TỔ ĐÌNH TAM BỬU TỰ Ba Chúc - An giang
♠♠๑۩۞۩๑ -KỲ HƯƠNG TỰ- ๑۩۞۩๑♠♠
Trang này được thực hiện bởi các đồng đạo TỨ ÂN HIẾU NGHĨA - TIỀN GIANG

1 tháng 3, 2010

MỘT NỀN PHẬT GIÁO DÂN TỘC - CHƯƠNG I

 CHƯƠNG THỨ NHẤT
* * *


Tổ đình BSKH ở Tòng Sơn - Sa Đéc
   
          Nhìn vào nền Phật giáo khắp nơi, người ta không khỏi phàn nàn Đạo Phật có nhiều chi phái quá, nào là Tiểu-thừa, nào là Đại-thừa, nào là Mật-tông, nào là Hiển tông… mỗi phái mỗi chủ-trương khác nhau, mỗi nơi có mỗi sắc thái riêng biệt. Cũng đồng bắt nguồn từ Phật-giáo nguyên-thủy ở Ấn Độ thế mà Phật-giáo của Nam-tông khác hơn Phật-giáo của Bắc-tông và ngay trong hệ thống Đại-thừa, Phật-giáo Trung Hoa cũng không giống Phật giáo Nhật Bản. Phật giáo Đại Hàn khác hơn Phật-giáo Việt-Nam.
          Người ta muốn sao Phật giáo phải được thống nhất cả hình thức lần tinh thần, xoá bỏ những đặc tính địa phương riêng biệt. Nhưng người ta quên rằng giáo-lý của Phật-giáo không phải là một thứ giáo điều cố định bất biến như giáo lý của các tôn giáo khác mà là một thứ giáo pháp luôn luôn phát triển theo thời gian, thích ứng với căn cơ và hoà hợp với thổ-nghi phong-tục của mỗi địa phương dân-tộc.
          Đức Phật đã từ hoàn cảnh và căn khi của chúng sanh mà nói ra các pháp, không thời kỳ nào giống thời kỳ nào. Tri giả Đại-sư đã phân ra làm năm thời kỳ thuyết-pháp là:
1. Thời-kỳ Hoa-nghiêm; 2. Thời kỳ A-hàm; 3. Thời kỳ Phương-đẳng;  4. Thời kỳ Bát-nhã; 5. Thời kỳ Pháp-hoa. Đến như giáo pháp thì có pháp quyền, pháp thiệt, pháp đốn, pháp tiệm, pháp hiển, pháp mật… cao thấp khác nhau. Sở dĩ giáo pháp không đồng, thời kỳ hoằng hoá có khác, ấy chẳng qua là do hoàn cảnh sinh hoạt, căn cơ của chúng sinh mà ra vậy.
Thế nên, phàm căn cơ có khác, thời đại có khác, địa phương có khác thì lý ưng giáo pháp, cho được thích đương thế tất không sao cùng một khuôn, một rập. Ngay như việc dạy học, người ta còn tùy theo địa phương nóng lạnh, mưa nắng khác nhau, trình độ của học sinh cao thấp mà giờ học, ngày nghỉ cùng chương trình giáo dục mỗi nơi mỗi khác, thì sao đối với Đạo Phật là một nền đạo vô cùng linh động, phong phú nhựa sống thích nghi, lại bắt nó trụ mãi ở hình thái nguyên sơ cằn cỗi.
          Ngày nay đạo Phật rọi ánh từ quang gần khắp mặt địa cầu, qui tụ gần phân nửa số nhân loại, nếu thiếu tính chất thích nghi hòa đồng thì chưa hẳn đã thu phục lòng tin tưởng của nhân dân dễ dàng như thế. Từ trước đến nay, bất cứ một cuộc chinh phục nào cũng phải cậy vào vũ lực uy hiếp mọi sự chống đối. Đến như  Đạo Phật, chỉ nhờ tính chất thích nghi mà sự bành trướng không hề gặp phải sự phản kháng nào đến đỗi làm đổ máu sinh linh.
          Các dân tộc Á đông tiếp đón Đạo Phật như tiếp đón một ngọn đèn vào nhà đang kém ánh sáng. Mặc dù là một ngọn đèn mới, nhưng chẳng vì nó sáng hơn mà chủ gia dẹp hết các ngọn đèn cũ kém sáng nhưng đã thân yêu, Người ta đặt ngọn đèn sáng mới nơi xứng đáng, có khi cùng đặt chug với mấy ngọn đèn cũ để cùng hoà quang nhau đem lại ánh sáng chung cho cả gian nhà.
          Giáo pháp của Đạo Phật thẳng diệu là ở chỗ đó. Nó đến với dân tộc nào là nó hòa hợp  với dân tộc tinh của dân tộc ấy.
          Nhờ ánh sáng đó sáng hơn nên trong chỗ hoà hợp nó đồng hòa các ánh sáng cũ thành một ánh sáng Phật-giáo dân tộc hay có mang tính chất Phật-giáo . Sự hiện diện của nó, bởi cần thiết cho sự củng cố nền tảng quốc gia, vì nó đồng hoá để mà bổ sung hơn là để tiêu diệt hay truất ngôi, nên dân tộc nào cũng không cảm thấy bị mất gốc hay mất thể diện khi tiếp nhận nó.
          Nhìn vào các nước Phật-giáo, ta thấy quốc gia nào cũng có những sắc thái Phật-giáo riêng biệt về hình tướng cũng như về hệ thống giáo lý. Đồng là Phật-giáo cả, nhưng mỗi nơi mỗi khác, khác từ sự kiến trúc chùa chiền đến lễ nghi trang phục. Những cái sắc thái riêng biệt ấy thích hợp với đời sống củaquốc dân, với cá tính của dân tộc. Do đó đạo Phật đã trở thành, ở các quốc gia Phật-giáo, một nền Phật-giáo dân tộc.
          Như ở Nhật Bản, hòa hợp với Thần đạo và Vũ sĩ đạo, Phật-giáo đã trở thành một nền Phật-giáo Nhật Bản. Mặc dù chịu ảnh hưởng Phật-giáo Trung Hoa, các Đại đức Thiền sư Nhật Bản như Đạo Nguyên, Thân Lan, Nhật Liên đã biến Phật-giáo Trung Hoa thành Phật-giáo của dân tộc Nhật. Từ mái chùa cho đến chiếc áo cà-sa mỗi mỗi đều có những sắc thái khác biệt, phù hợp với cá tính Nhật Bản. Cũng thời là Thiên Thai tông nhưng Thiên Thai tông của Nhật lại hòa hợp với Mật. Thiền. Đến Tịnh độ tông và Thiền tông cũng thế. Ở Nhật hai tông ấy biến đi rất nhiều từ tinh thần lẫn hình thức. Nói tóm lại, đạo Phật một khi du nhập vào Nhật bản thì hòa hợp với tinh linh dân tộc Nhật mà có những sắc thái riêng biệt, không còn giống với thoát thai của nó là nền Phật-giáo Trung Hoa.
          Đến như Phật-giáo Trung Hoa, tiếp nhận ngay Phật-giáo Ấn Độ, đáng lẽ không có biến thái nhiều, thế mà vì tính chất thích nghi nên đã cách tân từ việc tụng niệm trang y cho đến cách chia tông lập giáo. Có thể nói Phật-giáo Trung hoa là một nền Phật-giáo hoàn toàn xây dựng trên cơ bản mới, khác hẳn Phật-giáo nguyên thỉ.
          Vả chăng sau ngày Phật nhập diệt độ khoảng 500 năm. Ấn Độ bị Hồi giáo xâm lăng, đạo Phật cơ hồ không còn. Những tăng ni theo giáo lý Tiểu thừa thì di cư xuống miền Nam, lập thành Phật-giáo Nam tông hay Tiểu thừa giáo; còn những học giả Đại thừa thì chạy sang Đông độ. Thành thử cõi Chấn Đán tức Trung Hoa đã trở nên tổ quốc của Đại thừa giáo. Cái hệ thống "Tổ tổ tương truyền" bắt đầu từ Đại đức Ca Diếp cho đến vị tổ thứ 28 thì chấm dứt ở Ấn độ, nhưng lại được tiếp tục ở Trung Hoa.
          Chẳng những thừa tiếp giáo pháp Đại thừa vừa mới khai sáng nhưng chưa kịp phát triển ở Ấn độ, Trung Hoa còn chỉnh đốn các tông tổ thành hệ thống thích hợp với cả linh dân tộc và đồng thời sáng tạo thêm ba tông hoàn toàn Trung Hoa. Đó là: Hoa nghiêm tông, Thiên Thai tông và Thiền tông.
          Trong sách Ẩm băng thất, khi đề cập đến sự thành lập các tông Phật-giáo ở Trung Hoa. Lương Khải Siêu có viết: "Về Câu xá tông, tuy Thế Thân có tạo một bộ luận được học giả Ấn Độ tranh nhau học tập, nhưng chưa chính thức lập nên một tông. Tông này được thành hình là chính tự Trung Quốc. Còn về Thành thực tông thì từ Ma lê bạt ma về sau không thấy Kinh sách nào ở Thiên trúc nói đến mà chỉ riêng ở Trung Quốc thì rất thịnh. Tam luận tông ở Ấn Độ  tuy truyền bá hơi rộng nhưng cũng không bằng ở Trung Quốc. Đến như Hoa nghiêm thì bản Kinh ấy ở Ấn Độ  đã chìm lặn trong chỗ mờ mịt. (cứ theo truyền thuyết thì sau Phật diệt độ 700 năm, Long Thọ Bồ Tát dùng thần lực nhiếp thủ Kinh Hoa nghiêm ở Hải long cung. Bản Kinh lưu hành là bắt đầu từ đó. Truyền thuyết thần bí này tuy chẳng đủ tin nhưng đủ thấy ở Ấn Độ tung tích Hoa nghiêm còn mờ mịt lắm). Thế thì làm gì có Hoa nghiêm tông ! Lúc Bấy giờ ở Ấn Độ  chỉ có hai bộ luận: Đại bất tư nghị và Thập địa xiển minh nghĩa Hoa nghiêm còn kỳ dư thì không thấy đâu nói đến. Nhưng dựa vào Hoa nghiêm  để lập giáo, thật ra chỉ bắt đầu từ các ngài Đỗ Thuận, Hiền Thủ, Thanh Lương, Khuê Phong. Cho nên có thể nói rằng Hoa nghiêm tông là do Trung Quốc trước tiên sáng lập. Đến như Thiền tông, tuy rằng Ấn Độ có 28 vị tổ, nhưng sự truyền nhau lại quá mật, giữa tiền tổ với hậu tổ chỉ trong khoảnh khắc, không thể biết được uyên nguyên cho nên việc chân ngụy hẳn khó mà phân biệt. Ấn Độ cho rằng chân nhưng trong khoảng hơn một ngàn năm, ngoài 28 tổ ra thì không có thể nói là có Thiền tông, ấy chẳng qua chỉ vì sau khi vừa nhận y bát thì vị tổ trước đã nhập diệt. Thành thử trong khoảng không hơn một ngàn năm ấy, chẳng từng có được 2 người cùng một lúc hoằng dương chính pháp Thiền tông. Như vậy có thể nói Ấn Độ không có Thiền tông cũng nên. Tuy nhiên, Phật-giáo nhờ có Lục tổ mà bắt đầu có Thiền tông , cũng như Gia tô giáo nhờ có Luther mà bắt đầu có Tàu giáo. Như pháp môn chỉ quán "Thiên Thai Tam muội" là đặc sáng của riêng Đại sư Trí giả; trước đó chưa có mà ngay trong thời của Đại sư cũng không ai dạy thì đủ rõ. Do đó có thể nói rằng trong mười tông, duy có Luật tông. Pháp tướng tông. Chân ngôn tông. Tịnh độ tông là thịnh hành ở Ấn Độ, còn ký duy  là do Trung Quốc sáng lập."
          Lương Khải Siêu còn khoái cảm hạ bút rằng: "Đẹp thay nước Trung Quốc của ta ! Chẳng thọ ngoại học thì thôi, bằng đã thọ thì phát huy rộng sáng ra, biến thành một thứ đặc sắc. Hãy nhìn vào nền Toán học và Phật học của nước ta đủ thấy. Phật học của Trung Quốc là phật học của Trung Quốc, chứ không còn là Phật học thuần nhiên của Ấn Độ ."
          Ấy đó, Phật-giáo một khi du nhập vào Nhật bản và Trung Hoa thì  hoà hợp với dân tộc tinh của mỗi nơi mà có những sắc thái riêng biệt, biến thành một nền Phật học dân tộc. Nước  Việt Nam chúng ta cũng đồng thấm nhuần giáo lý Phật đà, một mặt trực tiếp du nhập từ Ấn Độ, một mặt gián tiếp chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, có lý nào chẳng gây dựng một nền Phật-giáo phù hợp với dân tộc tinh Việt Nam như Trung Hoa và Nhật Bản hay sao ?
          Nhìn vào nền Phật-giáo nước nhà, chúng ta không đến đỗi thất vọng như khi nhìn vào đại hạt Nho học. Các danh tăng Việt Nam từ đời Đinh, Lê, Lý, Trần luôn luôn cố gắng tạo cho Việt Nam một nền Phật-giáo dân tộc. Cũng thời tiếp nhận Thiền tông của Trung Hoa truyền sang, nhưng các danh tăng đời Trần đã thành lập một phái Thiền đặc biệt của mình, không khác Chân tông và Nhật liên tông ở Nhật. Đó là phái Trúc Lâm Yên tử do ba vị tổ: Điều ngự Giác hoàng, Pháp Loa và Huyền Quang sáng lập. Bắt nguồn từ giáo lý Thiền tông nhưng phái Trúc Lâm Yên tử chủ trương có khác. Cho được hoà hợp chủng tính Việt Nam, phái Trúc Lâm xây dựng Thiền lý trên căn bản Nhập thế và Xuất thế, trong lúc ấy Thiền tông Trung Hoa chỉ thuần có một mặt xuất thế mà thôi. Nhờ có dung hợp cả hai phương diện Nhập thế và Xuất thế, đạo Phật đời Trần cũng như đời Lý gây được tinh thần sùng mộ đạo đức và tính khí thanh tao thoát tục, chẳng những trong dân gian mà cả trong hàng quan khanh vua chúa.
          Một khi đã thấm nhuần Thiền lý, các vua quan nhà Trần, mặc dù lăn lộn trong chỗ quyền môn vẫn không mang nặng cái bệnh tham danh trục lợi. Thế nên, khi mọi việc an bày, có nhiều vị vua quan nhường ngôi cáo lão để đi tu. Nhờ đã hoàn thành giai đoạn nhập thế nên họ dễ tiến lên con đường xuất thế.
          Đến như những danh tăng đã xuất thế, cũng không vì đã xuất thế mà chẳng trở lại nhập thế khi quốc gia hữu sự, dân chúng đảo điên. Trường hợp của Tuệ trung Thượng sĩ, khi nghe giặc Nguyên xâm lăng nước ta từ chốn Thiền lâm cởi áo ca sa mặc lấy chiến bào ra trận, và khi giặc Nguyên đã bình, bèn vứt chiến bào mặc lại áo ca sa, đủ cho ta thấy cái đặc tính dân tộc của phái Trúc lâm Yên tử. Nhờ kiêm cả hai phương diện nhập thế và xuất thế, Thiền tông  Việt Nam còn dung hợp với Tịnh độ tông để cùng điều hòa và trợ trưởng nhau trong pháp tu vừa tự lực vừa tha lực.
          Nhưng trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, tịnh thần Phật-giáo đời Lý đời Trần cùng theo thời gian mà mở dần trong dĩ vãng. Thừa lúc loạn loạc Trịnh  Nguyễn phân tranh, rồi tiếp theo thực dân đô hộ non một thế kỷ, tinh thần dân chúng hoang mang mất cả tự tin, những lối tu yếm thế, mê tín dị đoan pha màu phương thuật lại được dịp xây dựng cơ đồ, làm nền Phật-giáo dân tộc phải thối triều trong khoảng thời gian ngót năm thế kỷ.
          Nhận xét về nguyên nhân suy bại của Phật-giáo ở xứ ta, ông Hoàng Nhiên có nêu ra mấy điểm trọng yếu:
1. Phái tăng già ở xứ ta phần nhiều tu mà không học
2. Người minh hay trọng sự lạy lục cúng dường theo lối mê tín dị đoan.
3. Không biết trọng sáng kiến của người khác.
4. Không biết giúp đỡ, tán dương người tài trí, nhà hiền giả, bậc chân tu.
5. Cố chấp về văn tự, theo tư tưởng Hán nho mà không rộng xem các sách khác (1)

