CHƯƠNG THỨ TƯ
* * *
THẮNG DIỆU CỦA PHÁP TU TỨ ÂN
Giữa lúc Tổ quốc Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của họa diệt vong, dân trong nước cả tăng lẫn tục, người thì hoảng hốt vì tiếng đại bác thần công của quân Pháp bán phá khắp nơi, đến mất cả lòng tự tín, kẻ thì trầm mình trong lối tu chán đời, chẳng thiết gì xã hội nhân quần, thì đột nhiên Đức Phật Thầy Tây An xuất hiện, mang lại ánh hào quang minh cho Đời lẫn Đạo.
Trải qua những cuộc loạn lạc dai dẳng hằng mấy trăm năm, hết phân tranh giữa Nguyễn với Trịnh, đến phân tranh giữa Nguyễn với Tây Sơn, các nền tảng đạo lý cổ lai cơ hồ đổ nát.
Đạo nhân nghĩa của Thánh Hiến cũng như đạo giải thoát của Đức Phật, không còn giữ được săc thái truyền thống nhưđời Lý đời Trần, cái tinh thần khinh tài trọng nghĩa, cái khí phách tiết liệt thanh liêm do đạo Khổng Mạnh đào luyện nên phải thối bộ trước trào lưu khu danh trục lợi; cũng như lối tu thanh tĩnh vô vi chơn truyền của Đức Phật Thích Ca đã pha trộn, hay có thể nói biến thành một lối tu mê tín dị đoan của đám người chán đời thất thế.
Giữa cơn hỗn loạn về tinh thần ấy, sự xuất hiện của Đức Phật Thầy Tây An ví chẳng khác một ánh sáng rọi vào nơi hắc ám, mội hồi chuông cảnh tỉnh, đánh thức những kẻ miên man trong giấc mộng tràng.
Ngài khôi phục lại đạo nhân nghĩa của Thánh Hiền chấn chỉnh thuần phong mỹ tục. Trai thì trung cang nghĩa khí, giữ vẹn ngũ luân; gái thì hiếu hạnh tiết trinh, gìn câu tứ đức. Đó là cả nền tảng đạo Hiếu nghĩa. Tứ Ân mà Đức Phật Thầy Tây An và các vị tiên giác trong giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương đã dày công hoằng hóa.
Điều quan trọng trong Tứ Ân là Ân đất nước, một ân mà phàm là phận con đâu phải lo đền đáp.
Về Ân đất nước, ông Thanh Sĩ đã giảng giải như sau:
“ Năm vóc thân của chúng ta được có là nhờ ở cha mẹ chia xương xẻ thịt cho. Còn sự sống của chúng ta được vững vàng có đủ điều kiện về mặt ở ăn đều nhớ ở đất nước quê hương cung cấp. Hái những cây cỏ lá rau và đứng trên miếng đất của Tổ quốc, cũng như từng nhờ sự truyền thu của nòi giống, đều giúp cho sự sống của chúng ta được có đủ mọi điều nhu cầu, khỏi phải thiếu thốn.
“ Nói rõ là sự sống của chúng ta rất nhờ ở đất nước cung phụng, vì thế mà chúng ta lúc nào cũng nhận thấy nơi mình có bổn phận phải nâng thánh đỡ vạc trong lúc quốc gia bị kẻ ngoài vây đạp bức bách.
“ Chúng ta phải có đủ cách khôn ngoan khéo léo để làm cho người nhà từ chỗ yếu ớt trở nên mạnh mẽ. Từ chỗ bị thống trị trở lại độc lập phú cường. Gặp lúc nước nhà bị kẻ nước ngoài xâm lấn, chúng ta cần phải nỗ lực cứu cấp như lửa cháy mày, dù phải hy sinh rất nhều và phải vào sinh ra tử, lòng vẫn hăng hái lướt tới và có quả cảm để làm xứng đáng một dân tộc tự giác. Với sự đối địch cùng kẻ ngoại lai là một bổn phận mà lúc nào chúng ta cũng thiệt thi cho kỳ được, nghĩa là làm đến khi nào gót chơn của kẻ ngoại nhân không còn giẫm trên đất nước chúng ta, và họ không còn đàn áp dân tộc chúng ta nữa. Chừng đó nước nhà chúng ta mới được độc lập và dân tộc mới thật tự do.
“ Nghĩ vì nước nhà được thanh bình thì đời sống chúng ta mới được vui tươi, cũng như dân tộc có tự do thì sự sinh hoạt của chúng ta mới đầy đủ thế nên dù tốn bao nhiêu xương máu, tâm lực để cứu quốc an dân, chúng ta vẫn hy sinh làm cho đến chỗ vinh quang sáng lạn. Song muốn cứu quốc; lẽ thứ nhứt, chúng ta phải tùy sức lực, tùy tài năng; tùy những điều kiện của mình đã có mà cung phụng cho xứ sở. Chúng ta có thể hy sinh những gì của mình đã có để làm cho xứ sở nhờ đến những lúc đau thương cảnh giặc giã. nhược bằng, chúng ta kém tài, thiếu sức không thể gánh vác mọi việc to tát được thì hãy nhận lấy những việc vừa sức mình để làm; hoặc giả xét vì thời cơ chưa thuận tiện giúp đất nước thà là chúng ta ngồi yên để chịu lấy tiếng không công cán gì, tuyệt nhiên không mó tay vào việc tai hại cho quê hương, nhứt là không giúp tay kẻ địch bằng cách giúp lương tiền hay chỉ ngõ đem đường cho họ tiến chiếm và tàn sát dân tộc mình.
“ Dân tộc Việt Nam hơn bốn ngàn năm lịch sử vẫn tự cường và ngang nhiên ở vùng đất chữ S, mặc dầu sống gần con hạm Trung Hoa mà không bị mất một miếng thịt nào cả. Và từng sản xuất rất nhiều anh danh tuấn kiệt, với những chiến sách, với những oai hùng đã từng sức một chống mười, chống trăm, chống ngàn được thắng luôn một cách anh dũng. Bằng chứng là quân nhà Minh, nhà Nguyên, Nhà Thanh qua đây đều thất bại một cách nhục nhã. Với những thế kỷ trước như thế nào thì thế kỷ này cũng vậy. Ông cha chúng ta đẻ chúng ta , nếu ông cha có khí hùng cường thì chúng ta cũng phải có chí hùng cường để làm cho nước nhà đôc lập phú cường, để sánh ngang hàng với các cường quốc, làm cho hương danh của Tổ phu được thơm tho và giúp nước nhà được miên viễn. Với sự cứu quốc quan hệ nhứt là ở giai đoàn này, chúng ta cần nỗ lực đem tài năng của mình để cán đáng một công việc làm lớn nhỏ nào, có thể giúp cho Tổ quốc sớm phục hưng. Có được như thế, chúng ta mới đáp ân đất nước một phần nào vậy.” (1)
Nhờ hấp thu và đào luyện trong pháp môn tu Tứ Ân Hiếu Nghĩa, các môn nhân đệ tử của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương là những phần tử thiết tha yêu nước đề cao tinh thần dân tộc.
