CHƯƠNG THỨ BA
* * *
Để tiện việc nghiên cứu Phật học, Đại sư Thiên Thai Trí giả đã hoạch định ra năm thời kỳ Phật thuyết pháp:
1. Thời kỳ Hoa Nghiêm túc là thời kỳ sau 21 ngày thành đạo, Phật giảng kinh Hoa Nghiêm
2. Thời kỳ A Hàm tức là thời kỳ Phật thuyết pháp tại vườn Lộc đã, sau chép lại thành kinh A Hàm, thời kỳ này trải qua 12 năm;
3. Thời kỳ Phương Đẳng tức là thời kỳ Phật thuyết các kinh Đại thừa; thời kỳ này phỏng độ 8 năm;
4. Thời kỳ Bát Nhã tức là thời kỳ Phật thuyết kinh Bát nhã, trong 15 năm;
5. Thời kỳ Pháp Hoa tức là thời kỳ Phật thuyết các kinh Pháp Hoa, Niết Bàn, trong 8 năm.
Tuy trong việc hoạch định thời kỳ của Thiên Thai Trí giả có chỗ cưỡng ép, nhưng xét ra rất tiện lợi về phương diện nghiên cứu Phật học.
Thể theo phương pháp của Đại suy Thiên Thai chúng tôi có thể phân quá trình phát triển của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương ra làm ba thời kỳ như sau:
1. Thời kỳ thứ nhứt cũng gọi là thời kỳ thành lập, kể từ năm Kỷ dậu (1819) tức năm Đức Phật Thầy Tây An ra đời mở đạo cho đến năm Ất Hợi (1875) tức năm Đức Phật Trùm viên tịch.
2 . Thời kỳ thứ hai cũng gọi là thời kỳ củng cố, kể ừ ngày Đức Bổn sư ra đời năm Canh Ngọ (1870) cho đến ngày Ngài tịch năm Canh Dần (1890),
3. Thời kỳ thứ ba cũng gọi là thời kỳ phổ biến, bắt đầu từ khi ông Sư vãi Bán khoai ra đời cho đến ngày Đức Huỳnh giáo chủ mở đạo trở lại đây.
I. THỜI KỲ THỨ NHẤT.
Thời kỳ thứ nhất là thời kỳ thành lập giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương do Đức Phật Thầy Tây An khai sáng và được Đức Phật Trùm thừa tiếp.
Chính Đức Phật Thầy Tây An đã sáng lập giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương, Danh từ này được truyền ra là từ khi Ngài về ở Núi Sam. Cứ mỗi lần Ngài thâu nhận một người nào qui y thọ giáo thì Ngài có phát cho một cái lòng phái có bốn chữ Bửu- Sơn Kỳ- Hương bằng son in trên giấy vàng. Người tín đồ thọ phái, xem đó như một vật rất thiêng liêng, cứ may đãy mà đeo, không dám tò mò tìm hiểu ý nghĩa. Danh từ Bửu- Sơn Kỳ- Hương từ đó một ngày một rộng truyền ra. Người nào co lòng phái tức là tín đồ của phái Phật thầy hay Bửu- Sơn Kỳ- Hương.
Một khi qui y thọ phái rồi, người tín đồ phải tu hành theo pháp môn của Ngài chỉ dạy. Về phương diện nghi thức thờ phượng, mỗi nhà, ngoài bàn thờ ông bà cha mẹ, còn có ngôi thờ Tam bảo, trên đó chỉ thờ đơn giản một tấm trần điều, chớ không có cốt hình chi cả.
Còn về phương diện hành đạo thì Ngài dạy tín đồ lo làm lành lánh dữ, đền trả Tứ Ân, sửa tâm sửa tánh, siêng năng niệm Phật, nghĩa là cả pháp môn Tu Nhân học Phật. Kỳ dư không có dạy tụng kinh gõ mõ hay ly gia cát ái. Ngay các đại đệ tử như ông Đạo Xuyến, Đạo Ngoạn… mặc dù quyết chí ly gia cát ái, nhưng Ngài không cho mà trái lại còn dạy trở về lập gia thất, cốt yếu là phải cứu dân độ thế, làm ích lợi cho đời, tự mình làm lấy mà sống.
Đó là về phương diện công truyền. Đến như đối với hàng đại đệ tử thì ngoài phương diện công truyền để phổ hóa chúng sinh. Ngài còn mật truyền bí pháp chỉ dạy cách tu luyện để đắc pháp thần thông có thay thế Ngài ra giúp đời độ bịnh. Chính trong hàng đệ tử thân tín ấy, Đức Phật Thầy đã truyền bài thơ "Tứ bửu linh tự", bài "Đại Đạo Ngao Du Châu Di Viễn Cận"… để thông đạt diệu lý và cơ huyền của phái Bửu- Sơn Kỳ- Hương.
Sau khi, cơ cấu đã vững đặt, hàng trăm đệ tử đắc pháp thần thông, Đức Phật Thầy mới bắt tay vào việc truyền bá. Hoặc giả, tự Ngài lập chùa, lập trại rồi giao phó cho đệ tử đảm đương việc phát phù trị bịnh, giáo hóa chúng sinh, hoặc giả, tự đệ tử đứng lên tạo lập, khuyến tu phát phái, thâu nhận tín đồ. Nhờ đó mà chẳng bao lâu hệ phái Bửu- Sơn Kỳ- Hương đã đặt khắp miền Nam nước Việt. Người ta được biết, ngoài vùng Châu Đốc, Long Xuyên, công cuộc truyền giáo về miệt Cao Miên thì có Bà Năm Chòm Dầu, về miệt Sa Đéc. Vĩnh Long thì có ông Đạo ngoạn, về các tỉnh miền Đông thì có ông Đạo Xuyến.
Trong một thời gian rất ngắn, từ ngày Đức Phật Thầy ra đời cho đến ngày Ngài viên tịch, chỉ trong vòng có bảy năm mà cơ sở của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương đã vững vàng, tín đồ qui y thọ giáo có mấy mươi vạn.
Có thể nói chính Ngài là người đầu tiên báo tin cho chúng sinh biết rằng nhân loại bước vào thời kỳ Hạ nguơn là thời kỳ cũng cuối của luật tuần huờn Tam nguơn để tạo lập đời Thượng nguơn vô cùng an lạc.
Đặc điểm của giáo lý nhà Phật không phải là những giáo điều cố định; nó luôn luôn uyển chuyển, tùy không gian thời gian, để thích nghi với căn cơ của chúng sinh.
Cũng như một vị lương y diệu thủ biết tùy theo tạng phủ của bịnh nhân mà gia giảm phương dược, Đức Phật Thầy Tây An, y cứ theo giáo pháp căn bản của Đức Phật, đã biết chọn pháp môn thích hợp với căn cơ của chúng sinh ở thời kỳ mạt pháp.
Nhận rõ con người sanh ở thời kỳ Hạ nguơn này phần đông là hạng người thiểu căn thiểu trí, không thể lãnh hội hay tu theo những giáo lý cao siêu chỉ thích hợp với hạng người thượng căn thượng trí ở thời kỳ chánh pháp, nên chi Ngài khai thị pháp môn Tu Nhân Học Phật, là pháp môn gồm tu cả phước lẫn huệ, dù người ở trình độ cơ cảm nào cũng có thể tu hành được cả.
Với pháp môn Tu Nhân Học Phật, Ngài đã gây nên một phong trào đạo đức chưa từng có khắp miền Nam nước Việt. Ngài làm sống lại chánh pháp vô vi chân truyền của Đức Phật Thích Ca mà từ một ngàn năm trở lại đây khi Đức Lục tổ Huệ Năng bặt truyền y bát, đã thất truyền vì những lối tu âm thinh sắc tướng của Thần Tú.
Quả pháp môn Tu Nhân Học Phật là một pháp môn siêu thăng ở thời kỳ Hạ nguơn thứ nhứt là ở hoàn cảnh của Việt Nam.
Với điều Tu Nhân, nó đã giúp cho người hành trí nó, trả được nợ Tứ Ân, gây lấy phước duyên làm nền móng cho bước đường tu giải thoát và nêu cao tinh thần hy sinh vì đạo nghĩa như hồi đời Lý đời Trần. Trong lịch sử Cần vương, một danh dự rất lớn đã dành cho Trần Văn Thành, Nguyễn Trung Trực, Trần Văn Nhu… đều là những vị anh hùng cứu quốc, xuất thân trong giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương.
Với điều học Phật, một số lớn môn nhân đệ tử của Ngài đã đắc pháp thần thông và liễu ngộ. Cần nhắc lại chăng gương ông Cử Đa, Đạo Lập, Đạo Xuyến, Đạo Sang, ông Ba Thời… đều là những bực tu hành đã có nhiều ấn chứng mà chẳng một ai ở miền Nam nước Việt không từng nghe danh hay ít ra cũng được mấy ngài hóa độ.
Đó là chưa kể những Đức Phật Trùm, Đức Bổn sư, ông Sư Vãi Bán Khoai, Đức Huỳnh giáo chủ… là những bực tỏ ngộ nối tiếp nhau hưng truyền giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương và sương minh pháp môn Tu Nhân Học Phật, gây nên một thịnh huống tu hành trong dân chúng.
Công nghiệp hoằng hóa lợi sanh của Đức Phật Thầy Tây An, đối với chúng sinh trong thời kỳ mạt pháp thật vĩ đại lắm thay.
Riêng về dân tộc Rồng Tiên, công nghiệp ấy qui bằng núi báu (Bửu Sơn), vì nó đem lại một mùi thơm lạ (Kỳ Hương) trong Phật-giáo Việt Nam.
Điều mà ai đọc đến lịch sử Đức Phật Trùm đều phải kinh dị là trường hợp ra đời và mở đạo của Ngài không khác trường hợp của Đức Phật Thầy Tây An. Ngài vốn là một người Miên ở núi Tà Lơn vùng Xã Tón thuộc tỉnh Chấu đốc, nhưng bỗng một hôm, sau khi chết đi sống lại vì bịnh thời khí, Ngài hốt nhiên tỏ ngộ, không nói được tiếng Miên, lại nói ròng tiếng Việt. Rồi bắt đầu từ đó, Ngài phát phù trị bịnh, mở đạo giáo đời, nhứt nhứt như được Đức Phật Thầy truyền lại. Thế cũng chưa làm cho người đời ngạc nhiên bằng khi thấy Ngài cũng phát lòng phái Bửu- Sơn Kỳ- Hương. Thật là một điều kỳ diệu. Nếu không phải Đức Phật Thầy chuyển kiếp thì làm gì có trường hợp lạ lùng như thế.