Về nguyên nhân suy đồi Phật-giáo ông Thanh Sĩ cũng nhận rằng:
          Cùng một cảnh huống đạo Khổng tử, đạo Phật Thích Ca ở xứ ta hồi thời nhà Đinh, Lê, Lý, Trần rất thịnh đạt, không những trong dân chúng mà luôn đến hàng vua chúa cũng cùng  một tin tưởng mạnh mẽ. Các vua thời ấy, thường hay nhường ngôi cho con để đi tu, hoặc lên non núi lập chùa chiền qui tụ cả muôn tăng cả muôn tăng lữ lo viêc tu hành, hoặc xây cất am tự gần thành quách của mình để truyền bá đạo Phật, nhất là hồi thời nhà Trần vua Nhân Tôn tu được chứng quả, đạo hiệu của Ngài là Điều ngự  Giác hoàng Đại Đầu Đà Người thời ấy tôn Ngài làm đệ nhất tổ của phái Thiền tông ở Việt Nam. Hàng quan tướng lúc bấy giờ xem gương của vua Nhân Tôn mà họ cũng lần lượt lánh rồi cuộc công danh phú quí lo tu hành rất đông, như con của Trần Quốc Tuấn là Trần Quốc Tảng. Lúc Trần Quốc Tảng mới mười bốn tuổi vừa đi học về nghe cha bị quân Nguyên vây tại thành Thăng Long thì ông mới nhất thân nhất mã ra giải vây cho cha. Chừng ông được hai mươi tuổi đã đi tu, ngộ được Phật chỉ đạo,  hiệu  của ông là Tuệ Trung Thượng sĩ. Còn những hạng tu hành chứng quả ở thời đó không kể xiết.
          Nhưng kể từ khi các vị Tổ bên Trung hoa ngưng việc truyền y phó bát đến nay, phái Trần Tú càng lúc càng thêm mạnh, không những ở Trung Hoa mà còn truyền qua xứ ta, họ bày ra cách thờ cúng đầy thinh, âm, sắc, tướng (đờn, đẩu, trống, phách, lầu, phướn, sá hạc v.v…) làm việc hữu hình, hữu ảnh, dân chúng xứ ta dần dần theo đó mà xa lần mối đạo vô vi chánh pháp của Phật, Nền chánh giáo từ đó càng ngày càng mờ lu, các ngôi chùa miễu phần nhiều chỉ là cái vỏ để các tà sư làm mê hoặc thập phương, lợi dụng việc lo cơm ấm áo vậy thôi, chớ họ không chú vào việc dắt người đến chỗ sáng sủa giải thoát. Cũng bởi phần đông hành đạo không chánh đáng, nên cả ngàn muôn người tu mà chỉ có một số ít người đắc đạo; do đó mà gần đây có người lên án cho cảnh chùa là chỗ chứa những phần tử ăn bám của xã hội, chỉ là tổ chức mê hoặc lòng dân, không có tinh thần tiến hoá, thật là một con sâu làm rầu nồi canh.(1).
          Dầu vậy, tinh thần dân tộc vẫn không lịm hẳn trong Phật-giáo. Vào đầu thế kỷ thứ 19. Đức Phật Thầy Tây An (2) xuất hiện lập nên giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương. Khai thị pháp môn Tu Nhân Học Phật, chẳng  những khôi phục cái thịnh huống đạo Phật đời Lý đời Trần mà còn xây dựng lên một nền Phật-giáo hoàn toàn dân tộc. 


