TỔ ĐÌNH TAM BỬU TỰ Ba Chúc - An giang
♠♠๑۩۞۩๑ -KỲ HƯƠNG TỰ- ๑۩۞۩๑♠♠
Trang này được thực hiện bởi các đồng đạo TỨ ÂN HIẾU NGHĨA - TIỀN GIANG

1 tháng 3, 2010

TU NHÂN HỌC PHẬT - CHƯƠNG II

CHƯƠNG THỨ HAI
* * *




          Phàm ở đời, muốn làm việc chi cho được thành tựu, có kết quả phải làm đúng lúc (cơ hội) và hợp với những điều kiện đã có (nhân duyên).
          Như anh nông phu, muốn được lúa chẳng phải lúc nào cũng đem lúa ra gieo hay gặp cuộc đất nào cũng đem lúa ra sạ. Họ phải biết lúc nào gieo mạ để kịp khi ruộng có nước  thì đem ra cấy; họ phải biết lúc nào sạ lúa để đến mùa nước lên lúa không bị ngập lút. Họ cũng phải biết đất nào phù hợp với giống lúa nào, hay cuộc đất nào có thể trồng lúa được. Nói tóm một điều là phải biết thời tiết (cơ) và thổ nghi (duyên).
          Bằng chẳng thế mà nhè đem lúa ra gieo giữa mùa lúa hạn hay đem lúa sạ trên đá hay trên đất chỉ thích hợp cho sự trồng tỉa các thứ phụ sản khác thì chắc chắn là anh nông phu ấy sẽ mất tất cả hột giống.
          Đến như một vị lương y cũng thế, ngoài cái tài phân biệt bịnh tướng, hiểu rõ tánh dược còn phải tùy thời tiết và các nhiễu chứng mà lập phương, chẳng phải cứ một đầu thang đó mà mùa nhiệt cũng như mùa hàn, phục dược như nhau cả.
          Làm ruộng, chữa bịnh còn như thế, huống hồ là đem giáo pháp ra hóa độ chúng sinh, đối trị các bịnh vô minh phiền não.
          Trong kinh Tối thắng vương, Phật có nói rằng: "Tùy ky khi lượng, thiện ứng cơ duyên, nhi vị thuyết pháp". Phải tùy căn khi và khéo ứng dụng theo cơ duyên của chúng sinh mà nói ra giáo pháp.
          Và trong Từ Giáo nghĩa cũng có nói: "Phù chúng sinh cơ duyên bất nhất, thị dĩ giáo môn chủng chủng bất đồng": Vì cơ duyên của chúng sinh khác nhau, thế nên pháp môn mới có nhiều thứ chẳng giống nhau.
          Như thế đủ cho ta hiểu rằng: Sở dị Phật quyền biến ra ba thừa là vì chúng sinh có ba hạng: sơ thiện, trung thiện và thượng thiện. Phật từ cơ duyên của mỗi hạng chúng sinh mà thuyết pháp độ sanh.
          Do đó mà Ngài được danh hiệu là Dược vương hay Thượng y vương, nghĩa là vua của nghề thuốc hay ông vua trên hết các thảy thuốc, vì rằng không có bịnh nào của chúng sinh mà Ngài không chữa  trị được.
          Ngay khi Phật còn trụ thế thuộc vào thời kỳ chánh pháp là thời kỳ đồ chúng căn tinh cao siêu, trí tuệ sáng suốt có thể lãnh hội những lời Phật thuyết, thế mà Phật còn biệt lập tam thừa để cho thích hợp với căn cơ của mỗi hạng chúng sinh thì nói chi ở thời kỵ mạt pháp này cách Phật trên hai ngàn năm, chúng sinh phần đông hạ căn hạ trí, dễ thường biểu nổi những giáo pháp cao siêu thích hợp với thời chánh pháp ư ?
          Cơ duyên đã khác thì hẳn người có phận sự hoằng dương chánh pháp của Phật, muốn rộng độ chúng sinh phải tùy nghi mà đưa ra giáo pháp.
          Phù hợp với cơ duyên, đó là đặc tính của Phật-pháp. Chính nhờ đặc tính thích nghi ấy mà đạo Phật dù ở thời nào, cảnh nào, vẫn một mực phát triển và bành trướng.
          Nhìn lại quá trình phát triển của đạo Phật, ngày khi Phật còn trụ thế thuộc vào thời kỳ chánh pháp thế mà Đức Phật còn biệt lập ra tam thừa để cho thích hợp với căn cơ của tất cả chúng sinh thì đủ rõ Phật pháp không phải là một giáo lý cố định mà luôn luôn quyền biến tùy trình độ cơ cảm của mỗi hạng người.
          Chính nhận định rõ thời cơ và căn khí của chúng sinh ở thời mạt pháp, Đức Phật Thầy Tây An chẳng ngại sáng lập giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương và xướng xuất pháp môn Tu Nhân Học Phật.
          Có nhận rõ hiện trạng suy vi của Phật-giáo Việt Nam trong mấy trăm năm trở lại đây mới thấy diệu dụng và đối cơ của pháp môn Tu Nhân Học Phật.
