TỔ ĐÌNH TAM BỬU TỰ Ba Chúc - An giang
♠♠๑۩۞۩๑ -KỲ HƯƠNG TỰ- ๑۩۞۩๑♠♠
Trang này được thực hiện bởi các đồng đạo TỨ ÂN HIẾU NGHĨA - TIỀN GIANG

1 tháng 3, 2010

Phát tích của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Phát tích của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa:


CỘI NGUỒN ÔNG NHÀ LỚN
Phát tích của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa
 Dù các hậu duệ ngày nay chưa chính thức thừa nhận (và cũng không phủ nhận), nhưng những người nghiên cứu các tôn giáo nội sinh ở Nam bộ đều nhất trí cho rằng tín ngưỡng ông Nhà Lớn là một chi của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do đức Bổn sư Ngô Lợi sáng lập tại núi Tượng, vùng Thất Sơn, An Giang vào năm 1870.


Sấm giảng còn ghi, ông Ngô Lợi sinh ngày 5.5 năm Tân Mão (1831) tại Mỏ Cày, Bến Tre. Tương truyền từ nhỏ đến lớn, ông cũng như bao người, nhưng đến năm 36 tuổi (1867) bỗng nhiên ông bỏ cõi trần, chỉ còn chút hơi ấm nơi ngực, sau 7 ngày 7 đêm thì ông tỉnh lại và bắt đầu có những hành động khác lạ, thành người làu thông kinh sử, biết nhiều y thuật cứu người.
Sau đó ông rời nhà đi nhiều nơi trị bệnh làm phước và khuyên nhủ bá gia tu niệm theo học Phật, tu nhân. Do thỉnh thoảng ông lại có những cuộc "đi thiếp" như thế, nên người đời gọi ông Năm Thiếp. Sau mỗi lần “đi thiếp", ông nói những việc lạ lùng của quá khứ và đoán định chuyện tương lai, nên thu phục nhiều tín đồ tin nghe.
Năm 1870, ông chính thức phát phái (như thẻ tín đồ) cho những người quy y theo đạo của ông. Hai năm sau, ông cùng nhiều đồ đệ tin cẩn đến núi Tượng (Tri Tôn, An Giang) quy tựu lưu dân lập làng, dựng chùa. Trong vòng 13 năm, ông đã lập nên 4 làng : An Định, An Hòa, An Thành và An Lập, có đến hơn chục ngàn dân. Ông còn đi nhiều nơi để truyền giảng và thu phục tín đồ.
Năm 1878, tỉnh Mỹ Tho xảy ra trận dịch lớn. Đức Bổn sư về đây phát thuốc, làm bùa và tổ chức cuộc "trai đàn" để cứu  độ. Thực chất đây là cuộc tập hợp để mưu toan khởi nghĩa chống Pháp. Đốc Phủ Trần Bá Lộc biết được đã ra tay đàn áp và phát lệnh truy nã ông khắp Nam Kỳ. Chính quyền thực dân đã 5 lần bố ráp làng An Định (nơi được xem là thủ phủ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa với ngôi chùa Tam Bửu và Phi Lai do chính Đức Bổn sư tạo dựng) nhưng không bắt được ông. Tín đồ cho rằng ông có phép tàng hình. Tháng 5.1885,nghĩa dân An Định lại nổi dậy, đánh chiếm đồn Phú Thạnh trong nhiều ngày. Trong cuộc đàn áp năm 1887, Pháp đã bắt và xử bắn 8 người, đày ra Côn Đảo 13 người, làng An Định sáp nhập vào làng Ba Chúc, dân chúng bị tập trung để kiểm soát, 407 gia đình bị trục xuất về cố quán khắp 13 tỉnh ở Nam Kỳ.
Đức Bổn sư viên tịch ngày 13 tháng 10 năm Canh Dần (1890) thọ 59 tuổi, an táng tại núi Tượng. Tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang hiện còn khoảng 50.000 tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Nét đặc thù.
Cũng như nhiều tôn giáo khai sinh trên vùng Thất Sơn từ nửa cuối thế kỷ 19 qua đầu thế kỷ 20 (Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật giáo Hòa Hảo, Tinh Minh Hiếu Nghĩa…), ban đầu đạo của ông Ngô Lợi cũng không có tên gọi.
Sách Hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa ghi rõ: “Có lắm người đến quy y và bạch với ngài (đức Bổn sư) xin cho biết danh xưng của mối đạo gọi là gì ? Ngài đáp vắn tắt, gọi là Đạo Ông Bà. Cho đến ngày đức Bổn sư viên tịch, nhà cầm quyền Pháp đến điều tra, bắt buộc người tu theo Đạo Ông Bà phải chính thức khai lý lịch, mục đích và danh xưng chính thức của đạo… Do đó các vị truyền nhân buộc lòng phải khai danh xưng là Tứ Ân Hiếu Nghĩa".
Không chỉ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, hầu hết tôn giáo nội sinh ở Nam bộ đều rất gần gũi, hợp với nếp nghĩ nếp sống của người đi mở đất là can trường nhưng giản dị, cởi mở. Về lý thuyết, các tôn giáo này không rao truyền kinh kệ cao siêu, chỉ dùng lời lẽ bình dân khuyên con người ăn hiền ở lành, thi ân từ thiện. Về hình thức hành đạo : đơn giản hóa các tập tục thờ cúng (không  gõ mõ tụng kinh, không thờ tượng cốt), ai cũng có thể tu tại gia, khuyến khích để râu tóc (cái gốc của ông bà), dựng vợ gả chồng, hòa đồng với phong cách người đời song song với công cuộc trau sửa tâm thân. Đây là sự pha trộn giữa giáo lý nhà Phật và triết lý Nho giáo một cách bình dân hóa.
Dấu vết mối liên lạc.
Ngoài những nét sinh hoạt và nghi thức thực hành tín ngưỡng giống nhau, vẫn có thể suy ra từ một số sự kiện lịch sử có liên quan. Trên đường truyền đạo, ông Ngô Lợi từng có nhiều lần dừng chân ở Giang Thành để liên lạc với ông hoàng A-cha-xoa chống Pháp ở vùng Tà Keo, bên kia biên giới Hà Tiên. Năm ông Lê Văn Mưu cùng thân quyến rời bỏ Giang Thành cũng là năm đức Bổn sư Ngô Lợi viên tịch và khi đó ông vẫn còn trong vòng truy nã của thực dân Pháp. Ngày nay, ngư dân nhiều vùng ở Mỹ Tho hằng năm vẫn góp lúa cho Nhà Lớn Long Sơn trong khi quê ông Lê Văn Mưu lại cách rất xa nơi đây. Điều này chỉ có thể giải thích là ông Mưu cũng từng có mặt trong cuộc khởi nghĩa bất thành do Đức Bổn sư khởi xướng tại vùng này năm 1878 và sau đó khi về Long Sơn, ông vẫn còn giữ được liên lạc.
Thiết nghĩ những nhà viết sử không khó lắm để làm rõ các nghi vấn này. Nếu sự thật đúng như suy đoán, thì Nhà Lớn Long Sơn có thêm nét đẹp.
 Đoàn Đạt


