TỔ ĐÌNH TAM BỬU TỰ Ba Chúc - An giang
♠♠๑۩۞۩๑ -KỲ HƯƠNG TỰ- ๑۩۞۩๑♠♠
Trang này được thực hiện bởi các đồng đạo TỨ ÂN HIẾU NGHĨA - TIỀN GIANG

1 tháng 3, 2010

CỨU CÁNH CỦA MÔN TU NHÂN HỌC PHẬT - CHƯƠNG V

CHƯƠNG THỨ NĂM



* * *

CỨU CÁNH CỦA MÔN TU NHÂN HỌC PHẬT
* * *
         
          Hầu hết tín đồ của Bửu- Sơn  Kỳ- Hương đều là hàng tại gia cư sĩ, còn nặng nợ với non sông đất nước.
          Cứ theo Sám giảng của các Ngài Tiên giác thì thời kỳ này là buổi Hạ nguơn sắp mãn để tạo lập đời Thượng nguơn thánh triết an lạc. Để cứu độ chúng sanh cho kịp kỳ Long Hoa Đại hội, và nhứt là cho được phù hợp với căn cơ của chúng sanh trong thời mạt pháp, Đức Phật Thầy Tây An cũng như các vị Tiên giác trong giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương xiển dương pháp môn Tu Nhân Học Phật.
          Cứu cánh của pháp môn này, với điều Tu Nhân đồ chúng nếu hành vẹn đạo Nhân thì sẽ được dự vào Hội Long Hoa là một đại hội phán xét cuối cùng để chọn người hiền đức hầu tạo lập cõi đời Thượng nguơn vô cùng an lạc.
          Đến như về điều Học Phật, các Ngài khuyên tu Tịnh độ. Những ai nhứt tâm thuần thành niệm Phật A Di Đà và hành  sử những điều lợi lạc cho chúng sanh sẽ được vãng sanh về cõi Cực lạc hưởng quả bất thối.
          Cứu cánh của pháp môn Tu Nhân Học Phật, nói tóm lại, là đào luyện nên người hiền đức để dự Hội Long Hoa và tiếp độ những người nhứt tâm niệm Phật về nơi An dưỡng để học đạo cho hoàn toàn trở lại cứu vớt chúng sanh.


HỘI LONG HOA

          Nói đến Hội Long Hoa tức là nói đến Đức Phật Di Lặc, vì theo Đức Phật Thích Ca cho biết trong Kinh Di Lặc, thì vào thời kỳ mạt pháp có Đức Phật Di Lặc ra đời là vị Phật thứ năm trong Hiền Kiếp, lập lên Hội Long Hoa, mở ba trường thuyết pháp hóa độ chúng sanh.
          Trong Kinh chỉ nói Đức Phật Di Lặc ra đời vào thời kỳ mạt pháp, nhưng không nói rõ là vào khoảng nào, cho nên về ngày giờ lập Hội Long Hoa có nhiều giải thuyết khác nhau, mỗi người hiểu mỗi cách.
          Để rộng đương nghiên cứu, chúng tôi xin trình bày tất cả các giải thuyết.

I. PHÁI THIỀN GIA

Về Hội Long Hoa, trong quyển Qui nguơn trực chỉ, Đức Tông Bổn có viết:
          “Từ Đức Thích Ca Mâu Ni Phật giáng sanh, bấy giờ loài người sống đều chỉ trăm tuổi, bắt đầu kể đi, cứ qua trăm năm, loài người giảm đi một tuổi.
          “Giảm đến thời đại mà loại người còn được 30 tuổi, thân người dài chừng 3 thước, toàn thế giới nổi lên tai cơ cẩn
          “Giảm đến thuở loài người chỉ còn 10 tuổi, thân dài 1 thước, toàn cầu nổi lên tai đao binh, ấy gọi là cái biến tướng của tiểu tam tai.
          “Chỉ còn lưu lại nam nữ chừng muôn người, trốn vào trong núi để làm giống.
          “Thuở đó với điều làm vợ người, con gái 5 tuổi đã gả, thế mới là con số đã cùng cực của kiếp giảm vậy.
          “Lại từ đó cứ qua một trăm năm, loài người được thêm lên một tuổi, cứ như thế, thêm đến cái thời đại mà toàn thể loài người đều sống 8 vạn 4 ngàn tuổi, thế gọi là con số kiếp tăng đã cực điểm.
          “Lại cũng vẫn từ đó thối lui, cứ qua mỗi một trăm năm, loài người bị giảm một tuổi, mãi thế, giảm đến thuở mà nhơn loại sống còn 8 vạn tuổi, Đức Di Lặc mới là giáng sanh. (1)
          Theo Đức Tổng Bổn căn cứ theo sự tăng giảm của các kiếp mà tính.
          Cứ theo tạng kinh thì mỗi Đại kiếp có bốn Trung kiếp:  Thành, Trụ Hoại, Không, mỗi Trung kiếp có 20 Tiểu kiếp; trong mỗi Tiểu kiếp có một lần tăng một lần giảm. Bắt đầu từ loài người sống  84.000 tuổi là cực điểm của số tăng, từ đây qua 100 năm giảm đi một tuổi cho đến khi nhơn loại còn 10 tuổi là cực điểm của số giảm. Rồi lại bắt đầu từ đó cứ 100 năm tăng lên một tuổi cho đến khi loài người sống 84.000 tuổi mỗi lần tăng và giảm như thế là một Tiểu kiếp. Cứ 20 Tiểu kiếp như thế làm thành một Trung kiếp và hiệp bốn Trung kiếp làm thành một Đại kiếp. Tính ra một Đại kiếp có 1.280.000.000 năm.
          Đức Phật Thích Ca ra đời vào thời kỳ giảm của kiếp thứ 9 trong kiếp Trụ. Từ một trăm tuổi là thời kỳ Phật Thích Ca ra đời, giảm xuống còn 10 tuổi: lại từ 10 tuổi tăng lên 84.000 tuổi, rồi từ 84.000 giảm xuống còn 8.000 tuổi thì Đức Di Lặc hạ sanh.
          Do những lý giải nói trên mà trong Thiền gia có quan niệm rằng Hội Long Hoa còn lâu lắm mới lập.
          Tuy nhiên, ngoài lý giải của Đức Tông Bổn, trong Kinh Đại Tập có cho biết rằng: Thời kỳ sau khi Đức Phật Thích Ca tịch diệt chỉ có 2.500 năm phân làm 5 thời kỳ như sau, mỗi thời kỳ là 500 năm:
1.     Thời Kỳ Giải thoát kiên cố là thời kỳ người tu hành đều y theo giáo pháp của Phật, nên chứng pháp giải thoát;
2.     Thời kỳ Thiền định kiên cố là thời kỳ hành giả y theo giáo lý tu tập các pháp thiền na mà chứng đặc định quả hữu lậu và vô lậu;
3.     Thời kỳ Đa văn kiên cố là thời kỳ hành giả y theo mười hai bộ kinh của Phật tu hành mà hiểu thấu các giáo pháp;
4.     Thời kỳ Tháp tự kiên cố là thời kỳ người hành đạo chỉ ưa làm hạnh hữu vi lập chùa, đúc tượng, ấn kinh để hưởng phước báo của cõi Nhân Thiên;
5.     Thời kỳ Đấu tranh kiên cố là thời kỳ phần nhiều kẻ tu hành hay háo thắng, chia bè kết đảng, chống báng lẫn nhau.
Mặc dầu, đem đối chiếu thời kỳ Đấu tranh kiên cố với hiện tình thời nay, ai cũng thấy có chỗ tương đồng, nhưng vì trong kinh không nói rõ Đức Di Lặc giáng sanh vào lúc nào, mà chỉ thấy nói là vào thời mạt pháp, cho nên về Hội Long Hoa, phái Thiền gia vẫn tin là còn xa lắm.
Vả chăng trong kinh điển còn phân từ Phật ra đời về sau làm ba thời kỳ: Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp và phỏng định thời kỳ Chánh pháp là 500 năm, thời kỳ Tượng pháp là 1.000 năm, và thời kỳ Mạt pháp là 10.000 năm. Cứ theo Phật lịch mà tính thì hẳn chúng ta ở vào thời kỳ Mạt pháp, nhưng thời này lại kéo dài đến một muôn năm, thế nên phái Thiền gia chưa tin Đức Di Lặc hạ sanh trước khi thời kỳ Mạt pháp chấm dứt.
          Tin tưởng Hội Long Hoa lập ra trong một ngày gần đây chăng chỉ thấy có giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương và Cao Đài giáo.
         