BỬU - SƠN   KỲ - HƯƠNG


          Nhìn vào lịch sử Phật-giáo Việt Nam, chẳng sử gia nào không nhìn nhận rằng chẳng có thời kỳ nào đạo Phật hưng thịnh bằng đời Lý đời Trần. Trong nước từ quan chí dân đều một lòng sùng mộ việc tu hành, kẻ đủ điều kiện tu giải thoát thì xuất gia, người còn bận việc đời thì giữ phần cư sĩ.
          Khắp nơi trong nước, cảnh già lam được nhiệt liệt dựng lên, ở mỗi gia đình, ngoài việc thờ phượng tổ tiên, còn có ngôi thờ Tam bảo. Có thể nói xã hội Việt Nam ở đời Lý đời Trần đã thấm nhuần tinh thần đạo Phật cả hai phương diện xuất thế và nhập thế.
          Do đâu đạo Phật đời Lý đời Trần hưng thịnh hơn các triều đại khác? Hẳn phải có nguyên nhân? Nhiều sử gia cho rằng Việt Nam cho đến đời Lý, chủ quyền quốc gia mới thật điện định. Nhờ được trấn an bờ cõi, các vua quan đời Lý có đủ thì giờ lo nghĩ việc mở mang dân trí. Đương nhiên Phật-giáo cũng như Khổng giáo và Lão giáo là ba nền đạo đề cao nhân cách, đào dưỡng tinh thần hướng thượng của chúng sinh, hẳn được nhà cầm quyền vun bồi và trợ trưởng. Đó là cơ hội thuận tiện cho Phật-giáo hưng thịnh.
          Xét ra thì sự nhận định trên đây chỉ dừng trên phương diện, ngoại duyên. Chớ chưa phải tìm động nhân chính. Thì như có một miếng đất tốt, thích hợp cho sự trồng tỉa mà ngay hột giống không tốt, không có sức phát triển thì cũng không làm sao có kết quả tốt đẹp. Miếng đất tốt chỉ là ngoại duyên, còn hột giống mới là nội nhân. Một nền triết học hay giáo lý cũng thế, mặc dù gặp hoàn cảnh thuận tiện cho sự phát triển nhưng nếu nội dung của nó không phù hợp với đời sống cùng trình độ của mọi người thì cũng không tài nào hưng khởi lên được.
          Thế nên cái động nhân để làm phát triển một nền học thuật hay giáo lý, chính là những khả năng thích nghi sẵn có của nó. Thiếu những khả năng ấy thì dù hoàn cảnh có thuận tiện cũng không sao phát triển được.
          Sở dĩ đạo Phật hưng thịnh nhất ở đời Lý đời Trần là cũng nhờ các danh tăng lúc bấy giờ biết làm phát triển cái khả năng thích nghi sẵn có của đạo Phật để được phù hợp với dân tộc tinh và cơ duyên của chúng sinh trong nước. Thay vì mô phỏng mù quáng theo các danh tăng dời Lý đời Trần khéo biến Thiền tông Trung Hoa thành một môn Thiền Việt Nam, phối hợp tu xuất thế và nhập thế. Các Ngài Điều ngự Giác hoàng, Pháp Loa và Huyền Quang đời Trần thành lập một Thiền phái hoàn toàn Việt Nam lấy tên: phái Trúc Lâm Yên Tử.
          Với danh hiệu hoàn toàn Việt Nam, với pháp tu phù hợp với trình độ và căn tính của dân trong nước. thảo nào đạo Phật chẳng được phát đạt và toàn dân sùng mộ.
          Chính cái nội nhân thích nghi của đạo Phật mới là cái động cơ chính làm phát triển đạo Phật khắp nơi. Đó chẳng phải là cái thông lệ riêng của Việt Nam mới có, mà bất cứ ở nơi nào, nếu người đứng ra hoằng dương giáo pháp biết làm phát triển cái nội nhân thích nghi ấy cũng đều thâu hoạch kết quả như thế.
          Thử lấy Thiền tông để chứng minh, ta sẽ thấy ngay ở Ấn Độ là nơi xuất phát Thiền tông ; nhưng chính ở đấy trong khoảng thời gian một ngàn năm, Thiền tông chưa lập thành hẳn tông phái. Mãi khi du nhập vào Trung Hoa, các danh tăng cõi Chấn dân, biến nó thành một môn Thiền Trung Hoa, gây nên một thịnh huống vô cùng náo nhiệt mở rộng khắp nơi trong nước, đâm chồi nảy tược ra làm ngũ gia thất tông, Ngũ gia là: Lâm tế, Tào động, Qui Ngưỡng, Vân môn và Pháp nhãn, Về sau phái Lâm Tế có thêm hai chi Dương Kỳ và Hoàng Long; do đó mới gọi là Ngũ gia Thất tông.
          Đến như Thiền tông ở Nhật Bản, mặc dù do hai Ngài Vĩnh Tây và Đạo Nguyên cầu pháp ở Trung Hoa, nhưng khi du nhập vào Nhật lại dung hợp với Thần đạo và Võ sĩ đạo lập thành một Thiền phái hoàn toàn Nhật Bản. Nhờ thích ứng với dân tộc tinh Nhật, Thiền tông  phát triển rất mạnh ở đảo Phù tang và sau hai Ngài Vĩnh Tây và Đạo Nguyên, còn phân ra khá nhiều chi phái, giáo nghĩa thêm đủ dầy, lợi ích càng sâu rộng.
          Cứ xem đó thì một nền giáo lý cho được phát triển, cái động cơ chính là các nhà truyền giáo phải biết làm cho thích hợp với dân tộc tinh và trình độ của dân trong nước. Cái nguyên nhân giúp cho đạo Phật hưng thịnh ở đời Lý đời Trần chính là ở chỗ đó.
          Các danh tăng Việt Nam đã biết phối hợp đạo Phật với dân tộc tinh nên gây được lòng sùng mộ của toàn thể nhân dân, nhưng cái thịnh huống ấy không thể duy trì lâu dài, khi cuộc Nam Bắc phân tranh nổi lên vàtiếp theo đó dẫn khởi cuộc đô hộ của quân Pháp, khiến cho tinh thần dân tộc phải một phen tiềm tàng, cơ hồ mai một.
          Trong những lúc hỗn loạn làm xáo trộn cả giá trị tinh thần, chính là lúc rất thuận lợi cho các mê tín dị đoan nảy mục đâm chồi. Lịch sử Trung Hoa đã chứng minh rằng vào đời Lục Triều và Tam Quốc, trong nước không dứt loạn lạc, chính là lúc phái phương sĩ, một biến thể của đạo Lão phát triển mạnh mẽ nhất. Hoàn cảnh xã hội Việt  Nam sau đời Hậu Lê cũng diễn ra những cảnh huống loạn lạc tương tợ Phái Trúc Lâm Yên Tử không sao tránh khỏi cảnh suy vi thất lạc, trong lúc tư tưởng của dân trong nước  đang thối triều. Ban sơ Thiền phái Việt Nam chưa suy lạc cho lắm, nhưng trải qua một thời gian hàng mấy trăm năm loạn lạc, các tập tục mê tín ngoại lai thâm nhập càng nhiều làm cho bản chất thuần lý phù hợp với dân tộc tinh phai lạc đi.
          Nay muốn trấn hưng đạo Phật, tất phải làm sống lại tinh thần dân tộc. Nếu mãi nô lệ ngoại quốc, cứ nhất nhất mô phỏng những điều chỉ thích hợp với nước người mà không chịu áp dụng đúng với tinh thần dân tộc và phù hợp với căn cơ của dân trong nước thì những giáo lý ấy dù có được tiếp nhận chăng nữa cũng không gây được sự ngưỡng mộ nồng nhiệt của toàn dân. Một giáo lý thiếu tinh chất thích nghi là một giáo lý cằn cỗi ngưng đọng, mất bản tính chất Phật giáo.
          Ý thức được cái động nhân tiến triển của đạo Phật, nên chỉ khi ra đời Đức Phật Thầy Tây An không đạp theo dấu của các nhà sư lúc bấy giờ chỉ biết bắt chước và tai hại hơn nữa là Ấn Độ tùng xướng khởi lối tu mê tín dị đoan của Thần Tú. Để đề khởi tinh thần Phật-giáo đời Lý đời Trần. Ngài noi gương các vị tổ của phái Trúc lâm Yên tử mà sáng lập một tông phái phù hợp với dân tộc tinh Việt Nam và tương xứng với trình độ của dân chúng trong thời kỳ mạt pháp. Ngài thành lập phái Bửu Sơn  Kỳ Hương và xướng xuất pháp môn Tu Nhân học Phật.
          Bửu- Sơn  Kỳ- Hương là một tông phái hoàn toàn Việt Nam. Kiểm điểm các danh tông của Phật giáo Ấn độ và Trung Hoa hay bất cứ  nền Phật-giáo của một nước nào ta thấy Bửu- Sơn  Kỳ- Hương là một danh từ đặc biệt Việt Nam, không có trùng tên hay trùng ý với một tông phái nào khác.
          Nước Trung Hoa lấy làm hãnh diện về sự sáng lập Thiên thai tông là một tông hoàn toàn Trung Hoa, thiết tưởng chúng ta cũng không đến đỗi thiếu sáng kiến hay tự ty mặc cảm khi có tông phái Bửu- Sơn  Kỳ- Hương. Nhật Bản tự hào có Nhật liên tông một đặc sáng Nhật Bản nhưng thật ra Nhật liên tông chẳng qua là một thoát thai của Thiên thai tông Trung Hoa, do Thượng tọa Nhật Liên, sau một thời gian tu tập bên Trung Hoa trở về nước sáng lập.
          Đến như Bửu- Sơn  Kỳ- Hương thì không thế. Nó chẳng những Việt Nam ở danh từ màcòn phù hợp với dân tộc tính Việt Nam ở phương diện hành đạo. Có thể nói Bửu- Sơn  Kỳ- Hương là hoá thân hay hậu thân của Trúc Lâm Yên Tử, nhưng có điều khác hơn Trúc Lâm là Bửu- Sơn  Kỳ- Hương, cho được phù hợp với căn cơ của chúng sanh trong thời kỳ Hạ Nguơn mạt pháp, không còn là một thiền phái chú trọng nhiều về mặt xuất gia và chủ trương vừa xuất thế và nhập thế, mà là một tông phái trú trọng về cư sĩ tại gia và chủ trương chỉnh bị giai đoạn nhập thế để tiến dẫn đến xuất thế. Sở dĩ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương về pháp môn hành đạo có chỗ không giống Trúc Lâm Yên Tử, chẳng qua vì căn cơ của chúng sinh và hoàn cảnh của thời kỳ có khác. Nhưng trên phương diện dân tộc và sự phấn phát đã đem lại cho nền Phật-giáo Việt Nam thì Bửu- Sơn  Kỳ- Hương không khác Trúc Lâm Yên Tử
          Ngay tên tông, hai phái cũng có chỗ tương xứng tương đồng nhau rồi. Đặc biệt là trong danh từ "Trúc Lâm Yên Tử " cũng như "Bửu- Sơn  Kỳ- Hương ", mỗi danh hiệu gồm có đến bốn chữ, trong lúc ấy danh hiệu các tông Trung hoa hay Nhật bản chỉ gồm có một hay hai ba chữ là cùng. Các chi phái của Bửu- Sơn  Kỳ- Hương sau này cũng lấy danh hiệu gồm có bốn chữ như: Tứ Ân Hiếu nghĩa của Đức Bổn Sư, Phật-giáo Hòa Hảo của Đức Huỳnh giáo chủ.
          Điều đáng chú ý hơn nữa là Trúc Lâm Yên Tử và Bửu- Sơn  Kỳ- Hương đều lấy tên núi làm tên tông. Yên Tử là một ngọn núi thuộc về tỉnh Quảng Yên, nơi các tổ nhà Trần đến lập cảnh già lam. Do đó mà Thiền phái do ba Ngài: Điều ngự Giác Hoàng, Pháo Loa và Huyền Quang sáng lập có tên là Trúc Lâm Yên Tử. Xét ra thì đó cũng là một thông lệ thường thấy trong việc đặt tên của nhiều tông phái.
          Ngoài việc lấy tên núi làm tên tông, nhiều cao tăng còn nhớ tên núi nơi mình đến tu hành mà thành pháp danh. Như ngài Triệu Linh Hựu đến núi Qui Sơn mở giáo truyền đạo trong 40 năm mà được danh hiệu là Qui Sơn đại sư; như Ngài Hy vận Thiền sư lên núi Hoàng bá thuộc tỉnh Giang tây tu hành giảng giáo mà được pháp danh là Hoàng Bá Thiền sư và phái của Ngài lập ra có tên là phái Hoàng bá, tức là phái Thiền truyền lại cho Nghĩa Huyền để rồi lập lên chi Lâm Tế.
          Danh hiệu Bửu- Sơn  Kỳ- Hương, sở dĩ được Đức Phật Thầy Tây An dùng đặt cho tông phái của mình cũng không ngoài trường hợp như đã kể trên.
          Bửu Sơn là tên núi, nơi mà Đức Phật Thầy Tây An đến tu luyện trước khi ra đời mở đạo. Trong nhiều thi văn của các ngài trong phái Bửu- Sơn  Kỳ- Hương đã có nói đến. Trong Giác mê của Đức Phật Thầy có đoạn việt:
Sát mai đã trọng thửa công,
Bửu Sơn đã tới tay không trở về
          Danh từ Bửu sơn được Đức Phật Huỳnh giáo chủ nói trong bài thơ:
Diên này vốn thiệt ở Núi vàng.
Thương đời nói rõ việc tầm than;
Khắp trong lê thứ mau mau tỉnh,
Yên tri nghĩ suy biết đá vàng.
          Như thế Bửu Sơn có nghĩa là Núi Vàng hay Núi báu. Vì dân lại gọi Núi báu? Điều này Đức Huỳnh giáo chủ đã giải rõ trong hai câu :
                                                Trong Năm non rồng phụng tốt tươi
                                                Miền Bảy Núi mà sau Báu Quí.
          Thì ra, vì sau này nó trở lên báu quí mà nó có câu Núi Báu. Núi ấy ở trong miền Bảy Núi tức Thất Sơn. Nó được ông Sư vãi Bán khoai định vị và cho biết nhờ đâu nó trở nên quí báu trong một đoạn thơ như sau:
Chừng nào Núi Cấm hoá lầu.
Thì là bá tánh đâu đâu thái bình.
Và ở một đoạn khác:
Chừng nào Bảy Núi thành Vàng.
Thì là mới đặng thanh nhàn tấm thân
          Cứ theo đó thì hai chữ Bửu Sơn có nghĩa là Núi báu, Núi vàng. Đến như hai chữ Kỳ Hương thì ông Ba Thới có giải nghĩa trong Kim cổ kỳ quan:
Tiếng Kỳ Hương thơm nực biên thùy
          Hay trong Thừa Nhàn:
Kỳ Hương để tiếng biên thùy.
          Thế thì Kỳ Hương có nghĩa là mùi hương lạ, tiếng thơm lan truyền ra ngoài cõi biên thùy
          Nói tóm lại, bốn chữ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương có nghĩa là Núi báu, sau này sẽ làm rạng rỡ cho non sông nước Việt, tiếng thơm lạ bay nực ra ngoài cõi biên thùy báo tin một nguồn ân thánh triết ra đời tạo lập một kỷ nguyêm mới, cõi đời Thượng nguơn an lạc.
          Danh từ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương  đã trở thành danh hiệu một tông phái Việt Nam do Đức Phật Thầy Tây an khai sáng. Những tín đồ của môn phái này được Đức Phật Thầy cũng như những vị kế truyền phát cho một lòng phái có bốn chữ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương khi qui y thọ giáo.
          Lòng phái là một miếng giấy vàng, có khi giấy bạch, trên đó có in bốn chữ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương bằng son tàu.
          Người lãnh được lòng phái, thường may một cái đãy đeo vào mình, với tin tường là nhờ đó sẽ được mạnh khoẻ, xa lánh mọi tà ma, tai nạn. Họ giữ rất kỹ và quí trong còn hơn bạc vàng tiền của, thà chết chớ không chịu trao cho ai.
          Cứ như được biết, Đức Phật Thầy có trao cho Đức Cố Quản Trần Văn Thành một cái ấn bằng cây để in lòng phái. Về sau Đức Cố Quản trao lại cho trưởng nam tức ông Trần Văn Nhu để in phát cho những người đến qui y thọ phái.
          Ngoài ra, Đức Phật Trùm. Đức Bổn sư cũng có phát lòng phái như thế cho tín đồ của mình.
          Bốn chữ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương do đó mà rộng truyền ra khắp nơi và những vị kế truyền Đức Phật Thầy Tây An đều tự nhận là hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Trong thi văn của các Ngài thường nhắc đến 4 chữ ấy và lấy đó khoán thủ trong nhiều bài thơ. Như  Ông Ba Thới trong Kim Cổ Kỳ Quan có viết :
Tác công nghiệp có kẻ biên thùy
Hoang lâm tích hậu Bửu Kỳ Hương Sơn
          Trong thi văn của Đức Huỳnh Giáo chủ, Ngài dùng bốn chữ ấy khoán thủ, chẳng hạn:
Bửu châu công luyện chốn non thần,
Sơn thủy môn giang bảo giác dân.
Kỳ quái chờ nơi thiên nhất định.
Hương nồng dành thưởng kẻ tròn ân.
Hay bài thơ Hán văn dưới đây:
Bửu kiến trừng tâm dụng thể tiên
Sơn sanh giả kế chưởng huyền thiên
Kỳ thâm hạ giái ly đài nguyệt
Hương vị trầm thinh bi kỷ niên.
          Và nhất là bài thơ khoán thủ "Tứ bửu linh tự" sau đây của Đức Phật Thầy Tây An sáng tác còn lưu truyền đến nay mà nhiều người được biết:
Bửu Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên.
Sơn Trung Sư Mạng Địa Nam Tiền.
Kỳ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,
Hương Xuất Trinh Sinh Tạo Nghiệp Yên.
          Đây là một bài thơ thuộc loại "tung hoành dọc", nghĩa là đọc bề dọc cũng có nghĩa mà đọc bề ngang cũng có nghĩa. Cứ theo chiều dọc đọc xuống, chúng ta sẽ có một bài thơ bảy câu bốn chữ:
Bửu- Sơn  Kỳ- Hương ,
Ngọc Trung Niên Xuất,
Quân Sư Trạng Trình.
Minh Mạng Tái Sinh.
Thiên Địa Tân Tạo.
Việt Nam Phục Nghiệp.
Nguyên Tiền Quốc Yên.
          Mỗi câu đều có nghĩa, mặc dù trong đó chứa nhiều ẩn tự ẩn ngữ, cần phải hiểu cách chiết tự đảo cú mới khám phá được lý diệu mầu huyền bí (1)
          Nói tóm lại Đức Phật Thầy Tây An dùng bốn chữ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương làm tông danh, với ý nghĩa là để ghi dấu chỗ phát tích của tông phái do Ngài sáng lập và báo tin một chuyển biến lớn trong đời sống của dân tộc Việt Nam.
          Ngoài ra bốn chữ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương còn hàm súc những giáo pháp mà Ngài xướng xuất để hóa độ chúng sinh trong buổi Hạ Nguơn để kịp kỳ đi đến Hội Long Hoa và tạo lập đời Mới.