          Bắt đầu từ cuộc Nam Bắc phân tranh, Đạo Phật lần lần bước vào con đường suy bại. Tinh thần sáng mộ đạo Phật của vua chúa và quan dân đời Lý đời Trần, không còn nữa. Nhất là từ thời kỳ Pháp thuộc trở đi, với chánh sách khắc nghiệt của chế độ thực dân, đạo Phật mất hết sinh khí.
          Trong cửa thiền, hạng chân Tu Nhân Học Phật thiệt học lần lượt vắng dạng, nhường chỗ cho những ông thầy dâng bông chuyên việc lập đàn tụng mướn, chẳng còn thiết gì đến giáo lý cao siêu của Đức Phật. Nhà chùa đã biến dần thành chỗ ẩn thân của một số người thất thời lỡ vận, mượn câu kinh tiếng mõ để khuây khỏa cuộc đời.
          Những lần điều mê hoặc như lầu phướn xã hạc, đốt vàng bạc giấy tiền, những lối thờ cúng dị đoan mê tín, roi truyền từ đời Thần Tú đều được nhà chùa a tùng  xướng khởi.
          Nguyên lai, sở dĩ đạo Phật suy đồi dường ấy, một phần lớn là do ảnh hưởng của cuộc đời. Sau ngày nước nhà bị quân Pháp chiếm đóng và các cuộc khởi nghĩa cần vương thất bại, lòng người đâm ra chán nản ê chề. Gặp phải ngọn gió văn minh vật chất thổi vào mang lại những khoái cảm về xác thịt, nhân dân lần lần bị lôi cuốn vào con đường trụy lạc, truy hoan, chẳng còn thiết gì đến nhân quần xã hội, đạo lý nghĩa nhân.
          Lòng quy ngưỡng đối với đạo Phật đã chẳng có thì dù cho kêu gọi người chỉ ăn hiền ở lành, chưa chắc họ đã nghe theo, lựa là đem giáo pháp cao siêu của Đức Phật ra giảng dạy.
          Đứng trước cảnh huống của nước nhà đang lúc tinh thần con người hoang mang trụy lạc như thế mà muốn chấn hưng đạo Phật, đem con người trở lại với đạo lý là một việc làm chẳng phải dễ. Nếu chẳng nhận rõ căn cơ của chúng sinh trong thời kỳ mạt pháp và hoàn cảnh ác liệt của buổi Hạ nguơn màchọn một pháp môn xứng cơ đem ra ứng dụng thì sự hoằng dương giáo pháp dù có khéo thi thiết đến đâu chẳng những không gây được niềm tin tưởng trong dân gian mà còn làm cho lòng người thêm chán ngán.
          Cần gây một phong trào sùng mộ đạo đức trong giới thiện nam tín nữ khôi phục cái thịnh huống của đạo Phật đời lý đời Trần, đó là sứ mạng của giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương.
         



         
Thắng diệu của pháp môn Tu Nhân Học Phật chẳng những phù hợp với cơ duyên mà còn là một phương tiện gồm cả đốn tiệm.
          Mục đích của đạo Phật là dẫn dắt chúng sanh đến chỗ đắc thành đạo quả. Nhưng muốn đạt đến  mục đích, nhà Phật có nhiều phương pháp tu hành đại khái phân ra làm hai loại: quyền và thiệt.
          Thiệt là lấy sự thực, đem chân lý ra chỉ dạy. Nhưng phương pháp này chẳng những đã khó mà lại thường làm cho kẻ Tu học nhàm chán, bởi nó khó hiểu, chỉ thích hợp cho hạng người thượng căn thượng trí. Thế nên, để rộng độ tất cả chúng sinh, ngoài phương pháp "Thiệt". Phật-giáo còn có phương pháp "Quyền". là phương pháp tạm bợ rất xảo diệu, cốt làm thế nào dìu dắt kẻ Tu học từ chỗ giả đến chỗ chân, nghĩa là đến chỗ đạt được mục đích của Phật đạo.
          Những phương pháp quyền xảo ấy, nhà Phật gọi là phương tiện.
          Danh từ phương tiện có ý nghĩa rất sâu xa. Cứ theo Phật học đại từ điền thì "Phương" là phương pháp, còn "Tiện" là tiện dụng, tức là cái phương pháp vừa tiện dụng, vừa kế hợp với căn cơ của tất cả chúng sinh.
          Như thế phương tiện không chỉ là một phương pháp suông mà chỗ xảo diệu của nó là phải tiện dụng và khế hợp, vì rằng nó có công năng tiện dụng thì dễ thi hành và có khế hợp với căn cơ thì mau đạt mục đích. Vị bằng thiếu hai điều kiện: tiện dụng và khế hợp ấy thì phương tiện hẳn kém sự xảo diệu.
          Phương tiện của nhà Phật còn thù thắng ở chỗ nó luôn luôn hàm súc cái ý nghĩa lợi tha, chớ không như phương tiện của thế nhân chỉ chú trọng ở cái hiệu quả mong đạt được mục đích mà thành ra chẳng ngại dùng bất cứ phương tiện nào dù không chánh đáng như đã biểu hiện trong câu ngạn ngữ: "Mục đích sẽ biện minh cho phương tiện". (La fin justifie les moyens).
          Chính nhờ phương tiện xảo diệu và thù thắng ấy mà Phật-pháp mặc dù cao siêu thâm viễn ,vẫn được ban rãi và nhuần thắm khắp cả chúng sinh, từ hạng thượng căn đến người hạ trí, chẳng khác trận mưa rào gội mát cả cây to lẫn cỏ nhỏ.