II. PHÁI BỦU SƠN KỲ HƯƠNG

          Có thể nói Đức Phật Thầy Tây An, vị sáng lập ra giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương là người thứ nhứt đã báo hiệu và đánh thức người đời rằng thời kỳ Hạ nguơn sắp mãn để bước sang thời kỳ thượng nguơn, tức là thời kỳ Đức Phật Di Lặc hạ sanh lập lên Hội Long Hoa như Ngài cho biết:
Hạ nguơn đã cận người ôi !
Nay cho giáng bút đề thôi coi đời.
          Lời báo hiệu này, Đức Phật Thầy thốt ra trên một năm nay. Ta không phải lấy làm ngạc nhiên về lời báo hiệu của Ngài, là bởi Ngài thấu rõ cơ huyền. Sự giáng lâm của Ngài là cả một sự kỳ bí làm cho mọi người phải kinh ngạc. Ngài không từng tu học, thế mà hoát nhiên tỏ ngộ, không khác trường hợp của Đức Lục tổ Huệ Năng. Ngoài những huyền diệu cứu độ chúng sanh, Ngài còn khai thị pháp môn Tu Nhân Học Phật là một pháp môn thích hợp với trình độ cơ cảm của chúng sanh trong thời kỳ mạt pháp. Ngài mở cơ phổ độ và khuyên hóa nhân dân mau kiếp tu hành cho kịp kỳ dự Hội Long Hoa. chầu Đức Di Lặc.
          Danh từ Hội Long Hoa được quảng bá trong dân chúng là bắt đầu từ đó.
          Sau Đức Phật Thầy Tây An, còn có các Ngài tiên giác trong giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương tiếp tục, cũng không dứt nói đến Hội Long Hoa, cho biết rõ những biến thiên sẽ xảy ra thế nào trong những ngày lập hội
          nhận định về thời kỳ Hạ nguơn, ông Sư Vãi Bán khoai có viết:
Hạ nguơn giáp tý đầu tiên,
Gẫm trong thiên hạ không yên chỗ nào.
          Hoặc là:
Hạ nguơn giáp tý bằng nay,
Cơ trời đã khiến lập đời Thượng lai.
          Về Hội Long Hoa, ông có viết:
Bởi trần lỗi quá muôn phần,
Cho nên lập Hội Long Hoa chọn người.
Hiền từ thì đặng thảnh thơi,
Nghinh ngang khó trốn lưới trời bớ dân !
          Và ông quả quyết:
Trẻ già đừng có nghi ngờ,
Việc đời ngó thấy bây giờ tới đây.
          Gần đây Đức Huỳnh giáo chủ, cũng là một bực hoát nhiên tỏ ngộ, không học mà thông có cho biết về đời Hạ nguơn không khác gì các bực Tiên.
Hạ nguơn nay đã hết đời,
Phong ba biến chuyển đổi dời gia cang.
          Với Đức Phật Thầy Tây An và ông Sư Vãi Bán khoai thì thời kỳ Hạ nguơn chỉ mới bắt đầu, đến Đức Huỳnh giáo chủ thì Ngài lại cho biết thời kỳ ấy đã hết.
          Thế nên Ngài nói quyết;
Đời Nguơn hạ ngày nay mỏng mẻo,
Khuyên thế trần hãy ráng kiêng dè.
          Về Hội Long Hoa, Ngài còn nói rõ hơn nữa, Ngài cho biết đó là một trường thi để tuyển chọn người hiền đức.
Lập rồi cái Hội Long Hoa ,
Đặng coi hiền đức được là bao nhiêu.
Gian tà hồn xác cũng tiêu,
Thảm thương bá tánh chín chiều quặn đau.
          Nói tóm lại, các Ngài tiên giáo trong giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương đều quả quyết rằng đời mạt hạ đã sắp mãn và Hội Long Hoa chắc chắn sẽ được lập một ngày gần đây.
          Những điều thuyết giáo này còn được Cao đài giáo xác nhận.

III. CAO ĐÀI GIÁO

Cao Đài giáo là một tôn giáo lập lên do Đức Cao Đài Tiên ông và các đấng thiêng liêng xuống cơ giáng bút chỉ dạy. Đã do các điển lành giáng cơ cho nên thấu đáo máy cơ huyền của tạo hóa.
         
Cũng như các Ngài trong giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương. Cao Đài giáo nhận cho rằng thời kỳ này là thời kỳ Hạ nguơn, thời kỳ tận diệt của nhân loại chúng sanh. Để cứu vớt một phần nào những người biết ăn năn, cải dữ về lành, các đáng thiêng liêng mới xuống cơ dạy đạo:
Thầy thương mở lượng từ bi,
Giáng trần khai hóa Tam Kỳ Hạ Nguơn.
Nay là đúng cuộc tuần hườn,
Phật Tiên giáng thế ra ơn độ người.
Chấn hưng giáo lý Đạo Trời,
Hầu toan đánh thức người đời tỉnh say.
Mục đích của Đạo Cao Đài, cũng như phái Phật Thầy là cốt thức tỉnh người đời quay đầu hướng thiện, gắng chí tu hành để một ngày kia dự Hội Long Hoa lập ra trong thời kỳ tận diệt có chọn người hiền đức hầu dựng lên cõi đời Thượng nguơn an lạc.
          Cao Đài giáo cũng quả quyết rằng rồi đây Hội Long Hoa sẽ được lập nên không dứt khuyến tu để kịp kỳ dự hội:
Đời vừa gặp lúc Hạ nguơn,
Tang điền hương hải tuần huờn vần xoay.
Thiên cơ khó nỗi tỏ bày.
May duyên mới gặp Đạo Thầy kỳ ra.
Ráng tu kịp hội “Long Hoa,”
Trễ rồi một kiếp đọa sa muôn đời.
Dầu cho vật đổi sao dời.
Tu hành cũng được Phật Trời chở che.
          Và cũng như giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương. Đạo Cao Đài nhận cơ tận diệt đã hầu gần, vì đã đúng luật tuần huờn đã định.
          Đức Cao Đài Tiên Ông đã giáng bút: “Vậy thì ngày nay thế giới đã đúng luật tuần huờn, Thầy đến đặng sẽ đem các con vào một thế giới khác mà cho an nghỉ hầu tầm cơ siêu xuất đến cảnh Thần Tiên. Các con chẳng nên khinh lời ấy là lời dĩ đoan, một ngày kia sẽ có”. (1)
          Cứ xem đó, giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương và Cao Đài giáo đồng một nhận định về lậu tuần huờn của vũ trụ, tức là cùng một quan niệm về lý Tan nguơn. Trước hết nhận thời kỳ này là thời kỳ Hạ nguơn sắp mãn để bước sang thời kỳ Thượng nguơn, sau là nhận rằng rồi đây sẽ có Hội Long Hoa lập ra để chọn người hiền đức.
          Chẳng những thế, mà ngay trong quyển “Di Lặc tôn kinh” cũng đồng một quan niệm như vậy.

