TỔ ĐÌNH TAM BỬU TỰ Ba Chúc - An giang
♠♠๑۩۞۩๑ -KỲ HƯƠNG TỰ- ๑۩۞۩๑♠♠
Trang này được thực hiện bởi các đồng đạo TỨ ÂN HIẾU NGHĨA - TIỀN GIANG

1 tháng 3, 2010

Đức Bổn Sư


Chùa Tam Bửu (chùa Tổ còn gọi là Tổ Đình của đạo Hiếu Nghĩa)
Ngô Lợi (1831[1] -1890), tên thật là Ngô Viện (tên húy, còn Ngô Lợi là tên tự). Ngoài ra, ông còn có tên là Ngô Tự Lợi hoặc được người trong đạo gọi tôn là Đức Bổn sư hay Ông Năm Thiếp. Ông là Giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (gọi tắt là đạo Hiếu Nghĩa), và là lãnh tụ phong trào kháng Pháp tại miền Nam Việt Nam vào cuối thế kỷ 19.



Thân thế
Ngô Lợi người Mỏ CàyBến Tre[2]. Cha tên Ngô Nhàn (? - 1937), làm nghề thợ mộc, mẹ tên Phạm Thị Xuyến, người Bình An, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang).
Tương truyền từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành, Ngô Lợi cũng không có biểu hiện gì khác lạ. Cho đến năm 1851, lúc 20 tuổi, ông viết Bà La Ni Kinh[3] dài 223 chữ Hán, mà sau này trở thành quyển kinh quan trọng của đạo Hiếu Nghĩa.
Năm 37 tuổi, vào ngày mùng 5 tháng 5 năm Đinh Mão (1867), bỗng nhiên ông bất tỉnh. Sau 7 ngày 7 đêm, ông hồi tỉnh lại, trở thành người "giải thoát tẩy trần tâm, giáo nhơn tùng thiện đạo" (rũ sạch lòng trần, dạy người theo đạo lành)[4].
Bởi đi "thiếp" vào ngày trên và thỉnh thoảng ông lại có những cuộc đi thiếp như thế, nên người đời còn gọi ông là Năm Thiếp. Mỗi lần đi thiếp xong, ông thường nói những việc quá khứ và đoán định việc tương lai, nên được nhiều người tin theo[5].




Sự nghiệp

Sau khi liễu đạo, ngày rằm tháng giêng năm Nhâm Thân (1872), Ngô Lợi cho hợp ghe thuyền của tín đồ đi đến xã An Lộc, tổng An Lương, tỉnh An Giang cất chùa ở xã Bình Long, rồi lấy đó làm cơ sở truyền đạo. Ông đã đi nhiều nơi vừa trị bệnh (nhất là trận dịch hoành hành dữ dội vào năm 1876), vừa thu nhận và dạy tín đồ thuyết "học Phật tu nhân, báo đáp tứ ân, hành xử theo thập nhị giáo điều"[6]. Tháng giêng năm Bính Tý (1876), ông cho một tín đồ tên Trần Tịnh đi khảo sát vùng Núi Tượng (nay thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), rồi đưa một số đệ tử vào theo để khai hoang, lập chùa miếu và mở thôn ấp mới. Theo Địa chí An Giang[7]thì vào năm này đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã được ông khai sáng tại đây.