         

Bửu- Sơn  Kỳ- Hương được xem như hậu thân của phái Trúc Lâm Yên Tử. Thật thế, Đức Phật Thầy Tây An quả xứng đáng là vị thừa kế của Thiền phái đời Lý, đời Trần, vì Ngài đã tạo cho Việt Nam một nền Phật-giáo dân tộc.
          Sở dĩ các tổ Trúc Lâm gây được thịnh huống cho đạo Phật đời Trần là nhờ biết khai thác và làm phát triển ba yếu tố: tinh thần dân tộc, đối cơ và hoàn cảnh.
          Về phương diện dân tộc tinh, Trúc Lâm Yên Tử là một Thiền phái hoàn toàn Việt Nam từ cách đặt tên đến nghi thức hành đạo.
          Về phương diện đối co, pháp môn Thiền Tịnh song tu rất thích hợp với trình độ của con người ở thời kỳ Tượng pháp, gồm có hạng hạ căn cần tu cầu tha lực và hạng thượng căn đủ sức tu tự lực.
          Về phương diện hoàn cảnh, chủ trương nhập thế và xuất thế rất phù hợp với tinh thần của một xã hội đang đòi hỏi sự nỗ lực của tăng lẫn tục trong công cuộc để tỉnh tinh thần hy sinh để bảo vệ lãnh thổ và giữ vững tín ngưỡng quốc gia chống lại mọi cuộc xâm lăng bờ cõi ở phía Bắc và mọi sự uy hiếp dị giáo ở phía Nam.
          Cũng như phái Trúc Lâm Yên Tử. Đức Phật Thầy Tây An đã nắm vững ba yếu tố ấy khi đứng ra phát động phong trào chấn hưng Phật-giáo.
          Cho được nhận rõ vai trò Bửu- Sơn  Kỳ- Hương trong công cuộc phục hoạt đạo Phật đời Lý đời Trần, thiết tưởng nên hiểu qua quá trình phát triển cùng chủ trương và giáo lý của Đức Phật Thầy Tây An.
          Sinh năm 1807, năm Gia Long thứ 6 nhưng đến năm 1850 tức năm Tự Đức thứ 3. Đức Phật Thầy Tây An mới ra mở đạo và tịch năm 1856, tức là thời kỳ trong nước gặp nhiều cuộc loạn lạc. Tam giáo: Nho, Lão, Phát, suy vi.
          Trong đời Lê và Nguyễn là thời kỳ Nho học độc tôn, thế mà nhìn về sĩ phong, Lê Quí Đôn không khỏi than rằng: "Quốc gia khôi phục thừa sau khi nhiễu nhương thì nhà nho vắng vẻ; đến đời Hồng Đức mở rộng khoa mục thì kẻ sĩ xô về hư văn; đời Đoan Khánh trở đi thi sĩ tập suy bại quá lắm". Ở thời kỳ Nho học độc tôn mà Nho giáo còn hư hèn như thế thì đủ biết tình trạng suy đồi của Đạo giáo và Phật-giáo.
          Chính trong hoàn cảnh đen tối ấy. Đức Phật Thầy Tây An ra đời, mở cơ phổ hóa, không nói ta cũng thấy khó khăn là bực nào.
          Công cuộc đề khởi tinh thần sùng mộ đạo sanh không khác cách tri binh của một ông thầy thuốc giỏi. Ông lương y phải rõ bịnh căn để châm thế thuốc thang cho phù hợp với trạng thể của con bịnh thế nào thì người đứng ra hoằng dương giáo pháp cũng phải hiểu rõ can tinh và hoàn cảnh của chúng sinh để đưa ra pháp môn cho được xứng cơ như thế ấy. Bằng chẳng hiểu can cơ thì chẳng khác người cho thuốc mà không rõ bịnh căn, đã không hết bịnh, tâm thì còn hại đến thân.
          Là một đấng sáng tỏ, thông đạt huyền cơ, với lại có sứ mạng lâm phàm dìu dắt chúng sinh trong thời kỳ mạt hạ. Đức Phật Thầy Tây An thấu rõ căn bịnh ngặt nghèo  của chúng sinh nên đưa ra một phương thuốc vô cùng hiệu nghiệm.
          Ngài thành lập giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương và khai thị pháp môn Tu Nhân học Phật, vừa phấn phát tinh thần dân tộc, vừa phù hợp với căn cơ chúng sinh trong thời kỳ mạt pháp và hoàn cảnh ác liệt sắp đưa đến cảnh quốc phá gia vong.
          Với bốn chữ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương, một danh hiệu hoàn toàn Việt Nam, Ngài gọi lại tinh thần dân tộc của phái Trúc Lâm Yên Tử đã phai mờ trong mấy trăm năm loạn lạc, Trịnh Nguyễn phân tranh. Cái tinh thần dân tộc ấy chẳng những biểu lộ trên tông danh mà còn hàm chứa trong pháp môn Tu Nhân học Phật.
          Về phương diện Tu Nhân. Ngài xướng xuất Tứ Ân Hiếu Nghĩa để dịu dắt con người trở lại với đạo Nhân là căn bản của con đường đưa đến mục đích cuối cùng giải thoát.
          Trải qua mấy mươi năm binh cách, những thuần phong mỹ tục đều đổ nát. Con người  không còn thiết gì đến hiếu trung nhân nghĩa. Trong gia đình mọc lên  thứ con bất hiếu, ngoài xã hội đầy dẫy hạng bất lương. Với cái tinh thần suy đồi đọa lạc dường ấy mà đem những giáo lý cao siêu của Thiền tông ra giảng giáo thì chỉ làm cho họ thêm chán chê, chớ không mong gì thức tỉnh được. Và lại nền tảng của hầu hết các đạo giáo đều xây dựng trên đạo Nhân. Nếu Nhân đạo không tròn, vị tất đã hành được Phật đạo. Thử nghĩ, một người mà đối với cha mẹ trong nhà không có hiếu, đối với xã hội không có nhân, thì phỏng có trở nên một tín đồ thuần thành của đạo Phật chăng?
          Phương chi sách Liên Tông Bửu Giám có viết: "Hiếu dưỡng vi bách hạnh chi tiên, hiếu tâm tức thị Phật tâm, hiếu hạnh vô phi Phật hạnh, dục đắc đạo đồng chư Phật, tiên tu hiếu dưỡng nhị thân". Điều hiếu dưỡng là đứng đầu đức hạnh. Tâm hiếu thảo tức là tâm của Phật vậy; hạnh hiếu thảo đâu chẳng là hạnh của Phật. Vậy muốn đắc đạo ngang hàng với chư Phật, trước hết khá nên hiếu dưỡng mẹ cha.
          Thiền sư Trường Lộ Sách cũng nói: "Hiếu chi nhất tự, chúng diệu chi môn. Phật ngữ dĩ hiếu vi tông". Một chữ hiếu là cái cửa đi đến muôn diệu. Lời Phật lấy hiếu làm gốc.
          Kinh Đại Tập còn nói rằng: "Nếu đời không có Phật xuất thế mà thờ cha mẹ một cách hoàn thiện tức là thờ Phật vậy."
          Sách nho cũng nói: "Thiên Kinh vạn điển, hiếu nghĩa vi tiên". Ngàn kinh muôn điển, hiếu nghĩa là đầu.
          Thì ra cả Phật lẫn Nho đều nhận sự hiếu thảo là đầu của các hạnh. Người không có hiếu thảo đối cha mẹ thì còn mong làm được việc gì.
          Đạo hiếu đã quan trọng dường ấy; thế nên, phàm muốn cho người trở lại với đạo nghĩa, trước hết phải gây cho được đức hiếu thảo. Trong gia đình có làm được đứa con hiếu thì ngoài xã hội mới làm được người dân có nghĩa.
          Hành được hai điều hiếu nghĩa tức là xử vẹn bổn phận làm người, không hổ với Bốn Ân đã mang nặng. Phàm sanh ra làm người, mấy ai chẳng mang lấy Bốn Ân:
1. Ân của tổ tiên cha mẹ tạo nên hình vóc con người, nuôi dưỡng cho đến khi thành nhân khôn lớn. Vậy phận làm con phải một lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ.
2. Ân của đất nước bọc đùm che chở cho thân được yên, nhà được vững. Vậy phận làm dân phải hết lòng bảo vệ quê hương xứ sở.
3. Ân của Tam bảo tức Phật, Pháp, Tăng đã đào luyện nên người hiền đức, chỉ rõ con đường giải thoát khỏi nẻo mê lầm. Vậy phận làm môn nhân phải hết dạ kính thành, xiển dương phổ hóa.
4. Ân của đồng bào nhân loại đã khó nhọc làm lụng để cung cấp cho đời mọi nhu cầu cần thiết. Vậy phận làm người phải giúp đỡ thương yêu, không vì mình hay đồng bào mình mà gây ra tai hại cho kẻ khác, dân tộc khác.