IV. QUYỂN DI LẶC TÔN KINH.

Xuất xứ – Quyển Di Lặc tôn kinh ra đời trong một trường hợp khác thường, Cứ như trong kinh đã nói thì quyển kinh này xuất hiện tại thôn Vương gia trang, huyện nhạc Dương, Phủ Bình Dương, tỉnh Sơn Tây, bên Trung Hoa, từ trong tảng đá nứt nẻ ra, sau một tiếng sấm nổ vang.
          Năm Bính Thân thuộc đời vua Quang Tự, tức là năm 1896, bản khắc thứ nhứt được in ra, Nay tại Triều nguyên động, ở núi La phù còn giữ nguyên bản. Khi đem vào Việt Nam, quyển Di Lặc tôn kinh được tôn giáo Quý Nam Phật đường ở Hải Phòng cho trùng san. Ông Vũ Xuân Tăng, có dịch ra Việt văn, nhan đề là Di Lặc độ thế chơn kinh, do nhà in Thạnh Mậu cho xuất bản vào cuối năm Canh dần, tức năm 1950.
          Có đọc quyển Di Lặc tôn kinh mới hiểu vì đâu Đức Từ Thị hạ sanh rất sớm, khác hẳn thuyết của phái Thiền gia, nhưng trái lại rất phù hợp với Sám giảng của Bửu- Sơn  Kỳ- Hương và Thánh Điển của Cao Đài giáo; từ sự nhận định thời kỳ mạt kiếp cho đến việc lập Hội Long Hoa, nhứt nhứt đều không có chỗ nào khác nhau cả.
          Lần lượt, chúng tôi xin trình bày nội dung quyển Di Lặc tôn kinh và đối chiếu với tài liệu trong Sám giảng để chúng ta có một nhận định rõ rệt về Hội Long Hoa và thời kỳ Đức Di Lặc giáng thế.
          Vì đâu Đức Di Lặc chưa hạ sanh – Cứ như quyển Di Lặc tôn kinh cho biết thì Đức Phật Thích Ca và Đức Di Lặc đã thành tựu công đức trong ba đời, nhưng vì nhân duyên Đức Phật Thích Ca độ thế trước nên Ngài giáng sanh trước Đức Di Lặc.Trong lúc Đức Thích Ca giáng sanh thì Đức Di Lặc an trụ nơi cung trời Đâu suất, đợi ba ngàn năm sau, đến thời kỳ mạt pháp mới hạ sanh lập nên Hội Long Hoa mở ra ba trường thuyết pháp cứu độ chúng sanh.
          Đức Phật Thích Ca xuống thế cho đến nay, từ thời kỳ Chánh pháp, bước sang thời kỳ Tượng pháp cho đến ngày nay là thời kỳ Mạt pháp, trải qua một thời gian có trên hai ngàn năm trăm năm. Trong khoảng thời gian ấy “nhân dân giàu nghèo vui khổ chẳng đồng, năm giống thóc ít được mùa, các nước cạnh tranh nhau, bốn phương chẳng yên, trộm giặc thường sanh, tà thần tự nhiên bày ra trăm điều quái dị, khiến cho chúng dân thảm khổ.”
          “Nếu đợi ba ngàn năm thì chúng sanh phải khổ, vì rằng trong năm trăm năm đầu mở ra một kỳ sa thải nhơn loại tiếp đó thêm một ngàn năm nữa lại mở ra một kỳ đại sa thải, rồi đến năm trăm năm lại có cuộc biến đổi nữa. Đời mạt kiếp hầu đến, mọi khổ đều sanh, sợ năm giống thóc kém đi, trăm quái vầy đảng. yêu ma họp bầy, kịp sau hai ngàn năm trăm năm. chính là thời kỳ Hạ nguơn.
          Thế nên để cứu độ chúng sanh xa lìa những khổ nạn của thời mạt kiếp, “Đức quan thế âm cùng các Thánh chúng” yêu cầu Đức Di Lặc sớm hạ sanh.
          Cũng đồng một ý tưởng này, Đức Huỳnh giáo chủ có viết trong sám giảng:
Minh Vương khó đứng không ngồi,
Thảm thương lê thứ mắc hồi gian truân,
Trước đền mắt ngọc lự rưng,
Quí yêu bá tánh biết chừng nào nguôi.
Làm sao dạ nọ được vui;
Cúi đầu lạy Phật cầu xin cứu trần.
          Và ông Sư Vãi Bán khoai cũng có viết:
Hạ nguơn gian ác rất nhiều,
Thiên đình ngài muốn xử tiêu cho rồi.
Minh Vương không xiết hỡi ôi !
Lo mưu định kế cứu đời Hạ nguơn.
Liền qua Tây Vức Linh Sơn,
Cầu Phật giải cứu cõi trần Hạ nguơn.
          Trong lúc các Thánh chúng ai cầu Đức Di Lặc hạ sanh thì giữa pháp hội “có ông Đầu Đà Tôn giả, bực đệ tử thượng thủ của Đức Thế Tôn, thần thông bực nhất, công đức không hai, mười hiệu sắp thành, hành đức viên mãn, thân có vô lượng vô biên hào quang, bước ra lễ bái Đức Thế Tôn mà bạch rằng: Sau hai ngàn năm trăm, chính là thời kỳ mạt kiếp, lòng người ngoan ác, chẳng tin chánh đạo, nên trời khiến Ma vương trừ bớt kẻ ác, nào là tật ách đao binh, nạn nước lửa, thất mùa cứ đồn đến mà Ngài không hạ sanh, tôi nguyện thay Ngài xuống trần cứu độ năm trăm năm mạt kiếp, người có phước duyên được giữ lại để đợi đến lúc Ngài hạ sanh, thế giới thái bình muôn dân hào vui, vua tôi mừng rỡ, cha con sum vầy, lòng người đều thuận, sẽ thỉnh Ngài xuống trần…”
          Đức Di Lặc nhận lời và thọ ký cho Đầu Đà tôn giả với danh hiệu là Ngọc Phật. Rồi đó Ngài vào đại định và khi gậy vàng tự kêu, khánh ngọc tự đánh, Ngài mở mắt pháp thì chợt nghe tiếng nhạc trời loạn tấu và cùng một lúc có ba thiên sứ đến quì trước mặt Ngài mà tâu rằng: Hạn ba ngàn năm, nay đã gần đủ, xin Đức Phật hạ sanh, cứu độ quần mê, khỏi nạn mạt kiếp.
          Đức Di Lặc bèn nói với Ngọc Phật rằng: Ngươi từng phát nguyện thay ta xuống trần. Nay có chiếu chỉ của Đức Ngọc Đế, ngươi nên hạ sanh.
          Về đoạn này, trong Sám giảng người đời, ông Sư Vãi Bán khoai có viết:
Ta nay vưng lịnh Phật Trời,
Rao cho thiên hạ dưới đời đặng hay.
          Hoặc là:
Phật Trời Tiên Thành sầu bi.
Cậy ông Sư Vãi sau đi giải trần.
Sư Vãi vội vã ân cần,
Đi hết khắp bốn cõi trần van khuyên.
          Trong Sám giảng của Đức Huỳnh giáo chủ, cũng có đoạn viết:

Cúi đầu tâu lại cửu trùng,
Ngọc hoàng ban chiếu cho Khùng giáo dân.
          Hoặc giả:
Lời văn tao nhã hữu tình,
Bởi vưng sắc lịnh Thiên đình sai ta.
          Đức Di Lặc dặn dò – Sau khi được chiếu chỉ của Đức Ngọc Đế dạy xuống trần, Đức Ngọc Phật bạch với Đức Di Lặc rằng: Được Ngài dạy bảo, đệ tử xin hết dạ tuân theo. Nhưng đến năm nào, tháng nào, ngày nào, giờ nào, đệ tử nên hạ sanh ?
          Đức Di Lặc đáp: Ngươi phụng ngọc chỉ nên hạ sanh ngay.
          Đức Ngọc Phật bạch hỏi: Có Long Thần nào cùng đệ tử xuống trần không?
          Đức Di Lặc đáp: Có hai mươi bốn vị Thiên vương hộ trì; lúc ngươi đi có gặp ma nạn quản thủ, nhưng chẳng hại gì, ngươi có nhẫn nại giữ mình.
          Đức Ngọc Phật bạch hỏi thêm: Làm thế nào cứu được cả thảy nhân dân ?
          Đức Di Lặc nói: Rộng ban rải mưa pháp, cứu khắp chúng sanh cả thảy Long Thần tự nhiên cảm ứng.
          Đức Ngọc Phật bạch hỏi : Làm thế nào cứu được các vị quân vương qui y theo chánh pháp?
          Đức Di Lặc dạy rằng: Ta sai các vị Tinh quân lần lượt xuống, lúc ngươi đến đều tu hợp cho ngươi giáo hóa. Nay ngươi xuống trần giữa lúc đao binh trước hãy cứu độ cho kẻ kia khỏi nạn tên đạn, sau đó gặp lúc bịnh khổ dấy lên hãy cứu độ cho kẻ kia khỏi nạn ôn dịch… Ngươi hãy tuân lịnh, chẳng nên trái ý. Nay ngươi hạ sanh, hết thảy Long Thần, đại chúng cùng theo ngươi xuống trần. Sau khi ngươi giáng sanh, hãy nhớ lời ta dặn bảo, hóa độ chúng sanh, đợi khi ta hạ sanh, ngươi sẽ chứng đắc thượng quả… Thiên hạ thái bình, bốn mùa trường xuân, nhân dân lạc nghiệp. Chính đó là thời kỳ Thánh nhân trị đời, phổ hóa vô cùng, cứu độ chúng sanh, nên người lương thiện chứng bực Thánh nhân.
          Về đoạn Đức Di Lặc sai các vị Tinh quân và Thiên Long xuống trần, ông Sư Vãi Bán khoai có viết:
Phật Tiên thôi mới đổi phiên,
Xuống ngay trần thế giả người bần nhơn.
          Về điều này, Đức Huỳnh giáo chủ cũng có viết:
Kể từ ngày vàng lộn với thau,
Phật, Tiên, Thánh cùng nhau xuống thế.
          Hay là:
Cờ thế giới ngày nay gần thúc,
Nên Phật Tiên phải xuống hồng trần.