Viết thêm về Ông Nhà Lớn hay còn gọi là đạo Ông Trần:
Huyền thoại người đi mở đất
Các kỳ lão trong ban điều hành Nhà Lớn
Long Sơn không xa thành thị (cách thị xã Bà Rịa 9km) nhưng chúng tôi thật bất ngờ khi gặp những người dân địa phương còn nguyên nét xưa tựa cả trăm năm về trước: bà ba đen, tóc búi củ hành. Bác Ba Thành - một lão nông chân chất đúng điệu dân Long Sơn, tóc búi, đồ bà ba - cho biết: “2/3 dân trên đảo theo đạo ông Trần (dân số của đảo khoảng 13.000 người)”.
Người dân đảo không ai không tự hào về truyền thuyết ông Trần - người mở đất lập nên Long Sơn. Tục truyền ông tên Lê Văn Mưu, người làng Thiên Khánh, tổng Hà Thanh, quận Giang Thành, nay là xã Tân Khánh Hòa, thị trấn Hà Tiên, Kiên Giang nhưng dân đảo thích gọi ông bằng tên theo kiểu miền Nam hơn: ông Trần (vì ông hay ở trần khi phát quang ruộng rẫy) hay ông Nhà Lớn.
Khoảng năm 1900, ông cùng đoàn người trên năm chiếc thuyền lớn đã cập bến cù lao Núi Nứa (đảo Long Sơn ngày nay) trên hành trình trốn chạy sự truy nã của giặc Pháp vì tội tham gia lực lượng khởi nghĩa.
Đảo khi ấy rất hoang vắng, bốn bề là rừng ngập mặn bao quanh. Phát quang tạo ruộng lập ấp, khai thác gỗ trên núi, đánh bắt thủy hải sản..., ông bắt tay xây dựng Nhà Lớn từ năm 1910 -1929 thì hoàn tất.
Đến nay dân đảo còn nhắc đến sự kiện “năm Thìn bão lụt miền Tây” ông đã mở kho gạo cứu đói cho dân. Sau sự kiện đó, có rất nhiều người miền Tây theo ông về Long Sơn lập nghiệp (điều này lý giải việc phần lớn dân trên đảo có gốc miền Tây).