Đức Phật Thầy Tây An ra đời và viên tịch trước khi quân Pháp sang chiếm Việt Nam độ mười năm, Ngài đã biết trước vận nước sắp đến hồi đen tối, quân Pháp sắp giày xéo non sông đất Việt. Tuy không thể cưỡng lại mạng trời, nhưng phàm là phận con dân, đã chịu ân của Tổ phụ dày công xây dựng nên đẫy giang san gấm vóc lưu lại cho cháu con thì há lại để cho ngoại nhân xâm chiếm đễ dàng mà không đau lòng xót dạ. Huống chi trong việc bảo vệ nước non chẳng nhưng tỏ ra được chí hào hùng bất khuất của một dân tộc đã có bốn ngàn năm lịch sử mà tròn bổn phận của con dân đối với quê hương đất nước . Một khi làm tròn bổn phận con dân tức là hành sử được đạo Nhân vậy.
Thế nên khi quân Pháp đặt chân đến đất Việt Nam, hầu hết khối tín đồ Bửu- Sơn Kỳ- Hương đều khởi lên phong trào chống Pháp và bất hợp tác. Từ Đức Phật Thầy Tây An ra mở đạo cho đến ngày Đức Huỳnh giáo chủ ra cứu đời, suốt một thời gian Pháp đô hộ Việt Nam, cái tinh thần kháng Pháp và bất hợp tác không hề lay chuyển trong tin đồ Bửu- Sơn Kỳ- Hương.
Người nào có đủ khả năng đảm lược thi cử đổ đại sự chiêu mộ nghĩa quân, đứng ra kháng chiến, còn người nào không đủ tài sức thì một mực cự tuyệt không hợp tác với giặc.
Do đó quân Pháp xem giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương là một kẻ thù, một chướng ngại nguy hiểm cho tham vọng thực dân của chúng, cho nên thẳng tay đàn áp, tìm đủ cách tiêu diệt.
Có cần kiểm điểm chăng những thành quả mà đạo Tứ Ân đào tạo nên những đứa con tận trung tận hiếu trong hồi quốc phá gia vong?
Về phương diện kháng chiến chống Pháp, giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương có những vị anh hùng như Đức Cố Quản tức Trần Văn Thành, cụ Nguyễn Trung Trực và gần đây Đức Huỳnh giáo chủ. Đạo Tứ Ân đã đào nơi những vị anh hùng kháng chiến, chí hy sinh cao cả, vì nước quên mình.
Những gương trung nghĩa, hiền từ, kiên trinh, khí tiết… còn nhiều không sao kể xiết. Nói tóm lại trong thời kỳ quân Pháp sang chiếm Việt Nam, giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương nhứt tâm chủ trương kháng chiến và đề cao tinh thần bất hợp tác.
Đó là chỗ thắng diệu của pháp môn Tu Nhân Học Phật.
NHỮNG ANH HÙNG KHÁNG PHÁP
A. ĐỨC CỐ QUẢN.
* * *
Ông tên tộc là Trần Văn Thành, hồi trào vua Thiệu Trị và Tự Đức làm đến chứng chánh quản cơ. Có lẽ người đời gọi ông Trần Văn Nhu trưởng nam của Ngài bằng cậu, nên vì kính trọng mà gọi Ngài là Đức Cố. Ngài quê quán ở cù lao Nhỏ thuộc xã Bình Thạnh Đông. Tổng An lương, tỉnh Châu đốc. Trên bước đường võ nghiệp, Ngài đã lập nhiều chiến công hiển hách. Ngài đã cầm quyền đánh tan giặc Miên nhiễu hại biên thùy và đã thu phục được hai tướng Miên là Ông Bướm và ông Vôi.
Khi Đức Phật Thầy Tây An giáng lâm ở Xẻo môn rạch Ông chưởng, tỉnh Long Xuyên, cứu dân độ thế, Đức Cố Quản thân đến ra mắt, nhưng vì bịnh nhơn đông đảo nên Ngài phải ở đợi trong ba hôm mới được Đức Phật Thầy Tây An cho mời vào và được Đức Phật Thầy tiếp đón và đàm đạo rất tâm đắc.
Ngài trở về Bình Thạnh Đông cùng khuyên gia quyến quy y. Khi Đức Phật Thầy Tây An về ở Núi Sam. Ngài phế cả sự nghiệp mà theo Thầy, đem gia cư về núi Doi, phá rừng dựng lên làng Hưng Thới. Ngài được Đức Phật Thầy giao phó trọng trách đi cắm 4 cây thẻ tại vùng Thất Sơn và giữ trại ruộng Bửu Hương Các ở Láng Linh.
Ngài là một trong Thập nhị HIền thủ được Đức Phật Thầy truyền nhiều bí pháp. Có thể nói Ngài là một đệ tử bậc nhứt của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương đã hành sử và thực thi đạo Tứ Ân trong công cuộc phục vụ chánh nghĩa quốc gia.
Gặp hồi nhà nghiêng nước đổ, quân Pháp đến xâm chiếm Việt Nam, các nơi nhiều vị anh hùng như Trương Công Định ở miền Đông, Thiên hộ Võ Duy Dương ở Đồng Tháp dấy binh khởi nghĩa Cần vương, Đức Cố Quản chiêu mộ nghĩa binh kháng địch.
Ông Vương Thông, có tả tình hình nước nhà lúc bấy giờ trong những câu:
Bây giờ đến lúc gập ghình.
Giặc thời lấy nước lánh mình đi đâu.
Các quan ẩn ánh san đầu.
Chiêu binh ra đánh giải sầu một phen.
Nam Kỳ có tướng qua Thiên.(Thiên hộ Dương)
Cùng quan lớn Định (Trương Công Định) cầm quyền đánh Tây.
An Giang có một ông đây (Đức Cố Quản)
Chữ dạ nghe Thầy ái quốc trú quân..
Nghe theo lời Thầy dạy phải tận trung báo quốc, Đức Cố Quản rút về rừng Bảy thưa ở khoảng Thất Sơn Núi Sập, lập đồn lũy, huấn luyện quân binh chờ ngày đánh Pháp. Ngài đánh nhau với Pháp trong hai trận.
Trận thứ nhất là trận quân Pháp hãm đồn Hưng Trung cũng gọi Sơn Trung. Trong trận này vì quân ta bị tấn công thình lình nên bị đánh bại. Dầu vậy, quân Pháp không chiếm đồn, vì địa thế hiểm yếu sợ bị phản công nên rút lui.
Về trận này, ông Vương Thông có viết:
Sơn trung quan mới đặt bày.
Khen ai khéo mách Tây hay kéo vào.
Anh hùng một trận đề đao,
Ngay vua sống thác quản bao thân này.
Dốc làm một trận với Tây.
Sống thời làm tướng thác nay thành Thần.
Rồi thì:
Giặc vô bốn phía phủ này.
Rập bô nó bắn gẫy cây hư đồn.
Đội cai thất vía kinh hồn.
Đâm đầu mà chạy lũy đồn tan hoang.
Sau trận thất bại này, Đức Cố Quản về ẩn ánh ở Láng Linh lo việc tu hành, khai kinh mở đất, sống một cuộc đời vô cùng vất vả.
Thời Trời còn khiến nhơn dân.
Nghe Ngài về đórần rần đến thăm.
Chịu bề khổ hạnh mấy năm
Khai kinh mở ruộng nhứt tâm tu hành.
Thân Ngài chẳng quản rách lành.
Ở trong Láng đó lều tranh chờ thời.