V. SỨ MẠNG CỦA NGỌC PHẬT.
         
Sau khi lãnh chiếu chỉ của Đức Ngọc Đế và trước khi xuống trần, Đức Ngọc Phật bèn đến thỉnh giáo với Đức Di Lặc về sứ mạng của mình.
1.     Cứu độ người hiền – để hiểu rõ sứ mạng phải thi hành cách nào lúc hạ sanh, Đức Ngọc Phật bạch với Đức Di Lặc rằng:
Vào thời mạt pháp này, chúng sanh mê tới gian ngoan, kết bè hiệp đảng, làm chuyện hung ác, vậy phải  sửa trị thế nào? Dạy bảo thế nào? Khuyến hóa thế nào ? Cứu độ thế nào?
Đức Di Lặc cho biết đại khái: Trời đã sai Ma vương xuống trần trừ kẻ hung ác. Những người ở thế gian, tăng cũng như tục, quan lại cũng như chúng dân, kể nào bất trung bất hiếu, làm điều tội lỗi, không biết cải hóa thì bị nạn đao binh nước lửa ôn dịch mất mùa trừ diệt. Chỉ người hiền lành thì được giữ lại.
Đức Ngọc Phật bạch hỏi: Thế nào là cực ác nên trừ diệt, cầu xin phân giải.
          Đức Di Lặc đáp: Nay ta cùng ngươi đến đây mở xem ngọc chiếu, phóng hào quang soi khắp mười phương, nhứt nhứt trong ngọc chiếu đều có chỉ dạy. Phàm kẻ làm ác. Trời khiến Ma vương cùng Linh quan cứ theo tên họ đã ghi trong sổ mà trừ diệt đi. Ngươi xuống trần sẽ thấy công án đã lập thành.
          Bấy giờ, Đức Di Lặc cùng Đức Ngọc Phật mở pháp nhãn, xem bổ sở của Ma vương ghi chép thì thấy rõ, nào là:
          Hạng tu hành giả dối như thầy tu, đạo sĩ, cư trú nơi danh sơn, ở những đền chùa nguy nga, chạm trổ hoa mỹ, sơn son phết vàng, mặc hàng lụa chẳng công nuôi tầm ăn cơm gạo chẳng công cầy cấy, có ruộng miễn thuế, hưởng cảnh thanh nhàn, từ bỏ họ tổ tiên, quên công ơn cha mẹ; đó không phải là hạng chơn tu.
          Hạng dân dâm như làm chuyện loạn luân với người trong họ hàng quyến thuộc, hoặc dâm vợ con hằng hữu, chiếm cả mẹ lẫn con, giết chồng người đoạt vợ, làm xấu xa tổ tiên cha mẹ. Lại có hạng gái lăng loàn trắc nết, hợp đoàn kết lũ, làm chuyện dâm ô, trăng gió đê hèn mê hoặc người cho hao tiền tổn mạng.
          Hạng sát sanh hại vật như giết người đoạt của làm thịt các loài vật không có chút lòng nhơn, cúng tế tà thần, uống ăn hỗn tạp.
            Hạng trộm cướp như chận người giựt của, tìm cách đào ngách khoét tường, tính toan trăm mưu ngàn kế bất lương để cưỡng đoạt tài sản người.
          Hạng tham quan ô lại chẳng chút thanh liêm, chỉ mong vơ vét cho đầy túi tham, bày ra đủ cách tàn hại dân lành, lấy vạy làm ngay, binh tà bõ chánh, không lòng trung thành, hiếu thuận.
          Hạng cường hào ỷ thế lực đồng tiền, cậy trí óc khôn ngoan, húng hiếp kẻ nghèo nàn cô thế, những toan tóm thâu ruộng đất người, vợ con người, lường công cướp của, gian ác hung tàn.
          Hạng gian thương lường công tráo đấu, mua một bán lời mười, tăng cao thời giá làm hại dân lành, chỉ mong thủ lợi, giả mạo hàng hóa, gạt gẫm người đời, mà mắt thế gian, đầu cơ lũng đoạn.
          Hạng hủy báng Thần Thánh không tin có Trời Phật, ngạo báng Thánh Thần, khi dễ kẻ tu hành, chê người lương thiện, phá chùa đốt miểu, đập tượng hại tăng, không hiếu thuận mẹ cha, làm lắm điều hung ác.
          Hạng mê tín dị đoan thờ phượng tà thần, sát sanh cúng tế, không tin ở luật báo ứng, tin nhảm làm càn, mê mê muội muội, hoặc loạn thế gian theo mị tà ma quỉ.
          Hạng quân lính bất lương cậy thế lực nhà binh, đánh người lương thiện, hôi của lấy đồ, trăm cách lừa dối, làm khốn khó dân lành, lớn lối mắng chửi.
          Đó là những hạng người có tên trong bộ sổ của Ma vương, trước sau gì cũng bị trừ diệt.
          Đến như hạng người hồi tâm tu niệm, hiếu thuận hai thân, sửa tánh trau tâm, làm phước làm đức, đều được hộ trì, cứu độ được sống, khỏi gặp tai nạn, dầu ở trong chỗ giặc dã binh đao cũng không hể tổn hại.
          Về việc trừ diệt kẻ hung ác, cứu hộ người hiền lành, trong Sám giảng người đời của ông Sư Vãi Bán khoai  có đoạn nói đến.
Bởi trần lỗi quá nhiều phần,
Cho nên lập Hội Long Hoa chọn người.
Hiền từ thời đặng thảnh thơi,
Nghinh ngang khó trốn lưới trời bớ dân !
          Đức Huỳnh giáo chủ cũng có viết:
Tu kíp kíp nếu không quá trễ,
Chừng đối đầu khó kiếm Điên Khùng;
Cứu lương hiền chẳng cứu người hung,
Kẻ gian ác đến sau tiêu diệt.
          Hay là:
Trừ tà gian còn thiện chỉ tồn,
Cảnh sông máu núi xương tha thiết.
          Về việc Trời khiến Ma vương xuống thế, Đức Huỳnh giáo chủ cũng có cho biết:
Thời kỳ này nhiều quỉ nhiều ma,
Trời mở cửa quỉ vương xuống thế.
2.     Tiêu diệt Tà thần – Ngoài những hạng người hung ác, còn thấy những hạng tà thần, như Thần đàn xã miếu đều là tinh đá tinh gỗ; các loài tinh rắn, trùng, cáo, thỏ, chó, ngựa, trâu, dê; các loài yêu quái do vàng, đá, khí, huyết biến thành; các loài quỉ thọ hưởng đồ cúng tế, chuyên làm hại người.
Lại thấy các loài thần quái làm ngăn trở gió mưa sái mùa sái tiết, hư hại giống thóc; các loài thủy tinh như rồng, rắn, rùa, trạnh; các loài yêu như cá, lươn, ốc, hến làm cho nước sông tràn lụt, tổn hại nhơn dân.
          Lại thấy các thần ở miễu lớn, các tướng ở núi cao, đòi hưởng đồ cúng tế khó kiếm, cố ý phò hộ người ác, làm hại kẻ hiền.
          Lại thấy giáo pháp của Đức Thích Ca, trong ba ngàn năm, giới luật dần sai, khiến cho các thiền sư bắt chước, không giữ ngũ giới tam qui.
          Lại thấy các tòa minh ty ở địa phủ, chỗ tra khảo quỉ ma biến hiện ra nhiều hình phạt, như cưa xẻ dã đăm, gông cùm khảo kẹp, hóa hiện ra cháo lú bắt hồn mê phải ăn, cho không còn nhớ những việc làm lúc sanh tiền để khai sanh làm người, làm súc sanh, sâu bọ, chẳng biết được thân ác, rồi gây lấp nghiệp, bị sa vào địa ngục, chịu mọi sự khổ, lăn lộn mãi trong vòng luân hồi sanh tử.
          Lại thấy một trăm hai mươi hung thần chuyển việc xem phương hướng, đem điều hung kiết về năm, tháng, ngày, giờ bày ra dạy người tin theo.
          Lại thấy người thế gian tin thầy địa lý, dạy nhưng điều huyền hoặc nào là chọn nơi long hổ kỳ tú mà chôn thì được phước, còn gặp phải cuộc đất hung  nghịch mà chôn thì mang họa v.v…
          Các loài tà ma quỉ quái, hung thần ác sư đó đều bị trừ diệt; các nơi địa ngục, minh ty với những hình phạt gớm ghê kia đều được dẹp bỏ. Những cảnh tối tăm sẽ biến thành nơi thanh tịnh. Những hố lửa làm đài sen chúng sanh đều được an vui như ở cõi Tây phương cực lạc.
          Tạo lập đời Thượng nguơn – Về việc trừ diệt kẻ hung ác và tà thần. Đức Di Lặc và Đức Ngọc Phật hiểu qua nhưng còn công cuộc kiến thiết thế nào?
          Đó là điều trước khi lãnh ngọc chiếu xuống trần, Đức Ngọc Phật muốn biết nên chi Ngài bạch Đức Di Lặc rằng: Tôi nay thay Đức Thế Tôn xuống trần, nên thay đổi sửa chữa cách nào?
          Đức Di Lặc nói: Đương lúc này, khiến người trước khi ta xuống trần, thành Phật nói pháp, phải tận diệt  tất cả những vật không ích lợi, làm hại người ; chỉ nên lưu lại những vật có ích cho thế gian mà thôi. Những loài sâu, rắn, hùm, sói, chồn, cáo, khỉ, thỏ, rít, thằn lằn, muỗi, rận, rệp… những vật độc ấy đều trừ bỏ hết khiến cho người thế gian được hưởng yên vui.
          Sau khi ta xuồng trần, sẽ khiến cho các tòa Trời mưa xuống vàng ròng, gạo trắng hoặc trong năm hôm hoặc trong mười ngày một lần, làm cho mặt đất thay đồi, tự nhiên no đủ, được thọ dụng các vật ấy.
          Lại khiến hết thảy loài cỏ vô ích trên thế gian đều trừ diệt, khắp núi đồi khắp mặt đất đều có sanh các thứ thóc, chóng lớn chóng sanh, giúp cho nhơn dân lấy đó mà nuôi sống.
          Lại khiến hết thảy loài cây vô ích ở thế gian cũng đều trừ khử, khắp trên mặt đất, chỗ cao cũng như chỗ thấp, đều mọc lên cây cối có trái ăn được, trái lớn thì bằng cái đấu, trái nhỏ thì bằng cái thăng mùi vị thơm tho ngon ngọt, ăn một bữa no nhiều ngày, ăn vào sống lâu, làm tươi nhuận nhan sắc, không hề có tật bịnh hay chết yểu
          Lại khiến sanh ra một thứ cây lá dài lại mềm mại như gòn như lụa, dùng làm y phục, để cho nhân dân lấy đó mà may mặc.
          Khí hậu không lạnh không nóng, nhân dân không nghèo không giàu, người người đều đoan chánh, tướng mạo thanh kỳ, chẳng dâm dục, chẳng xướng hát, chẳng giỡn cợt, chẳng loạn động; kẻ kẻ tu hành, người người niệm Phật, Người thảy sống lâu, từ 3 vạn 9 ngàn tuổi; thân hình cao lớn, khi mới sanh biết đi, Lúc bấy giờ, hễ muốn mặc thì liền được y phục như ý muốn, từ chỗ hư không đưa đến, hễ muốn ăn thì liền được đồ ăn ngon lành, tự nhiên dưng lại, ăn bao nhiêu tùy ý.
          Cõi đất cũng như Thiên đàng, cùng được thọ ký với ba cõi Trời, chẳng sanh chẳng diệt, cùng nhiều càng rộng. Đời không có khí trược, đất thở ra mùi thơm. Cả thảy nhơn dân ở các phương trời khác, đều niệm danh hiệu ta, nguyện sanh về nước ta. Vừa sau khi ta hạ sanh, chủ trương khuyến hóa độ cả nhân dân.
          Từ đó về sau cả thảy việc gì cũng lạ lùng mầu nhiệm, không thể lường được, chẳng khá nghĩ bàn nói không hết được.
          Này Ngọc Phật ! Này Ngọc Phật ! Người hãy đi trước, ta sẽ thân đến.