Do những chỗ giống nhau ấy mà người đời quả quyết rằng: Đức Phật Trùm tức là Đức Phật Thầy tái sanh, nhiều đệ tử và tín đồ của Ngài tấp nập kéo đến. Nhân đó giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương lại một phen mạnh truyền trong dân chúng.
Cũng như đệ tử của Đức Phật Thầy, đệ tử của Đức Phật Trùm cũng được mật truyền bí pháp và đắc pháp thần thông, trong số đó người ta được biết ông Đạo Sĩ ở Trà Kiết thuộc tỉnh Long Xuyên, ông Đạo Ớt ở Tân Lược thuộc tỉnh Cần Thơ, là những vị còn lưu lại ít nhiều tung tích và có công trong việc xây nền móng cho giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương.
Công cuộc truyền giáo có cơ phát triển thì chẳng may Đức Phật Trùm gặp phải tai nạn. Mặc dù sau một thời gian bị đày lưu, Đức Phật Trùm được trả tự do và tiếp tục công việc cứu bịnh, qui tụ tín đồ đông như trước, nhưng về giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương thì bắt đầu từ đó bước vào con đường khó khăn chẳng khác Phật-giáo gặp ách tam Võ (1) ở Trung Hoa.
Nên biết Đức Phật Trùm ra đời nhằm năm Mậu thìn (1868) tức là lúc quân pháp đã chiếm Nam kỳ Lục tỉnh. Các vị anh hùng ái quốc trong cuộc nổi lên gây phong trào kháng chiến Cần vương. Nào là Ngài Trương Công Định huy động nghĩa binh ở miền Đông, nào là ngài Võ Duy Dương chống Pháp ở Đồng Tháp, nào là các Ngài Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Khoa Huân, Trần Văn Thành tức Đức Cố Quản… phát cờ khởi nghĩa ở miền Tây. Đặc biết là Ngài Nguyễn Trung Trực, kế đó Đức Cố Quản, là hai tướng lãnh kháng chiến, từng làm cho quân Pháp kinh danh khiếp sợ. Ngài Nguyễn Trung trực đã hỏa công chiếm hạm Pháp tại sông Nhựt Tảo thuộc tỉnh Tân An và hạ đồn Kiên Giang tức tỉnh Rạch Giá. Đến như Đức Cố Quản thì Ngài đã đánh nhau với Pháp ở đồng Bảy Thưa, giữa khoảng Châu đốc Long xuyên. Vả lại Ngài là đệ tử của Đức Phật Thầy có hàng vạn người làm hậu thuẫn, cho nên quân Pháp đạc biệt chú ý đến tín đồ Bửu- Sơn Kỳ- Hương. Sau khi Pháp phá tan lực lượng của Ngài vào năm 1873. quân Pháp truy nã tín đồ Bửu- Sơn Kỳ- Hương và thi hành một chánh sách khủng bố nghiệt ngã.
Chính lúc ấy, Đức Phật Trùm lại truyền mạnh giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương, qui tụ tín đồ hàng vạn thì tránh sao cho khỏi quân Pháp nghi kỵ. Thế rồi Đức Phật Trùm bị bắt và đày đi. Bắt đầu từ đó, giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương bước vào giai đọan đình đốn ngưng trệ.
Nói tóm lại, giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương từ khi Đức Phật Thầy Tây An khai sáng cho đến khi Đức Phật Trùm viên tịch, là ở vào giai đoạn thành lập xây đựng. Trong giai đoạn này, giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương được Đức Phật Thầy và Đức Phật Trùm, cùng đệ tử của hai Ngài đặt vững cơ sở khắp nơi. Nhiều cảnh chùa đã xây dựng còn lưu lại đến ngày nay.
Mặc dù giữa Đức Phật Thầy và Đức Phật Trùm không có sự ấn chứng hay truyền y bát như hệ thống tổ , tổ tương truyền, nhưng Đức Phật Trùm cũng như bao nhiêu vị giác ngộ sau này, vẫn kế truyền và xiển dương giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương như đã có một truyền cảm giữa vị giác ngộ này với vị giác ngộ khác.
Đó là một điều huyền diệu, chỉ giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương mới có.
II. THỜI KỲ THỨ HAI
C. ĐỨC BỔN SƯ
1. HÀNH TRẠNG.
Thời kỳ thứ hai là thời kỳ củng cố giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương. Thời kỳ này kéo dài trong suốt thời gian Đức Bổn Sư ra mở đạo
Cứ như được biết, trường hợp tỏ ngộ của Đức Bổn Sư cũng không khác trường hợp tỏ ngộ của Đức Phật Thầy Tây An và Đức Phật Trùm, nghĩa là hốt nhiên tỏ ngộ và dùng phép huyền điệu độ bịnh cứu dân. Điều làm cho mọi người phải ngạc nhiên, cũng như người ta đã ngạc nhiên về trường hợp của Đức Phật Trùm, là Đức Bổn Sư không hề được Đức Phật Thầy Tây An hay Đức Phật Trùm truyền giáon thế mà khi tỏ ngộ, Ngài cũng phát lòng phải Bửu- Sơn Kỳ- Hương và xiển dương pháp môn Tu Nhân Học Phật y như có suy truyền kế vậy.
Nhưng khổ nỗi ! Khi Ngài ra đời lại gặp phải thời kỳ quân Pháp sang chiếm nước Việt Nam. khắp nơi trong nước, các vị anh hùng ái quốc nổi lên phong trào Cần vương kháng chiến, trong số đó có Đức Cố Quản Trần Văn Thành, Nguyễn Trung Trực, và môn đệ của Đức Phật Thầy Tây An. Vì thế mà quân Pháp cực lực truy nã tín đồ Bửu- Sơn Kỳ- Hương. Đức Phật Trùm bị bắt đày đi cũng vì duyên cớ ấy.
Vả lại, pháp môn Tu Nhân Học Phật của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương lại khuyên tu Tứ Ân Hiếu Nghĩa, gây cho dân chúng một tinh thần hy sinh cao cả đối với đất nước quê hương, càng khiến cho quân Pháp, muốn đặt vững uy quyền của mình, phải thẳng tay đàn áp. Thế nên, không có thời kỳ nào mà giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương chịu nhiều gian nguy khổ ách bằng thời kỳ Đức Bổn Sư ra hoằng hóa. Có đọc qua lịch sử của Ngài mới thấy Ngài rất dày công trong việc củng cố giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương (1. )
Trong kinh Hiếu Nghĩa gồm có ba quyền do Đức Bổn Sư sáng tác thì vào giờ ngọ ngày mồng 5 tháng 5 năm Đinh Mão (1867). Ngài dọn mình bỏ tục (chuyển thân khử tục). Trong bảy ngày bảy đêm, Ngài nằm đê mê cho đến ngày thứ bảy thì lặng nhiên tỉnh lại; Ngài cảm thấy lòng trần đã rửa sạch. Và bắt đầu từ đó, Ngài đi phổ hóa độ sanh. Tứ Dội, nơi quê quán thuộc tỉnh Châu Đốc. Ngài đi lần xuống Cù lao Ba, nơi đây Ngài ở một thời gian cứu dân đang gặp nạn ôn dịch.
Sau đó, Ngài đi vào vùng Thất Sơn, rồi thẳng theo kinh Vĩnh Tế, qua miệt Giang Thành. Khi đến hòn núi Nước, Ngài có lậy một cái ếm của người Tàu. Ý chừng phá vỡ mưu mô của họ, người Tàu sanh lòng thù oán cáo gian với nhà cầm quyền Pháp rằng Ngài có ý khởi nghĩa Cần vương. Vì thế mà Ngài phải một phen giả dạng làm nữ nhơn, ẩn lánh rày đây mai đó. Ngài có đến gặp Đức Cố Quản ở Nhà Láng.
Sau một thời gian đi hóa độ. Ngài trở về núi Tượng lập chùa phát phái, mở thành mối đạo Hiếu Nghĩa. Ngày Ngài chánh thức lấy danh hiệu Đức Bổn Sư là ngày rằm tháng 9 năm Canh Ngọ (1870), nhưng theo kinh Hiếu Nghĩa quyền thượng thì cho đến ngày 28 tháng 4 năm Kỷ Mão (1879) Ngài mới được thọ ký. Ngài dựng lên tại Núi Tượng ngôi Thanh Lương tự để thờ Địa Mẫu. cũng trên sở đất này, Ngài cho lập một cảnh chùa gọi là Chùa Lớn, chia làm hai ngôi; phía trước là An định miếu để thờ các vị công thần của đất nước. còn phía sau là chùa Phi Lai thờ Đức Phật Thầy Tây An ở bàn tỏ và một bức trần điều nơi bàn thờ chánh.
Công việc sắp đặt chưa được an bài thì một biến cố xảy ra. Nguyên trong một cuộc đàn áp Cần vương ở Tịnh Biên, quân Pháp có bắt được một tín đồ Hiếu Nghĩa trong hàng nghĩa binh. Thế là năm 1885 (Ất Dậu) quân Pháp đem binh đến Núi Tượng, một mặt thiêu hủy chùa miếu và nhà cửa, một mặt bắn giết và bắt bớ tín đồ. Đây là tai nạn đầu tiên mà đạo Hiếu Nghĩa đã gặp. Chừng như Đức Bổn Sư cũng đã tiên liệu tai nạn này, nên chi, trước đó mấy năm. Ngài nhìn bầy gà ăn lúa chung quanh cối xây ở trước chùa, có nói rằng: đầu cối gà bươi mà cuối cuối gà cũng bươi. Câu nói này không ai đoán ra. Đến năm Ất Dậu khi xảy ra tai nạn người ta mới hiểu. Nhưng đáo chỉ mới là đầu cối gà bươi, còn cuối cối gà bươi là năm 1945 cũng là năm Ất Dậu, chùa miễu ở núi Tượng bị đốt phá một lần nữa. Đó là hai lần đại nạn của tín đồ Hiếu Nghĩa.
Sau cuộc đốt phá và bắt bớ năm 1885, tín đồ Hiếu Nghĩa phần nào được thả thì trở về lo cất lại nhà cửa. Chùa miếu lần lượt cũng được trùng tu, nhưng nhà cầm quyền Pháp bắt phải đặt dưới sự chỉ huy của hương chức hội tề, nhứt cử nhứt động gì cũng phải xin phép, tín đổ không được tụ hợp đông đảo như trước; mỗi lần vào chùa lễ bái không quá con số bốn người.