Khởi nghĩa ở Mỹ Tho

năm 1878, Ngô Lợi tổ chức hai cuộc lễ đại trai đàn, kéo dài ba đêm liền; vừa để cầu siêu cho những vong linh "vị quốc vong thân", vừa để khơi dậy ngọn lửa yêu nước trong lòng của hàng ngàn người đến dự.
Lần đầu diễn ra vào ngày 16 tháng 2 năm 1878 qui tựu hơn 200 người, rao giảng thuyết "Hội Long Hoa" và tuyên bố "đời Minh Hoàng được thành lập, ai không theo thì bị thú dữ, cọp beo trong rừng ăn thịt"[8].
Lần thứ nhì diễn ra vào ngày 30 tháng 4 năm 1878. Trong lần này, ông phong Võ Văn Khả làm chánh tướng, Lê Văn Ong làm phó tướng để cùng lãnh đạo công cuộc kháng Pháp.
Ngày 2 tháng 5 năm 1878, cuộc nổi dậy đã nổ ra ở Cai Lậy (Mỹ Tho) nhưng nhanh chóng bị dẹp tan. Hai ông Ong và Khả bị xử chém tại Thuộc Nhiêu năm 1879, còn Ngô Lợi cùng nhiều nghĩa quân trốn thoát về làng An Ðịnh[9], căn cứ của đạo Hiếu Nghĩa, do ông cùng tín đồ khai hoang, lập ấp thuở trước.[10]




Kháng Pháp nơi núi Tượng

Màn lưới do thám của Pháp liền được lệnh truy lùng Ngô Lợi ráo riết, nhưng rốt cuộc không thu được kết quả nào, bởi ông được tin đồ và đồng bào mến mộ che giấu. Ngay cả thuộc hạ đắc lực của Đốc phủ Trần Bá Lộc là Hai Phép lãnh trách nhiệm theo dõi ông, cũng bị ông cảm hóa rồi theo phe kháng Pháp luôn. Đốc phủ Đỗ Hữu Phương cho tên Bửu, người Minh Hương, mua ba ngàn xâu chuỗi bồ đề từ Chợ Lớn xuống Núi Tượng, cúng cho bổn đạo vẫn vẫn không dò hỏi được tin tức gì.
Một góc phố Ba Chúc tức thôn An Định xưa. Phía cuối đường là Núi Tượng
Tức tối, Pháp nhiều lần tổ chức ruồng bố. Chỉ tính trong 12 năm (1876 - 1888), Pháp đã đến đốt phá, bắt bớ, tra tấn, tù dày những tín đồ ở làng An Ðịnh cả thảy bảy lần, tín đồ Hiếu Nghĩa gọi là “đạo nạn”, đơn cử như vào năm 1885, Ngô Lợi cùng với tín đồ đạo Hiếu Nghĩa kết hợp với nghĩa quân của Hoàng Thân Sivôtha (Campuchia) nổi dậy, đánh chiếm hai bờ kênh Vĩnh Tế và làm chủ Tịnh Biên. Nhưng ngay đó, quân Pháp do đại úy Ferussac đem quân chiếm lại và còn tấn công vào An Định, khiến Ngô Lợi phải cùng với nhiều tín đồ phải chạy sang Vườn Dầu, thuộc Campuchia để lánh nạn. Ngày 2 tháng 6 năm 1886, quân Pháp mở cuộc hành quân sang Campuchia, đánh vào căn cứ Vườn Dầu nhưng thất bại. Mặc dù cản ngăn được được đối phương, nhưng khi Ngô Lợi trở về núi Tượng, nhà cửa, chùa chiền ở An Định chỉ còn là những đống tro tàn.
Nhưng bi thảm nhất là vào năm 1887, quân Pháp do thiếu tá Peiqnaux ở Châu Đốc chỉ huy, cùng hai cộng sự là Trần Bá Lộc và cai tổng Trương Văn Keo kéo quân vào An Định. Bị kháng cự ở núi Trà Sư, nên khi Pháp tràn được vào làng, họ đã đốt sạch nhà cửa, chùa chiền, bắt nhiều người tra tấn để tìm Ngô Lợi.
Kết cuộc, Pháp xử bắn 8 người, đày ra Côn Đảo 13 người, cưỡng bức 407 gia đình gồm gần hai ngàn người già trẻ xuống tàu về quê quán và cho sáp nhập thôn An Định vào xã Ba Chúc, sáp nhập thôn An Thành vào xã Lương Phi... [11]




Qua đời

Ngày 13 tháng 10 âm lịch năm Canh Dần 1890, Ngô lợi mất vì bệnh tại thôn An Hòa, gần Núi Tượng, lúc 59 tuổi.[12]Sau khi ông mất, phong trào kháng Pháp tan rã, chỉ còn lại đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Ngoài bản kinh Bà La Ni Kinh, từ năm 1879 đến năm 1884, Ngô Lợi còn truyền dạy cho tín đồ nhiều bài cung văn sớ điệp, nhiều nghi tiết cúng lễ. Các vị đại đệ tử của ông đã ghi chép lại thành tập sách Ngọc Lịch Đồ Thơ Tập Chú.