VI.  KẾT LUẬN

          Sau khi đọc quyển “Di Lặc tôn kinh” và hiểu rõ sứ mạng của Đức Ngọc Phật vì đâu thay thế Đức Di Lặc xuống trần, chúng ta tin chắc rằng Hội Long Hoa sẽ được lập lên không bao lâu, đúng với Sám giảng của giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương và cơ bút của Cao Đài giáo đã cho biết.
          Nhưng Hội Long Hoa được lập ra sớm hay chậm, điều đó một phần lớn tùy ở  chúng sanh  cả.
          Sở dĩ Đức Ngọc Phật phải thay thế Đức Di Lặc xuống trần sớm, không như phái thiền gia đã hiểu cái thời kỳ hạ sanh ấy còn rất xa xôi, là bởi chúng sanh ở thời kỳ Hạ nguơn này quá nên hung ác.
          Căn cứ theo Sám giảng thì cơ tận diệt đã mở màn từ năm Giáp tý (1864), tức là thời kỳ nhân loại bước vào Hạ nguơn như ông Sư Vãi Bán khoai đã viết:
Hạ nguơn giáp ty đầu niên
Gẫm trong thiên hạ không yên chỗ nào
          Nếu đem đối chiếu, chúng ta thấy rằng thời kỳ Hạ nguơn màSám giảng đã nói, tương đương với thời kỳ mà các nước văn minh Âu Tây bước vào giai đoạn kỹ nghệ cơ khí phát hưng.
          Chính bắt đầu từ thời kỳ này, con người vì đắm say theo sự phát triển của các cuộc phát minh cơ khí, mang lại những kết quả nhãn tiền về vật dục, cho nên mất dần bản tánh thiện lương, đi sâu vào cuộc tranh đấu một ngày một thêm tàn khốc. Với mục đích tranh lấy quyền lợi cho mình, cho dân tộc mình, con người trở nên hung ác bày ra lắm mưu mô xảo trá bất nhân, mong hại người để đem lợi về mình. Sự tranh chấp ấy thúc đẩy xã hội loài người tiến mạnh trên con đường tội lỗi. Do đó, thuần phong mỹ tục suy đồi, đạo lý luân thường đảo ngược.
          Đó là nguyên động lực thôi thúc Đức Ngọc Đế ra sắc chỉ cho Đức Ngọc Phật cùng các vị Thành Tiên gấp rút lâm phàm, giáo hóa nhân dân chuẩn bị ngày Đức Di Lặc hạ sanh, lập Hội Long Hoa. chọn người hiền đức hầu xây dựng cõi đời Thượng nguơn an lạc.
          Đã đành Hội Long Hoa sẽ do Đức Di Lặc tạo lập, nhưng lập sớm hay muộn đều tùy ở chúng sanh cả. Nếu mọi người đều hiền lành, đối xử nhau bằng nhân nghĩa, thương yêu nhau, các quốc gia đồng cùng nhau gây nền hòa bình, hạnh phúc chung cho cả nhân loại thì Hội Long Hoa chắc sẽ còn lâu lắm mới lập.
          Ví bằng con người quá hung ác, tìm cách tiêu diệt lẫn nhau, xem nhau như thù địch thì chính đó là thời kỳ Hội Long Hoa được lập ra để cứu độ những người hiền đức.
          Giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương cũng như Cao Đài giáo nhận định ngày Hội Long Hoa lập ra không còn xa, chẳng qua đã rõ thấu huyền vi của cơ tạo hóa. vả lại mấy Ngài trong giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương cũng như các bậc Thánh Tiên giáng bút trong Cao Đài giáo đều được lịnh của Đức Di Lặc và Đức Ngọc Đế xuống trần mở cơ phổ hóa, mấy Ngài đã có sứ mạng thì hẳn mấy Ngài phải cho chúng sanh biết trước để dọn mình cho được hiền đức có kịp kỳ đón rước Đức Di Lặc giáng lâm và dự vào Long Hoa Đại hội.