          Phương tiện rất quan trọng đối với Phật pháp là như thế
          Trong kinh Pháp Hoa, Phật đã cho biết: Để thuyết pháp độ sinh. Ta phải nhờ vào sức phương tiện. (Dĩ phương tiện lực có, vị chúng sinh thuyết pháp).
          Nhưng đã là phương tiện thì sự cần thết của nó chỉ là để đạt mục đích, đến khi mục đích đã đạt thì công dung của nó không còn nữa. Có phân biệt được chỗ đó mới không nhận lầm mục đích ra phương tiện, phương tiện ra mục đích.
          Để phá mê những người còn cố chấp phương tiện, Đức Phật có nói :  Tất cả pháp môn của Ta ví như  chiếc bè dùng qua sông, một khi đã qua sông rồi thì còn mang bè theo mà làm chi nữa. Đó là Pháp muốn răn người chấp mãi theo bè mà chẳng chịu lìa bè để lên bến.
          Cũng như  Ngài nói: Lời ta dạy ví như ngón tay ta chỉ mặt trăng. Mặt trăng là chỗ phải ngó, chớ đừng nhân ngón tay làm mặt trăng; tức là Phật muốn răn chúng sinh đừng lấy phương tiện làm mục đích.
          Cùng một ý này, Đức Huỳnh giáo chủ có viết:
Chúng sanh mê nên đem Pháp thuyết,
Giải thoát rồi Pháp bất khả dùng.
          Cũng là hiển thị cái ý răn người chấp pháp.
          Ngài Câu Na Bạt Ma Tam Tạng rất chi lý khi nói: "Luận giải thì mỗi người có chủ trương khác nhau, còn lý của việc tu hành thì không hại. Lúc đi thì có phải có trái, còn khi đến thì không có gì trái ngược. Pháp môn phương tiện tuy nhiều nhưng mục đích chỉ cho người thấy thì không ngoài chuyển mê khải ngộ, ly khổ đắc lạc, chỉ ác tu thiện mà thôi".
          Những lý giải trên đây đủ cho ta nhận thấy Đức Phật Thầy Tây An là một vị kế thống xứng đáng của Đức Thích Ca, một vị lương y kỳ diệu của thời đại, vì Ngài đã phương tiện khai thị pháp môn Tu Nhân Học Phật là một pháp môn vừa tiện dụng, dễ tu rộng độ, vừa khế hợp với căn cơ của chúng sinh trong thời kỳ mạt pháp.
          Thật là một pháp môn có đủ cơ năng lực cảm, còn gồm cả đốn lẫn tiệm.
          Giáo pháp của nhà Phật chia làm hai loại: Đốn giáo và Tiệm giáo.
          Đốn giáo là giáo pháp chủ trương: Tâm chúng sinh có tự tánh chân như không đợi tu tập lâu năm mới sang tỏ. Nếu người tu thấu tỏ được chân lý thì trong  nháy mắt có thể giác ngộ mà chứng được quả Niết bàn.
          Những giáo lý thâm diệu của Đại thừa như  "Sanh tử là Niết bàn"; "Phiền não là Bồ đề"… đều thuộc về Đốn Giáo.
          Còn Tiệm giáo là giáo pháp chủ trương: Từ vô thỉ đến nay, chúng sinh chất chứa phiền não mê mờ như núi, nay muốn phá tan để đi đến cảnh Niết bàn nếu không trải qua nhiều thời gian tu  tập thì không sao thành công được.
          Nói tóm lại Đốn giáo là giáo pháp dạy cách tu kiến tánh thành Phật, chỉ trong một kiếp tu tiến là đạt được kết quả, còn Tiệm giáo là giáo pháp dạy cách ta dần dần mà tiến, từ quả vi này đến quả vi khác, phỉ tu nhiều năm nhiều kiếp mới thành.
          Giữa phép tu chóng thành và phép tu chậm thành, hẳn người đời chấp trước phép tu vượt bực hơn phép tu từ bực.
          Cái tâm lý muốn làm ít mà hưởng nhiều, muốn trồng cây hôm nay mà ngày mai hái trái là tâm lý chung của mọi người ở thế gian, điều đó không phải lấy làm lạ, nhưng có điều người tu theo Đốn giáo chấp trước lấy pháp mà trở lại bài bác Tiệm giáo. Họ viện ra câu "tu nhứt kiếp, ngộ nhứt thời" để làm luận chứng cho phép tu  vượt bực của mình. Nhưng nên hiểu thế nào là "tu nhứt kiếp ngộ nhứt thời"?  
          Thử lấy việc nấu nước để hiểu rõ cái lý đó. Muốn cho nước bốc thành hơi, phải bắc ấm nước lên lò lửa mà đun. Nước từ trạng thái lạnh dần dần trở nên ấm, rồi từ trạng thái ấm dần dần trở nên nóng, cho đến một mực độ kia thì hốt nhiên nước bốc thành hơi.
          Trong Kinh điển, Phật thường nói đến cách cọ cây lấy lửa, công phu cũng như  thế.
          Vậy thì, cho được nước bốc thành hơi hay cây kia nháng lửa, phải trải qua nhiều trạng thái lạnh, ấm, nóng rồi rốt hết từ nóng đến một mực độ kia nước bốc thành hơi, cây nháng ra lửa.