Từ ngày xảy ra tai nạn. Đức Bổn Sư cùng một số cao đệ đi lánh mặt. Để tránh sự truy nã của quân Pháp, Ngài phải giả dạng ra nữ nhơn rầy đây mai đó. Khi thấy tình thế hơi dịu. Ngài trở về núi Tượng tu chỉnh chùa miễu và tiếp tục công cuộc phổ hóa.. Nhưng cho được ổn thỏa với hương chức hội tề luôn luôn đứng một bên chỉ huy, hay hơn nữa để đánh tan lòng nghi ngờ của quân Pháp. Ngài canh cải cách thờ phượng và tụng niệm. Thay vì thờ một tấm trần điều thì Đức Bổn Sư bảo thờ một bức tượng Đức Quan Đế. Thật ra thì bức tượng ấy không có để nguyên mà bị vanh bỏ chung quanh, chỉ lấy phần hình mà thôi. Và cái phần hình ây được dán lên trên tấm trần điều. Chỉ những người có để ý mới nhận thấy.
Việc lọng hình Đức Quan Đế trên trần điều xét ra không khác trường hợp Đức Huỳnh Giáo chủ dạy tín đồ đổi trần điều ra trần đà và viết lên chín chữ "Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu ni Phật", trong lúc nhà cầm quyền Pháp làm khó khăn và khủng bố Đạo.
Ngoài Đức Quan Đế, tín đồ Hiếu Nghĩa còn thờ nhiều hình tượng khác nữa. Như ở thôn đạo An Thành thì thờ Đức Quan Âm. Thôn đạo An Hòa thì lập miếu gần chùa Phổ Đà thờ Na Tra. Còn ở gia đình của tín đồ Hiếu Nghĩa thì nhà nào cũng có thờ ông Táo.
Cách thờ phượng của đạo Hiếu Nghĩa, xem đó, không khác cách thờ phượng của nhà thiền mà chúng ta thường thấy. Cho đến cách tụng niệm cũng không khác. Nơi chùa cũng như nơi nhà của tín đồ Hiếu Nghĩa, hằng đêm đều có tụng kinh gõ mõ. Kinh được tụng phần nhiều là kinh Kim cang. Di Đà. Phổ môn. Bát Dương. Tâm Kinh… tức là những kinh trong nhà thiền thường đọc tụng. Nhưng ngoài mấy bộ kinh vừa kể, tín đồ Hiếu Nghĩa còn tụng những kinh chính của Đức Bổn Sư sáng tác, như Hiếu Nghĩa kinh, Siêu thăng kinh, Phổ độ, Thiên đồ, Âm chất. Đào viên minh thánh kinh…
Tóm lại từ cách thờ phượng tượng Đức Quan Đế cho đến cách tụng niệm, vì để đánh lạc hướng của nhà cầm quyền Pháp. Đức Bổn Sư đã rập theo hình thức của nhà thiền. Mặc dù Ngài cố gắng thay hình đổi dạng như thế, nhưng quân Pháp cũng không vì đó mà để cho Ngài và tín đồ Hiếu Nghĩa ở yên. Chúng vẫn tầm bắt Ngài và khổ khắc tín đồ Hiếu Nghĩa. Nhiều khi Ngài phải hóa trang và ẩn lánh. Có một lần nọ, trong lúc chùa có lễ cúng lớn, quân Pháp biết chắc Ngài có mặt tại đó, nên kéo binh đến vây bắt. Tín đồ đều hồn kinh phách tán, vì không còn ngõ nào cho Đức Bổn Sư thoát thân. Môn đệ đến cho Ngài hay tình thế nguy biến thì Ngài vẫn thản nhiên bảo mấy cao đệ hãy núp theo bóng của Ngài mà đi. Ngài cùng môn đệ đi ra một cách tự nhiên trước mặt quân Pháp mà chúng ta không thấy.
Tuy gặp nhiều lúc nguy biến như thế, nhưng Ngài cứ một mực phổ hóa chúng sinh, tiếp tục phát phái Bửu- Sơn Kỳ- Hương. Thật không có thời kỳ nào tín đồ Bửu- Sơn Kỳ- Hương chịu nhiều tai ách bằng thời kỳ này. Trong suốt thời gian từ ngày Đức Bổn Sư ra đời cho đến ngày Ngài Tịch (năm canh dần 1890), không quyết tâm tiêu diệt, nhưng nhờ có Ngài ra công bảo thủ mà giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương được giữ vững, chỉ được giữ vững thế cũng là may lắm rồi, chớ không dễ gì bành trướng như hồi thời Đức Phật Thầy Tây An được.
Thế nên thời kỳ Đức Bổn Sư phổ hóa, có thể gọi là thời kỳ củng cố.
2. GIÁO LÝ
Như mọi người đều biết, giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương chủ trương pháp môn Tu Nhân Học Phật. Đức Bổn Sư khi ra mở đạo cũng phát lòng phái Bửu- Sơn Kỳ- Hương cho môn nhơn đệ tử; như thế đủ chứng rằng Ngài là vị kế truyền của Đức Phật Thầy Tây An.
Nhưng khi xét đến nghi thức thờ phượng và lễ bái của Đức Bổn Sư, không khỏi có người ngạc nhiên mà nhận thấy có sự bất đồng gần như tương phản giữa Ngài và Đức Phật Tầy về phương diện hành đạo. Đức Phật Thầy thì chủ về vô vi, còn Đức Bổn Sư thì trọng về sắc tướng.
Tại đâu có chỗ tương phản ấy? Thế thì Đức Bổn Sư chẳng cùng một tôn chỉ Bửu- Sơn Kỳ- Hương sao?
Tuy nhiên, nếu có đi sâu vào giáo lý của Đức Bổn Sư , mới nhận thấy Ngài cũng vẫn chủ trương pháp môn Tu Nhân Học Phật và xiển minh giáo lý vô vi của Đức Thích Ca. Nhưng sở dĩ, về nghi thức thờ phượng, Ngài còn trọng về phần hữu vi, ấy chẳng qua vì hoàn cảnh lúc bấy giờ bắt buộc. Trước sư đàn áp nghiệt ngã của quân Pháp đối với giáo hệ bắt đầu, nếu Ngài không biến đổi cách thờ phượng và lễ bái trọng về sắc tướng như nhà thiền thì hẳn Ngài không sao gây được mối đạo Hiếu Nghĩa để bảo tồn giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương.
Mặc dù hình thức có khác, và đó chẳng qua là sự bất đắc dĩ trong chỗ quyền xảo, chớ kỳ thật về giáo lý thì Đức Bổn Sư vẫn giữ chủ trương pháp môn Tu Nhân Học Phật.
TU NHÂN
Cũng như Đức Phật Thầy Tây An, Đức Bổn Sư khuyến tu nhân đạo, vì đạo nhân là căn bản của các mối đạo, như Ngài đã nói:
Làm người thời phải tu nhân.
Nhân là thiên bổn can duơn vun trồng
Vì đâu làm người phải tu đạo nhân trước hết ? Vì rằng đạo nhân là bước đầu để đi đến con đường tu Tiên tác Phật. Nếu đạo nhân mà làm không rồi thì khó mong giữ được hột giống nhân luân. Mã đã không còn hột giống nhân luân thì lấy thân người đâu để tu thành Tiên thành Phật. Thế nên Đức Bổn Sư khuyên nhủ:
Làm người chẳng xét lo lường.
Cũng như se cát dã trường nhọc thân
Sao bằng giữ đạo nhân luân.
Mang lông cũng khổ, đội sừng dễ chi
Nhưng muốn tu nhân đạo, theo Đức Bổn Sư không chi bằng thực hành theo đạo Thánh Hiền, trước phải trau sửa thân mình để trở thành người quân tử:
Muốn cho tỏ đạo Thánh Hiền.
Đặng làm quân tử phải chuyên trau mình
Và có làm được quân tử thì mới mong gần bực Thánh Hiền.
Sao cho văn chất lân lân
Đặng làm quân tử Thánh nhân mới gần
Ngoài việc tu thân theo đạo Nho để trở nên người quân tử. Đức Bổn Sư còn khuyến tu Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Nhưng trong bốn ân: ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước , ân tam bảo và ân đồng bào nhân loại. Đức Bổn Sư đặc biệt biểu dương và xiển minh ân tổ tiên cha mẹ và ân quốc vương thủy thổ mà Ngài lập thành một mối đạo mạng danh là Đạo Hiếu Nghĩa.
Trong Hiếu Nghĩa Kinh. Đức Bổn Sư giải rõ lý do tại đâu tông phái của Ngài lại lấy tên Hiếu Nghĩa. Ngài cho biết rằng: Đường Tam Tạng qua Tây phương thỉnh kinh về Đông độ để cứu tế sanh linh, nhưng "từ Hậu Hán truyền lại đây khuyết đi Hiếu Kinh. Biết rõ cớ ấy nên nay Phật thuyết bổn tông, hoằng đạo lợi sanh, tự tha đều độ. Công đức của đạo Hiếu thật là rộng lớn". Vì rằng hành được Hiếu Nghĩa thì "lợi nhân thủy vương sanh, quốc gia hưng xương thạnh, tam bảo đạo quang minh".
Như thế đủ thấy Hiếu Nghĩa là đầu mối Tứ Ân. Nếu hành được Hiếu Nghĩa thì chẳng những trả được ân tổ tiên cha mẹ và ân quốc vương thủy thổ mà đồng thời cũng trả được ân tam bảo và ân đồng bào nhân loại.
Nói tóm lại, theo Đức Bổn Sư, muốn đền đáp Tứ Ân, chỉ cần làm xong Hiếu Nghĩa. Người mà làm xong Hiếu Nghĩa giữ trọn tam cang thì chẳng những làm tròn đạo nhân mà còn vượt khỏi nẻo luân hồi trong vòng lục đạo.
Quán Vương nghĩa trọng biết bao.
Làm tôi lo báo công lao ở đời.
Song thân ân lớn bằng trời.
Làm con lo trả biết đời nào xong.
Kiếp trần nhiều nỗi long đong,
Tam cang giữ trọn sau vòng đành qua.