Nhưng đến năm Nhâm Thân (1872) Cố được sắc lịnh của triều đình mưu việc cần vương khởi nghĩa. Cố lại dựng cờ ở Bảy Thưa lập lên quân đội, mạng danh là “Binh Gia Nghị”, lo việc tích trữ quân lương rèn luyện võ khí, đợi ngày hưng binh phạt địch. Songchưa kịp khởi binh thì quân Pháp từ ba mặt tấn công vào, quân Gia nghị tận lực chống ngăn nhưng cự dương không nổi, phải đành tan rã. Trong trận đánh lần thứ hai này, Đức Cố Quản mất tích luôn, nhằm ngày 21 tháng 2 năm Quí Dậu (1873), nêu một tấm gương sáng vị quốc vong thân cho muôn đời ngưỡng vọng.
B. ÔNG TRẦN VĂN NHU
* * *
Ông Trần Văn Nhu, trưởng nam của Đức Cố Quản mà người đời gọi là Cậu Hai, cũng là môn nhân của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương, một lòng theo đuổi chí cha. Ông đã theo cha khởi binh chống Pháp, nhưng khi Đức Cố Quản thọ nạn, ông dìu dắt mẹ chạy về Láng Linh, ẩn tích mai danh và nuôi dưỡng mẹ già, vì lúc bấy giờ quân Pháp tầm nã ông rất gắt. Chẳng bao lâu thì Bà Cố Quản mất.
Về đoạn này, ông Vương Thông, môn đệ của Cậu Hai có thuật lại:
Cậu còn dìu dắt lịnh bà
Đem ra cho khỏi lánh mà lúc nguy.
Thiên cơ trần thế bất tri.
Khiến nên phụ tử chia ly rã rời.
Cậu Hai lời nguyện giữa Trời.
Thuận thời trở lại ẩn đời tu thân.
Phong trần ai cũng phong trần,
Nương theo phước mẹ thảo thân cho toàn.
Lịnh bà về cảnh Tây phang.
Cậu còn ở lại sửa sang chùa chiền.
Về Láng Linh, Cậu Hai lo xây dựng lại ngôi chùa Bửu Hương Tự. Vì không đủ tiền mua gạch cẩn nền chùa, hơn nữa để khỏi quyên tởi của thập phương Cậu Hai đem bán chiếc ghe sáu bổ tục gọi là Ông Sấm của Đức Cố Quản và vòng vàng của Bà Cố. Từ đấy Cậu Hai tiếp tục công trình hoằng hóa lợi sanh của Đức Phật Thầy Tây An. Cậu dùng cái ấn Bửu- Sơn Kỳ- Hương của Đức Phật Thầy trao cho Đức Cố Quản mà in lòng phái phát cho môn nhơn đệ tử. Cậu thu nhận nhiều đệ tử lỗi lạc như ông Nguyễn Văn Thới tục danh ông Ba Thới tác giả Kim cổ Kỳ quan, ông Vương thông ở núi Két, tác giả bài Sám giảng về Đức Cố Quản.
Năm Quý Sửu (1913) nhân có cuộc lễ kỷ niệm ngày chiến đấu của quân Gia nghị và cũng là ngày Đức Cố Quản mất tích (21 tháng 2 âm lịch)., tín đồ Bửu- Sơn Kỳ- Hương tụ hợp rất đông ở Bửu Hương Tự.
Cậu Hai có một người cháu tên là Nguyễn Văn Phẩm thường gọi Sáu Phẩm, vì có lòng ganh tỵ với những môn đệ được Cậu Hai tin cậy, nên lén mật báo với nhà cầm quyền Pháp ở tỉnh Châu Đốc rằng Cậu Hai mưu toan khởi nghĩa. Quân Pháp ập đến bao vây Bửu Hương Tự, nhưng nhờ có Trần Văn Chánh, con nuôi của Cậu Hai cõng cậu thoát khỏi vòng vây. Quân Pháp bắt tất cả 56 người, trong đó có 36 người bị án 13 tháng tù còn kỳ dư 20 người kia chống án và bị đày đi Côn đảo.
Sau khi vượt khỏi vòng vây. Cậu Hai được đưa ra Cái Dầu rồi xuống ghe thẳng đến xã Kiến An. Ở đây không bao lâu, vì quân Pháp gắt gao truy nã, nên Cậu Hai lên tận Nam Vang lánh nạn, cải trang giả dạng làm người khách trú. Nhưng liệu ở Nam Vang không tiện, Cậu trở về nương ngụ ở Cần Thơ, sau đó vào Trà bang thuộc tỉnh Rạch giá rồi tịch nơi đó.
Mặc dù thể xác trả về cho cát bụi. Cậu Hai Trần Văn Nhu đã thể hiện được tinh thần bất khuất của một tín đồ Bửu- Sơn Kỳ- Hương, trung thành với pháp môn Tu Nhân Học Phật, một lòng tận trung báo quốc, cùng cha khởi nghĩa cần vương, kháng chiến chống Pháp.
Ông Vương Thông đã tả cuộc đời của Cậu Hai trong mấy câu:
Láng Linh Cậu ở lần hồi.
Lập chùa cầu Phật dạy thôi lời lành.
Quản cho thân phận rách lành.
Lần hồi rẫy bái chư thành thầy ghi.
Như vầy mới trọn đạo nghi.
Ngay vua thảo chúa kinh vì Thành Tiên.
C. ÔNG NGUYỄN TRUNG TRỰC
* * *
Tên ông là Nguyễn Văn Lịch cũng gọi Quản Lịch sanh trưởng trong một gia đình chài lưới ở tỉnh Mỹ Tho. Từ bé đã mồ côi cha, lớn lên theo nghiệp võ làm đến chức Quản cơ.
Sau khi chiếm ba tỉnh miền Đông, quân Pháp tiến binh đánh miền Tây. Tháng giêng năm Kỷ mùi (1859) tức năm Tự Đức 12, quân Pháp đem binh vào cửa Cần giờ và ngày 15 tháng 2 năm ấy vây thành Gia định. Tiến đến đâu, giặc Pháp dở trò giết hại cướp giựt.
Lòng công phẫn của dân lên đến cực độ. Những nhà ưu quân ái quốc quyết chí đứng lên chiêu binh chống Pháp. Sĩ dân trong nước nhiệt liệt hưởng ứng Cần vương. Ở Gò công thì có Phó Quản cơ Trương Công Định, ở Đồng Tháp thì có Thiên hộ Dương tức Võ Duy Dương phất cờ khởi nghĩa.
Đau lòng trước cảnh cửa nát nhà tan, đồng bào đau khổ, ông hiệp cùng bạn là ông Nguyễn Văn Cầm chiêu tập nghĩa binh, áp dụng chiến thuật du kích đánh Pháp.
Ngày 10/4/1861, ông đem nghĩa binh đánh vào thuyền Pháp, giết chết tên thuyền trưởng Bourdais và 30 bộ hạ, khi bọn này định đổ bộ đi ruồng bố vùng Bảo định hạ.
Ngày 11/12/1861, ông đem binh hỏa công chiến thuyền Espérance tại vàm Nhựt Tảo ( Tân An) tiêu diệt cả địch quân, bêu đầu tên trung tá Parfait.