Nói tóm lại, phàm sanh ra làm người, không ai là chẳng mang nặng Bốn Ân vừa kể. Có trả được Bốn Ân ấy mới phải là con người có Hiếu, có Nghĩa, mới làm xong cái đạo làm người. Nó là nền tảng của tất cả các đạo giáo trên thế gian. Nó là bước đầu của con đường tiến lên quả vị Phật Thánh. Nếu bổn phận làm người mà không rồi thì đừng mong bước lên con đường Đạo.
          Tế Điên Hòa thượng có nói rằng: "Dục tu Tiên đạo, tiên tu nhân đạo, nhân đạo bất tu, Tiên đạo viễn hỷ". Muốn tu đạo Tiên Phật, trước phải tu đạo làm người. Đạo làm người mà không tu thì đạo Tiên Phật khó đến vậy.
          Không ai bỏ con đường Tu Nhân mà thành được Phật-đạo, Đức Phật Thích Ca trước khi đắc đạo, hằng bao nhiêu số kiếp hành nhân đạo. Nhờ những công hạnh thi thiết trong giai đoạn nhập thế đắp bồi, tích lũy sâu dày mà Đức Phật chóng đạt thành quả vĩ trong giai đoạn xuất thế.
          Xem đó đủ thấy, muốn xuất thế trước phải hoàn thành giai đoạn nhập thế, muốn tu Phật đạo, trước phải tu Nhân đạo, cũng như muốn cất nhà trước phải xây nền đắp móng cho vững chắc. Ví bằng chẳng hành xong đạo làm người mà muốn đạt thành quả vị Thánh Tiên thì cũng chẳng khác người cất nhà mà không chịu đắp móng xây nền.
          Công cuộc chấn hưng Phật giáo cũng thế. Từ trước đến nay, nhà Thiền sở dĩ được sum nghiêm, tăng ni được yên ổn tu trì là nhờ thiện nam tín nữ sùng mộ đạo đức, ủng hộ cúng dường. Sự phồn thịnh phấn phát Phật giáo, xem đó, đều do lòng ngưỡng đạo của đàn na, tức hạng tại gia cư sĩ . Sau mấy trăm năm loạn lạc, nhân dân khốn khổ, tàn thất gia đình, đời sống đã không yên, còn đâu tinh thần hộ trì Phật-pháp. Gia dĩ, những sự đàn áp, những tà thuyết mê tín dị đoan thừa cơ hội khởi lên. Những người dối thế trốn đời lần lần; đột nhập vào cửa thiền, đó là những duyên cớ khiến cho tín đồ một ngày một mất đức tin, xa dần cửa đạo.
          Nay muốn chấn hưng đạo Phát, thiết tưởng, việc xây dựng tín đồ để làm nền tảng là điều cần phải thi thiết trước hết. Một đoàn thể mà không có đoàn viện còn có thể thành là một đoàn thể chăng, hà huống là đạo Phật lại không có tín đồ nhà Phật thì làm sao phát triển cho được. Nhưng cho được trở thành một tín đồ nhà Phật, tức hạng người làm theo lời Phật dạy với hy vọng sau này thành Phật thì ít nhất cũng phải là người hiếu từ  với cha mẹ, nhân ái với mọi người, nghĩa là phải làm tròn nhân đạo.
          Chính nhận rõ cái động nhân ấy, nên chi Đức Phật Thầy Tây An, muốn khôi phục cái thịnh huống đạo Phật đời Lý đời Trần, cũng phải bắt đầu xây dựng cái nền tảng tu nhân trước, để một mặt chấn chỉnh cuộc đời và một mặt khác chấn hưng Phật đạo. Hai phương diện này không thể thực hiện lẻ loi riêng rẽ: vì rằng mục dích của sự chấn chỉnh cuộc đời là để làm cơ sở cho sự chấn hưng Phật đạo, cũng như sự chấn hưng Phật đạo là để hoàn mỹ cuộc đời. Đời với Đạo liên quan mật thiết nhau, không thể có Đạo mà không Đời, hay có Đời mà không Đạo.
          Con đường tiến hóa nhân loại là con đường hướng thượng từ bậc thấp tiến lên bậc cao, từ chỗ không tự do tiến đến chỗ cuối cùng giải thoát. Thế nên việc Tu Nhân cũng chỉ là để trang nghiêm đoạn đường nhập thế, làm nấc thang bước lên đoạn đường xuất thế. Vì vậy mà đồng thời với Tu Nhân, Đức Phật Thầy Tây An còn chủ trương Học Phật.



          Diệu dung của Phật pháp là luôn luôn khế lý và khế cơ, Khế lý thộc về thể, còn khế cơ thộc về dụng. Thế nên muốn hoằng dương giáo pháp phải biết ứng dụng cho khế hợp với căn cơ chúng sinh thì sự phổ hóa mới có hiệu quả.
          Đức Phật Thầy Tây An, khi dựng lên phái Bửu- Sơn  Kỳ- Hương để khôi phục thịnh huống đạo Phật đời Lý đời Trần, mặc dù chỗ lập giáo không khác phái Trúc Lâm Yên Tử, nhưng cho được phù hợp với căn tính của chúng sinh. Ngài không thể lặp lại y nguyên pháp môn Thiền Tịnh song tu mà không có sự châm chước.
          Là bậc thấu rõ cơ huyền, Đức Phật Thầy Tây An trước hơn ai hết, báo tin cho chúng sinh biết rằng đời Hạ nguơn sắp dứt, Long Hoa hội sắp khai để chọn lọc kẻ hiền lương lập lên đời Thượng nguơn an lạc. Chẳng những Ngài nhận rõ máy tuần huờn, mà Ngài còn thấu rõ căn tính của chúng sinh trong thời kỳ mạt pháp, hầu hết đều phước ít tội nhiều, khó lĩnh hội những giáo pháp cao siêu như chúng sinh ở đời Trần đời Lý
          Thế nên, giáo pháp mà Ngài đưa ra hoằng hóa, cho được thích hợp với thời kỳ và căn khí của chúng sinh, hẳn phải khác hơn phái Trúc Lâm Yên Tử.
          Thời kỳ đã gấp rút, dân chúng vốn thiểu căn, một pháp môn đối cơ không thể có tính chất trường kỳ và cao viễn; vì rằng trường kỳ thì không kịp trang nghiêm hạnh lành, còn nếu cao viễn thì chúng sinh đã không thể lĩnh hội mà còn sinh lòng chán ngán.
          Phải gấp rút và dễ hành, đó là hai điều kiện tối yếu, cũng là hai đặc tính mà những pháp môn đưa ra giáo hóa trong thời kỳ này cần phải có. Nếu thiếu đi dù có được nhiều trợ duyên cũng không sao gây được thịnh huống trong đạo Phật, vì lẽ không được chúng sinh sùng mộ và qui ngưỡng theo.
          Đã hiểu rõ hai đặc tính cốt yếu ấy, nên chi Đức Phật Thầy Tây An không lặp lại chủ trương của phái Trúc Lâm Yên Tử mà xướng xuất phép tu gồm cả ba của Mật, Tịnh và Thiền.
          Sau mấy trăm năm loạn lạc, dân chúng cơ hồ mất hết tin tưởng, đâm ra ngờ vực đối với Phật-pháp. Gia dĩ, sự suy lạc của nhà Thiền do các tập tục mê tín dị đoan thịnh khởi, càng làm cho lòng ngờ vực thêm tăng trưởng. Trong lúc đó lại được luồng gió văn minh vật chất thổi vào  càng dễ lôi cuốn người đời ngã theo dục lạc và ưa thích những cái hữu hình hữu ảnh là những vật mang lại khoái cảm về thị dục và thính dục.
          Trong lúc tinh thần dân chúng chỉ thích cái gì đem lại kết quả nhãn tiền có thể thấy được, thực tiễn đem lại lợi ích cho bản thân, mà đưa giáo pháp cao siêu ra giảng hóa thì chẳng những người đời không sùng mộ mà còn buông lời nhạo báng cười chê là khác.