HỌC PHẬT
Về phương diện học Phật. Đức Bổn Sư cũng chủ trương pháp môn Thiền tịnh song tu như Đức Phật Thầy Tây An. Không có pháp tu nào dễ bằng pháp môn niệm danh hiệu Phật A di đà cầu vãng sinh về Cực lạc. Chẳng lựa phải nhọc công nhiều, chỉ chuyên niệm sau chữ Nam mô A di đà Phật là được về cõi Tây phương Đức Bổn Sư hằng nói:
Di Đà hai chữ rộng suy
Một câu liễu đặng luận chi muôn vàn
Vì đâu chỉ niệm có 6 chữ Nam mô A di đà Phật lại được vãng sanh về cực lạc dễ dàng như thế? Là vì Đức Phật A di đà có phát ra 48 lời nguyện, trong đó có câu nói rằng nếu chúng sanh nào niệm đến danh hiệu của Ngài thì khi lâm chung sẽ được Ngài và các Thánh chúng tiếp dẫn về cõi Tịnh độ.
Phật xưa bốn tám lời thề.
Chúng sanh độ hết chớ hề bỏ ai.
Ai mà giữ đạo Như Lai,
Ngân kiều khỏi xuống, Kim đài bước lên.
Thế nên Đức Bổn Sư chẳng dứt khuyên người niệm Phật, niệm một cách tha thiết tinh chuyên thì chắc chắn sẽ được vãng sanh:
Niệm Phật đừng có lôi thôi.
Niệm cho chánh niệm mới ngồi tòa sen.
Cần nhứt là phải chánh niệm:
Ai mà chánh niệm tinh chuyên
Trong thánh ắt trổ kim liên báu thành.
Ngoài pháp môn Tịnh độ tông tha cầu Phát lực. Đức Bổn Sư còn khai thị pháp môn Thiền tông, tức pháp môn tự lực tu hành, tự mình trau tâm sửa tánh, trừ diệt thất tình lục dục cho không còn ô nhiễm :
Thoát vòng tứ tướng mới khôn
Ly đường lục tặc lập đồn minh quân
Và cho đạt được Bồ đề diệu quả, đến bờ bên kia, cần phải tinh tấn tu hành, quyết tâm lướt mọi gian lao nguy khổ:
Quyết lòng lên chốn tháp san
Tầm Ba la mật gian nan chi sờn.
Kỳ viên quyết dạ đời chơn.
Tầm Bồ để quả làm huờn hộ thân
Chủ yếu của phép tu Thiền tông là đạt đến chỗ minh tâm kiến tánh. Mỗi chúng sanh đều sẵn có bản tâm thanh tịnh, vĩnh viễn trường tồn, bất di bất dịch, nhưng vì thiên chấp sắc tướng mà lu mờ chơn giác; vì thế mà lầm nhận cái không làm có, cái có làm không. Do chỗ mê lầm ấy mà lăn lộn mãi trong tam đồ lục đạo. Chỉ có trở về với bản tánh thanh tịnh, nhận rõ cái lý: sắc tức thị không, không tức thị sắc thì mới dứt đường sanh tử, phản bổn hoàn nguyên, như Đức Bổn Sư đã nói:
Sao cho sắc tức thị không,
Một câu phản lão hoàn đồng mấy ai!
Phật xưa từ chốn kim giai,
Ma ha hai chữ giồi mài tánh gương
Và cho được đạt lý chơn không, theo Đức Bổn Sư, phải dùng phép tham thiền quán tưởng.
Trong siêu thăng kinh, Ngài có luận giải về phép quán như vầy: "Quán dung thông tức là chơn quán, như thanh tịnh quán, quảng đại trí huệ quan, từ bi quán; hễ tường nguyện thường chiêm ngưỡng thanh tịnh thì ánh sáng trí huệ hiện ra, phá tan mọi hắc ám. Khi đã đạt lý viện dụng , mới biết: có niệm như không niệm, có sanh như không sanh, có tu như không tu, có chứng như không chứng, có thuyết như không thuyết. Sự tức là lý, lý tức là sự, tướng tức là phi tướng, phi tướng tức tướng; vô lượng là một, một là vô lượng; Tha Phật tức ngã Phật, ngã Phật tức tha Phật, ta nói pháp tức Phật nói pháp, Phật nói pháp tức ta nói pháp. Thế nên tâm tức Phật, Phật tức tâm".
Chỉ một cái tâm đó mà hễ giác thì thành Phật, còn mê thì làm chúng sanh.
Trong đời già trẻ ai ai.
Biết thời làm Phật. mê thời chúng sanh
Thiên đàng Địa ngục chẳng quanh,
Nương theo bổn phận, lợi danh chớ gần.
Đó là yếu lý thiền pháp vô vi Phật. Trong Siêu thăng kinh, Đức Bổn Sư cũng nhận rằng: " Hữu động chi động xuất ư bất động. Hữu vi chi vi xuất ư vô vi.Vô vi tắc thần qui, thần qui tắc vạn vật vân tịch. Bất động tắc khí manh, khí manh tắc vạn vật vô sanh". Có nghĩa: Cái động là từ trong hữu động mà ra, cái vi là từ trong vô vi mà có. Hễ vô vi thì nguơn thần qui tụ mà nguơn thần qui tu thì vạn vật vắng lặng. Còn bất động thì khi ngưng, mà khi ngưng thì vật không sanh.
Vì vậy mà Ngài cực lực bài bác âm thinh sắc tướng, vì Ngài cho đó là phi đạo, nếu nương theo thì không khỏi huân tập tà kiến. Ngài có viết:
Xuất thế vi nhân tu hướng thiện
Phỏng cầu Đại Đạo lão tham thiền
Thinh âm sắc tướng giai phi đạo.
Thiết vật tin tà tập ngoại biên…
Tạm dịch :
Kẻ xuất thế khá tua hướng thiện
Sớm tham thiền mới kiến Ma ha,
Âm thinh sắc tướng đều tà.
Chớ nên tập nhiễm đọa sa lạc lầm.
Xem đó đủ thấy giáo lý của Đức Bổn Sư không khác giáo lý của Đức Phật Thầy Tây An. Sở dĩ về nghi thức hành đạo của Ngài còn thiên trọng về thính âm sắc tướng như chúng ta đã thấy, chẳng qua là một phương tiện quyền xảo để bảo tồn giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương trong lúc quân Pháp thẳng tay đàn áp. Cốt yếu của một nền đạo là ở phần giáo lý, người hành đạo nên nhân chân để khỏi thiên trệ về hình thức Phật-pháp có quyền có thiệt, từ hoàn cảnh mà thực hành, miễn không trái nghịch đến giáo lý thì thôi. Nếu không dùng được thiệt pháp thì dùng đến quyền pháp. Đó là chỗ thắng diệu của giáo pháp nhà Phật.
Đức Bổn Sư thâm hiểu lý đó, nên chi có viết:
Học thời phải xét cho mình.
Phật Nho cũng cứ thơ, kinh mà quyền.
III. THỜI KỲ THỨ BA.
Thời kỳ thứ ba là thời kỳ phổ biến, bắt đầu từ ông Sư Vãi Bán khoai ra đời cho đến khi Đức Huỳnh Giáo chủ ra mở đạo.
Sau khi Đức Bổn Sư tịch diệt độ 11 năm thì ông Sư Vãi Bán khoai ra đời. Ông xuất hiện vào khoảng năm Tân sửu (1901) và năm Nhâm dần (1902) nghĩa là cũng còn trong thời kỳ quân Pháp đang thi hành chánh sách đàn áp gắt gao các tín đồ của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương. Trước sự khủng bố của quân Pháp. Đức Bổn Sư phải đành thu hẹp phạm vi hoạt động, chỉ lo củng cố chớ không mong gì hành trướng ra được. Để cho nhà cầm quyền Pháp không theo dõi. Ngài phải sửa đổi cách thờ phượng theo nghi thức nhà thiền. Đó là sự bât đắc dĩ. Tình trạng củng cố này nếu mãi kéo dài thì giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương có lẽ phải ngưng trệ và không biết bao giờ mới hoàn thành sứ mạng.
Nhưng với sự xuất hiện của ông Sư Vãi Bán khoai, giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương đã chuyển sang và mạnh tiến vào thời kỳ phổ biến. Đứng trước chánh sách khắc nghiệt của quân Pháp, hẳn ông phải đổi phương lược mới có thể thoát khỏi kềm tỏa của Thực dân.
Với ông Sư Vãi Bán khoai, một kỷ nguyên mớivề sự truyền giáo mở ra. Bằng phương pháp giả dạng thay hình, khi thì làm người bán khoai, khi thì làm kẻ bán củi, ông xưng khùng xưng điên, đi nơi này chốn nọ, nhứt là ở vùng Kinh Vĩnh Tế và Cao Miên, khuyến hóa dân sanh lo tu hành niệm Phật. Chẳng bao lâu mà khắp dân gian ở miệt Cao miên cũng như ở vùng Long Xuyên và Châu Đốc. tinh thần Bửu- Sơn Kỳ- Hương được hưng khởi. Mặc dù ông không phát phái hay lập chùa chiền hóa độ, nhưng với quyển Sám giảng người đời gồm có 11 thiên mà ông cho truyền bá trong sanh chúng, không còn ai chẳng nhận ông là bực tiên giác trong giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương. Người ta thấy lại nhhững điều lập thuyết và giáo hóa của Đức Phật Thầy Tây An, Đức Phật Trùm, Đức Bổn Sư phản chiếu trong quyền Sám giảng người đời ấy.
Lập thuyết của phái Bửu- Sơn Kỳ- Hương, như mọi người đã biết, xây dựng trên l1 tam nguơn. Cuộc đời xoay vần theo luật: từ Thượng nguơn, đến Trung nguơn rồi Hạ nguơn, khi Hạ nguơn mãn thì trở lại Thượng nguơn, và cứ như thế mãi mãi.
Cứ theo Đức Phật Thầy thì hiện nay xã hội loài người đã bước vào giai đoạn Hạ nguơn sắp mãn để lập lên cõi đời Thượng nguơn như Ngài đã cho biết :
Hạ nguơn đã cuối người ôi
Nay ta giáng bút để thôi coi đời.
Và Ngài không dứt nhắc đi lại:
Bảo người niệm Phật cho cần
Việc đời đã tới hầu gần đến đây.
Lập thuyết và giáo lý của Đức Phật Thầy Tây An được ông Sư Vãi Bán khoai hiển thị trong quyển Sám giảng người đời.