Trên lịch sử kháng chiến, trận Nhựt Tảo là một kỳ công hy hữu, vì rằng ông là người đầu tiên hạ được chiến hạm địch bằng một chiến thuật dùng thế yếu của du kích thắng được thế mạnh của đại bác thần công.
Vua Tự Đức được tin bèn ban chiếu tuyên dương công trạng.
Tiếp theo đó, ông không dứt danh phá đồn địch ở Thuộc nhiêu, Thủ Thừa, Bến Lức, Mỹ Hạnh, Phước Lý, Long Thạnh, Phú Lâm, Bà Hom.
Lúc bấy giờ Trương Công Định đang chiến đấu ở Gò công. Mặc dầu sau khi ký hỏa ước 1862, quân Pháp thừa cơ tăng cường quân lực rất mạnh, Trương Công Định vẫn hăng say chiến đấu. Chẳng may ông lầm mưu quân Pháp nên bị bắt giết trong đêm 1864.
Cũng trong thời gian đó, Thủ Khoa Huân bị bắt và bị đày sang đảo Rêunion; hàng ngũ kháng chiến của Thiên bộ Dương bị tan rã trong trận tấn công (tháng 4 năm 1866) của quân Pháp vào Đồng Tháp.
Khí thế kháng chiến ở miền Đông cơ hồ tiêu hoại miền Tây. Binh sĩ thì cho đóng ở Tà Niên thuộc Rạch Giá, còn ông thì náu nơi gia đình họ Lâm tại Mỹ Hội Đông thuộc tỉnh Long Xuyên. Gia đình này đã qui y theo giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương khi Đức Phật Thầy ra đời ở Xẻo môn. Có lẽ trong thời gian ẩn trú nơi một gia đình theo môn phái Phật Thầy mà ông đã qui ngưỡng theo giáo pháp Tu Nhân Học Phật.
Từ ngày về tá túc ở gia đình họ Lâm, ông thường mặc nâu sòng và lâu lâu ngồi thuyền lên cù lao Nhỏ ở Bình Thạnh Đông thăm Đức Cố Quản. Sự liên lạc với dệ tử Phật Thầy cũng như cách phục sức mộc mạc như một tín đồ nhà Phật, đủ biểu lộ chí hướng ông đã nghiêng về giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương, Ông sống rất đạm bạc; mỗi bữa cơm chỉ dùng không quá một con khô sặc. (1)
Hình vóc ông mảnh khảnh, nhưng võ nghệ của ông cao cường, tinh thần rất khẳng khái. Khi gặp ông lần đầu tiên, xuyên qua tứong mạo nho phong của ông Phan Khắc Thân Tổng Đốc An giang lúc bấy giờ không khỏi hiểu lầm. Ông điềm đạm ứng đáp: “Nước có loạn, người tôi trung được đánh giá xuyên qua hành động giết giặc cứu nước nhiều hơn cân đai trật phẩm của trào đời. Với dân cư là như thế, còn như với tướng sĩ, cái dũng, cái trí, cái nghĩa khắc phục người chiến hữu nhiều hơn là tiếng hò hét dõng dạc.”
Câu này đủ nói lên khí phách bất khuất của ông để đối lại chí hèn yếu của Tổng đốc Phan Khắc Thân, trước áp lực đành giao nạp cụ Thủ Khoa Huân cho Pháp.
Mặc dù ẩn náu ở Mỹ Hội Đông, ông vẫn liên lạc luôn với các đồng chí lập quân khu ở Tà Niên và thường đến huấn luyện, đôn đốc việc chiêu binh mãi mã, tích thảo đồn lương.
Tin ông Nguyễn Văn Cầm bị giết tại đồn Kiên Giang thúc giục ông sớm toan hành động. Sau khi hợp quân hạ được thành này trong một trận giao phong ác liệt. Trên lịch sử kháng chiến, ông ghi thêm một chiến công hiển hách.
Nhà văn Huỳnh Mẫn Đạt cũng là một chí sĩ đương thời đã tán thán công nghiệp của ông trong hai câu:
Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa.
Kiếm bạt Kiên Giang khiếp quỉ thần.
Đạt đồn thì dễ, giữ đồn mới khó. Không đầy một tuần quân tiếp viện của Pháp kéo đến. Liệu yếu thế, ông rút binh sang đảo Phú quốc và được hai nhà hào phú ở đây là Tổng Điền và Xã Ngợi hộ trợ. Ông chống cự với Pháp mấy ngày mấy đêm. Trong lúc bà Nguyễn Trung Trực lâm sản nhưng vì thiếu săn sóc nên kiệt sức bỏ mình. Đứa con sanh ra thiếu sữa cũng chết theo mẹ. Tình cảnh ấy không làm cho ông nản chí chiến đấu.
Bọn Thực dân bèn sai Lãnh binh Tấn tìm cách dụ hàng. Không tìm ra tung tích, Tấn bắt mẹ ông và tra tấn đân làng Dương Đông bảo phải chỉ nơi ông trú ẩn. Nghe tin dân thọ khổn, ông chi xiết đau lòng; liệu thế không cưỡng lại được định mạng khắt khe, nên ông ra nạp mình để xử tròn câu hiếu nghĩa.
Giặc Pháp điệu ông về Sài Gòn, dùng mọi cách khuyên dụ, nhưng ông một mực chối từ tất cả mọi sự mua chuộc, hiên ngang nhận lấy cái chết để giữ toàn khí tiết.
Ngày 27 tháng 10 nắm 1868, quân Pháp đem ông ra hành quyết tại Kiên giang do một tiên Thổ làm đao phủ vì người Việt không ai chịu lãnh việc làm bạc nghĩa điếm nhục ấy.
Trước giờ hành quyết, ông còn làm một bài thơ tuyệt mạng đầy chí khí:
Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên,
Yêu gian đảm khí hữu long tuyền.
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa.
Bảo hận thâm cừu bất đái thiên.
***
Theo việc binh nhung tự thủa trai.
Phong trần hăng hái tuốt gươm mài;
Anh hùng gặp phải hồi không đất.
Thù hận chan chan chẳng đội trời.
Ông đã dõng dạc bước lên pháp trường nghểnh cổ bảo người Thổ chém một nhát cho ngon tay. Lưỡi đao của thủ phủ vừa bay qua, đầu ông đã rơi nhưng hai tay vẫn chụp lấy đặt lại như cũ, rồi thân mới từ từ ngã xuống. cái khí phách ấy làm cho mọi người cảm phục. Trong một bài thơ điếu, ông Huỳnh Mẫn Đạt có câu:
Anh hùng cường cảnh phương danh thọ.
Tu sát để đầu vi tử nhân.
* *
*
Anh hùng cứng cổ danh còn mãi.
Thẹn chết bao nhiêu lũ cúi đầu.
Trong cuộc hành quyết này, có người tự vận theo để tỏ lòng trung nghĩa.
Được tin ông chết, vua Tự Đức sanh dạy làm lễ truy điệu có câu:
Ứng bỉ ngư nhân,
Hùng tài quốc sĩ !
Hỏa Nhựt tảo thuyền.
Đồ Kiên giang lũy.
Định khái đồng cừu.
Thân tiên tự thỉ.
Huyết thực thiên thu,
Chương ngã trung nghĩa.