          Cái trạng thái nước bốc thành hơi, cây nháng ra lửa đó là trạng thái hột nhiên, xuất hiện trong nháy mắt, có thể ví với trạng thái tỏ ngộ của người tu. Nhưng chớ thấy chỗ biến thái lẹ làng đó mà cho rằng nấu nước thành hơi hay cọ cây lấy lửa là công việc làm trong chốc lát, không lắm công phu.
          Câu "tu nhứt kiếp ngộ nhứt thời" có thể hiểu là cái trạng thái lúc nước sắp thành hơi, cây sắp nháng lửa. Nó thuộc về giai đoạn kết quả, chớ không thuộc về giai đoạn nguyên nhân.
          Thì ra cái lý "Đốn" vẫn nằm ở trong cái lý "Tiệm". Từ khi bắc ấm đun lửa hay đem cây ra cọ là giai đoạn "Tiệm", để đến lúc nước bốc thành hơi, cây nháng ra lửa là giai đoạn "Đốn", nghĩa là phải có "Tiệm" làm nhân rồi mới đi đến cái quá "Đốn". Không bao giờ có quả mà không nhân.
          Việc tu hành cũng như nấu nước thành hơi, cọ cây lấy lửa, phải từ lạnh đến ấm, từ ấm đến nóng, rồi từ nóng bốc ra hơi, nháng ra lửa, nghĩa là phải trải qua nhiều giai đoạn, lắm công phu.
          Nhưng vào thời mạt pháp này, có được bao nhiêu người thượng căn đại trí, đầy đủ công đức đã gây tạo trong giai đoạn "Tiệm" mà nay chỉ còn bước lên giai đoạn "Đốn".
          Thế nên, để thích hợp với căn cơ của chúng sinh ở thời mạt pháp và thuận theo trình tự giác tiến, Đức Phật Thầy Tây An khai thị pháp môn Tu Nhân Học Phật là một giáo pháp chẳng những dễ tu dễ độ mà lại gồm cả Tiệm lẫn Đốn.
          Người sơ cơ sẽ từ chỗ Tu Nhân mà vun trồng ruộng phước để làm nấc thang bước lên Phật đạo; người lúc căn túc trí thì nhờ có Tu Nhân mà công đức sẵn có thêm sâu dày vững chắc để sớm đạt thành Phật quả. Thật là một pháp môn rộng độ tất cả chúng sinh từ bực sơ cơ đến bực thượng tiện.
          Trong thờk kỳ này nếu chấp "Đốn" bỏ "Tiệm" thì chẳng khác cất nhà mà không đắp nền, muốn leo lên cây mà không từ dưới gốc.



          Diệu dụng của pháp môn Tu Nhân học Phật là trước hết đem con người trở lại con đường thiện, sống đúng với đạo nhân, tức là  đạo làm người đối với gia đình, xã hội, phù hợp với luân thường đạo lý có Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Phàm là con dân thì biết yêu tổ quốc, hy sinh thân mạng đền bù nợ quốc gia; làm con thì hiếu thảo phượng thờ cha mẹ, anh em thì hòa thuận nhau; chồng vợ thì lấy ân nghĩa đối đãi nhau… Nói tóm lại, người có đạo nhân là người lấy nhân nghĩa đạo đức làm phương châm xử thế tiếp vật, sống một đời chánh chơn cao nhã.
          Đó là bước đầu của nấc thang tiến lên con đường đi đến quả vị Tiên Phật. Ai muốn được giải thoát, muốn thành Phật thành Tiên cũng phải trải qua nấc thang đó trước; ví bằng chẳng hành xong nhân đạo thì không sao thành được Phật đạo.
          Đức Phật thường nói: "chúng sinh là Phật sẽ thành".
          Câu này hàm súc ý nghĩa sâu xa về con đường tu tiến. Thì ra ông Phật cũng chẳng qua, từ địa vị chúng sinh, tức là một con người bằng xương bằng thịt, tu hành đắc quả. Hãy nhìn tượng hay cốt Phật thờ trong chùa đủ thấy hình thể của Phật không khác hình thể của bao nhiêu con người mà ta đã thấy trong thế gian.
          Phật từ chúng sinh mà ra. Thế nên muốn thành Phật, trước phải làm chúng sinh, hay nói một cách khác, trước khi làm Phật cần phải làm con người.
          Như vậy con người làkhởi điểm của con đường tiến hóa để đi đến Phật. Không có con người thì không thể nào thành Phật được. Nhưng Phật khác hơn chúng sinh ở chỗ Phật là người toàn thiện toàn mỹ, rốt ráo giải thoát, còn chúng sinh là con người chưa hoàn hảo, còn bị ràng buộc trói trăn. Làm Phật tất phải biết hơn chúng sinh, phải đáng cho chúng sinh thờ kính và qui mạng. Ví bằng Phật mà không làm hoàn toàn bổn phận con người , không vượt trên bực phàm. Thánh thì hẳn kẻ phàm. Thánh dù có thờ cũng không trọn kính. Và như thế thì không thành là một vị Phật. Ở đời muốn làm một vị giáo sư thì trước hết cũng phải từng làm học trò và hiểu biết hơn học trò. Bằng không từng làm học trò và hiểu biết hơn học trò thì sao làm được ông thầy giáo.