Nhận xét

Tháng 10 năm 1885, chủ tỉnh Châu Đốc báo cáo:
Toàn là dân bất hảo, chống đối sự khai hóa của người Pháp. Họ ở tứ xứ gom về và tất cả đều theo đạo Phật (ý nói Đạo Hiếu Nghĩa), nhưng là những phật tử có nhiệt tâm đến mức cuồng tín. Họ ra vẻ chí thú làm ăn, nhưng gặp cơ hội là họ khởi loạn nữa...
Sau cuộc hành quân tìm diệt Ngô Lợi ở căn cứ Vườn Dầu vào năm 1886 nhưng thất bại, người Pháp viết:
Uy tín tinh thần của ông (Ngô Lợi) còn mạnh. Ông là giáo chủ tôn giáo mới...[13]
Đinh Văn Hạnh nhận xét:
Có người nhận xét làng An Định là căn cứ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và của phong trào Cần Vương toàn cõi Nam Kỳ. Thực ra, phong trào Cần vương mãi đến tháng 7 năm 1885 mới được phát động. Còn trước đó gần 10 năm, An Định đã là nơi hội tụ của những nghĩa quân thất bại trong những cuộc khởi nghĩa lớn... Họ về đây cùng với Năm Thiếp chờ cơ hội...[14]
Địa chí An Giang đánh giá:
Ngô Lợi là một sĩ phu yêu nước của phong trào Cần Vương. Bị thực dân Pháp truy nã, ông từ Mỹ Tho về Ba Chúc dựng chùa tu hành để che mắt đối phương.
Do vậy, làng An Định cùng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là nơi hội tụ của những người nuôi chí lớn, mong có ngày giải phóng quê hương khỏi tay quân xâm lược và đã gây cho Pháp nhiều khó khăn vất vả. Trong kháng chiến chống Mỹ, đã có nhiều đồng bào theo đạo này tham gia cách mạng...[15]