Thân ông dầu mất, khí hùng vẫn còn sống mãi với non sông. Dầu không thành công, cái chết của ông là một ngọn lửa thiêng nung nấu trong lòng dân Việt, mầm móng cách mạng, tinh thần bất khuất, luôn luôn vì nước quên mình quyết chống xâm lăng không để quân thù giày đất tổ.
Ông có thể sánh với Quan Thánh bên Trung Hoa về chánh khí, về tiết nghĩa, gồm đủ cả: Dũng, Trí, Nhân.
Về đức Dũng, ông nhẫn chịu mọi sự đau khổ và thắng mọi nỗi gian lao, không khuất phục trước bạo quyền, không mềm gan trước mối chung đỉnh.
Về đức Trí, ông có đủ mưu lược để hỏa công tàu Pháp tại Nhựt Tảo và hạ thành địch tại Kiên Giang không bao giờ bị lầm mưu của giặc.
Về đức Nhân, ông đã thấy cụ Phan thanh Giản “Nếu chiến thì sẽ mất luôn cả mà lại thêm phí uổng máu xương của dân Việt”, nên ông chọn con đường “Sát thân thành nhân”.
Ngoài ra ông còn được lòng hiếu, tuy không sánh kịp gương vua Thuần, chớ cũng có thể với Bàn cử ngang hàng. Do đó, người đời gọi ông là Nhạc Phi của nước Việt.
Sở dĩ ông được dường ấy đức tánh cao quí là nhờ thấm nhuần điều Tứ Ân Hiếu Nghĩa của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương.
D. ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ
MỘT NHÀ CÁCH MẠNG DÂN TỘC.
* * *
Ngoài địa vị giáo chủ của nền Phật giáo Hòa Hảo. Đức Huỳnh Giáo chủ còn là một nhà chí sĩ, một nhà cách mạng, một nhà kháng chiến chống Pháp, chẳng huy động môn nhơn đệ tử tranh đấu, cho lợi quyền của dân tộc.
Trong sám giảng thi văn của Ngài, tinh thần dân tộc luôn luôn được đề cao:
Đừng chia lìa Bắc tổ Nam tông.
Chỉ một giống Lạc Hồng thượng cổ.
Với tinh thần ấy, Ngài cương quyết đấu tranh cho giang san chủng tộc:
Thương sanh chúng đòi cơn dạ ngọc.
Ta quyết gìn chủng tộc giang san.
Khi đã mang nặng một mối tình dân tộc thì lòng yêu nước yêu dân càng thêm đậm đà tha thiết, tràn trề trong những dòng thơ hoán tỉnh:
Chúng sanh phải tưởng giống dòng
Hiệp tâm hiệp lực cột đồng nhà Nam.
Ngài đã bộc lộ lòng ái quốc ưu đời trong bài tứ tuyệt:
Thâm hiểu lòng ta nỗi cuộc đời.
Một bầu nhiệt huyết chẳng xa lơi;
Mến yêu quốc thủy anh đồng chủng.
Phải tính sao xong nỗi cuộc đời.
Và theo Ngài, có trả xong nợ nước, phổ cứu đồng bào mới làm rồi bổn phận con dân, mới được quyền thảnh thơi tu tỉnh.
Đâu là ái quốc với yêu đời.
Phổ cứu cho rồi mới thảnh thơi.
Thế nên, với tinh thần truyền thống bất hợp tác với giặc, Ngài kêu gọi tín đồ sớm rời dứt quan trường lánh xa bọn thống trị, vì nhục cho giống nòi dân tộc.
Cả kêu kia hỡi là ai.
Quan trường rời dứt mặt mày chùi lau.
Lui chơn ra khỏi cho mau.
Tìm trong lánh đục tẩu đào mới ngoan.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ngài, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, những người có chơn trong bộ máy cai trị của Pháp, nhứt luật từ chức, gây thành một phong trào bất hợp tác sâu rộng. Do đó, quân Pháp nhận thấy Đạo Phật giáo Hòa Hảo không phải là một nền Đạo tu tiêu cực, chuyên lo tu hành không tham gia việc nước mà là một nền Đạo đề cao và un đúc tinh thần dân tộc bất khuất, ái quốc ưu dân, cho nên ra lịnh truy nã. Nhiều tín đồ thuần thành của Phật giáo Hòa Hảo bị bắt, hoặc đưa đi an trí, hoặc tù đày và một số lớn đã bỏ mình nơi Côn đảo vì chánh sách hà khắc của Thực dân. Riêng về bản thân của giáo chủ thì chúng lưu đi nơi này nơi nọ, hết Sa đéc đến Cần Thơ rồi Bạc liêu…
Cơ hội đã đến cho Việt Nam vùng lên cởi ách nô lệ. Đức Huỳnh Giáo chủ phát động phong trào “Việt nam Độc lập Vận động” và trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh chống Pháp. Noi gương các vị Thiền sư như Khuông Việt, Tuệ trung Thượng sĩ, Ngài đành:
Dứt áo cà sa khoác chiến bào.
Và:
Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.
Để rồi một khi :
Đền xong nợ nước thù nhà.
Thiền môn trở gót Phật đà Nam mô.
Không khác Tuệ trung Thượng sĩ đời Trần, một khi dẹp xong chân Mông Cổ, rút chiến bào mặc lại cà sa trở về am tự.
Trong bài Hiệu triệu của Việt Nam Độc lập. Vận động hội, Ngài đã kêu gọi:
“ Vậy thì mỗi người công dân Việt Nam đều phải nghĩ đến xứ sở mình, đến tương lai đất nước mình, đến sự sống còn của dân tộc mình; vì mặc dầu đã bị triệt hạ trên dãy đất Đông Dương, Đế quốc Pháp bên kia trời cũng vẫn còn hoài bão cái mộng tưởng khôi phục lại quyền chủ trị; vậy thì đồng bào hãy cố gắng lên !”
Rồi thì Ngài đứng lên thành lập nghĩa quân, phất cờ chống Pháp còn ôm mộng xâm lăng muốn đặt ách đô hộ lại trên đất nước Việt Nam. Ngài đã nhiệt liệt kêu gọi tráng sĩ:
Tiếng roi lại bình Ngô sát Đát,
Sử xanh còn ngào ngạt hương thơm.
Trông phường giá áo túi cơm.
Trông phường úy tử mà nhờm đi thôi,
Hãy tỉnh giấc ! hỡi muôn ngàn tráng sĩ
!
Nhìn thời xưa hùng vĩ nước nhà ta.
Bắc Nam một dãy san hà.
Mồ hôi giọt máu ông cha tài bồi.
Trải qua cũng lắm hồi vận bỉ.
Rồi anh em tráng sĩ đứnglên.
Liều mình dục pháo xông lên,
Liều mình giết giặc xây nền tự do,
Nay vận nước đến hồi thịnh thái,
Chí anh hùng ta hãy noi gương.
Một mai nước được phú cường,
Tâm than tráng sĩ cột rường nhà Nam.
Nhưng họa nước còn chịu lắm hồi gian khổ. Bọn xâm lược chưa đuổi xong thì lại gặp phải ách độc tài đảng trị cộng sản. Ngài cực lực phản kháng. Cuộc biểu tình của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tại Châu thành Cần Thơ năm 1945 là bằng chứng hùng hồn nói lên tinh thần dân chủ của dân chúng miền Tây quật khởi chống độc tài Cộng sản. Có thể nói trên lịch sử chống Cộng ở Việt Nam, tín đồ Phật-giáo Hòa Hảo là những chiến sĩ tiền phong đã ý thức sớm hơn đâu hết cái hiểm họa cộng sản.
