Phật Trùm (? - 1875) tên thật: Tà – pênh, người Việt gốc Khmer, ở ấp Sàlon, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ông được tín đồ các giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo gọi tôn là Phật Trùm.[1] .
Đời thực lẫn huyền thoại
Phật Trùm, từ nhỏ đến lớn, sống như một người bình thường. Khi trưởng thành, ông cưới vợ và có được bốn cô con gái. Là người Việt gốc Khmer ít học, nói tiếng Việt không thạo; vậy mà vào năm 1866, sau những ngày lâm bệnh nặng đến hôn mê, ông bỗng dưng tỉnh táo và khỏe lại, tự nhận mình là hậu thân của Phật Thầy Tây An tức Đoàn Minh Huyên, là hồn Trùm của Phật (nên được tín đồ gọi tôn là Phật Trùm), theo như mấy câu sám giảng của ông còn lưu truyền:
- Ở đời hạ giới yêu ma,
- Phật cho Thầy xuống để mà giảng dân.
- Tuy là phần xác của Miên,
- Hồn Trùm của Phật xuống lên dạy đời.
Từ đấy, Phật Trùm bắt đầu giảng giáo lý toàn bằng tiếng Việt. Bà Néang-Suông xưng là cháu chắt Phật Trùm cho biết ông có để lại một cuốn kinh bằng tiếng Việt, nhưng Tà-Sao là cháu của Phật Trùm đã đem nạp cho Pháp, bởi vậy chỉ có thể biết được một phần nội dung:
- Thương đời ta phải bị đày,
- Phật môn vạn pháp không ngoài cái Tâm.
- Hạ ngươn sanh chúng lạc lầm,
- Nên đem diệu lý âm thầm độ sinh.
- Tu Nhân, Học Phật khá gìn,
- Long Hoa đến hội, Phật tiên đến gần...[2]
Và cũng tương tự lối hành đạo của Đoàn Minh Huyên, Phật Trùm cho phân phát “lòng phái”[3], trổ tài trị bệnh thật lạ thường. Người ta kể rằng Phật Trùm thường dùng đèn sáp đốt lên, bảo bịnh nhơn ngửi hơi khói mà hết bịnh, nên ông còn được gọi là Đạo Đèn.
Cái tên ấy, đã được nhắc đến trong sám giảng của ông:
- Lâm san nghe tiếng Đạo Đèn,
- Gần xa thiên hạ ngợi khen vô cùng.
- Kẻ thời đến lãnh giấy thông,
- Người thời đến lãnh phù ông đem về...
Khoảng năm 1870, lúc này tín đồ người Việt theo ông đã khá đông. Thấy vậy, một số người Việt gốc Khmer trong xóm vu cáo là ông mượn chuyện đạo, chuyện trị bệnh để quy tụ, để cổ xúy nhân dân nổi loạn, nên nhà cầm quyền Pháp cho bắt giam ông rồi kết án tù đày.[4]
Trong tù, ông chăn heo. Sau vài năm, Pháp thấy ông hiền lành, không có biểu hiện gì chống đối, nên ông được trả tự do. Về lại quê nhà, Phật Trùm tiếp tục hành đạo, có khi rao giảng đạo sang tận bên nước Campuchia.
Ngày 13 tháng 3 âm lịch năm Ất Hợi (1875), Phật Trùm viên tịch.
Hiện mộ Phật Trùm nằm lưng chừng núi Sàlon.[5], một núi nhỏ, thấp thuộc ấp Sàlon, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Mộ không đấp nấm, theo chủ trương của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương.
Chú thích
- ^ Tín đồ theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo đều tin sau khi Đoàn Minh Huyên tức Phật Thầy Tây An mất, ông chuyển kiếp thêm bốn đời nữa để giáo hóa chúng sinh, đó là Phật Trùm, Ngô Lợi, Sư Vãi Bán Khoai và Huỳnh Phú Sổ.
- ^ Theo web Bửu Sơn Kỳ Hương [1]
- ^ Lòng phái là một miếng giấy vàng, có khi giấy bạch, trên đó có in bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương bằng son tàu. Người nhận lãnh tin tưởng là nhờ Lòng phái sẽ được mạnh khoẻ, tránh được tà ma, tai nạn, nên họ giữ gìn cẩn thận và luôn mang theo bên mình.
- ^ Để tìm hiểu thêm, vào ngày 17 tháng 4 năm 2008, nhân dịp lễ giỗ của Phật Trùm, người soạn có đi đến ấp Sàlon, thì thấy ngoại trừ đôi ba người Việt gốc Khmer trong dòng tộc Phật Trùm; số đông cả ngàn người chỉ toàn là tín đồ người Việt của những giáo phái Bửu Sơn kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo; người Việt gốc Khmer trong xóm vì không tin theo ông, vì khác tín ngưỡng, nên không hề đến tham dự lễ giỗ.
- ^ Có một số web ghi nhầm tên núi Sàlon là Tà Lơn, có thể vì âm đọc hơi giống nhau (núi Tà Lơn thuộc nước Campuchia).
| ||||||
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nhận xét của bạn đang được chúng tôi duyệt qua, và chúng tôi sẽ đăng lên trong thời gian sớm nhất! Chào Thân ái!