Những kinh nghiệm sống mà ông Trần mang lại cho dân chúng đã được gìn giữ và lan truyền như những điều “kinh đạo”. Các bậc kỳ lão nói: “Đó chỉ là đạo làm người. Ngày xưa ông Nhà Lớn thường dạy về nhân - lễ - nghĩa - trí - tín, trung hiếu... Dân cứ thế truyền miệng từ cha mẹ sang con cái, ông bà sang cháu chắt”

1 nhận xét:

  1. Nặc danh19:34 20/11/10

    http://bskhphuocdien.blogspot.com/2010/11/ra-mat-trang-buu-son-ky-huong-to-inh.html

    BỬU SƠN KỲ HƯƠNG
    Năm đạo thứ 161

    Ra mắt trang
    Bửu Sơn Kỳ Hương - Tổ đình Phước Điền Tự

    Nhân dịp kỉ niệm 203 năm ngày Đức Phật Thầy đản sanh ra đời cứu độ (15/10/1849 âl) và 161 năm ngày Đức Phật Thầy hoằng khai mối đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (mùa thu 1949), ngày Rằm tháng mười năm nay, trang “Bửu Sơn Kỳ Hương - Tổ đình Phước Điền Tự” chính thức ra mắt chư tín hữu xa gần. Trang blog sẽ là tiếng nói của tất cả tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương chơn chánh.
    Sau khi nhận được bức Tâm thư phục đạo (1) của ông Cao Ngọc Trung - một tín hữu Bửu Sơn Kỳ Hương, chúng tôi cũng muồn góp một phần nhỏ công sức của mình vào việc khôi phục lại Bửu Sơn Kỳ Hương và hệ tư tưởng Tứ Ân từ những ngày đầu lập đạo. Mục đích của trang “Bửu Sơn Kỳ Hương - Tổ đình Phước Điền Tự” cũng là: Phát huy lý tưởng Tứ Ân, tuyên truyền, kêu gọi tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương hồi đầu thức tỉnh, quay về với Thầy, với đạo và khôi phục Bửu Sơn Kỳ Hương dựa trên tinh thần lý thuyết Tứ Ân 1849 của Thầy mà Ngài đã dày công hoằng hóa.
    Để nhân dịp chào mừng kỉ niệm hai sự kiện lịch sử quan trọng của đại đạo, trang blog sẽ đăng lên một số bài viết mới về lịch sử và giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương cũng như những hoạt động phước thiện, xã hội của tín đồ trong thời gian gần đây.
    Tiếp tho đó, trang blog cũng có lời mời chân thành đến chư tín hữu cộng tác với trang để góp phần xiển dương giáo lý của Thầy, Tổ. mọi thư từ, liên hệ xin gửi về địa chỉ: bskh_phuocdien@yahoo.com. Mong nhận được sự quam tâm và ủng hộ của chư tín hữu gần xa.
    Địa chỉ trang “Bửu Sơn Kỳ Hương - Tổ đình Phước Điền Tự”:
    http://bskhphuocdien.blogspot.com


    ---------------------------

    * Chú thích:

    (1) Toàn văn nội dung bức Tâm thư phục đạo, xin vào xem tại đây:
    http://bskhphuocdien.blogspot.com/2010/11/tam-thu-phuc-ao.html

    Trả lờiXóa

Nhận xét của bạn đang được chúng tôi duyệt qua, và chúng tôi sẽ đăng lên trong thời gian sớm nhất! Chào Thân ái!