Để thực hiện tham vọng độc tài, bọn cộng sản mưu sát Ngài và đồng thời thẳng tay đàn áp tín đồ Phật-giáo Hòa Hảo. Nhưng may, Ngài đã thoát thân và ẩn lánh một thời gian trong rừng núi ở miền Đông. Rồi thì do những cuộc đàn áp của cộng sản mà ở miền Tây nhiều cuộc xô xát giữa Việt minh Cộng sản và tín đồ Phật-giáo Hòa Hảo xảy ra, gây nên một cảnh tượng vô cùng bi đát:
Ngài rất đau lòng hạ bút:
Cường quyền một lũ người si,
Oan này hận ấy sử ghi muôn đời.
Truyền khắp nước muôn lời vu cáo.
Dùng trăm ngàn thói bạo hiếp dân.
Làm cho trong nước rẽ phân,
Làm cho giặc Pháp một lần sướng rang.
Vậy cũng gọi an bang định quốc.
Rồi rút lui bỏ mất thành trì.
Giống nòi nỡ giết nhau chi.
Bang duật tương tri lợi lũ ngư ông.
Nhìn thấy non sông một ngày một tràn ngập bọn xâm lăng, Ngài chi xiết đớn đau, không thể ngồi yên để cho muôn dân chịu khổ, non nước tan tành, nên thống thiết kêu gọi đoàn kết, bỏ mối thù xưa để cùng đâu lưng chung cật chống Pháp:
Thù riêng muôn vạn cho cam,
Cũng nên gát bỏ để làm nghĩa công.
Khắp Bắc Nam Lạc Hồng một giống,
Tha thứ nhau để sống cùng nhau;
Quí nhau từng giọt máu đào,
Để đem máu ấy tưới vào địch quân.
Rồi thì Ngài bắt đầu hoạt động trở lại, liên lạc với các đảng phái quốc gia để tiến đến sự thành lập Mặt trận Quốc gia liên hiệp; Sau đó Ngài hiệp cùng các nhà chánh trị, cách mạng lập lên Việt Nam Dân chủ Xã hội đảng và đồng thời xây dựng Quân đội Nguyễn Trung Trực, vì đại nghĩa bỏ thù riêng, hùng dũng phất cờ kháng chiến chống Pháp.
Như chúng ta đã biết, Ngài từng nói:
Ta dạy thế mượn lời Phật Thành,
Nên truyền ban cho chúng sanh tường.
Thế thì, khi chủ trương quân sự và chánh trị, có gì trái với giáp pháp vô vi của Đức Phật Thích Ca không ? Về điều này, Đức Huỳnh giáo chủ có giải thích:
“ Theo sự nhận xét của tôi về giáo lý nhà Phật do nơi Đức Thích Ca mâu ni Phật đã khai sáng lấy chủ nghĩa từ bi bác ái đại đồng đối với tất cả chúng sanh làm nòng cốt thì tôi nhận Ngài là một nhà cách mạng triệt để về tư tưởng vì những câu “Nhứt thiết chúng sanh giải hữu Phật tánh” và “Phật cũng đồng nhứt thể tánh như thế mà chúng sanh còn không bằng được Đức Phật là do nơi trình độ giác ngộ không đồng đều, chớ không phải họ không tiến hóa ngang hàng với chư Phật được. Nếu trong cõi nhân gian này còn có chúng sanh tiền tiến áp bức những chúng sanh lạc hậu thì là một việc trái hẳn với những giáo lý chơn lý chơn chánh ấy. Giáo lý đó Đức Phật Thích Ca Mâu ni không áp dụng được một cách thiết thực trong đời của Ngài là do nơi hoàn cảnh xã hội của Ấn độ xưa không thuận tiện. Thế nên Ngài chỉ phát dương cái tinh thần đó mà thôi. Ngày nay trình độ tiến hóa của nhân loại đã tới một mực khả quan, đồng thời với tiến hóa về khoa học thì ta có thể thực hành giáo lý đó để thực hiện một xã hội công bằng và nhơn đạo. Thế nên với cái tâm hồn bác ái từ bi mà tôi đã hấp thu, tôi sẽ điều hòa với phương pháp tổ chức xã hội mới để phụng sự một cách thiết thực đồng bào và nhơn loại.”.
Phương chi chủ yếu của pháp môn Tu Nhân Học Phật lấy Tứ Ân làm căn bản, hơn nữa tín đồ Phật-giáo Hòa Hảo thuộc hàng cư sĩ tại gia; thế nên ngoài sự phụng hành Phật-giáo, họ còn có bổn phận bảo vệ đất nước khi quốc gia hữu sự.
Vả lại, bản hoài của Đức Huỳnh giáo chủ là muốn đem giáo pháp của Như lai áp dụng vào đời sống xã hội, nên chi Ngài từng tuyên bố:
Đối với toàn thể tín đồ Phật-giáo, tôi vẫn không quên rằng tôi là một đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca, tôi tin chắc rằng giáo lý giải thoát chúng sanh chẳng những được truyền bá ở thiền lâm mà còn phải được thực hiện trên đường chánh trị”.
Với những lý tưởng như trên, với những hoạt động chánh trị không ngừng, Đức Huỳnh giáo chủ quả là một nhà cách mạng, chẳng những trên địa hạt giải phóng dân tộc mà còn trên địa hạt giải phóng chúng sanh.
TINH THẦN BẤT HỢP TÁC
Đạo Nhân chẳng những rèn luyện nên hạng người trung hiếu mà còn un đúc nên hạng người khí tiết tự cường. Nếu nhận thấy mình không đủ sức cải tạo thời thế thì thà tìm nơi am thanh cảnh vắng ẩn nhẫn để di dưỡng tánh tình chớ chẳng để cho bã lợi danh rủ ren làm nhục khí nhơ tên, mang tiếng xu thời hương nguyện.
Nhờ thấm nhuần tinh thần sĩ khí ấy mà trong thời kỳ Pháp thuộc, các môn nhơn đệ tử của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương thà ẩn tu giữ tròn khí tiết chớ không ra hợp tác. Gương Đức Phật Trùm, ông Cử Đa. Đức Bổn Sư… đã hùng biện nói lên chi bất khuất của hành giả đạo Tứ Ân.
A. ÔNG ĐẠO ĐÈN
Đức Phật Trùm cũng gọi ông Đạo Đèn bị thực dân Pháp bắt và sau một thời gian giam cầm tại đề lao Châu Đốc thì bị đưa đi đày ở một đảo xa xôi, có thể là đảo Rêunion trong biển Ấn Độ.
Bị án trí một thời gian, Ngài được trả tự do trở về quê quán. Nhà cầm quyền Pháp thấy dân chúng theo Ngài rất đông nên muốn khuyến dụ Ngài hợp tác hầu có trấn an vùng Bảy Núi, vì lúc bấy giờ phong trào Cần vương đang phát động mạnh khắp nơi; nhưng Ngài khéo từ chối, chỉ mong được tiếp tục cộng việc cứu dân đó thế bằng phương pháp mầu nhiệm Nhà cầm quyền bắt Ngài mỗi tuần trình diện một lần, và để mua cuộc cảm tình bèn cấp cho Ngài một cây súng.