          Vả lại, tâm lý chung của người đời bao giờ cũng ham sống sợ chết, luôn luôn quí trọng thân mạng, vậy nên, cái giáo pháp nhiếp hóa hữu hiệu nhất là những ai biết đem lợi lạc cho kẻ khốn cùng, đem sự mạnh lành cho người đau ốm.
          Chính nhận rõ tâm lý ấy, cho nên Đức Phật Thầy Tây An, muốn gây lấy đức tin ở hạng người thiểu căn thiểu đức ở buổi Hạ nguơn, không sao chẳng thi thiết giáo pháp ;huyền diệu của Mật tông.
          Mật tông cũng gọi Chân ngôn tông là một tông phái lấy pháp tu trì bí mật làm yếu chỉ. Giáo pháp không xướng xuất bằng cách giảng dạy mà bằng những mật ngữ, phù chú và ấn quyết để lạm phép huyền bí. Nó có năng lực đem lại sự an lành và xua trừ các tai hoạn.
          Tông này rất thịnh ở Trung Hoa nhưng về sau thất truyền vì khó thi hành; nay chỉ còn thịnh ở Tây Tạng và Nhật Bản. Ở Việt Nam, vào đời Lý có những tăng như Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh tu theo Mật giáo, có nhiều phép nhiệm, danh tiếng còn truyền đến nay.
          Vì là một giáo pháp chỉ truyền nhau bằng mật ngữ và khó tu chứng, cho nên ít người chịu tu. Người muốn tu phải lắm công phu tập luyện trì chú và kết ấn, ngoài ra còn phải được minh sư chỉ dạy mới không ai lạc, có hại cho huệ mạng.
          Đức Phật Thầy là một bực chứng chân đắc pháp, nên khi ra đời không ngại dùng những thuật huyền bí của Mật giáo cứu độ chúng sinh. Gặp lúc dân chúng mặc nạn ôn dịch. Ngài đã dùng phép huyền diệu chữa trị thần linh. Chỉ với một chung nước lã. Ngài niệm chú rồi cho uống, thế mà trăm bịnh trăm lành. Ngoài ra, Ngài còn dùng phép huyền điệu chữa các bịnh tà như điên cuồng, trùng tang,. mắc đàng dưới. Ngài còn biến hiện nhiều diệu thuật khi bị nhà cầm quyền lúc bấy giờ thử thách.
          Nhờ những phép diệu cứu độ chúng sinh, cho thấy rõ hiển chứng mà người đời nhất là những người mắc bịnh được chữa lành, đều đem lòng tin tưởng, qui ngưỡng theo rất đông.
          Chẳng những thi thiết phép diệu mà Ngài còn truyền cho môn nhân đệ tử để đi cứu đời độ thế. Những cao đệ như Đạo Xuyến, Đạo Sang, Đình Tây, Đạo Lập… đều được Ngài truyền mật pháp mà đắc thần thông. Trong lúc Ngài còn trụ thế cũng như sau lúc Ngài tịch diệt, các môn đệ phân nhau đi hóa độ khắp các tỉnh miền Nam và Cao miên. Về các tỉnh miền Tây thì có Đạo Sang, Đạo Lập, Đạo Ngoạn, Đạo Ới, Đạo Thắng… mở cơ phổ độ, còn về các tỉnh miền Đông thì có Đạo Xuyến đi Đức Phật Thầy Tây An hóa. Riêng về các tỉnh  dài theo ranh giới Cao miên thì có Bà Năm, Chòm Dầu và cậu hai Lãnh tục gọi cậu hai Gò sặc lãnh phân giáo độ.
          Thành thử, chẳng bao lâu, khắp các tỉnh miền Nam, nơi nào cũng có đạo Bửu- Sơn  Kỳ- Hương truyền bá đến. Có thể nói, chỉ nhơ thi thiết các pháp huyền diệu của Mật giáo để cứu thế độ dân mà phái Bửu- Sơn  Kỳ- Hương đem người đời từ chỗ thiếu tin tưởng đến chỗ tin tưởng.
          Khi còn trụ thế, chính Đức Phật Thầy truyền dạy cho đệ tử các mật chú và phép thần thông nhưng sau đó thì các đệ tử không còn truyền dạy cho ai ngoài những người trong thân tộc một vài cách chữa trị. cốt để giữ cho còn tinh thần và ngọn lửa thiêng của Mật giáo không tắt. Dù vậy, thỉnh thoảng lâu lâu cũng có vài phần tỏ ngộ ra đời dùng các phép mầu nhiệm cứu thế độ dân không khác Đức Phật Thầy hay các vị hiền thủ. Đại để như trường hợp của Đức Bổn Sư ở núi Tượng và gần đây Đức Huỳnh Giáo chủ cùng một số môn nhân đệ tử của phái Bửu- Sơn  Kỳ- Hương, Thành ra, tuy không có lối "Tổ tổ tương truyền", nhưng nhờ có các vị tỏ ngộ ra đời mà giáo pháp Mật tông vẫn luôn luôn được xiển phát trong giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương. Gần đây, xuất hiện nhiều vị chữa trị bịnh nhân bằng những phương pháp kỳ diệu, như dùng nước lạnh cho uống, hoặc hốt thuốc bằng lá xoài là da, hoặc dùng cây móc tai chích vào chỗ đau, hoặc dùng điện lực thoa vuốt… đều là những người được mật truyền phép nhiệm.
          Sự truyền dạy không do một vị tỏ ngộ này truyền lại cho một vị khác như Đức Phật Thầy cùng các bậc hiền thủ trước kia thi thiết, mà lại truyền bằng cách mật nhiệm do cơ duyên. Cách truyền mật nhiệm ấy đã được Đức Huỳnh Giáo chủ bộc lộ trong câu:
Giấc mộng vàng đặng truyền đại đạo.
Cảnh vô sanh lòng bạo mà mê.
          Thì ra, sự truyền thừa giáo pháp Mật tông vẫn còn tiếp tục trong Bửu- Sơn  Kỳ- Hương nhưng không bằng lối hiển cụ mà bằng lối vô binh, chỉ riêng có người được truyền tự biết. Phải chẳng vì tránh sự ganh tỵ giữa các môn nhân mà các bậc chân sư truyền bí pháp trong mộng cho những người mà mấy Ngài nhận thấy phái Bửu- Sơn  Kỳ- Hương lâu lâu lại có một vài vị chứng ngộ ra đời đem những điều của mình được mật truyền ra cứu dân độ thế.
          Nhưng dù sao, những phép màu nhiệm cũng chỉ có giá trị để thức tỉnh người đời nhất là hạng thiểu căn, hơn là giáo hóa. Đức Huỳnh Giáo chủ có chỗ nhận rằng: "Ta tùy trình độ cơ cảm của tín nữ  thiện nam trên thì nói Phật pháp cho kẻ có lòng mộ Đạo qui căn, gây gốc thiện duyên cùng Thầy Tổ, dưới dùng huyền hiệu của Tiên gia độ bịnh để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của chư vị…" Như thế, phép nhiệm có được thi thiết, cũng là việc bất đắc dĩ, chỉ dùng trong giai đoạn mà lòng người chưa có tin tưởng, còn nghi ngờ đối với Phật pháp hay quá thiên trọng về hình thức về những cái gì linh nghiệm.
          Cái lực dụng của phép nhiệm, dẫu rằng có hiệu quả và hữu ích trong sự gây lấy đức tin để hướng dẫn vào con đường giải thoát, nhưng nó cũng dễ trở thành nguy hại khi nó vượt quá cái giới hạn ấy. Vì rằng đời người  bởi quá trọng về hình tướng nên chỉ có thể tin những gì cho họ thấy được hiệu quả nhãn tiền, cho nên một khi không có phép nhiệm thì lòng tin của họ dễ phai lợt và dễ hướng theo những điều nhảm nhí, mê tín dị đoan.
          Vả lại, về phép nhiệm thì chẳng có đạo tà nào là chẳng hành được, nhưng ít khi chúng thi thiết vào việc thiện mà chỉ lợi dụng vào việc làm mê hoặc lòng người với những mục đích xấu xa đen tối. Những người ham linh nghiệm thường dễ bị chúng cám dỗ.
          Vì thế, những bực tỏ ngộ chỉ xem phép nhiệm là một phương tiện và bất đắc dĩ phải dùng đến để độ kẻ thiểu căn; nhưng khi gây được lòng tin tưởng đối với Phật pháp rồi thì không còn dùng đến nữa. Xưa kia Đức Phật cũng chỉ dùng phép nhiệm trong những trường hợp đặc biệt và bằng ngăn cấm môn đệ dùng đến, sợ dân chúng hiểu lầm giáo pháp của Ngài với tà đạo. Đức Phật Thầy Tây An và gần đây Đức Huỳnh Giáo chủ cũng thế. Trong những buổi đầu, mấy Ngài dùng phép nhiệm chữa trị bịnh căn cho người kém tin tưởng sớm thức tỉnh cảm lấy ơn cứu độ mà qui ngưỡng tu hành. Nhưng về sau, khi người đời đem lòng mộ đạo thì mấy Ngài không còn thi thiết nữa.
          Đã hiểu như thế, nên chi Mật giáo đối với Đức Phật Thầy chỉ là một phương tiện để gây niềm tin tưởng trong thời kỳ mà con người quả thiên chấp về hình tướng và quay cuồng theo vật dục.
          Vai trò của Mật giáo là cốt dọn lấy miếng đất "lòng tin" để rồi có gieo hột giống Bồ đề chánh pháp. Thế nên, đồng thời với Mật giáo, Đức Phật Thầy Tây An còn khai thị phép tu Tịnh và tu Thiền.
         
* * *

          Những phép huyện diệu của Mật tông chẳng phải ai cũng có thể hành được. Ngay như ở Trung Hoa, Mật tông chỉ thịnh hành có một lúc rồi dần dần suy vi, cũng vì phép tu về mật chú và truyền ấn quyết rất khó, phi hạng người có căn cơ, chi nguyện lớn thì ít có ai đủ kiên nhẫn dể tu tập Mật tông đã khó hành như thế thì vị tất ở Việt Nam lại có nhân duyên gây thành một tông phái.
          Đức Phật Thầy Tây An đã thấu rõ cơ huyền thi đâu lẽ, trong lúc nhận thấy chúng sinh phần nhiều thiểu căn thiểu trí,   lại xướng xuất một pháp môn khó tu như Mật tông.
          Nhưng đứng trước những tâm trạng chỉ có thể tin những gì đem lại kết quả nhãn tiền, thấy được, nhận xét được, nếu không thi thiết những huyền diệu của Mật tông thì khó mà gây được lòng ngưỡng vọng của họ đối với Phật-pháp. Như thế mật tông hay những phép huyện diệu chỉ là một phương tiện để độ nhhững kẻ thiểu căn, chớ không thể xem đó là một pháp môn chính yếu, có thể gây thành qui mô hoàng đại và truyền thừa trong quảng đại chúng sinh.
          Mật tông đã là một pháp quyền, tạm thời thì thiết để dìu dắt chúng sinh đến pháp thiệt, nên sau khi dùng huyện diệu chữa trị con bịnh mạnh lành, nghĩa là sau khi gây cho họ có đức tin đối với Phật pháp, Đức Phật Thầy Tây An bèn đưa chúng sinh tiến thêm một bước nữa: Qui y Tam bảo.
          Pháp môn Mật tông trong sự gây dựng đức tin cho chúng sinh, có thể nói đến đây đã thành tựu, nhưng chẳng vì thế mà nó chấm dứt. Nó vẫn còn truyền thừa trong giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương và đó là một đặc trưng không một giáo phái nào có. Để có đủ phương tiện thức tỉnh chúng sinh và giữ mãi ngọn lửa "tin" không tắt. Đức Phật Thầy Tây An đã truyền mật pháp cho một số cao đệ và về sau, khi hệ thống truyền thừa hữu vi không còn thi thiết thì các vị hiển giáo trong giác hệ mặt truyền bằng phương pháp vô vi: trong mộng. Nhờ vậy mà lúc nào Mật tông cũng còn hiển chứng trong Bửu- Sơn  Kỳ- Hương.
          Vả chăng sứ mạng của Đức Phật Thầy Tây An và giáo hệ của ngài là hóa độ quảng đại chúng sinh trong thời mạt hạ, cho nên khi đã dùng lưỡi phãng "Mật tông " phát xong đám cỏ dại, dọn miếng đất hoang thành khoảnh có thể cày cấy trồng tỉa được thì Ngài không ngàn ngại đem ương hột giống "Phật pháp". Vì không dùng lưỡi phãng "Mật tông" dọn cỏ  "hoài nghi bất tín" mà đem hột giống "Phật pháp" đến gieo, chắc chắn là nó sẽ bị cỏ dại đè bẹp hay làm ung thúi: nếu còn chăng chỉ một số ít.
          Như vậy, muốn  ương hột giống "Phật pháp" không thể không dùng đến lưỡi phãn "Mật tông" dọn cỏ trước.
          Miếng đất đã dọn xong, bây giờ là đến lúc gieo trồng. Nhưng nếu là một nhà nông thiện nghệ thì điều trước tiên phải xem chất đất ấy thích hợp với giống cây nào rồi mới chọn giống đến ương: ví bằng không xem đất và chọn giống thì cũng là một việc làm hoài công phí của.
          Về phương diện hoằng dương giáo pháp cũng thế. Một giáp pháp cho được phù hợp với căn tinh của chúng sinh phải là một giáo pháp đối cơ. Vậy trong lúc dân chúng phần đông thiểu căn thiểu trí, mất cả lòng tin tưởng đối với chánh pháp có thể đem giáo lý cao siêu phổ hóa được chăng?
          Hẳn là không thể được. Thế nên sau khi dùng huyền điệu chữa trị cho chúng nhân khỏi bịnh để gây nơi họ lòng tin tưởng đối với Phật-pháp. Đức Phật Thầy Tây An, tiến đến một bước nữa là dạy họ Niệm Phật, một phép tu thích hợp với thời kỳ Hạ nguơn ác thế và đễ hành đối với hạng sơ cơ.
          Thật thế đối với những tâm hồn cơ hồ mất cả đức tin, phải nhờ huyền diệu mới thức tỉnh được mà khai thị một pháp môn khó tu thì hẳn là không thể khai thị một pháp môn khó tu thì hẳn là không  thể nào họ hành nổi; mà dầu có hành đi nữa cũng không bền lâu.