          Sở dĩ Phật được thế nhân xưng tụng và Thiên nhân sư. Điều ngự trượng phu. Thế tôn… là vị Phật đã hoàn thành việc thế gian và vượt trên phàm, Thánh.
          Thật thế, cứ xem gương Đức Phật Thích Ca, ta đủ thấy, trước hết Ngài là một người hoàn toàn nhứt. Trong ba đại A tăng kỳ kiếp. Ngài đã từng làm qua những việc Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, tín, đã từng làm vua, quan, nghệ sĩ, thầy tu, thương buôn… nhứt nhứt về món nào Ngài cũng tỏ ra siêu quần xuất chúng cả, nghĩa là Ngài đã hoàn toàn làm tròn cái đạo Nhân khi Ngài còn là con người ở thế tục.
          Như thế, đạo Nhân quả là mối đạo mà người nào muốn đạt thành quả vị Tiên Phật, cần phải tu trước hết. Không tu Nhân đạo trước mà chỉ chuyên tu Phật đạo thì có khác nào muốn cất nhà mà không cần xây nền đắp móng. trước sau gì cũng phải sụp đổ.
          Đạo Thanh Hòa Thượng có nói: "Dục tu Tiên đạo, tiên tu Nhân đạo; Nhân đạo bất tu, Tiên đạo viễn hỹ". Muốn tu đạo Tiên Phật, trước phải tu đạo làm người; đạo làm người mà không tu thì đạo Tiên đạo Phật không có thể đến được.
          Đức Huỳnh giáo chủ cũng nói:
Tu đền nợ thế cho rồi.
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen.
          Thế là cũng đồng nhận cần phải tu Nhân để đền xong nợ thế rồi sau mới đạt thành Phật đạo.
          Phương chi trong kinh điển còn cho biết rằng: nhờ kiêm tu phước huệ gồm cả Nhân đạo và Phật đạo mà Đức Phật Thích Ca đã siêu kiếp: đáng lẽ, ngoài ba đại A tăng kỳ kiếp còn phải tu thêm một trăm đại kiếp nữa như các hàng Bồ tát tiểu thừa mới đến quả vị diệu giác, thế mà Đức Phật nhờ kiêm tu phước huệ nên siêu được một trăm đại kiếp ấy.
          Tu Nhân đã phù hợp với trình tự tu tiến và siêu thắng như thế. Vậy muốn thành Phật, trước phải tu Nhân, cũng như muốn cất nhà trước phải xây nền đắp móng cho vững chắc.
          Thế nên, đồng thời với Tu Nhân, cần phải học Phật để trang nghiêm con đường tiến tu giải thoát sau này. Có học Phật, có làm theo những điều của Phật dạy, mới tránh được những lỗi lầm do vô minh dốt nát gây nên và nhận rõ con đường đạt đến chân lý.
          Mà muốn đạt đến chân lý, muốn thành Phật thì trước hết phải tu Nhân, bởi đó là khởi đoan của con đường tiến hóa từ chúng sinh đi đến quả Phật.
          Con đường tu tiến để đi đến quả Phật là cả một con đường gồm có tu Nhân và học Phật. Nhưng nếu chỉ chuyên tu Nhân mà không học Phật, chỉ lo việc phước đức nghĩa nhân thì kết quả chỉ gặt được phước báo của cõi Nhân Thên, vẫn còn mãi chịu lăn lộn trong con đường luân hồi sinh tử. Và như thế, đạo Phật không còn là đạo Phật nữa, vì nó không khác Đạo Nho hay các cơ quan từ thiện hay xã hội.
          Đạo Phật là đạo giải thoát. Thế nên muốn được giải thoát, phải học theo Phật.
          Nhưng thế nào gọi là học Phật ?
          Học Phật là học tất cả những điều Phật dạy và làm tất cả những điều Phật đã làm.
          Các công  thức khoa học sở dĩ được lập ra, chẳng qua dựa theo kết quả của các cuộc thí nghiệm mà có. Pháp môn của Phật cũng thế. Nó chẳng phải do Phật tự đặt ra mà là do chỗ Phật đã tu chứng đắc hay thể nghiệm  trong bao nhiêu túc kiếp tiền thân, rồi khai thị cho chúng sinh nương theo đó mà tu học.
          Đức Phật đã tìm thấy con đường giải thoát chỉ dạy chúng ta, thì chúng ta, muốn được giải thoát như Ngài phải tuân theo những lời của Ngài chỉ dạy. Có làm theo những điều của Ngài giáo huấn, có học Phật, chúng ta mới tránh được bao nhiêu chướng ngại có có thể làm thối chuyển bước đường tu học của ta mà đạt đến chỗ hoàn toàn giải thoát.
          Vả chăng, cho được thành Phật, cho được hoàn toàn giải thoát, trước kia Đức Phật cũng từ chỗ khởi đoan tu Nhân mà tiến đến quả Phật. Như vậy muốn học Phật, thế tất phải học tất cả những việc làm của Phật từ chỗ tu Nhân cho đến khi thành đạo. Nếu chỉ học và làm theo những điều Phật đã hành trong giai đoạn thành đạo mà bỏ trễ không làm những điều Phật đã hành trong giai đoạn tu Nhân thì có khác chi muốn cất nhà mà không chịu xây nền đắp móng.