Với pháp môn Tu Nhân Học Phật, Đức Phật Trùmphát huy tinh thần Hiếu Nghĩa Tứ Ân. Nhờ vậy mà tín đồ Bửu- Sơn Kỳ- Hương giữ tròn khí tiết, đặt nghĩa vụ quốc gia dân tộc trên hết, nếu không đủ sức gánh vác việc nước cũng giữ vẹn tinh thần bất hợp tác.
Sau đây là bài thơ của Đức Phật Trùm biểu lộ tấm can trung vì đời vì đạo:
Huyền thiên tạo hóa thiết âm dương,
Nhi tự danh vi vạn pháp đường,
Nhứt lạp túc trung toàn thế giới,
Bán biên hoa lý chữ sơn giang.
Thanh long giáng hỏa du liên thức,
Bạch hổ phong ba xuất động phòng.
Thử cá công phu chơn thí xảo.
Đắc lai binh bị thượng thiên đang. (1)
B. ÔNG CỬ ĐA
Ông tên là Nguyễn Đa. Có lẽ là con thứ bảy nên thường gọi là Bảy Đa. Từ thuở bé…
Tuổi vừa khôn lớn một khi,
Cha mẹ cũng đã dĩ quy huỳnh tuyền.
Về quê quán, cứ theo “Giảng Tà Lơn” thì nói ông gốc ở Thuộc Nhiêu (tỉnh Định Tường), nhưng theo môn nhơn của ông thuật lại thì ông sanh ở làng Phù Cát, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Ông sanh năm nào không được rõ; khi lớn lên có học văn võ và thi đỗ võ cử, do đó ông được gọi là ông Cử Đa.
Gặp lúc nước nhà nghiêng ngửa vì giặc Pháp xâm lăng, khắp nơi phong trào Cần vương nổi lên chống Pháp, nhưng hiềm vì sức yếu không chống nổi súng đồng, nên các vị anh hùng yêu nước lần lượt bị sa cơ và các lực lượng quật khởi bị đánh tan. Có lẽ ông Cử có tham gia phong trào Cần vương do Thủ Khoa Huân phát động ở vùng Thuộc Nhiêu và sau khi phong trào thất bại, ông nhận biết thời vận nước nhà đến hồi đen tối, dù có cự dương cũng không cưỡng được mạng trời, trái lại làm khổ lự cho dân, nên chi ông đành ôm tấm cô trung ẩn lánh nơi non cao rừng rậm, tầm sư học đạo hầu giữ vẹn khí tiết của kẻ sĩ phu hơn là ra đầu hàng hay hợp tác.
Ông đã từ trần:
Lòng ta luống những ưu phiền,
Một mình trực tiếp không miền gió trăng.
Trong mình cũng biết võ văn.
trải chơi cuộc thế tiếng vàn giang hà.
Thế là ông lìa quê, cất bước lên đường vào miền Bảy Núi. Ở đây một thời gian, tung tích ông bị phát giác, ông bèn chạy qua Phú Quốc, ở trọ nhà thợ Châu. Sau đó ông qua Cái Vừng, theo đường sông đi thuyền lên Vàm kinh qua Cù lao Ba đến nhà hai Võ. Ở đây một tháng, ông và hai Võ cùng nhau đi Giang Thành. Ông biểu lộ chỗ lo âu, sợ Pháp truy nã trong câu:
Dọn thoàn hai chiếc một khi,
Sắm sửa vậy thì đồ đạc đem ra.
Hai Võ phân nói thật thà,
Kinh kệ áo dà để lại chốn đây.
E khi đi có gặp Tây.
Nó coi thấy đặng, sắp bay không còn.
Tính thôi đã một buổi tròn.
Xuống thoàn ra biển hỡi còn canh hai.
Khi đến Giang Thành (Hà Tiên), ông đến nhà ông Cả Trị. Có lẽ ông Cả là người quyến thuộc nên chi tiếp ông rầt niềm nở, gọi ông bằng cháu. Biết ông quyết chí đi Tà Lơn, ông Cả mới cắt đặt gia nhân là tên Nhâm đưa ông qua Cỏ Thơm. Nơi đây ông lên bờ, rồi một mình đi bộ qua Vung Trách, Núi Kép đến Cần Giọt (Kampot). Ông vào núi Tà Lơn bằng con đường Cam Chại. Sau đó ông gặp chơn sư, rồi qui y cắt tóc:
Hắc y lại đổi dà sa.
Cải tên đặt lại hiệu là Ngọc Thanh.
Ông được truyền dịu pháp, trước hết ở động Trung Tòa, sau đời về động Cao Vân, rầy đây mai đó, vân Đức Phật Thầy Tây An khắp chốn:
Đói lòng ăn quả đào tiên,
Khát ta uống nước trong tuyền ma ha.
Bằng chừng hải giác sơn nha,
Non cao trải khắp về tòa Bửu châu.
Sau ngày ông đắc quả, công có thâu nhận một số đệ tử thật tâm cầu đạo. Nhiều người không đủ kiên tâm tri chí, đã bán đồ nhi phế, sau những cuộc thử thách quá gay go. Có lần, có người thân thuộc lên tầm kiếm, trải qua nhiều nỗi gian lao mà không gặp. Trong lúc buồn chán thì có một tiểu đồng đi đến hỏi han. Người ấy kể chuyện khúc nỗi thương nhớ thì được tiểu đồng khuyên lơn và bảo hãy trở về, vì ông Cử đã đắc quả Tiên không còn trở về trần nữa. Về sau, người ấy xuống núi thuật lại câu chuyện gặp tiểu đồng thì người ở dưới núi cho biết đó là ông Cử đã hóa trang. Người cầu đạo nhiều lần gặp ông với hình thức đó.
Ông đã được chơn sư truyền bửu linh và diệu pháp. Ông thấu rõ máy huyền cơ, như đã thổ lộ trong “Giảng Tà Lơn”:
Từ ta lên ở chốn này,
Sớm khuya tích đức, tháng ngày tu nhân.
Cậy nhờ một vật hộ thân,
Để sau cứu độ muôn dân khốn nàn.
Dầu ai tiền của muôn ngàn,
Không bằng diệu pháp, không bằng Ngũ linh.
Đi đâu có gặp yêu tinh,
Xem thấy linh bửu thất kinh chạy dài,
Giữ gìn sớm tối hôm mai,
Một mình ngày tháng non đoài cũng vui.
Gẫm trong thế sự ngược xuôi,
Nghinh ngang một thủa đọa thôi Diêm phù.
Sao bằng non núi ngao du,
Thoát chơn Địa ngục, khỏi tù Diêm la.
Đời này nhiều quỉ nhiều ma.
Cho nên trời đất khiến mà ngửa nghiêng.
Còn nhiều năm lắm chưa yên.
Nói chơi một chút thằng Điên ở rừng.
Ngụy Khôi trước loạn vô cùng,.
Hạ thành sao lại giết người oan khiên.
Đến nay báo lại nhãn tiền,
Ít năm rồi cũng hết phiền lòng dân.
Bây giờ đồ khổ muôn phần,
Thôi thôi chớ nói dương trần làm chi.
Lòng ta còn hỡi hồ nghi
Thiên cơ ai dễ nói đi hết lời.
