitía tôngải cứusen vồng..., đều trở nên công hiệu hơn rất nhiều. Ở một số vùng, người dân còn có tục lệ khảo mít: một người ở dưới đất gõ vào gốc mít tra khảo, một người trèo lên cây thay mặt cây mít trả lời, với hy vọng sang năm cây cối sai quả. Tuy nhiên gần đây, những sắc thái phong tục truyền thống Việt trong lễ này không còn được xem trọng.
Tết Đoan Ngọ có những nghi thức tập tục độc đáo, gắn với mảnh đất, con người nhiệt đới phương Nam. Đây còn là dịp Tết có những thứ quả, hạt đầu mùa, mà con cháu không thể quên việc cúng dâng Tổ Tiên. Một quả dưa hấu, một quả mít, một chùm nhãn, dĩa mận, cân đậu, dĩa xôi đầu mùa... đều được đưa lên bàn thờ cẩn tấu Gia Thần, Gia Tiên. Và đây cũng là những sản phẩm để đi lễ gia đình ông bà nhạc tương lai, đi Tết các thầy học, thầy lang, thầy dạy nghề tỏ lòng đền ơn đáp nghĩa. Dân gian còn có lệ nhân ngày 05.5 ÂL bày tỏ lẫn nhau tình mật thiết bằng hữu, xóm giềng.
Tết Đoan Ngọ giữa mùa dương thịnh, nóng bức nhưng các tục lệ cũng thật dào dạt tình người. Phải chăng cái tình cảm êm thấm này vừa biểu hiện sự nhu, tính âm, khiến cho âm dương giao hòa, tình người gắn bó đã làm tăng thêm ý nghĩa nhân văn cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Những tập tục trong lễ tết được xây dựng trên căn bản nhân nghĩa và đạo đức truyền thống. Những tục lệ tết thầy giáo, thầy thuốc, biếu tặng những người đã tri ân cho mình đã chứng tỏ rằng, lễ giáo của ta rất được tôn trọng, và những ân sâu nghĩa trọng không bao giờ quên.
Tết Đoan ngọ ngày nay, qua mọi biến đổi của thời cuộc vẫn tồn tại trong nhân dân với ý nghĩa thiết thực và thiêng liêng của nó.  Dẫu qua bao biến đổi về thời cuộc, song tết Đoan Ngọ vẫn tồn tại trong lòng người dân đất Việt như một phong tục đẹp, với ý nghĩa thiêng liêng về đạo lý làm người.
Cinet tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhận xét của bạn đang được chúng tôi duyệt qua, và chúng tôi sẽ đăng lên trong thời gian sớm nhất! Chào Thân ái!