          Huống chi, ở thời kỳ mạt pháp này, theo lời Phật cho biết, chúng sinh phần đông căn tính cạn cợt, phước huệ mỏng manh, thì phỏng độ bao nhiêu người  thượng căn thượng trí, phước đức đủ đầy , đã hoàn thành giai đoạn tu Nhân chỉ còn cần tu theo hạnh của Phật khi Ngài thành đạo.
          Thế nên, để phù hợp với trình độ của chúng sinh trong thời kỳ Hạ nguơn và nhứt là để đi đúng con đường tu tiến của Phật, Đức Phật Thầy Tây An và các ngài tiên giác trong giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương đã khai thị pháp môn Tu Nhân học Phật.
          Có tu Nhân mới gây được phước duyên làm nền tảng cho con đường tiến tu cầu đạo.
          Có học Phật mới khuôn được sự tiến tu vào con đường chánh đạo, giải thoát hoàn toàn.
          Đó là cả giáo pháp: tu phước và tu huệ, tu Đời lẫn Đạo mà Đức Phật đã chỉ dạy, nếu khuyết đi một thì chẳng khác một cỗ xe hai bánh mà thiếu đi một bánh, không sai tiến tới được.
          Xưa nay, phần đông kẻ tu hành thường có quan niệm rằng: muốn tìm Đạo thì phải lìa Đời. Theo đó, Đời và Đạo là hai lãnh vực khác biệt nhau, không thể hòa hợp nhau được. Đời vẫn là Đời mà Đạo vẫn là Đạo
          Thế nên trên xã hội loài người thường diễn ra cảnh tượng: khi thất thời lỡ vận, đau khổ vì Đời thì người ta đâm ra chán Đời, tìm đường náu thân nơi cửa Đạo, không còn thiết gì đến việc Đời.
          Vì vậy mà Đạo Phật từ lâu bị hiểu lầm là Đạo yếm thế. Và cũng do chỗ nhận thức sai lệch ấy mà kẻ tu hành không tiến được xa trên giáo pháp của Như Lai.
          Thực ra, Đạo Phật không phải là Đạo chán Đời mà là Đạo vì Đời. Trong Tăng nhứt A hàm kính có đoạn nói rằng: "nếu không có sự sanh, sự già, sự chết thì Như Lai chẳng giáng trần làm gì và Phật pháp cũng chẳng có cơ hội để ban rải ánh sáng siêu việt khắp thế gian".
          Xem đó, Đạo rất cần cho Đời, mà Đời cũng rất cần có Đạo. Đạo là ngọn đuốc soi sáng khắp nẻo tối tăm; Đạo là chiếc thuyền đưa người từ bờ mê sang bến giác… Đời mà không Đạo là Đời tàn ác, bạo ngược, vô liêm, như ốc mượn hồn, như thuyền không đáy.
          Đạo phải ở trong Đời thì Đạo mới cần thiết, Đời phải nhớ có Đạo thì Đời mới giải oan sầu.
          Cho nên muốn tìm Đạo phải tìm ở trong đời. Ví bằng bỏ Đời mà tìm Đạo thì có khác chi kẻ đội nón mà kiếm nón, người cỡi trâu mà lại tìm trâu.
          Vẫn biết đời là một trường thống hận, ai sinh vào đó không khỏi bị khổ lụy. Nhưng nếu ta biết nương theo ngọn đuốc Đạo mà đi, dùng thuyền Đạo mà vượt qua bể khổ thì không sao vấp phải hầm hố của Đời hay chìm đắm trong bể Đời. Vẫn ở trong Đời mà không bị Đời làm lụy, đó mới là hạnh đức của người hiểu Đạo, đạt được Đạo. Thân tuy còn ở trong vòng tục lụy mà tâm đã câ ái ly gia chẳng hơn là thân tuy đã xuất gia mà tâm vẫn chưa lìa tục lụy.
          Phương chi, con người sinh ra Đời đã mang nặng Bốn ân, nếu nợ thế chẳng đền thì sao ra người biết Đạo.
          Vả lại trong Đời đã có Đạo, trong đời đã có Đạo và trong Đạo vẫn có Đời, cũng như trong phiền não có Bồ để, trong cái mê có cái giác, thì có thế nào tìm Đạo lại bỏ Đời hay trong phần Đời mà bỏ bê phần Đạo.
          Đời Đạo vốn liên quan nhau, cho nên không  nên thiên trệ, mà cần phải :
Đạo, Đời đi cấp tu chơn
Bên nào cũng gắng chớ sờn chi nhân.
Đời lo vẹn , Đạo ân cần.
Trả xong nhân Đạo thì thân cũng thành(1)
          Đó là cả yếu lý của pháp môn Tu Nhân học Phật. Với pháp môn rất thích hợp với trình độ cơ cảm của chúng sinh trong thời mạt pháp, giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương đã xây dựng nền móng vững chắc cho công cuộc vãn hồi đạo Nhân và xương minh đạo Phật.


VÃN HỒI ĐẠO NHÂN
XƯƠNG MINH ĐẠO PHẬT

          Mục đích chính yếu của Bửu- Sơn  Kỳ- Hương, với pháp môn Tu Nhân Học Phật, có thể nói là: vãn hồi đạo Nhân và xương minh đạo Phật.