Mặc dầu không có khoản nào cho biết ông là môn đệ của phái Bửu- Sơn Kỳ- Hương song nếu đem đối chiếu quyển “Giảng Lan thiên” với “Sám giảng quyển ba của Đức Huỳnh giáo chủ, ta không khỏi ngạc nhiên về chỗ chẳng những trùng ý mà còn trùng câu chữ nữa.
Đây là đoạn mở đầu của quyển “Giảng Lan thiên” của ông Cử Đa:
Lan thiên một kiểng chép chơi,
Non cao đảnh thượng thảnh thơi vô cùng.
Hiu hiu gió thổi đùng đùng,
Phất phơ liễu yếu lạnh lùng lòng mai.
Mùa xuân tới kiểng lầu đài,
Tháng giêng mồng chín thi tài hùng anh.
Tứ vi mây phủ nhiễu đoanh,
Bồng lai một cảnh hữu danh tu bề.
Kể từ Phú quốc mới về,
Long thoán (1) lên ở dựa kề hai năm.
Dạo chơi mấy điệu tri âm,
Tỏ lời sau trước mấy năm phản hồi.
Phận mình trong sạch đã rồi,
Đào Tiên tạm thực về ngồi cõi xa.
Dương trần húy hiệu tên Đa.
Cõi Tiên vốn thiệt hiệu là Ngọc Thanh
Ngày ra chơi chốn rừng xanh,
Tối về kinh kệ, cửi canh mặc người.
Và đây là đoạn đầu “Sám giảng” quyển ba của Đức Huỳnh giáo chủ:
Ngồi trên đảnh núi liên đài.
Tu hành tầm đạo một mai cứu đời.
Lan thiên một cõi xa chơi,
Non cao đảnh thượng thảnh thơi vô cùng.
Hiu hiu gió thổi lạnh lùng,
Phất phơ liễu yếu lạnh lùng lòng mai
Mùa xuân hứng cảnh lâu đài.
Lúc cồn xác thịt thi đài hùng anh.
Tứ vi mây phủ nhiễu đoanh,
Bồng lai một cõi hữu danh chữ đề.
Kể từ Tiên cảnh Ta về,
Non Bồng Ta ở dựa kề mấy năm.
Dạo chơi tầm bực tri âm,
Nay vì dân chúng trần gian phản hồi.
Nghĩ mình trong sạch đã rồi,
Đào Tiên tạm thực về ngồi cõi xa.
Phong trần tâm đã rời ra.
Ngọc Thanh là hiệu ai mà dám tranh.
Ngày ra chơi chốn rừng xanh,
Tối về kinh kệ cửi canh mặc người.
Hai đoạn Thơ trùng diệp trên đây đủ chứng minh ông Cử Đa là môn nhơn của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương. Có lẽ trước kia khi đến Thất Sơn, ông Cử đã có liên hệ hay chịu ảnh hưởng của phái Phật Thầy Tây An nên mới quyết tâm tầm Đạo tầm Thầy:
Lòng ta dốc đạo tầm sư,
Lạy Thầy theo với nên hư nhờ Thầy.
Càng chứng tỏ ông Cử thuộc phái Bửu- Sơn Kỳ- Hương là khi đắc đạo cũng tự xưng Khùng Điên, không khác các Ngài Tiên giác trong phái Phật Thầy :
Còn nhiều năm lắm chưa yên,
Nói chơi một chút thằng Điên ở rừng.
Nói tóm lại, khi đến Thất Sơn, ông Cử cũng như ông Nguyễn Trung Trực, mới liên hệ với giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương, để rồi trở thành môn nhơn đệ tử của Đức Phật Thầy. Thế nên với tâm hồn để kháng chống ngoại xâm mà pháp môn Tu Nhân Học Phật đã đào luyện, nếu không đủ sức cử đồ đại sự bằng võ lực thì cũng tìm nơi lánh thân ẩn náu, biểu dương tinh thần bất hợp tác hầu giữ vẹn khí tiết của sĩ phu.
C. ĐỨC BỔN SƯ
Sau khi vào núi Tượng, sáng lập đạo Hiếu Nghĩa Tứ Ân, Đức Bổn Sư khuyến tu Nhân đạo hầu đền đáp ơn quốc vương thủy thổ và hiếu hạnh đối với tổ tiên cha mẹ.
Quân vương nghĩa trọng biết bao,
Làm tôi lo báo công lao ở đời.
Song thân ân lớn bằng trời,
Làm con lo trả biết đời nào xong.
Gặp lúc phong trào Cần vương thất bại, quân Pháp thẳng tay đàn áp nghĩa quân và truy nã ráo riết những người yêu nước, nhứt là sau khi dẹp xong giặc Bảy Thưa của Đức Cố Quản Trần Văn Thành và bắt được một nghĩa quân thuộc tín của Đức Bổn Sư, giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương không sao tránh khỏi nạn khủng bố của quân Pháp. Đức Bổn Sư cố ẩn lánh và cải cách lối thờ phượng để đánh tan sự ngờ vực của quân Pháp, nhưng không vì thế mà quân Pháp để yên phái Hiếu Nghĩa Tứ Ân.
Trong hoàn cảnh khắt khe như thế, biết rằng không thể cưỡng được vận nước đã suy, nên chi tuy không thể cử đồ đại sự, nhưng Đức Bổn Sư vẫn một mực un đúc tinh thần bất hợp tác trong môn nhơn đệ tử của Ngài.
Người ta có kể lại rằng, trong số tướng sĩ của vua Hàm Nghi, sau khi bị quân Pháp phá tan cơ sở Cần vương ở miền Trung, có người chạy sang Tàu, có người ra đầu giặc, có người chạy vào miền Nam, đến Thất Sơn ẩn lánh, nghe Đức Bổn Sư là bực siêu phàm, chủ trương chống Pháp, bèn tìm đến ra mắt, mong cầu đứng lên chiêu tập nghĩa binh.
Đức Bổn Sư vốn có thần thông biết trước việc ấy, nên chi có dặn người thủ tự chùa Phổ Đà (ở Núi Tượng) rằng: “Mai này có hai người lạ mặt đến tìm ta, vậy anh hãy trả lời là ta đi vắng”.
Quả như lời ngài tiên đoán, hôm sau có hai người đến, một người có vẻ thông minh, và một người có vác theo một bao lớn có vẻ nặng nề.
Được biết Đức Bổn Sư đi vắng, hai người ấy lấy làm tiếc ra về, sau khi gởi lại cho Đức Bổn Sư một bài thơ:
Cửa thiền rày đã bặt hơi bon,
Quê hạc hương bay kiểng vẫn cồn.
Tiếng trống quân canh đâu lặng lẽ ?
Kèn chiêu muôn dặm hãy còn non !
Dưới hồ mưa lấp sen tơi tả.
Trên đỉnh sương sa đá mỏi mòn.
Nghìn thủa diềm dà ghi dạ ngọc,
Chín trùng non nước biệt tôi con !
Về sau, Đức Bổn Sư cho biết: người có vẻ thông minh là cận thần của vua Hàm Nghi, người vác bao to là hộ vệ quân, còn bao to ấy là cổ đại đao, Vận nước đã đến hồi suy thì còn giúp vào đâu được nữa !(1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nhận xét của bạn đang được chúng tôi duyệt qua, và chúng tôi sẽ đăng lên trong thời gian sớm nhất! Chào Thân ái!