I. CÕI CỰC LẠC

          Cứu cánh của Học Phật là đạt đến cõi Cực lạc của Đức Phật A- Di- Đà. Vậy cõi Cực lạc là thế nào mà các Ngài khuyên ta tu về cõi ấy?
           Trong kinh A-Di-Đà, Đức Phật Thích Ca có cho biết rằng: Từ đây trải qua 10 muôn ức cõi Phật, thuộc về hướng Tây có một thế giới tên là Cực lạc. Cõi đó có Đức Phật A- Di- Đà, hiện nay đang thuyết pháp. Sở dĩ có tên Cực lạc là vì những người sanh về cõi đó hoàn toàn an vui không còn chịu mọi sự khổ.
          Cảnh trí rất mực đẹp xinh, làm toàn bằng bảy thứ báu: bàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. Khắp nơi đều có ao báu, trong ao chứa một thứ nước có 8 công đức, mọc đầy sen quí, mùi vị thơm tho, sắc màu rực rỡ.
          Trên bờ có cây báu sấp thành bảy, có bảy lớp lan can, bao phủ bởi bảy lớp lưới kết bằng diệu chơn châu chiếu ra ánh sáng.
          Ngoài ra, còn có đường sá, lầu các cung điện, nhứt nhứt món gì cũng làm bằng bảy báu cả. Chung quanh cung điện có cả trăm thứ hoa lá kỳ tú, khi gió động thì phát ra những tiếng nhạc pháp, có nhiều thứ chim, tiếng hát hòa nhã, diễn thành hưng pháp vi diệu.
          Trong cảnh trí thanh tịnh trang nghiêm ấy, con người đều từ trong hoa sen sanh ra, hình thể khinh thành, không còn ô trược, lại hằng làm bạn với các bực thượng thiện, cho nên tâm không thối chuyển, một mực tu hành cho đến ngày quả mãn công thành.
          Thật là một thế giới an vui tột bực, ngoài sức nghĩ bàn. Thế mà, người muốn sanh về cõi ấy lại không khó, chỉ chuyên tâm niệm danh hiệu Đức Phật A- Di- Đà, khi lâm chung mà tâm không tán loạn thì chắc chắn được Ngài tiếp độ.
          Khi thuyết kinh A-Di-Đà, Đức Phật Thích Ca cho là một việc hy hữu, hơn nữa, sợ chúng sanh ở cõi ngũ trược ác thế không thể tin được nên Ngài không dứt lặp lại câu: Đây là “nan tín chi pháp” (Pháp khó tin).
          Đức Phật sợ người đời sau hoài nghi, nên dè dặt nói trước là “pháp khó tin” để cho mọi người “hoan hỷ tín thọ” (vui vẻ tin theo). Hầu tránh cái đoạn nghi chấp.
          Mặc dầu Đức Phật đã nói trước, nhưng kẻ hậu học ngày nay, khi đọc kinh A-Di-Đà vẫn còn nhiều người ngờ vực. Trong số những luận điệu hô hoặc, đại khái có thể phân làm ba loại như sau:
1.     Nói cõi Cực lạc không thật có. Bất cứ sự vật nào, dầu làvật vô hình như tư tường, cũng không ở ngoài luật hằng chuyển, biến dị, dịch hóa. Đã có sanh thì phải có diệt, không có vật nào trường tồn bất biến. Thế giới Cực lạc cũng là một thế giới như bao nhiêu cõi khác, đương nhiên phải chịu luật biến dị, thế mà trong kinh A-Di-Đà nói rằng nhân dân ở cõi đó thọ mạng “vô lượng vô biên A tăng kỳ diếp” và Đức Phật A- Di- Đà đã thành Phật đến nay kể có 10 kiếp. Như vậy là không có luật biến dịch chi phối sao ? Do đó mà nhiều người không tin cõi Cực lạc có thật.
2.     Nói Phật A- Di- Đà là một thần thoại. Cùng một quan niệm phủ định như trên, có người cho rằng: Đức Phật “A- Di- Đà chỉ là một vị thần trong thần thoại” “chỉ là Thích già thi hóa ra”, “chỉ là lý tưởng hóa của trí từ bi mà thôi” (1)
3.     Nói kinh  A- Di- Đà là một bài ngụ ngôn – Không đến đỗi phủ định tiêu cực như hai hạng trước, có một hạng người còn tin Phật, thay vì nói cõi Cực lạc không thật có, họ lại cho rằng kinh A- Di- Đà là “một bài học ngụ ngôn, ví chẳng khác những ngụ ngôn của thi sĩ kiêm luân lý gia Lã phụng tiên (La Fontaine) của Pháp”. Bởi không dám bài bác lời Phật nói, vì Phật không bao giờ nói ngoa, “họ bèn nghĩ đến cái lối ngụ ý của Phật, dùng “hiển”  chỉ  “ẩn”,  dùng sắc tướng vật chất để chỉ cái vô vi tinh thần”.
Rồi để minh chứng cho lập luận của mình, họ mới tìm tòi những lối biện giải thích dương như sau:
          Họ cho rằng Ao bảy báu là chỉ thất Thánh tài (bảy báu của Thánh) như:
1-     Giới (giới cấm);
2-     Tín (đức tin);
3-     Văn (nghe kinh);
4-     Tinh tấn (Sấn sướt);
5-     Tâm (Hổ thẹn);
6-     Huệ (sáng tỏ);
7-     Xả (bỏ dục lạc).

Nước Tám công đức là ám chỉ tinh thần sảng khái, thân thể được 8 đặc điểm :
1-     Mắt trong;
2-     Thân mát;
3-     Miệng thơm;
4-     Thịt mềm;
5-     Da trơn;
6-     An hòa;
7-     Không đói khát;
8-     Thân được giải thoát.
Bảy hàng cây là thí dụ bảy điều giác ngộ:
1-     Trạch pháp (Chọn pháp);
2-     Tinh tấn (Quyết đi tới);
3-     Hỷ xả (Vui bỏ mọi cố chấp);
4-     Kinh an (Coi nhẹ sự an ổn xác thân);
5-     Niệm (Nhớ điều lành);
6-     Định (Tâm không xao động);
7-     Hành xả (Bỏ cách tu hành bề ngoài).

Bảy lớp lan can là ám chỉ bảy điều răn:
3        của thân là: sát sanh, trộm cắp, tà dâm,
4        ở miệng là: nói dối, đâm thọc, chưởi mắng, ỷ khôn lanh.