Về lý tam nguơn, ông cũng nhận như Đức Phật Thầy.
Tam nguơn nay sắp hết rồi.
Phật Trời hội nghị lập đời Thượng nguơn.
Và ông cho biết:
Trẻ già đừng có nghi ngờ
Việc đòi ngó thấy bây giờ tới đây
Thời kỳ mà ông Sư Vãi Bán khoai ra đời lại nhằm thời buổi cực kỳ kháo khăn (1901) quân pháp đã đặt vững nền đô hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Các cuộc kháng chiến cần vương lần lượt bị dẹp tất. Lòng dân đã chán ngán, đâm ra say đắm những quyến rũ của nền văn minh vật chất từ Tây phương mới du nhập. Trước làn sóng duy vật ồ ạt tràn đến, nền đạo đức cổ truyền một ngày một suy vi, thuần phong mỹ tục càng lúc càng bại hoại.
Trong cửa tu hành, những người thiệt tâm phụng sự Phật-pháp thì rất ít còn người ẩn dương nương Phật bày điều dối mỵ thì rất nhiều. ông Sư Vãi Bán khoai phải não lòng mà thốt ra những lời than trách.
Sao dám dối thế ngạo đời
Lên cốt Phật Trời tội đáng hay chưa?
Cạo đầu dối thế nào vừa.
Vào ở nhà chùa gạt chúng nuôi thân.
Hoặc là:
Dối gian quyên tởi của người.
Đem về ăn uống vui cười nghinh ngang.
Cảnh tu hành suy đồi dường ấy thì còn nói chi đến cảnh thế gian. Những người ăn hiền ở lành, noi theo gương xưa tục cổ thì tựa hồ như máy tan trước gió, lần hồi thỏn mỏn, còn kẻ làm gian làm ác, khinh Thánh khi Thần, ngạo đời hại vật thì chẳng khác nào đám người đi hội, càng lúc càng đông. Thấy người tu hành chẳng những không kỉnh vi thì chớ họ còn ngạo báng chê bai, xu phu theo kẻ quyền qui, diễn thành một xã hội đớn hèn đồi bại.
Trong quyển Sám giảng người đời ông Sư Vãi Bán khoai đã mô tả về hạng người ngạo đời hại vật:
Kiêu ngạo cười nói văn vi.
Rủ nhau trâu chó vậy thì làm an.
Trần gian lời tục nhạo rằng:
Làm lành đâu có dư trăm tuổi ngoài.
Ăn trộm ăn cắp sống dai
Chửi mắng nó hoài nào thấy chết đâu.
Về hạng khinh Bạc kẻ cơ hàn và xu phụ kẻ quyền quí:
Thấy ai đói khổ cơ hàn.
Thời lại chẳng màng bỏ xó khinh khi.
Chọn người điều đó phương phi.
Dù võng cậu dì chú thím lăng xăng.
Về hạng người lường công cướp của:
Cho vay gạo quỷ tiền ma.
Lây lời thập bội đi ra cùng chùa.
Đến đâu nói nịnh nói hùa.
Lường công của thế quê mùa hàn vi.
Đói lòng phải ráng mà đi.
Công là mthì có, tiền thì vốn không.
Về hạng người chửi Thánh mắng Thần:
Lại thêm hổn ẩu hùng hào,
Mắng nhiếc Trời Phật biết bao nhiêu lần.
Lại thêm chửi Thánh rủa Thần.
Cho nên mắc phải chung thân đọa đày.
Sống trong một xã hội hư hèn như thế, mà muốn thức tỉnh người đời trở lại con đường đạo đức thiện lương là một điều rất khó. Làm sao cho họ biết nhân biết nghĩa khi mà họ chỉ biết có danh có lợi, toan mưu thiết kế để được vinh thân phi gia, thua thiệt, nhục dục. Làm sao cho họ quầy đầu hướng thiện kính Phật kính Trời khi mà họ đã hoàn toàn mất cả đức tin.
Thế mới biết vai tuồng của ông Sư Vãi Bán khoai trong công cuộc chấn hưng đạo Nhân, xướng minh đạo Phật để làm sáng tỏ giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương là việc làm không phải dễ. Phải tùy cơ duyên của chúng sanh mà đưa ra phương páhp cứu độ, cũng như vị lương y phải tùy bịnh mà lập phương. Phật pháp xả diệu là chỗ đó.
Thế nên, mặc dù cũng đồng có nhiệm vụ xiển dương pháp môn Tu Nhân Học Phật của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương, nhưng tùy ở hoàn cảnh xã hội mà ông Sư Vãi Bán khoai khéo léo áp dụng những phương pháp phổ hóa có khác hơn Đức Phật Thầy Tây An và các vị tiên giác, khái yếu có thể phân ra làm hai phần: 1- Phần cảnh tỉnh; 2- Phần chỉ pháp tu.
PHẦN CẢNH TỈNH
Con người một khi mất cả tin tưởng, tin tưởng có Trời Phật, tin tưởng có quả báo luân hồi, tẩm phải ba cái độc: tham, sân, si thì khó mà thức tỉnh họ bằng những lý lẽ cao siêu, khó hiểu. Tâm trạng của họ ví như kẻ đang chạy mau, dầu có khuyên bảo điều chi, họ cũng không nghe kịp. Vậy muốn cho họ nghe, phải bảo họ dừng lại, cũng như muố khuyên người làm lành, trước phải ngăn đừng cho họ làm ác nữa, như lời Phật đã dạy răn. Nhưng làm cách nào cho những người mất đức tin, đang giong ruổi trên con đường tội lỗi kia đứng lại?
ông Sư Vãi Bán khoai đã khéo chặn đứng họ lại bằng cách báo động cho họ biết rằng phía trứơc có cái vực sâu, nếu họ cứ tiếp tục chạy tới mãi thì chẳng khỏi rơi xuống vực. Cái vực sâu mà ông Sư Vãi Bán khoai muốn nói đây là ngày "Phật Trời hội nghị lập đời Thượng nguơn", vì lẽ "Tam nguơn nay đã hết rồi". Và trong những ngày hội công đồng phán xét ấy :
Phật Trời Thần Thánh đâu dùng.
Mấy đứa hung ác còn dung nỗi gì !
Người nào niệm Phật từ bi.
Thần lành theo giữ sợ gì mang tai.
Lung lăng hung ác ỷ tài.
Thời cơ thần dữ theo hoài hai bên.
Khuyên trong thiên hạ gần xa.
Phải suy phải xét trẻ già chớ ươn.
Tôi đã biết hết tỏ tường.
Tội phước hai lẽ không phương nào lầm.
Tu hành thì đặng thiện tâm.
Ác nhơn lại mắc cõi âm luân hồi.
Rồi nhân đó, ông cắt nghĩa lý luân hồi quả báo:
Luân hồi xem thấy mà ghê.
Làm trâu làm chó nhiều bề thiết tha.
Làm tôi làm mọi vậy mà.
Sanh ra heo ngựa, tội ta đền bồi.
Và khi người đời thức tỉnh, nhận rõ con đường tội phước, ông Sư Vãi Bán khoai mới khuyên tu :
Tôi khuyên hết thảy chợ quê.
Ráng mà tu niệm chớ hề nghinh ngang.
Rồi ông biện giải về ích lợi của sự tu hành, của người làm lành lánh dữ:
Nói cho già trẻ đặng làng.
Ráng mà tu niệm Ngọc Hoàng thứ dung.
Bớt bớt việc dữ việc hung.
Lo làm nhơn đức, việc hung đừng làm.
Thời là mới đặng thanh nhàn.
Có thuyền Bát nhã xuê sang rước về.
Ông quả quyết rằng kẻ tu hành thì chắc chắn được thanh nhàn, đắc đạo, vì theo ông:
Thú vật tu hỡi còn thành.
Người sao chẳng biết làm lành tu thân.
Mấy người ác đức bất nhân.
Không coi theo thú trau thân tu hành.
Thú vật cái ác còn thành.
Người cứ làm lành vốn thiệt Như Lai.
Sự tu đã quý báu và chắc chắn như thế, nhưng mà tu bằng phương pháp nào?
PHẦN CHỈ PHÁP TU
Giáo lý hay pháp môn hành đạo của ông Sư Vãi Bán khoai có thể tóm lược trong hai câu sau đây:
Niệm Phật phải giữ Tứ Ân
Ơn nhà ơn nước xử phân trọn nghì.
Nghĩa là gồm có hai giáo pháp: Tu Nhân (Tứ Ân) và Học Phật (Niệm Phật).
Về Tứ Ân: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam bảo, và Ân đồng bào nhân loại, ông Sư Vãi Bán khoai cũng như Đức Bổn Sư, đặc biệt biểu dương tinh thần Hiếu hạnh đối với Tổ tiên cha mẹ, và Nghĩa khí đối với quê hương đất nước, như ông thường nhắc nhở :
Minh tâm là sách Hớn đàng
Hiếu chỉ rõ ràng sao chẳng học coi.
Luật Nam nghĩa lý hẳn hòi.
Ơn cha nghĩa mẹ sự vua trung thần.
Thiệt là luân lý Tứ Ân.
Sao không lấy đó xử phân lấy mình!
Về ân Tổ tiên, ông không dứt lặp đi lặp lại:
Cửu huyền thất tổ đừng quên.
Vừa hương bát nước chẳng nên sai lầm.
Hoặc là:
Tu là kính trọng mẹ cha.
Cầu Trời cầu Phật Di Đà cứu an.
Còn về ân đất nước , ông chỉ cho thấy gương những vị anh hùng vị quốc vong thân đã được người đời ghi công dựng miễu:
Không coi mấy vị Thánh Thần.
Trung quân ái quốc nhân dân miễu thờ.
Đến như giáo pháp Học Phật, ông Sư Vãi Bán khoai không chủ trương cà Thiền Tịnh song tu như Đức Phật Thầy Tây An hay Đức Bổn Sư, mà chi xiển dương và phát huy pháp môn Tịnh độ, nhứt tâm niệm danh hiệu Phật A đ đà cầu vãng sanh về Cực lạc. Ông cực lực tàn thân pháp môn niệm Phật, vì theo ông niệm Phật sẽ được nhiều lợi ích như sau :
1. Cải sửa tánh tình :
Niệm Phật phải sửa tánh tình.
Ở ăn ngay thẳng chớ tình phang ngang
2. Diệt trừ tham, sân, si :
Niệm Phật bỏ tánh câu mâu
Thì sau mới đặng một câu thanh nhàn.