          Xét qua những nguyên nhân làm cho đạo Nhân suy đồi, ông Thanh Sĩ  có viết:
          "Trong xứ chúng ta, trước kia hầu hết trong nước từ hàng vua quan đến dân đã đều đồng nhứt hấp thụ lý thuyết của Khổng Tử là tu về nhân đạo, mỗi người đều học việc: Nhân, nghĩa, lễ ,trí, tín. Sau khi biết: Nhân, nghĩa, lễ Trí, tín rồi, họ thực hành như: tôi trung với vua, con hiếu với cha mẹ v.v… dù ai cũng vậy. Nhưng từ sau ngày nước nhà bị trị, nghĩa là từ đời vua Tự Đức trở lại đây, làn sóng văn minh phương Âu tràn vào xứ sở, bôi xóa tất cả thành tích đạo nghĩa trước kia của dân tộc; từ đó đạo nghĩa bị bôi lọ tất cả, đối lại lắm thời tồi bại diễn ra. Vì thế đạo luân thường phai dần đi, cho đến ngày giờ này, mặc dù có nhiều chùa miễu, nhiều tổ chức trùng hưng đạo Thánh Hiền, nhưng không phục hồi như cũ.
          "Nếu muốn luân thường đạo lý không trùng hưng chấn chỉnh được, cứ ở trong tình trạng suy vong mãi thì trong xã hội không tránh khỏi khổ huống: con giết mẹ cha, vợ bội bạc chồng, tình anh em chia xẻ nhau, tình bè bạn không còn đãi nhau chơn thật nữa. Chẳng những vậy thôi mà nó còn dẫn đến giai đoạn khốc liệt là người ăn xé người ; chỉ vì lòng ích kỷ độc ác mà họ tàn sát nhau rất dễ dàng hơn giết con vật"
          Sau khi xét qua những nguyên nhân suy đồi, ông Thanh Sĩ, để vãn hồi đạo Nhân có đề ra mấy lẽ trọng yếu:
          "Lẽ thứ nhứt, hưng phục ngũ luân cho thuần mỹ là làm sao cho tất cả mọi người trong xã hội, như làm tôi thì không bội phản, làm con thì không ngỗ nghịch, làm vợ thì không trái phụ, giữa anh em không bạc ác và đối với bạn bè chẳng lừa phỉnh nhau. Được như thế tức là đạo luân thường sẽ khỏi phải làm đau lòng tổ tiên và không phụ Thánh Hiền xướng xuất lý thuyết đạo nhân.
          " Lẽ thứ hai, khắc kỷ được chơn chánh là trước khi đứng ra hành xử đạo nhân cho được chúng ta toàn thì mình cần phải sửa đổi thân tâm được chơn chánh tròn vẹn. Cách sửa đổi ấy là phải rèn luyện cho mình  được có việc nhân, nghĩa, lễ trí, tín. Nếu người không lòng nhân, nghĩa, lễ, trí… thì hẳn không phải người. Điều này, Đức Huỳnh Giáo chủ nói rõ: "Nếu thiệt người thì biết thương người ". Ngài Mạnh Tử  thì nói: "Vô nhân, nghĩa , lễ, trí giả phi nhân dã". Người không lòng nhân, nghĩa, lễ, trí là chẳng phải người, mặc dù họ mang xác chất như người.
          "Đó là phận sự của người trai, còn gái thì luôn luôn tập tành: công, dung, ngôn, hạnh. Những điều này mỗi người phải được tiêm tất giồi luyện từ lúc nhỏ đến lớn. Có được đức công thì việc làm khéo léo gọn ghẽ, có được đức dung thì dáng vẻ được trang nghiêm; có được đức ngôn thì lời nói được ngay thật; có được đức hạnh thì mới có những vẻ nhu mì và lòng từ hiếu được. Người phụ nữ gìn được bốn đức ấy sẽ làm gương mẫu cho xã hội xung quanh học theo.
          "Tuy nhiên các việc ấy chưa đủ, còn cần rèn luyện thêm các đức tánh có ý nghĩa tốt đẹp khác nữa, nhứt là đừng bỏ qua một tánh hạnh tốt nào mà không trau luyện và cũng không dung chứa một tánh xấu nào mà không chừa tránh. Nếu gái trai cùng biết cung kính các đức tánh như đã kể qua thì trong gia đình được chúng ta đáo không đến dở dang tồi tệ.
          "Điều chót hết của đạo làm người là khi mình đứng ra xử sự, mọi việc đều lấy lẽ công bằng và nhân đạo. Không vị tư vị kỷ làm lệch đòn cân  nhân đạo và không làm bức người trong việc phi nghĩa, nhứt là làm sao cho mỗi người đều biết trách nhiệm của mình; hễ làm cha mẹ có bổn phận dạy con cái từ bé cho đến nghịch ngang tàng thì mình phải chịu trách nhiệm; làm anh chị phải kềm chế em út, nếu để nó lung lăng phóng túng làm việc bại hoại thì người anh chị chịu trách nhiệm. Các vấn đề khác cũng vậy, đều có tương quan nhau; cha mẹ chịu trách nhiệm con cái; anh chị có trách nhiệm em út, chồng có trách nhiệm vợ; đến như thầy có trách nhiệm trò; bạn bè thì có trách nhiệm bênh vực nhau. Mỗi người đều phải biết trrách nhiệm như thế cả.