Bảy lớp lưới là ám chỉ 7 đức tánh của người tu Đại thừa:
1-     Tâm
2-     Pháp
3-     Giải
4-     Tịnh (Trong sạch)
5-     Tư (Nuôi dưỡng tâm trong sạch)
6-     Thời (Biết ngày giờ tu tập),
7-     Quả (Kết quả).
Đại loại lối biện giải ngụ ngôn là như thế, nghĩa là tìm tòi những đoạn văn hay pháp ngữ nào trong điển phù hợp với kinh A-Di-Đà thì đem ra áp dụng, rồi biện giải rằng Đức Phật muốn mượn ý đó mà dạy người đời những pháp tu để được phá vỡ vô minh phát khai trí tuệ.
Nói tóm lại dầu không phủ nhận lời nói của Đức Phật Thích Ca, nhưng luận điệu của phái thứ ba cũng không khác gì hai phái trước, tựu trung đều nhận cõi Cực lạc là không thật có.
          Có qua cõi Cực lạc chỉ là một danh từ tượng trưng chăng?
          Trước khi đề cập đến những luận cứ trên, chúng ta nên xét coi lời nói của Đức Phật có hàm ý nghĩa ngụ ngôn hay không?
          Điều mà người đều công nhận là không bao giờ Đức Phật nói chơi hay nói quanh. Các kinh điển cho ta thấy rằng lời nói của Ngài luôn luôn chơn thật, không hý luận. Trong các Kinh Luật. Ngài nghiêm cấm nói dối thì ta không thể nghi ngờ lời của Ngài là hý luận.
          Kinh Kim cang có viết: “Như lai thị chân ngữ giả,thiệt ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả, bất dị ngữ giả.” Lời nói của Như Lai là lời nói chơn thật, lời nói như một, không nói dối không nói khác.
          Trong kinh Đại Tập cũng có viết: “Mãnh phong khả thuyết tác hệ phược. Tu di khả thuyết khẩu xuy động. Bất khả thuyết Phật hữu nhị ngữ, Thiệt ngữ, như ngữ cập tịnh ngữ”. gió bạo có thể nói là sợi dây ràng buộc, núi Tu di có thể nói dùng miệng thổi bay, nhưng không thể nói Phật nói hai lời. Vì lời nói của Ngài là lời nói chơn thật, như thật, lời trong sạch.
          Vậy đủ cho ta tin rằng lời nói của Phật bao giờ cũng chơn thật, những điều Ngài nói ra không phải là những câu chuyện thần thoại. Nếu cần phải dùng đến cái “hiển” để chỉ cái “ẩn thì Ngài cũng không bao giờ dùng lối ngụ ngôn hay thần thoại mà thường dùng lối tỷ dụ, dùng quyền pháp để dắt dẫn chúng sanh đi đến thiệt pháp. Thế thì kinh A-Di-Đà có phải là một pháp quyền dùng hiển để chỉ ẩn, như luận điệu đã nhận đó là một bài học ngụ ngôn không?
          Nếu cõi Cực lạc không thật có và kinh A-Di-Đà là một bài học ngụ ngôn, dùng quyền pháp để hiển lộ thiệt pháp thì lẽ nào các vị Bồ tát như Đức Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Phổ Hiền, các vị Tổ như Long Thọ, Mã minh, cùng các vị Thiền sư như Bách Trượng, Thiên Như, Linh Chi, Viễn Công Trí giả, các Tổ trong Tịnh độ tông… là những bực tiên giác, sáng tỏ lại không nhận ra, mà trăm người như một, hết lời tán thán cảnh trang nghiêm của cõi Cực lạc khuyến tấn chúng sanh cùng tu Tịnh nghiệp.
          Một bằng chứng là các ngài đã gia công sáng tác rất nhiều kinh sách xiển dương pháp môn Tịnh độ, như Liên tông bửu giám, Tịnh độ cảnh quán yếu môn, An lạc tập Quyết nghi luận, Tịnh độ cảnh quán yếu môn, An lạc tập, quyết nghi luận, Tịnh độ chỉ qui, Tịnh độ văn, Tây quí trực chỉ, Thập nghị luận. Hoặc vấn, An dưỡng phú v.v..
          Ngay trong khế kinh của Đức Phật, ngoài ba bộ kinh: A-Di-Đà, vô lượng thọ, Quán vô lượng thọ là những chánh kinh về Tịnh độ, còn có những kinh: Hoa nghiêm, Pháp hoa, Lăng nghiêm, Bảo tích… trong đó Đức Phật thường nhắc đến cõi Cực lạc và pháp môn niệm Phật.
          Các vị Bồ tát và Tổ sư không một vị nào nhân kinh A-Di-Đà  là quyền pháp cả, chúng ta sanh vào thời mạt pháp, căn cơ thiển bạc, há lại tỏ ngộ hơn mấy Ngài ư ?
          Phương chi, trong phần duyên khởi kinh quán vô lương thọ, Đức Phật đã dùng thiệt ngữ chỉ cho bà Vi đề hy thấy cảnh Cực lạc là một cõi hiện thực. Nhắc lại khi bà Vi đề hy vợ của vua Tần Bà sa la bị con là A xà thế nghe theo lời của Đề bà đạt đa giam cầm vào lãnh cung thì sanh lòng buồn thảm. Đức Phật bèn hiện đến khai ngộ bà, dùng uy lực cho bà thấy rõ các cõi uế tịnh. Sau khi thấy được cảnh Tịnh độ thì bà rất hoan hỷ quyết sanh về cõi đó. Nếu cõi Cực lạc không thật có, vậy thì cảnh mà bà nhớ uy lực của Phật trợ cho thấy đó chẳng phải là thiệt cảnh Tịnh độ sao?
          Thêm một dẫn chứng nữa là trong kinh Bồ Tát xứ thai có cho biết rằng: từ cõi Diêm phù đề, cách 12 ức Na do tha thuộc về hướng Tây, ở phân nửa đường đi cõi Cực lạc, có một quốc độ tên là giải mạn giới là cõi không kém gì cõi Cực lạc về sự trang nghiêm khoái lạc. Sở dĩ có tên là Giải mạn quốc là vì những người tu Tịnh nghiệp nhưng tâm còn giải đãi (giải). kiêu mạn (Mạn), nhiễm trước dục lạc thì vì tâm mê trước ấy mà sanh về cõi Giải mạn, không tiến nổi đến cõi Cực lạc.
          Như thế cõi Cực lạc không sao có thể nói được là không thật có Đức Phật A-Di-Đà  là một thần thoại.
          Dầu vậy, chúng ta cũng nên tiến thêm một bước nữa xét coi Cực lạc có ở ngoài sự tác động của luật hằng chuyển như nghi vấn đã nêu ra không?
          Cứ theo kinh điển thì các quốc độ hay thế giới sở dĩ thành lập, điều kiện then chốt là do nghiệp lực sanh khởi, Tất cả vạn tượng đều do nghiệp lực của chúng sanh cảm sanh ra. Mỗi thế giới trong vũ trụ, từ thô hình cho đến khinh thanh đều là quốc độ của mỗi hạng chúng sanh đồng một nghiệp cảm. Trong kinh Lăng nghiêm, Đức Phật đã giải rõ các hạng chúng sanh và các cõi đồng nghiệp cảm của họ, từ cõi Địa ngục cho đến các cõi Trời hữu sắc và vô sắc, Các cõi ấy không do quyền lực hữu ngã nào sáng tạo, mà là do nhân duyên của các đồng nghiệp sanh khởi. Như cõi Ta bà chẳng hạn, khi các nhân duyên hòa hợp thì tu, đến khi các nhân duyên chia ly thì tán.
          Các cuốc độ khác thành lập cũng không ngoài nguyên lý nhân duyên hòa hợp ấy. Nhưng đối với các cõi Phật, ngoài nghiệp cảm duyên khởi, sự thành lập còn tùy thuộc ở nguyện lực của vị Phật giáo chủ ở cõi đó. Như trường hợp cõi Lưu ly của Dược sư Như lai hay cõi Cực lạc của Đức Phật A-Di-Đà mà các kinh thường nói đến, thì ta thấy rõ cái chủ lực sáng tạo đều hoàn toàn do công đức của vị  Phật giáo chủ cả. Với một vị Phật công hạnh, viên mãn thì không ai dám phủ nhận là không đủ uy lực để tạo ra một thế giới theo biệt nguyện. Mà đã do nguyện lực của một vị Phật tạo thành thì thử hỏi cõi đó còn bị chi phối bởi luật vô thường như các cõi do nghiệp cảm của chúng sanh duyên khởi chăng?
          Cứ như khế kinh thì từ cõi Nhị thiền trở lên, các tam tai (Thủy tai, Hỏa tai, vàphong tai) khởi lên trong thời kỳ Hoại kiếp vẫn không hề đả động đến. Trong lúc đó thì các cõi từ Nhị thiền trở xuống đều bị phá hoại. Nếu nói rằng vạn vật đều ở trong luật biến di, vậy chúng ta phải cắt nghĩa thế nào khi nói đến các cõi từ Nhị thiền trở lên. Chẳng lẽ chúng ta lại cho rằng kinh điển nói không thật.
          Các cõi Thiền do nghiệp lực của chúng sanh duyên khởi còn bền vững lâu dài như thế thì với những cõi do nguyện lực của một vị Phật tạo thành như cõi Cực lạc của Phật Vô lượng thọ, Vô lương quang, chúng ta lại hoài nghi sự trường tồn của nó sao?
          Chúng tôi nói đến trường tồn, chớ chưa nói là không có dịch biến, nhưng sự dịch biến không phải mau chóng như các cõi hữu hình hay thế gian. Như cõi Ta bà là cõi hữu hình mà còn biến hoại trong vòng một Đại Kiếp (1.280 triệu năm) thì cõi khinh thanh như cõi Cực lạc, dầu có biến dịch cũng phải muôn triệu lần lâu hơn. Phương chi cõi ấy lại nhờ nguyện lực của Đức Phật A-Di-Đà và các hàng Bồ tát duy trì thì sự dịch biến dầu có, đâu phải với óc phàm mà biện luận được.
          Trong kinh Bí Hoa có nói rằng: Sau khi Phật A-Di-Đà nhập Niết bàn thì Đức Quán Thế Âm thành Phật, hiệu là Biến xuất Nhứt thiết quang Công đức Sơn Như Lai. Xem đó, cõi Cực lạc nào đâu chẳng có sự dịch biến.
          Nói tóm lại, với nmhững lý giải như trên, chúng ta tin rằng cõi Cực lạc của Đức Phật A-Di-Đà là một cõi có thật và từ trước đến nay những người tu Tịnh nghiệp, đa số đã được vãng sanh. Người sanh về cõi này chẳng phải trụ luôn ở đó mà chỉ lưu ngụ trong mộti thời gian học Đạo, đến khi quả mãn công thành thì trở lại cõi trần từ duyên hóa độ.
          Đức Huỳnh giáo chủ chứng minh điều đó trong câu: “Nếu ai giữ được trọn lành trọn sáng, về cõi Tây phương an dưỡng mà học đạo cho hoàn toàn đặng trở về cứu vớt  chúng sanh “.
          Và Ngài còn thổ lộ cho ta biết:
Ta chịu lịnh Tây phương thọ ký
Giữ nghiệt long đặng cứu bá gia.
          Và rõ hơn nữa:
Muốn tu tỉnh nay đà gặp cuộc,
Đức Di Đà truyền mở đạo lành.
Bởi vì Ngài thương khắp chúng sanh.
Ra sắc lịnh bảo Ta truyền dạy.
          Nếu những biện giải, chứng minh trên đây chưa đủ cho người đời nay tin cõi Cực lạc là một cõi hiện thực thì chúng ta cũng không lấy làm lạ về thái độ dè dặt của Đức Phật Thích ca khi Ngài nói kinh A-Di-Đà  là “pháp khó tin của tất cả các pháp thế gian”.