3.Giải phiền não:
Niệm Phật vui thú thảnh thơi
Buồn sầu giải hết, mặc người cười chê.
4. Tăng lòng thương người , mến vật :
Niệm Phật hầm hút cháo rau
Thương người tàn tật sang giàu đừng ham.
5. Tiêu trừ tật bịnh :
Niệm Phật tật bịnh tiêu tan.
Như sương tan tát như hồ nước trong.
6. Được thần linh bảo hộ :
Niệm Phật có bốn thần linh.
Thường thường bảo hộ bên mình mộ khan.
7. Được phát vãng lai cưu nan:
Niệm Phật có Phật vãng lai.
Lâm cơn nạn tám Phật sai cứu mình
8. Cứu được Cửu huyền thất tổ:
Niệm Phật thọ mạng tang long.
Cửu huyền thất tỏ đặng về Tây phương.
9. Được hiển vinh
Ráng mà niệm Phật cứu mình.
Đến chừng lậo hội Long đình hiển vinh.
10. Được vãng sanh về Cực lạc
Niệm Phật sen nở đợi chờ.
Cây nào bóng nấy bốn mùa tốt tươi.
Hay là :
Niệm Phật Cực lạc hân hoan.
Ta bà khổ não giàu sang mấy hồi.
Pháp môn niệm Phật đã thù thắng như thế, cho nên ông Sư Vãi Bán khoai khuyên phải gắng công trì niệm, chí thành chí thiết thì chắc chắn được kết quả, chẳng khác người trồng cây thì thế nào cũng đâm chồi nảy tược:
Niệm Phật như thể trồng cây.
Vun phân tưới nước thì cây đâm chồi.
Ai mà niệm Phật thả trôi,.
Cũng như cây bên mà người nhổ lên
Lập vườn muốn lập cho nên,
Đặng nhiều cây nhánh vững bền dài lâu.
Ở đời ít kẻ lo âu.
Niệm Phật ít tiếng, câu mâu nhiều lời.
Sở dĩ ông Sư Vãi Bán khoai về Học Phật và khuyên người chí quyết niệm Phật là vì pháp môn này chẳng những dễ tu mà còn kết qủa lại chắc chắn. Phương chi, người đời lúc bấy giờ tâm trí còn hoang mang, căn cơ còn thiểu bạc, nếu nhứt thiết đem giáo lý cao siêu của Thiền tông chỉ dạy thì không khỏi làm cho họ chán nản.
Vả lại, ông Sư Vãi Bán khoai ra đời trong một thời gian quá ngắn, rầy đây mai đó, không kịp lập quy mô một nền đạo thì thiết tường sự giáo hóa của ông được bấy nhiêu kể cũng nhiều lắm rồi. Với cái hoàn cảnh xã hội như thế, ông không thể làm hơn nữa được, vì ông chỉ có sứ mạng chuẩn bị, đến như công trình chấn hưng giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương phát huy pháp môn Tu Nhân Học Phật trên những quy mô rộng lớn và xiển minh giáo lý siêu mầu của Đức Phật, còn phải chở công hoằng hóa của Đức Huỳnh giáo chủ.
Đến Đức Huỳnh giáo chủ, khi Ngài ra đời, để dễ bề phổ hóa, Ngài cũng giả dạng, xưng hiệu khùng điên, đi đây đi đó, thức tỉnh chúng sanh như ông Sư Vãi Bán Khoai. Nhờ phương pháp khi ẩn khi hiện ấy mà sự truyền bá được lan rộng khắp nơi, mặc dù lúc bấy giờ quân Pháp cực lực đàn áp và truy nã tín đồ Bửu- Sơn Kỳ- Hương.
Nhân thấy thời kỳ đô hộ của Pháp sắp mãn và ngày biến chuyển hầu gần, Đức Huỳnh giáo chủ chánh thức ra khai đạo, nhằm ngày 18 tháng 5 Kỷ mão (1939). để kịp kỳ khởi sắc và xiển minh giáo pháp Tu Nhân Học Phật. Sau một thời gian ngắn dùng huyền diệu của Tiên gia bộ bịnh và ra Sám giảng thức tỉnh người đời, Ngài gây nên một phong trào đạo hạnh chưa từng thấy.
Mà được như thế là vì, sau khi đem đối chiếu ngôn hạnh của Ngài Đức Phật Thầy và Sư Vãi Bán Khoai, người đời nhận thấy có sự đồng nhứt tư tưởng và chuyển kiếp. Có thể nói, nơi Đức Huỳnh giáo chủ, tập trung cả một thế hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương vì rằng chưa hoàn thành thì nay đều được Đức Huỳnh giáo chủ xiển minh và phát triển.
Về nghi thức thờ trần điều, khởi thỉ từ Đức Phật Thầy Tây An và đã biến hình trong giai đoạn của Đức Bổn Sư, đến Đức Huỳnh giáo chủ, đã được phục hồi như cũ. Về giá pháp cũng thế, pháp môn Tu Nhân Học Phật do Đức Phật Thầy khai thị, đến Đức Huỳnh giáo chủ, được xiển minh và trình bày có hệ thống. Ngài luận giải về Tứ Ân, Tam nghiệp, Bát chánh, Tứ diệu đề, Thập nhị nhân duyên cùng mọi nghi thức thờ phượng và tu hành rất tin tưởng, rất dễ cho tín đồ nương theo đó mà tu học.
Mặc dù Ngài không phát phái, nhưng với sự đối chiếu tư tưởng, nghi thức thờ phượng và giáo pháp hành đạo mà Ngài đã giáo hóa, người ta nhận rõ Ngài là một vị kế truyền chánh thống của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương.
Tại đâu Ngài không phát phái? Ngài có đáp đại khái: ở đời hung ác nầy, nếu phát phái thì rất có hại, vì rằng kẻ không có lòng phái sẽ tìm cách cướp đoạt khi họ có quan niệm rằng lòng phái sẽ có công hiệu để xuất trình đi đến hội. Như vậy, người có lòng phái sẽ gặp nhiều tai hại, chẳng khác người có tiền của trêu bẹo trước kẻ trộm cướp bất lương. Và càng hại hơn nữa là không tránh khỏi sự ruồng bắt và đàn áp của quân Pháp.
Tuy rằng không phát phái Bửu- Sơn Kỳ- Hương nhưng trong sám giảng và thi thơ của Ngài, người ta vẫn gặp rất nhiều bài thơ khoán thủ bằng bốn chữ báu linh ấy. Chẳng hạn như:
Bửu châu công luyện chốn non Tan.
Sơn thủy môn giang bảo giác dân.
Kỳ quái chứ nơi thiên nhứt định những.
Hương nồng dành thưởng kẻ tròn ân.
Hoặc giả :
Bửu ngọc vãng lai rõ đạo mầu.
Sơn tầm hạnh Thích nẻo cao sâu.
Kỳ giả thức tâm tìm đạo lý.
Hương tuyệt đăng lai bái phục cầu.
Những bài thơ khoán thủ như trên, kể ra còn nhiều, không sao trích lục hết được. Xem đó, Ngài đã mặc nhiên cho đời nhận thấy Ngài là vị kế thống của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương rồi. Do đó mà tín đồ của các bực tiên giác, trước kia là những chi phái riêng biệt, đã kết thành một khối dưới sự hoằng hóa của Đức Huỳnh giáo chủ, Giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương nhờ vậy mà phổ biến rất mạnh trong sanh chúng.
Khi nhận thấy ảnh hưởng của đạo Phật-giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh giáo chủ khai sáng một ngày một lớn và thực ra là cùng một giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương, quân Pháp ra tay khủng bố. Chúng cho điệu Ngài từ Hòa Hảo qua Châu Đốc rồi đưa đi an trí ở Sa Đéc, Cần Thơ, Sài Gòn và Bạc Liêu. Nhiều tín đồ Phật-giáo Hòa Hảo lần lượt bị bắt đày đi Bà rá, Côn Nôn; Sám giảng bị tịch thâu bị cấm.
Quân Pháp tưởng thi hành chánh sách khắc nghiệt như thế là chặn được tiến triển của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương, nhưng không dè, càng đưa Đức Huỳnh giáo chủ đi an trí đến đâu thì pháp môn Tu Nhân Học Phật của Ngài càng được phổ biến rộng ra chừng nấy.
Trong một bài thơ viết tại Sa đéc, Ngài có nói rằng:
Ta còn thương, thương trò lịu địu,
Chớ cũng mừng được dịp phổ thông
Và theo Ngài:
Càng đi càng biết nhiều nơi.
Càng đem chơn lý tuyệt vời phổ thông.
Thế nên mặc dù bị quân Pháp đàn áp, nền đạo Phật giáo Hòa Hảo nói riêng, Bửu- Sơn Kỳ- Hương nói chung không vì thế mà ngưng trệ, trái lại càng phổ biến và bành trướng mạnh mẽ.
Cũng như gần đây; bọn vô thần tìm đủ phương pháp tiêu diệt, bằng cách thủ tiêu tín đồ và ám hại Đức Huỳnh giáo, nhưng càng bị khủng bố, nền đạo Phật giáo Hòa Hảo, cũng như cây được tưới nước, càng thêm phát triển. Có thể nói đây là thời kỳ cực thịnh và phổ biến rộng rãi của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương.
Đã hai lần bị Thực dân và Cộng sản, là hai đối địch nguy hiểm, đàn áp mà nó không tan rã thì không còn chướng ngại nào có thể chận đứng sức phát triển của nó được. Mà sở dĩ giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương còn tồn tại và phát huy là nhờ ở pháp môn Tu Nhân Học Phật, chẳng những thích hợp với căn cơ của chúng sanh trong thời kỳ mạt pháp mà còn đào luyện nơi kẻ tính phụng nó, một tinh thần sùng đạo và vị tha cao cả.
Đó là yếu tố siêu thắng của pháp môn Tu Nhân Học Phật của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương.
Khai thị pháp môn Tu Nhân Học Phật là Đức Phật Thầy Tây An, còn đem ra thực hành và áp dụng trong đời sống xã hội là Đức Huỳnh giáo chủ.
Từ Đức Phật Thầy Tây An trải qua Đức Phật trùm, Đức Bổn Sư, ông Sư Vãi bán khoai, pháp môn Tu Nhân Học Phật vẫn giữ cái hình thức khái yếu cho đến ngày Đức Huỳnh giáo chủ ra đời mới lập thành hệ thống.