Chú thích

  1. ^ Theo web Bửu Sơn Kỳ Hương, Ngô Lợi sinh ngày mùng 5 tháng 5 năm Tân Mão (1831)[1]. Nguyễn Văn Hầu trong Nửa tháng trong miền Thất Sơn lại cho rằng Ngô Lợi còn có tên là Hữu, sinh năm Canh Dần (1829) tại Dội, gần biên thùy Châu Đốc. Nhưng chi tiết này, không được nhiều người đồng thuận.
  2. ^ Ngô Lợi tự nhận quê ở Mỏ Cày ( Bến Tre). Nhưng theo nhà văn Sơn Nam, quê ông ở Trà Tân (Cai Lậy). Cũng có tài liệu chứng tỏ ông quê tại Tà Lọt (Cái Bè). Thực tế, nếu viết chữ Nôm thì hai địa danh Trà Tân và Trà Lọt dễ lầm lẫn. Còn Mỏ Cày thì bên kia bờ sông Tiền Giang, không xa hai địa danh vừa kể [2].
  3. ^ Nội dung xưng tán Quán Thế Âm Bồ tát, để khuyên người đời tu niệm.
  4. ^ Trích kinh Hiếu Nghĩa.
  5. ^ Theo Web Bửu Sơn Kỳ Hương [3].
  6. ^ Xem đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
  7. ^ Địa chí An Giangtập 2, tr. 391
  8. ^ Theo thuyết Hội Long Hoa, ở thời kỳ mạt pháp Phật Di-lặc sẽ ra đời, lập lên Hội Long Hoa, để thuyết pháp hóa độ chúng sanh. Trong Kinh Di-lặc chỉ nói vị Phật này sẽ ra đời vào thời kỳ mạt pháp, nhưng không nói rõ là vào khoảng nào, cho nên về ngày giờ lập Hội trên có nhiều cách hiểu khác nhau. Giải thích “đời Minh Hoàng”, Đinh Văn Hạnh cho biết nhiều tín đồ theo đạo này tin rằng đến một ngày nào đó, núi Cấm sẽ nổ lớn rồi nứt ra. Khi đó trong núi sẽ xuất hiện cung son, điện ngọc với một đấng Minh vương. Vị vương này sẽ lập đời Thượng ngươn vô cùng an lạc. Chỉ có những người theo đạo Hiếu Nghĩa mới được cứu, được sống sót...Như vậy, có thể nói sau khi các cuộc khởi nghĩa của Trương ĐịnhVõ Duy DươngNguyễn Hữu Huân... thất bại, bấy giờ "ngọn cờ tôn giáo" chính là một sự chọn lựa, là một thứ vũ khí tinh thần để người dân mất nước đối mặt với kẻ xâm lăng hùng mạnh hơn mình...(Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa với phong trào kháng Pháp, Nam Bộ xưa và nay, NXB TP. HCM, 2005, tr.184)
  9. ^ Trong công văn đề ngày 29 tháng 5 năm 1878, Pháp treo giá 1.000 quan tiền thưởng cho ai bắt được Ngô lợi, kèm theo lời mô tả ông Lợi "vóc người cao ráo, ốm yếu, có 3 chòm râu dài".
  10. ^ Trước sau Ngô Lợi cùng tín đồ đã khai hoang, mở được bốn thôn (Pháp gọi là làng): An Định (1876), An Hòa (1882), An Thành (1883), An Lập (1887); nay tất cả đều thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
  11. ^ Chùa Tam Bảo và chùa Phi Lai của làng An Định xưa, nay thuộc thị trấn Ba Chúc; vào năm 1978, còn chứng kiến một cuộc đẫm máu nữa, đó là cuộc thảm sát 3.157 người dân Việt bởi quân đội Pôn Pốt (Camphuchia) đã đến càn quét chốn quê này. (theo Địa chí An Giang tập I do UBND tỉnh ấn hành, 2003, tr. 247 và Sổ tay hành hương đất phương Nam do Huỳnh Ngọc Trảng chủ biên, Nxb TP. HCM, 2002, tr. 131).
  12. ^ Tương truyền, trước đây vì sợ Pháp làm hại, đệ tử thân tín cõng xác Ngô Lợi, mà tín đồ gọi là kim thân, giấu trong hang (Vồ Cấm, Núi Tượng), đến khi bình yên mới kín đáo đưa về giấu nơi chùa Tổ (chùa Tam Bửu). Đến nay không biết kim thân có bị cháy cùng chùa vào năm 1978, khi quân đội Pôn pốt đến đốt phá, hay còn được cất giấu ở nơi đâu. Ngôi mộ Tổ (Ngô Lợi) nằm bên sân chùa Tam Bửu và ở thôn An Thành là mộ giả.
  13. ^ Theo Rapports mensuels de Services (1887 - 1888).
  14. ^ Cũng trong bài viết của Đinh Văn Hạnh, có một chi tiết rất đáng lưu ý là vào ngày 13 tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương. Phó tổng binh thành Hà Nội tên Lê Công Chánh đã xin về Bình Định tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng. Năm 1886, ông Chánh đến Bảy Núi gặp Ngô Lợi. Sau đó, Ngô Lợi cử người đi theo Chánh nhận bằng cấp và ấn triện, nhưng tất cả đều bị Pháp bắt, nên việc liên kết các phong trào Cần Vương không thành. (Tác phẩm đã dẫn, tr.185.)
  15. ^ Địa chí An Giang tập 2, UBND tỉnh An Giang ấn hành, tr. 300 và 391.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhận xét của bạn đang được chúng tôi duyệt qua, và chúng tôi sẽ đăng lên trong thời gian sớm nhất! Chào Thân ái!