          "Tóm lại ai cũng đều biết trách nhiệm trong phạm vi của mình để xử sự cho xong cả việc nhỏ đến việc lớn, khiến từ trên đến dưới đều đem lại sự hòa hảo lẫn nhau, dù phong tục có suy đồi cách mấy hay tâm trạng con người có đen xấu bao nhiêu cũng lần lượt cải chế lại chánh đáng như trước được. Nhược bằng người sống để mà sống, chớ không hiểu bổn phận mình đối với: vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em như thế nào thì phong tục tốt cũng đồi lại xấu, còn nếu phong tục xấu thì càng xấu thêm. Như vậy thì loài người sẽ chìm xuống thấp thỏi không khác loài vật người ngu độn".
          Đồng thời với sự vãn hồi đạo Nhân, đạo Phật cũng cần được xương minh để cứu độ "hạng người đương say gục tà thuyết và kẻ còn lầm đường vày vò bị người lợi dụng có cơ tỉnh thức thoát vòng trói buộc của tà sư ngoại giáo hầu được giải thoát hay đến được Hội Long Hoa".
          Về điểm xương minh đạo Phật, ông Thanh Sĩ có nêu ra bốn đề mục:
1. Duy trì chánh giáo của Phật Thích Ca;
2. Dắt người trở lại con đường lành;
3. Khiến cho mỗi người được tỏ ngộ;
4. Đưa nhơn sanh đến Hội Long Hoa hay về cõi Cực lạc.
" Lẽ thứ nhứt của cuộc xương minh đạo Phật là duy trì chánh giáo của Phật Thích Ca khiến cho chúng sanh cùng được giác ngộ như nhau và cùng hiểu được chơn lý của Phật. Lúc nào họ cũng thờ kính phụng mối đạo vô vi của Phật và hiểu luật nhơn quả báo ứng một cách rõ ràng, tránh tất cả những thuyết có ẩn ý làm mê tín lòng người.
Lẽ thứ hai của cuộc xương minh đạo Phật là dắt người trở lại con đường lành, bằng cách dùng đủ lẽ  hay ho để hướng dẫn những người nghe theo tà thuyết, tín ngưỡng ngoại đạo, sớm thức tỉnh trở lại con đường quang minh của Tổ Thầy đã vạch sẵn. Nhứt là làm sao mọi người rứt bỏ các việc ác, theo làm mọi điều lành, khiến lòng ác độc của con người được bớt lần đi, tức thì họa tham tàn, lòng giết hại, sự đao binh của nhân loại dần dần nhưng lại' rốt hết là sẽ cứu được chúng sanh lắp bớt nguồn sống chết để cùng được nhẹ nhàng siêu hóa về cõi thanh tịnh an cư của chư Phật.
"Lẽ thứ ba của cuộc xương minh đạo Phật là khiến cho mỗi người được tỏ ngộ bằng cách phương tiện  dùng pháp quyền biến, hoặc chơn thiệt, hoặc mau hoặc chậm để vạch xé ra từ việc một của sự tham lam, sân nộ, mê, si, ái, dục, không phải là thiệt có mà chỉ do vọng niệm vô minh  của mỗi người mà thấy nó dường như có thiệt, tưởng của cải là trường tồn vĩnh cửu thì dù nó mất mát cũng không khờn mẽ núng nao. Chúng sanh nhận hiểu như thế, rồi tự mỗi người soi chiếu lại bản tâm của mình được thấy nó tròn trịa sáng sủa như mặt nhựt và có đủ công năng để sử dụng một cách mầu nhiệm; nó có thể hiểu tất cả việc làm, tất cả các món không bị cảnh bên ngoài ám ảnh vào mắt, tai, mũi, miệng mình nữa, khiến đầu óc chẳng còn mê muội rối rắm, vẫn được một màu rỗng rang sáng tỏ, phân tách được từ việc một của sự đời hay sự đạo để thất hành đúng theo chơn lý. Sau hết là khiến cho mỗi người tự tu, tự ngộ lấy mình, không có ỷ lại vào sự giúp đỡ của kẻ khác; vì nếu cứ ỷ lại vào sự giúp đỡ của kẻ khác mà mình không lo lấy thì không khi nào đến chỗ giải thoát mau lẹ được.
          "Lẽ thứ tư của cuộc xương minh đạo Phật là đưa  nhơn sanh đến Hội Long Hoa hay về cõi Cực lạc bằng cách khiến mỗi người  quay về con đường lành và tỏ ngộ bản tâm, tức nhiên đến ngày khai mở Long Hoa họ sẽ được đến đó để hầu nghe lời lẽ nhiệm mầu của chư Phật giảng giải và họ sẽ được sự ban thưởng của vị vua Thánh., Nếu trong lúc tu hành, lòng họ chuyên trì lục tự một cách thuần thành thì họ sẽ được Đức Di Đà hiện thân đến tiếp rước về cõi Cực lạc hưởng lấy quả an vui hơn cõi Ta bà gấp bội." (1)
          Một khi đạo Nhân được vãn hồi, đạo Phật được xương minh, tức là mục đích của pháp môn Tu Nhân Học Phật đã đạt.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhận xét của bạn đang được chúng tôi duyệt qua, và chúng tôi sẽ đăng lên trong thời gian sớm nhất! Chào Thân ái!