Phương chi, trong nhiều kinh Phật và hầu hết các tổ Tịnh độ tông đều nhận rằng vào thời mạt phạp, chỉ có pháp môn Niệm Phật là thù thắng hơn hết, bởi nó dễ hành đối với tất cả các hạng chúng sinh mà kết quả lại chắc chắn nữa.
          Kinh Đại Tập nguyệt tạng có nói : Ức triệu chúng sinh trong thời kỳ mạt pháp theo đạo tu hành mà chưa có một người được chứng quả là vì đời ngũ trược ác thế tạp học khó thành, chỉ có một môn niệm Phật là dễ thông vào đường đạo mà thôi.
          Ngài Thiên Như Hòa thượng cũng nói rằng: Chánh pháp, tượng pháp chi hậu, chư kinh diệt tận, chỉ lưu "A di đà Phật" tứ tự cứu độ mạt pháp chúng sinh. Có nghĩa: Sau khi chánh pháp và tượng pháp qua rồi thì các kinh lần lần hoại hết, chỉ còn lại bốn chữ "A di đà Phật" cứu độ chúng sinh trong đời mạt pháp.
          Huống chi với pháp môn niệm Phật chẳng ai là chẳng hành được, người làm quan cũng niệm được, người đi buôn bán cũng niệm được, người đi cày bừa cũng niệm được; bất cứ  lúc nào dù đi đứng nằm ngồi, đều niệm Phật được cả. Pháp môn đã dễ thọ trì như thế mà kết quả đâu phải là khó đạt thành.
          Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật có nói rằng: Ức Phật niệm Phật, hiện tiền dương lai, tất định kiến Phật, bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai: Nhớ Phật niệm Phật thì lúc hiện tiền hay là lúc đương lai, quyết định thấy Phật, chẳng cần phương tiện mà tự nhiên tâm đặng khai thông.
          Pháp môn đã phổ thông và đễ thọ trì như thế, nhưng muốn cho được chắc chắn ở kết quả vãng sinh, Đức Phật Thầy Tây An, ngoài việc dạy niệm Phật, còn khuyến tấn thực hành một vài công hạnh về đạo  nhân, không khác lời dạy trong kinh Quán Vô lượng thọ Phật: Muốn sanh về Tịnh độ phải tu ba phước:
1. Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ các bực sư  trưởng, giữ lòng hiền lành không giết hại sanh mạng và tu mười nghiệp hiện
2. Thọ trì pháp tam qui, cụ túc các giới hạnh và đừng phạm uy nghi
3. Phát tâm Bồ đề, tin lý nhân quả và đọc tụng các Kinh Đại thừa.
Cứ xét ba điều phước trên đây, chúng ta nhận thấy đó là cả pháp môn Tu Nhân và Học Phật mà Đức Phật Thầy Tây An đã xướng xuất.
          Những điều như hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ các bực sư trưởng giữ  lòng hiền mà không giết hại sinh mạng và tu mười nghiệp thiện chính là những điều thuộc về Hiếu nghĩa Tứ Ân, những điều căn bản của Tu Nhân.
          Đến như: thọ trì pháp tam qui, cụ túc các giới hạnh, đừng phạm các uy nghi, phát tâm Bồ đề, tin lý nhân quả và đọc tụng các Kinh Đại thừa, đều là những điều hoàn toàn thuộc về Học Phật.
          Thế là, đồng thời với việc khuyên tu niệm Phật Đức Phật Thầy Tây An đã xây dựng nền tảng của Tu Nhân.
          Trong lúc chúng sinh còn bỡ ngỡ trước giáo pháp của Phật, chưa lìa được mọi ràng buộc của gia đình và xã hội thì chỉ có pháp môn Niệm Phật và Tu Nhân là thích hợp với hạnh tu tại gia của họ.
          Cho nên để tiếp nhận tất cả mọi hạng người vào nhà Phật, Đức Phật Thầy Tây An đã từ cửa ngõ "Mật tông" dìu dắt mọi người bước lên thềm "Tịnh độ". Vì là nấc thang dễ bước nên chẳng ai, sau khi được "Mật tông" mở cửa "Tín Tâm", mà không vững dạ đi vào.
          Lúc mới vào nhà"Tịnh độ", mặc dù hơi mới lạ, nhưng chẳng bao lâu khi thi thiết được  vài công hạnh về Tu Nhân thì lại muốn lục hành nhiều công hạnh khó khăn hơn. cũng như học sinh khi học xong chương trình tiểu học thì vững lòng muốn bước lên bực trung học.
          Chương trình hóa độ của Đức Phật Thầy cũng thế. Sau khi dùng "Mật tông" gây lấy đức tin cho mọi người, Ngài bèn khai thị pháp môn Tịnh độ tức là pháp môn niệm danh hiệu Đức Phật A di đà cầu lấy tha lực tiếp độ vãng sanh về cõi Cực lạc, một phép tu. dù hạng sơ cơ cũng có thể lãnh thọ, Nhưng ngoài phép tu tha lực phổ thông cho tất cả các hạng người. Đức Phật Thầy còn khai thị phép tu tự lực, dành riêng cho những người có căn cơ và đủ nghị lực hành tri.
          Tuy phân biệt có phép tu khó, phép tu dễ, nhưng trong thời kỳ mạt pháp nầy không thể tu Thiền mà chẳng tu Tịnh hay tu Tịnh mà chẳng tu Thiền; vì rằng hai phép tu: tự lực và tha lực, nếu cùng song hành thì hiệu quả chẳng những chắc chắn mà lại mau chóng. Ngài Vĩnh Minh Thiền sư há chẳng nhận:
Có Thiền tông, có Tịnh độ.
Như thêm sừng cho mãnh hổ.
Hiện tại thì làm thầy người,
Vị lai thì làm Phật tổ.
          Như thế, Đức Phật Thầy Tây An cũng đồng chủ trương Thiền Tịnh song tu như phái Trúc Lâm Yên Tử, nhưng vì thời kỳ và căn cơ của chúng sinh có khác, cho nên mặc dù cùng chủ trương tu tự lực và tha lực, song phương pháp của Đức Phật Thầy có khác, Phái Trúc Lâm Yên Tử lấy Thiền làm chánh tông, còn Tịnh làm trợ tông cho nên qui hướng cả về con đường xuất thế. Đức Phật Thầy Tây An, bởi ra đời giữa thời Hạ nguơn mạt pháp, chúng sinh đa số đều căn tính cạn cợt, cho nên, cũng đồng chủ trương Thiền tịnh song tu, nhưng đặt Tịnh làm chánh tông, còn Thiền làm trợ tông và quy hướng về con đường nhập thế để chuẩn bị cho bước đường xuất thế về sau.
          Do căn linh chúng sinh của hai thời kỳ không đồng mà phương pháp giáo hóa của Đức Phật Thầy Tây An có khác hơn của phái Trúc Lâm Yên Tử. Cho được phù hợp với trình độ của còn người Hạ nguơn hạ, Đức Phật Thầy xướng xuất Bửu- Sơn  Kỳ- Hương với pháp tu gồm cả Mật, Tịnh, Thiền.
          Chính nhờ thi thiết Mật tông cứu dân độ bịnh bằng những phương pháp huyền diệu mà Đức Phật Thầy và giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương gây được lòng tin tưởng của chúng sinh. Rồi từ chỗ sơ tín, chúng sinh được tăng trưởng đức tin bằng phép tu Tịnh độ và Hiếu nghĩa Tứ Ân. Nhưng khi hành được những điều tu phước và thập thiện, nghĩa là đi được đoạn đường Tu Giới thì với phép tu Thiền tông, hành giả sẽ tiến lên đoạn đường Tu Định và Tu Huệ.
          Nhờ phân ra ba đoạn đường: Mật, Tịnh, Thiền mà Đức Phật Thầy Tây An hóa độ tất cả các hạng người, từ hạng sơ cơ đến hạng thượng căn thượng tri, khôi phục cái thịnh huống trong đạo Phật như phái Trúc lâm. Sở dị sự giác tỉnh được sâu rộng dường ấy, phải nhìn nhận, một phần lớn là do kỳ công của mật tông dọn đường khởi tín, Đó là chỗ thù thắng nhất của Bửu- Sơn  Kỳ- Hương. Thật là một pháp môn đối cơ trong thời kỳ Hạ nguơn mạt pháp. Những người có bổn phận hoằng dương giáo pháp ở thời này mà không hành được hay không thị hiện các pháp truyền diệu của Mật tông thì dù có tạo nhiều trợ duyên, cũng khó mà phát động một phong trào sùng mộ đạo đức trong dân chúng.
          Nhưng Mật tông dù sao cũng chỉ là một yếu tố trong nhiều yếu tố để làm hưng khởi đạo Phật thi thiết thuần mặt Mật tông, chẳng những không đủ chấn hưng đạo Phật mà lắm khi còn có hại, vì nó dễ đưa người đến mê tín dị đoan.
          Thế nên, muốn gây thịnh huống cho Phật-giáo, ngoài yếu tố đối cơ, còn cần phải hoàn bị hai yếu tố nữa: Tinh thần dân tộc  và thích ứng hoàn cảnh.
          Chính nhờ biết khai thác và làm phát triển ba yếu tố: Tinh thần dân tộc. Đối cơ và Thích ứng hoàn cảnh mà Đức Phật Thầy Tây An xây dựng nên giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương và phát mạnh phong trào chấn hưng Phật-giáo.