Có thể nói Đức Huỳnh giáo chủ là người xướng minh pháp môn Tu Nhân Học Phật. Ngài đã dày công diễn giải Tứ Ân, luận về Tam nghiệp, thập thiện, Bát chánh, Tứ diệu đề, Thập nhị nhân duyên… một cách rành mạch tận tường. Ai đọc đến cũng dễ dàng lãnh hội mà nhận thấy rằng các ngài tiên giác trong giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương chính thật là những vị kế thống mối Đạo của Đức Phật Thích Ca truyền dạy từ Đức Ca Diếp cho đến Đức Lục tổ Huệ Năng.
Nhưng đạo Phật sở dĩ thất chơn truyền từ một ngàn năm nay, như Đức Huỳnh giáo chủ cho biết là bởi Thần Tú bày ra nhiều điều đối mị, mê tín dị đoan biến chốn thiền môn thành nơi ẩn thân của hạng người lỡ thời thất vận. Vì thế, kẻ tu hành thì nhiều mà đắc đạo thì chẳng có mất ai.
Chính với mục đích hưng truyền mối Đạo vô vi của Phật và dìu dắt chúng sanh trở lại con đường chánh đạo để kịp kỳ dự Hội Long Hoa mà các vị tiên giác lâm phàm.
Nhưng trong thời kỳ mạt pháp này, muốn giáo hóa chúng sanh cho có đủ hạnh đức để kịp dự Hội Long Hoa là điều rất khó, vì rằng con người sanh ra trong thời kỳ này hầu hết đều căn cơ thiển bạc, công đức mỏng manh, lại gặp buổi Hạ nguơn gấp rút, nếu không có pháp môn hành đạo vừa thích hợp với trình độ cơ cảm của họ, vừa có công năng giúp họ hoàn bị công đức tự lợi lợi tha trong một thời gian ngắn thì không làm sao cho kịp.
Vả lại, giáo pháp của Phật chú trọng ở sự thực hành, luôn luôn thệ nguyện “Trên đáp bốn trọng ân, dưới cứu ba đường khổ” cho nên ngoài việc xiển minh đạo Phật hưng truyền chánh pháp của Đức Thích Ca, giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương còn khai thị pháp môn Tu Nhân Học Phật để giúp chúng sanh có phương tiện và cơ hội lập công bồi đức, hầu gây lấy phước duyên làm nền móng cho bước đường tiến tu trong buổi Thượng nguơn hay vãng sanh về Cực lạc.
Nhận thức cơ biến chuyển hầu kề. Hội Long Hoa sắp mở và để kịp chuẩn bị đồ chúng đón rước sự giáng lâm của Đức Di Lặc, Đức Huỳnh giáo chủ sau một thời gian mở cơ phổ hóa, đem giáo lý của đức Phật rèn luyện tín đồ có được một nền đạo đức căn bản, bèn bước sang giai đoạn hành động, hướng dẫn môn nhơn đệ tử tham gia công cuộc ích nước lợi dân.
Gặp khi nước nhà tranh lại quyền tự chủ, gỡ ách thống trị của ngoại bang. Ngài chẳng ngại đứng lên thành lập quân đội và tham gia chánh trị.
Có người e ngại cho sự hoạt động của Ngài có trái với giáo pháp của Đức Phật chăng thì Ngài có đáp rằng: “Đối với toàn thể tín đồ Phật-giáo, tôi vẫn không quên tôi là một đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca tôi tin chắc rằng giáo lý giải thoát chúng sanh chẳng những được truyền bá ở thiền lâm mà còn phải được thực hiện trên trường chánh trị”.
Đối với đức Phật, giữa chúng sanh có sự bình đẳng về thể tánh, nếu như có kẻ lợi dụng sức mạnh trí khôn lanh của mình áp bức kẻ hèn yếu hay kém thông minh, chẳng là trái nghịch với giáo lý bình đẳng đấy ư ?
Phương chi, trong sự binh vực lẽ công, bảo vệ quê hương đất nước, lại không vì lợi danh mà là vì đền đáp nợ Tứ Ân, vi vị tha bác ái của nhà Phật.
Trong pháp môn bố thí không có hạnh nào khó hành bằng hạnh vô úy thí, hy sanh cả tánh mạng, Đức Phật, trong vô lượng kiếp từng thí thân để làm lợi lạc cho cả muôn loài vạn vật. Nhờ công đức ấy mà trên đường tu hành, Ngài siêu được nhiều kiếp.
Thì nay, trong thời kỳ gấp rút của buổi Hạ nguơn muốn gây lấy công đức để đi đến Hội Long Hoa, sống còn trong buổi Thượng nguơn, thử hỏi còn hạnh nào siêu thắng bằng hạnh vô úy thí, xả thân giúp nước cứu đời.
Ai sanh ra ở đời lại không tiếc thân quí mạng. Đến như tiền của là vật phù du mà người ta còn tiếc tham không đành đem ra bố thí thì hà huống là xả thân hiến mạng. Việc khó làm mà làm được, làm không chút tư lợi mới là đáng quý.
Thử nghĩ, gặp buổi ngoại tặc xâm lăng quê hương đất nước, nạn binh lửa tràn lan, cướp bóc hành hung nhà tan cửa nát, thân người không yên, cha lạc con, vợ mất chồng mà có người đem thân ra chống ngăn dẹp loạn, đem lại an ninh trật tự, nhà nhà ở yên, không còn lo âu sợ sệt, thì còn công đức nào bằng.
Chính với ý nguyện muốn cho tín đồ có cơ hội lập công bồi đức mà Đức Huỳnh giáo chủ tham gia chánh trị và thành lập nghĩa quân.
Nếu làm tròn bổn phận đối với đất nước đồng bào, chẳng những đền đáp Tứ Ân mà còn trả xong nợ tiền khiên túc nghiệp. Một khi oan trái đã dứt thì có khó gì chẳng đến được cảnh giới siêu mầu của Tiên Phật.
Đức Huỳnh giáo chủ có nói:
Trả cho rồi nợ tiền khiên.
Đến ngày hiệp mặt kiềng Tiên vui vầy
Ông Thanh Sĩ cũng nhận rằng:
Luân thường người hãy thích ưa,
Đạo nhân vẹn phận tam thừa cũng xong.
Phải làm tròn đạo nhân, phải xả thân giúp đời, phải làm theo lời dạy của Phật, đó là yếu chỉ của pháp môn Tu Nhân Học Phật mà Đức Huỳnh giáo chủ đã tự thân đứng ra thực hành và hướng dẫn môn nhơn đệ tử cùng thực hành theo.
Dầu lập quân đội hay hoạt động chánh trị, đó chỉ là những phương tiện để đạt đến mục đích là xả thân giúp đời, tạo lấy công quả bồi đắp cho bước đường cầu đạo siêu sanh mà cứu cánh là đi đến cõi Thượng nguơn nghe pháp mầu của Đức Di Lặc hầu được hoàn toàn giải thoát, hay vãng sanh về cõi Cực lạc.
Đã hiểu được mục đích của bước đường tiến tu thì không còn phải e ngại khi dùng đến phương tiện.
Vả lại thời cơ đã đến cho mình trả nợ Tứ Ân và cũng là vận hội lập công bồi đức thì còn tiếc gì mà chẳng xả thân giúp đời.
Với ý nguyện vị tha lợi chúng, người hành giả Tu Nhân Học Phật, dầu gặp phải hoàn cảnh khó khăn, gian lao nguy hiển, vẫn xem thường tánh mạng, say sưa với nghĩa vụ giúp đời, không mong được trả ơn, vì đó là một bổn phận,
Đức Huỳnh giáo chủ há chẳng khuyên:
Giúp đời đừng đợi trả ơn.
Miễn tròn bổn phận hay hơn bạc vàng.
Thế nên, dầu có được địa vị sang trọng nào, người hành giả tu Nhân học Phật cũng không lấy làm thích thú hay trước nhiễm, vì họ xem đó như là một lớp áo mưa mặc bên ngoài, khi hết mưa lại cởi ra cũng như kẻ lữ hành phải bỏ thuyền khi đến bến.
Huống chi, trò đời là một tuồng huyền hóa, mọi vật đều tạm giả thì có gì trường tồn vĩnh cửu đâu mà trước nhiễm đắm say. Kia nào có khác chi những vai khanh tướng công hầu trên sân khấu, chỉ vì lớp lang phải múa meng rối rít, chớ một khi hết lớp hạ màn, hia mão cởi ra thì đào kép vẫn hoàn đào kép. Còn chăng chỉ những tiếng khen chê của khán giả.
Nếu mọi người đều biết tuồng đời là một sân khấu, con người là một trò hề thì dầu có đóng vai chi cũng không lấy đó làm thực mà luyến tiếc mão hia.
Đức Huỳnh giáo chủ đã từng nói:
Thuyền bát nhã ta cầm tay lái.
Quyết đưa người khỏi bến sông mê.
Nên phải đành mang lốt làm hề,
Mặc bá tánh khen chê cũng phải.
Như thế đủ thấy, dầu có dùng phương tiện “làm hề” mà đạt được mục đích “đưa người khỏi bến sông mê” thì chẳng ngại gì tiếng “ khen chê” của bá tánh.
Phải giúp đời, xả thân cứu đời, không màng lợi danh quyền tước, đó là bản nguyện của chư Phật Thánh Tiên, mà đó cũng là phương châm của hành giả Tu Nhân Học Phật trong buổi Hạ Nguơn gấp rút này mà Đức Huỳnh giáo chủ lãnh lấy sứ mạng thực hiện.
2. SỨ MẠNG CỦA ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ
Về sứ mạng của Đức Huỳnh giáo chủ, ông Thanh Sĩ có viết:
“ Chúng ta dù phải lăn lóc gai chông, lấm lem bùn trịnh mà lòng không núng nao thối chuyển là vì chúng ta thấy rõ sứ mạng của Đức Thầy đối với nhân sanh trong buổi này. Và hiểu biết tường tận tâm đức của Đức Thầy, chúng ta mới đeo đuổi đạo lý đến cùng không để tâm lui sụt.
Muốn tu tỉnh nay đà gặp cuộc
Đức Di Đà truyền mở đạo lành;
Bởi vì Ngài thương khắp chúng sanh,
Ra sắc lịnh bảo Ta truyền dạy.