II. GẤP TU TỊNH NGHIỆP.

Phải tu Tịnh nghiệp mới kịp kỳ cấp bách của Hạ nguơn, vì là một pháp môn phù hợp với căn cơ của chúng sanh ở thời mạt pháp, bởi dễ tu nên hầu hết chúng sanh đều có thể tu hành được.
          Trong Thập trụ Bà xa luân có nói rằng: Cái hiện tình tu Phật ở thế giới này có hai con đường:
1-     Đường khó đi;
2-     Đường dễ đi.
Đường khó đi là nói: ở trong đời, ngũ trược ác thê mà trải qua thời kiếp của vô lương Phật ra đời để cầu lên bực bất thối chuyển là khó được.
          Nỗi khó ấy không thể kể xiết, nhưng ước lại có năm điều:
1-     Vì thân cận với ngoại đạo mà tạp loạn pháp Bồ Tát ;
2-     Vì kẻ khác phá mất đức thù thắng;
3-     Vì cái quả điên đảo mà làm bại hoại phạm hành;
4-     Vì hàng Thinh Văn tự lợi mà chướng ngại cái tâm đại từ;
5-     Vì chỉ có tự lực mà không có tha lực hộ trợ.
Thí như người què đi bộ, dầu cố sức cho mấy cũng không qua một ngày đi vài dặm đường là cùng thì đủ thấy sự gian nan không sao kể xiết. Đó là nói đường khó đi, tức là con đường tự lực vậy.
          Con đường dễ đi là nói: tin theo Phật mà tu pháp môn niệm Phật cầu sanh về Tịnh độ thì chắc chắn nhờ nhiếp lực của Đức Phật A-Di-Đà mà được vãng sanh.. Việc ấy dễ dàng như người đi đường nước mà nhờ sức thuyền chuyên chở thì trong giây lát đi ngàn dậm. Đó là nói đường dễ đi, tức là con đường tha lực vậy.
          Và trong kinh Đại Tập Nguyệt tạng cũng có nói: Ức triệu chúng sanh trong thời kỳ mạt pháp tu hành mà chưa có một người được chứng quả là vì đời ngụ trược ác thế tập học khó thành, chỉ có một môn niệm Phật là dễ thông vào đường chánh đạo mà thôi”.
          Thì ra các kinh luận đều nhận chỉ có pháp môn niệm Phật cầu sanh về Tịnh độ lầ thích hợp với căn cơ của chúng sanh ở mạt pháp.
          Vì sao? là vì con người sanh ra trong thời kỳ ngũ trược ác thế này, phước mỏng tội dày không thể tự lực tu hành để được giải thoát như hạng thượng trí. Thế nên cần phải nhờ có thuyền chuyên chở mới đem đi được.
          Niệm Phật là một pháp môn phổ cập cho tất cả các hạng người, dầu thiểu căn thiểu trí, nghiệp chướng sâu dày cũng đều có thể thực hành không phải, Chỉ chuyên niệm danh hiệu của Đức Phật A-Di-Đà là được vãng sanh về cõi Tây phương Cực lạc, không còn bị ác duyên chướng ngại hay thối chuyển như tu các pháp môn khác.
          Pháp môn niệm Pháp đã thù thắng và dễ dàng như thế. Nhưng muốn niệm cho có hiệu quả, ngoài việc chuyên tâm niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà, còn phải thi thiết một vài công hạnh để gây lấy trợ duyên và làm nền tảng vững chắc cho bước đường tu Tịnh nghiệp, nghĩa là ngoài tha lực còn cần phải vận dụng tự lực. Có như thế mới mau kết quả, cũng như muốn cho người trên mạn thuyền cứu hộ, kẻ trầm nịch phải cố hết sức mình vọt lên mặt nước.
          Trong kinh Quán Vô lượng thọ Phật có nói rằng: “Dục sanh Tịnh độ, đương tu tam phước, nhứt giả; hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp; nhị giả; thọ trì tam qui cụ túc chúng giới, bất phạm uy nghi; tam giả; phát Bồ đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại thừa”. Muốn sanh về cõi Tịnh độ, phải tu ba phước:
1-     Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ các bực sư trưởng, giữ lòng hiền lành, không giết hại sanh mạng và tu mười nghiệp thiện;
2-     Thọ trì pháp tam qui, cụ tác giác hạnh và đừng phạm uy nghi;
3-     Phát tâm Bồ đề, tin lý nhân quả và đọc tụng các kinh Đại thừa.
Cứ xét ba điều phước đã kể, chúng ta nhận thấy điều thứ nhứt gồm cả những việc Tu Nhân, còn hai điều sau là thuộc về việc Học Phật.
          Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ kính trọng các bực sư trưởng, giữ lòng hiền lành đối với tất cả mọi người. không giết hại sanh mạng và tu mười nghiệp thiện để sửa trị thân, khẩu, ý cho được chánh chơn thuần mỹ; thế chẳng phải là những điều căn bản của việc sử thế tiếp vật thuộc về đạo làm người đó sao ?
          Đến như thọ trì tam qui, tức qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng, cụ túc các giới hạnh, đừng phạm các uy nghi của người tu tại gia hay xuất gia, phát tâm Bồ đề, tin sâu lý nhân quả báo ứng và đọc tụng các kinh Đại thừa để tầm cầu chân lý; thế chẳng phải là những điều thuộc về Học Phật sao?
          Thì ra pháp tu Tịnh nghiệp cũng chỉ là pháp Tu Nhân và Học Phật của hàng tại gia cư sĩ. Nó thích hợp với căn cơ của chúng sanh trong thời kỳ mạt pháp. Nếu mọi người đều tu hành y theo lời dạy của Đức Phật thì chắc chắn sẽ được vãng sanh về cõi Cực lạc. Ví bằng chẳng muốn vãng sanh.. nguyện dự vào tam trường thuyết pháp của Đức Di Lặc, trong Hội Long Hoa thì nhờ có Tu Nhân mà đạo quả thêm trang nghiêm và đủ đầy phước duyên sống còn trong buổi lập Thượng nguơn vô cùng an lạc.
          Pháp môn niệm Phật quả là một pháp tu thù thắng trong thời kỳ gấp rút của buổi Hạ nguơn. Vậy muốn được vãng sanh về Cực lạc hay dự vào tam trường thuyết pháp của Đức Di- Lặc trong buổi Thượng nguơn chúng ta phải gấp tu Tịnh nghiệp. Đó là cứu cánh của pháp môn Tu Nhân Học Phật của giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương khai thị.
          Vả lại, gặp buổi Hạ nguơn mạt kiếp bao nhiêu nạn ách dồn đến cho con người, nếu chẳng sớm tu hành thì khó mong tồn tại. Huống chi sự tu, ngoài việc được vãng sanh và sống đời Thượng nguơn an lạc, còn giúp ta cứu rỗi tổ tiên và đền xong nợ thế, như Đức Huỳnh giáo chủ đã viết:
Tu là tâm trí nhu mì,
Tu hiền tu thảo vậy thì cho xong.
Tu cầu cứu vớt tổ tông,
Với cho bà tánh máu hồng bớt rơi.
Tu cầu cha mẹ thảnh thơi,
Quốc vương thủy thổ chiều mơi phản hồi.
Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen.



Chỉnh lại xong ngày 7-10-1965
TỊNH TÂM THƯ XÃ

Sưu tầm từ trang http://www.bskh.net/bskh/BSKH.HTM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhận xét của bạn đang được chúng tôi duyệt qua, và chúng tôi sẽ đăng lên trong thời gian sớm nhất! Chào Thân ái!