          Sở dĩ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương gây được lòng sùng mộ trong dân chúng, phát động mạnh phong trào chấn hưng đạo Phật, phải nhận là nhờ giáo pháp thích hợp và hàm súc đủ ba tính chất: Dân tộc tinh, Đối cơ và Hoàn cảnh.  Đây chúng ta thử xét ba yếu tố ấy.
          Dân tộc tính:  cũng như phái Trúc Lâm Yên Tử, Bửu- Sơn  Kỳ- Hương là một danh phái hoàn toàn Việt Nam không trùng một danh phái nào khác. Chẳng những nó Việt Nam ở danh từ mà còn phù hợp với tinh thần dân tộc về pháp môn hành đạo.
          Việt Nam từ ngàn xưa là một nước sống về nông nghiệp, đương nhiên lấy gia tộc làm bản vị của xã hội. Trong gia đình chữ hiếu là giềng mối của đạo nhân, Từ thế hệ này qua thế hệ khác, nhờ có đạo hiếu, cụ thể hóa bởi sự thờ phượng tổ tiên mà sợi dây truyền thống không dứt.
          Sự bền chặt của gia tộc Việt Nam còn được củng cố bởi một tập tục mà Trung Hoa là nơi Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng về văn hóa, vẫn không có. Đó là luật lệ về quyền thừa kế và phần đất hương hỏa. Đại phàm di sản thuộc về gia tộc mà muốn phân tán cho những người thừa hưởng thì trong di sản ấy có một phần không ai được chia mà chỉ có người tộc trường mới được quyền giữ để thờ cúng tổ tiên. Nhờ vậy mà gia tộc, mặc dù cósư ly tán đi nữa vần tồn tại với sự thờ phượng ông bà cha mẹ.
          Thế nên, đối với dân tộc Việt Nam, sự sùng bái tổ tiên chẳng chỉ là một tập tục mà còn là mối tình thiêng liêng giữa thế hệ người sau với thế hệ người trước. Nhờ tinh thần gia tộc ấy ràng buộc mà dân tộc Việt Nam trải qua bao nhiêu cuộc biến thiên vẫn không bị đồng hóa hay mất gốc trong những thời kỳ ngoại thuộc.
          Lịch sử đã chứng minh rằng một nền đạo giáo hay tín ngưỡng nào muốn Đức Phật Thầy Tây An nhập vào Việt Nam mà không thể dung hợp với tinh thần dân tộc nhất là sự thờ cúng tổ tiên nếu không gặp sự chống đối mãnh liệt cũng rước lấy thái độ thờ ơ lạnh nhạt của dân chúng.
          Chỗ diệu dụng của Bửu- Sơn  Kỳ- Hương là biết dung hợp với sự sùng bái tổ tiên khi chủ trương thuyết Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
          Với điều ân mà con cháu có bổn phần đối với tổ tiên cha mẹ, đạo hiếu được đề cao và tinh thần dân tộc được phát huy hơn trước. Tinh thần gia tộc ấy còn được cụ thể hóa bằng sự sừng bái Cửu huyền Thất tổ, một hình thức thắt chặt tính gia tộc hơn bao giờ hết. Từ lâu lòng sùng kính tổ tiên chỉ biểu lộ trong những dịp lễ Tết hay lễ kỵ, lâu lâu mới kỷ niệm nhắc nhở một lần, nhưng nay với nghi thức sùng bái tổ tiên mà các tín đồ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương thường hành hằng nhựt, sự liên hệ giữa người hiện sinh với người quá vãng càng thêm nhâm thiết.
          Bởi có bổn phận lo đền đáp ân tổ phụ, kẻ hậu sinh chẳng lúc nào xao lãng trách nhiệm của mình đối với gia tộc; phải hành động cách nào để khỏi hổ với những di sản của tiền nhân để lại; phải vun trồng công đức thế nào  để sớm đắc quả chứng chơn hầu cứu vớt những vong linh của thân nhân đọa lạc. Đó là hai nghĩa vụ mà Bửu- Sơn  Kỳ- Hương đã đặt cho tín đồ của mình phải thực hành trong pháp môn Tu Nhân Học Phật.
          Nếu hoàn thành hai nghĩa vụ ấy, chẳng những đền được Ân Tổ tiên và Tam bảo mà còn đáp xong Ân Đất nước và Đồng bào nhân loại; vì rằng khi đề ra nghĩa vụ bảo vệ di sản tiền nhân là đặt cá nhân trước nghĩa vụ đối với Đồng bào và Đất nước.   
          Phương chi Đức Phật Thầy Tây An là một bực thông đạt huyền cơ, biết rằng vận nước sắp đến hồi quốc phá, dân tình rấp nạn gia vong, thế nên ngoài điều Hiếu đối với gia đình, Ngài còn đề ra điều Nghĩa đối với quê hương xứ sở.
          Chính nhờ đào luyện trong đạo Hiếu Nghĩa Tứ Ân mà tín đồ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương giữ tròn khí tiết trong hồi nước nhà thuộc quyền ngoại tri, Ông Trần Văn Thành tục gọi là Đức cố Quản và con là Trần VĂn Nhu cùng bao nhiêu liệt sĩ đều là tín đồ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương đã nêu cao chánh khí trong những trận kháng chiến chống Pháp. Ông Nguyễn Trung Trục cũng là một môn nhơn của phái Phật Thầy đã để lại trên lịch sử Việt Nam những trang kháng Pháp vẻ vang trong những trận KiênGiang và Nhựt Tảo.
          Đó là về phương diện tích cực; đến như về phương diện tiêu cực thì hầu hết tín đồ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương đều tỏ ra thái độ bất hợp tác với giặc Pháp trong suốt thời kỳ bị đô hộ.
          Thế là với pháp môn Hiếu Nghĩa Tứ Ân phái Bửu- Sơn  Kỳ- Hương đã làm sống lại tinh thần dân tộc trong môn nhân đệ tử của mình. Đó là yếu tố thứ nhất giúp Bửu- Sơn  Kỳ- Hương gây được lòng sùng mộ của đồng bào.
          Đối cơ : Nhưng ngoài yếu tố dân tộc tinh Bửu- Sơn  Kỳ- Hương còn thắng diệu ở yếu tố đối cơ.
          Là một bậc thông hiểu mây huyền, Đức Phật Thầy nhận rõ căn tính của chúng sinh trong thời kỳ mạt pháp phần nhiều thiểu căn thiểu trí, mất cả đức tin đối với chánh pháp, nên chỉ muốn gây lại lòng tin tưởng và cho được phù hợp với trình độ cơ cảm của chúng sinh. Ngài đã đưa ra phép Tu Mật, Tịnh, Thiền.
          Đặc biệt nhất là với phép nhiệm của Mật tông, các Ngài trong giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương đã hiền thị trong sự chữa trị mạnh lành nhiều bịnh nan y một cách thần diệu. Nhờ vậy mà những tâm trạng cơ hồ xiêu ngã theo làn sóng vật dục và vô thần bừng tỉnh lại. Họ bắt đầu khôi phục đức tin, Đó là cơ hội giúp cho các Ngài trong giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương dìu dắt họ bước vào cửa chánh pháp. Nhưng giáo pháp của Phật mặc dù có nhiều và rất kỳ diệu, song việc hoằng dương không thể thi hành một cách máy móc được. Chỗ thắng diệu của Phật-pháp là nó luôn luôn đối cơ.
          Với những người phải nhờ có huyền diệu mới thức tỉnh được thì dễ thường những giáo pháp cao siêu có thể lãnh hội nổi. Phương chi, người sanh vào thời kỳ Hạ nguơn mạt pháp này, theo như lời di chúc chúc của Phật và các kinh luận thì hầu hết là người hạ trí hạ căn.
          Một pháp môn đối cơ trong thời kỳ này phải là một pháp môn ai ai cũng có thể hành được. Mà pháp môn được các Tổ thừa nhận là "dị hành đạo" (đạo dễ hành), siêu thắng trong thời kỳ này chỉ có phép Tu  Tịnh độ tức phép tu niệm danh hiệu Đức Phật A di đà cầu vãng sanh về cõi Cực lạc.
          Đức Phật Thầy nhận rõ thời cơ và căn khí của chúng sinh, nên sau khi dùng huyền diệu của Mật tông để gây lòng tin tưởng đối với chánh pháp, chẳng ngại khai thị pháp môn tu Tịnh nghiệp. Vì là một pháp môn đối cơ, lại phù hợp với trình độ của tất cả chúng sinh  trong thời kỳ mạt pháp cho nên số người qui ngưỡng theo Bửu- Sơn  Kỳ- Hương càng lúc càng nhiều, gây thành một thịnh huống tu hành chưa từng thấy, Nhưng  ngoài phép tu Tịnh độ phổ cập cho tất cả các hạng người, Đức Phật Thầy còn khai thị phép tu Thiền tông cho hạng đại căn đại trí, và cũng là phương pháp trang nghiêm và trợ tưởng phép tu Tịnh độ. Thành thử với pháp mộn Mật, Tịnh Thiền, gồm cả tha lực và tự lực, Bửu- Sơn  Kỳ- Hương đã đáp ứng với căn cơ của tất cả chúng sinh. Chính đó là yếu tố thứ hai giúp cho Bửu- Sơn  Kỳ- Hương truyền bá sâu rộng trong dân gian và phát động mạnh phong trào chấn hưng đạo Phật.
          Hoàn cảnh: Nhưng trợ tưởng cho Bửu- Sơn  Kỳ- Hương phát triển mạnh mẽ, còn phải kể đến yếu tố thứ ba; Hoàn cảnh. Dù cho giáo pháp hàm dung tinh thần dân tộc, phù hợp với truyền thống và phong tục  thích ứng với căn cơ chúng sinh mà không dung hòa với hoàn cảnh thì chẳng khác người có hột giống tốt mà khi gieo trồng  không hợp thời hợp tiết thì thế nào cũng ung thúi, hay có lên được cũng uột èo cằn cỗi.
          Việc hoằng dương giáo pháp cũng thế. Nếu không thể dung hòa với hoàn cảnh xã hội để nhiếp hóa thì giáo pháp ấy sẽ khó mà được sự tiếp đón nồng nhiệt của nhân dân.
          Xã hội Việt Nam sau cuộc phân tranh Nguyễn Trịnh và Nguyễn, Tây Sơn là một xã hội mất cả tin tưởng người chân đời thì mượn lối tu tiêu cực tìm nơi âm thanh non vắng để lánh thân, không còn thiết gì đến thế sự. Còn kẻ hoang mang thì đâm ra tinh thần trụy lạc, vùi mình trong cuộc trác táng truy hoan, tìm đủ cách tận hưởng cuộc đời vật dục, bất kể đạo lý luân thường.
          Đó là hai não trạng suy đồi triệu trẫm của một xã hội sắp bước đến con đường cùng tắc, diệt vong. Trong lúc tinh thần dân chúng đang xuống dốc đường ấy, một đàng quyết trốn đời và một đàng chẳng thiết gì đạo nghĩa, nếu xướng xuất một phép tu tiêu cực, độc thiện kỳ thân, thì chẳng những vô tình trợ trưởng lối tu yếm thế mà còn thúc đẩy hạng người hoang mang cùng tiến mạnh trên con đường trụy lạc.
          Sở dĩ đạo Phật Nam Bắc phân tranh, mất dần sự qui ngưỡng của thiện tín là vì lối tu yếm thế làm cho Đời và Đạo không liên quan nhau. Đứng trước giữa hai thái cực; yếm thế và trục thế, với chủ trương "Đời Đạo liên quan" trong pháp môn Tu Nhân Học Phật, Đức Phật Thầy Tây An đã mở ra một con đường thoát: con đường Trung đạo, điều hòa và nhiếp hóa được cả hai hạng người rơi lạc trong hai thái cực kia.
          Với điều Tu Nhân Học Phật Nhân, Đời là một lẽ sống hướng thượng, nơi đó con người trang nghiêm hạnh đức và hoàn thành đạo Nhân. Khi nhận rõ nghĩa vụ của mình đối với gia đình và đất nước, con người thấy mình có những trách nhiệm cần phải hoàn thành.
          Với điều Học Phật, Đạo không còn là một nơi ẩn thân của người yếm thế mà là một con đường đắt người đến chỗ thanh cao thoát tục. Người học Đạo không còn là kẻ trốn Đời mà trái lại xem Đời là một phương tiện cho mình trang nghiêm đạo hạnh.
          Nhờ dung hòa được Đời và Đạo trong pháp môn Tu Nhân Học Phật mà Bửu- Sơn  Kỳ- Hương gây thành phong trào sùng mộ đạo đức trong dân gian, cũng như trước kia phái Trung Hoa gây thịnh huống trong đạo Phật đời Trần với chủ trương Nhập thế và Xuất thế.
          Nói tóm lại, Bửu- Sơn  Kỳ- Hương sở dĩ hoàn thành được vai trò của Trúc Lâm Yên Tử là nhờ các nhà hoằng dương Phật pháp biết nắm lấy ba yếu tố: Dân tộc tính, Đối cơ, và thích ứng Hoàn cảnh, khi phát động phong trào chấn hưng đạo Phật.
          Pháp môn Tu Nhân Học Phật xem đó quả là một pháp môn thích ứng với Dân tộc tinh Việt nam, phù hợp với căn cơ chúng sinh và hoàn cảnh xã hội trong thời kỳ Hạ ngươn mạt pháp.
          Như thế Bửu- Sơn  Kỳ- Hương đủ tư cách kế thừa sự nghiệp của phái Trung Hoa và xứng đang mang danh nghĩa là một nền Phật-giáo dân tộc.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhận xét của bạn đang được chúng tôi duyệt qua, và chúng tôi sẽ đăng lên trong thời gian sớm nhất! Chào Thân ái!