“Đoạn này Đức Thầy nói người đời nay muốn tu tỉnh rất may được gặp Đức Di Đà sắc lịnh cho Ngài ra đời khai mở mối đạo thì cứ mạnh mẽ tin tưởng để qui đầu theo Phật pháp.”
“ Sở dĩ Đức Di Đà sắc lịnh cho Đức Thầy ra đời khai sáng mối đạo, vì tâm Đức Phật quá thương xót chúng sanh ở buổi Hạ nguơn đã chịu lắm đau khổ và sẽ không khỏi bị tận diệt, nên Ngài không những sắc lịnh cho Đức Thầy xuống trần mà còn truyền cho các vị Bồ Tát, La hán khác đồng hạ phàm tùy căn cơ, tùy bản xứ và tùy nhân tâm dạy bảo giáo pháp thích ứng khiến cho chúng sanh vui vẻ thực hành theo hầu được chút phước duyên để tránh khỏi ngày thống khổ.
“ Xem đoạn trên đây, chúng ta thấy Đức Thầy ra đời có sắc lịnh của Đức Di Đà, Đức Phật Tổ, chớ không phải việc ngẫu nhiên.
“Thiệt ra đối với Đức Thầy, dù chúng ta chưa được cảm thông máy huyền vi, chưa được sự mách bảo của các đấng vô hình đi nữa, nhưng chỉ xét trong kệ giảng của Ngài, chúng ta cũng được hiểu biết một phần về sứ mạng của Ngài ra đời trong thời kỳ nầy với mục đích thi hành năm khoản chính như sau:
1. Báo tin ngày tận diệt sẽ tới;
2. Đưa các thiện căn đến kỳ đại hội Long Hoa;
3. Đánh thức các linh hồn đã gieo rắc thiện duyên cùng Ngài ở nhiều tiền kiếp;
4. Phò trợ Thánh Vương;
5. Chấn hưng đạo Phật.
“ Lẽ thứ nhứt, Đức Thầy ra đời là Ngài nhận thấy buổi tận diệt của nhân sanh gần đến, Ngài không nỡ ngồi nơi ngai vị Phật quốc hưởng lấy yên vui một mình để cho nhân sanh chết dưới cảnh tàn hại của nạn binh lửa ở thế gian, nên Ngài xuống trần, trong kệ sám Ngài luôn luôn nhắc đi nhắc lại việc tận thế để đánh thức lòng người sớm bỏ dữ về lành, cải tà quy chánh, trừ việc lòng tham, khởi tâm bố thí, dứt sạch mê muội trở lại bổn tánh minh mẫn và luôn luôn lo việc lành việc phải để nhờ sự ủng hộ của Thần Thánh ngày kia, dù quả Địa cầu biến đổi, nhân sanh đa nạn, chẳng những mình được thoát qua mà còn được sống đến ngày ơn trên lập đời Thượng nguơn.”
“ Lẽ thứ hai Đức Thầy ra đời là Ngài dùng đủ cách để đưa con người hiền thảo đi đến Hội Long Hoa. Cách thức đưa rước ấy là Ngài dùng thuyền Bát nhã, tức là trí huệ của Ngài mở mang tâm tánh đưa chúng sanh được khỏi mê si tà kiến và chỉ bày lẽ huyền diệu đạo lý cho người khỏi tiêm nhiễm ngông cuồng, Khi chúng ta cùng trở lại đường chơn chánh, đó là mỗi chúng sanh đã lên thuyền Bát nhã vững vàng đến cõi giải thoát.
“ Lẽ thứ ba Đức Thầy ra đời là Ngài có mỹ ý đánh thức các linh hồn đã bao nhiêu kiếp qua từng gieo sâu duyên lành cùng Ngài, mà giờ nầy họ còn đeo mãi danh lợi, họ còn đương tươm ướp vật dục cho họ có cơ nhớ lại kiếp trước đã từng tu hành, đã từng gặp đạo tu tỉnh, nếu bây giờ quên đi là không khỏi sanh các cảnh giới đê hèn. Vì tiền kiếp Đức Thầy đã từng vào ra ở cõi nầy, phần nhiều là ở xứ sở Việt Nam cũng đã đem lắm lời đạo lý dạy cho nhân sanh, từ vùng nầy đến vùng khác, hoặc dùng diệu dược cho chúng sanh lành bịnh hầu cảm ơn cứu khổ mà tu hành. chúng sanh ở thời ấy, được sự hóa độ của Đức Thầy và Đức Thầy cũng từng nhờ sự giúp đỡ của họ, nên thời kỳ này là thời kỳ tận diệt. Đức Thầy nghĩ vì các con lành kiếp trước, nên Ngài ra đời để gần họ, nói bên tai họ, hoặc dùng bút mực dạy cho họ ăn năn cải hối, khỏi ngày tận diệt. Nhứt là Ngài muốn cho con hiền thảo ấy cùng Ngài đến Hội Long Hoa hay về cõi Cực Lạc.
“ Bởi ngày Hội Long Hoa, có Đức Từ Thị ra đem lời cao siêu như Đức Phật Thích Ca dạy cho chúng sanh nghe tu hành để khỏi chốn mê lầm, khỏi cảnh eo hẹp ở kiếp phàm. Nếu sự tu hành ấy được tinh tấn sẽ đến quả vị bất sanh bất diệt. Nhược bằng kiếp này, chúng sanh chơn chánh mà còn bị quả ác do kiếp trước trả lại, hoặc bị người giết hại mất xác, song linh hồn kia cũng được Thầy Tổ tiếp dẫn về Tây phương an hưởng quả vô sanh. Nếu ý nguyện cứu đời của người ấy chưa mãn thì sẽ trở lại cõi trần dìu dắt chúng sanh tu hành giải thoát.
“ Lẽ thứ tư Đức Thầy ra đời là Ngài vì mến ân đức của vị Minh Vương, nên vị Minh Vương ra đời thì Đức Thầy có bổn phận ra theo để giúp đỡ cho Ngài sớm được hoàn thành nhiệm vụ; từ chỗ nước nhà bị thống trị trở lại tự do; từ chỗ nhu nhược được trở nên cang cường; từ chỗ đen tối trở lại màu sáng sủa v.v…
“ Lẽ thứ năm Đức Thầy ra đời là nỗ lực chấn chỉnh trùng hưng mối đạo của Phật-Thích Ca đã khai sáng từ lâu mà ngày nay đã biến đổi cái tánh chất tinh vi của nó, nghĩa là đạo Phật trước kia rất chơn chánh cao siêu, các hạng học Phật rất tín thành, nhưng gần đây, vì sự mua danh chác lợi của kẻ nương bóng từ bắt đầu bi, mượn lời Phật pháp làm cho nó suy đồi đi; cảnh chùa chiền là nơi tượng trưng cảnh Tây phương, cõi giải thoát, nơi thanh tịnh, thế mà bây giờ họ lại chứa đựng kẻ bất lương xảo quyệt, phạm trai phá giới, vì vậy Đức Di Đà cũng như Đức Phật lấy làm đau xót, nên sắc chỉ cho các vị Bồ Tát và La Hán len lỏi xuống cõi thế gian, hoặc vào hạng người làm ruộng rẫy, hạng người buôn bán, hạng vua quan hoặc lẫn lúc trong hàng đĩ điếm v.v… để đánh thức lòng người chưa hiểu đạo lý sớm biết ăn năn. Việc làm ấy, đến chừng nào chúng sanh trở lại bản nguyên rộng lớn của Phật pháp thì lòng chư Phật mới thỏa được.
“ Các Ngài có mỹ ý làm cho chúng sanh đến cõi giải thoát song chúng sanh hành sai lạc chơn lý thì phải sa đọa, như thuốc rất hay mà dùng không nhằm bịnh thì có hại. Nên lẽ thứ nhứt các Ngài chủ ý làm cho chơn lý được nêu cao; lẽ thứ hai làm cho chúng sanh hành chánh đường; lẽ thứ ba khi chúng sanh được hành chánh đạo sẽ đến cõi giải thoát. Được thế sẽ không còn chia rẽ chùa này chùa khác, tăng nọ ni kia nữa.
“ Mỗi khi xét lại năm khoản vừa kể qua, chúng ta thấy rằng ĐứcThầy là vì sao cứu khổ chúng sanh ở thời kỳ nầy, cũng là một tiếng chuông rất thanh, rất lớn trong nền đạo Phật. Ngài sẽ có phương thuốc mầu nhiệm làm cho bịnh mê trong các từng lớp nhân loại hết mê. Thấy vậy lòng chúng ta càng tin mạnh lên và tin chắc rằng: Vì thời quay vận kiểng mà Ngài vắng mặt, chờ ngày kia đến việc thì Ngài cũng trở về làm xong nhiệm vụ, vì nhiệm vụ ấy, với kẻ khác dù có tài hơn cũng không thể thay thế Ngài được.
“Nói tóm lại, đến chừng nào Hội Long Hoa được khai mở cách rõ ràng cho muôn mặt đều thấy, những người thiện, kẻ hiền đức được trở lại vị cũ, nghĩa là những người tiền kiếp có gieo duyên lành với Ngài nay cùng một nhịp quay về con đường Phật pháp; những kẻ đã làm được việc lành việc phước, từng bố thí chẩn bần, từng thi ân lập đức đến ngày Hội Long Hoa sẽ chứng đắc quả vị tại tiền; công việc của Đức Thánh Vương ở thời kỳ ấy khi nào được xong xả … và chót hết khi nào nền đạo Phật được trở lại chơn chánh, từ hạng tại gia, hạng xuất gia đều giữ giới luật tinh nghiêm, không còn sự chê bai hay dối trá nhau thì chừng ấy sứ mạng Đức Thầy mới tạm gọi là xong.
“ Nhược bằng ngày tận diệt chưa tới Long Hoa chứ mở, kẻ làm ác chưa quày đầu, người làm lành làm phước chưa hưởng sự vui tươi… nền Phật giáo chưa được quang minh thì nhiệm vụ Đức Thầy còn nặng và Ngài còn trụ thế lâu ngày để làm xong sứ mạng. Mặc dù kỳ xuống thế này Ngài gặp nhiều tai ách và bị Ma vương khuấy nhiễu song Ngài không nao núng và nhờ các vị Long Thần Hộ Pháp luôn luôn bảo vệ Ngài được bình an, nên sớm muộn gì Ngài cũng làm xong phật sự,”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nhận xét của bạn đang được chúng tôi duyệt qua, và chúng tôi sẽ đăng lên trong thời gian sớm nhất! Chào Thân ái!