TỔ ĐÌNH TAM BỬU TỰ Ba Chúc - An giang
♠♠๑۩۞۩๑ -KỲ HƯƠNG TỰ- ๑۩۞۩๑♠♠
Trang này được thực hiện bởi các đồng đạo TỨ ÂN HIẾU NGHĨA - TIỀN GIANG

1 tháng 3, 2010

Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành



Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành


Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành (gọi tắt là Đền Quản cơ Thành), còn có tên Bửu Hương tựchùa Láng Linh (gọi tắt là chùa Láng); thuộc ấp Long Châu I, xã Thạch Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang; nằm giữa đồng lúa Láng linh[1], bên bờ kênh xáng Vịnh Tre (kênh Tri Tôn), cách thành phố Long Xuyên khoảng 50 km, là một di tích lịch sử cấp quốc gia Việt Nam[2].



Lịch sử

Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành do Trần Văn Nhu, còn gọi là ông Hai Nhà Láng, con trai trưởng của Quản cơ Thành, đứng ra xây dựng[3]trên nền một trại ruộng của Phật Thầy Tây An vào năm Tân Sửu (1901)[4], để tưởng nhớ cha, các nghĩa quân cùng những người dân đã bỏ mình trong cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa vào những năm 1867 - 1873...
Ông Nhu là người có công lớn trong việc giúp cha điều hành khởi nghĩa và nền đạo Bửu Sơn Kỳ Hương sau khi cha vắng bóng.[5]Nên khi biết ông Nhu sau một thời gian trốn tránh ở Trà Bang (Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) trở về cho lập thêm trại ruộng, hốt thuốc trị bệnh và phát lòng pháicòn gọi là phù điều [6] cho tín đồ ở khắp nơi, thì chính quyền Pháp rất lo ngại cho một cuộc khởi nghĩa mới.
Mộ Trần Văn Nhu.
Bia tưởng niệm tại đền thờ ghi chuyện:
Vào ngày 21-22 tháng 2 âm lịch năm 1913, trong lúc tín đồ cùng nhân dân đang làm lễ tưởng niệm lãnh tụ thì quân Pháp đến Bửu Hương Tự bắt giam 83 người. Sau khi kêu án, 76 người bị 2 năm tù giam ở Châu Đốc, 7 người bị 3 năm tù giam ngoài Côn Đảo.
Sau đó, Pháp đốt đền. Riêng Trần Văn Nhu, nhờ Trần Văn Chánh, người con nuôi, cõng chạy thoát. Bị truy nã rất gắt nên ông Nhu phải lẩn trốn nhiều nơi và mất tại Trà Bang (Rạch Giá, Kiên Giang) ngày 25 tháng 3 âm lịch năm 1914.[7]
Năm 1942, Trần Văn Tịnh, một đệ tử của ông Nhu, đã đứng ra vận động để xây dựng lại đền thờ tại nền cũ, lợp ngói, xây tường gạch, cột gỗ, nền lát gạch rất khang trang và rộng rãi.
Năm 1947, lực lượng kháng Pháp từ chùa kéo ra tiêu diệt một đồn Pháp tại xã. Năm sau (1948), Pháp kéo đến khủng bố và đốt đền một lần nữa.
Năm 1952, nhân dân quanh vùng chung góp tiền của, công sức xây dựng lại đền khang trang như ngày hôm nay.
Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành, kiến trúc dạng chữ “tam”, kiểu cổ lầu, mái hai cấp lợp ngói đại ống, cột gỗ căm xe và bê tông, tường gạch, nền lát gạch bông. Về nghệ thuật thì đơn giản so với các đình chùa trong vùng.
Ở nơi thờ này, hàng năm có nhiều lễ giỗ, nhưng quan trọng nhất là lễ giỗ ông Trần Văn Thành, được tổ chức trọng thể vào các ngày 21-22 tháng 2 âm lịch. Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành được Bộ Văn Hóa Thông Tin xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa vào ngày 6 tháng 12 năm 1989.


Chú thích

  1. ^ Láng Linh là tên vùng đất rộng lớn. Lúc bấy giờ vùng đất này hãy còn trũng thấp (láng, còn gọi là nê địa), nhiều phèn, không có kênh, rạch lớn ra vào, suốt năm chỉ gieo gặt một mùa lúa sạ. Phía Bắc giáp vùng biên giới núi Sam, phía Tây dựa Thất Sơn, phía Đông cặp sông Hậu, phía Nam giáp núi Ba Thê và Long Xuyên. Ở đó, hằng năm vào những tháng nước lên (còn gọi là “mùa nước nổi” từ khoảng tháng 8 cho đến cuối tháng 10 âm lịch), là một biển nước mênh mông; còn vào mùa khô, nước không cạn hẳn mà biến thành những ao đìa, mương rạch, những đầm lầy vô số đĩa vắt và cùng lau sậy, cỏ dại thi nhau chen chúc, trùm lấp...
  2. ^ Theo [1] và [2]
  3. ^ Theo sách Sổ tay hành hương đất phương Nam thì việc xây dựng đền thờ còn có sự góp sức của ông chủ Khả (không rõ họ). Và vì không đủ tiền mua gạch lát nền, Hai Nhu đã bán chiếc ghe sáu bổ, tục gọi là “ông Sấm” của cha và tư trang của mẹ. (sách do Huỳnh Ngọc Trảng chủ biên. Nxb TP.HCM, 2002, tr. 122)
  4. ^ Năm xây dựng ghi theo tài liệu tại Dinh Sơn Trung. Có website ghi năm 1897, như: [3]
  5. ^ theo [4]
  6. ^ Lòng phái: mảnh giấy vàng hoặc trắng, bên trong có viết bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương bằng son tàu.
  7. ^ Mộ ông hiện ở trong khu mộ của dòng họ Trần, gần Bửu Hương tự. Ông có nhiều đệ tử giỏi, như Trần Văn Tịnh (tục gọi là Năm Tịnh, người ở làng Bình Thủy, Cần Thơ. Sau khi thầy mất, ông tiếp tục làm đệ tử cho Ngô Lợi, giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Cho nên ngoài việc vận động để gầy dựng lại chùa Láng, ông còn dành cả đời mình để góp phần lập nên thôn An Định ở núi Tượng, một cơ sở chính của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa), Vương Thông (quê ở núi Két, tác giả Sám giảng về Đức cố Quản Trần Văn Thành. Đây là một bài thơ lục bát dài, phản ảnh khá đầy đủ công cuộc kháng Pháp ở Láng Linh do ông Thành lãnh đạo), Nguyễn Văn Thới (1866-1925, tục gọi là Ba Thới, quê ở Mỹ Trà, Cao Lãnh. Ông là tác giả quyển Kim cổ kỳ quan, gồm những bài văn vần chứa đựng những điều tiên tri, những giáo huấn mang tính chất khuyến thiện)

3 nhận xét:

  1. Em xin chao cac bac! Em cũng có tìm hiểu về di tích Cậu Hai Nhu, cho em hỏi ông Trần Văn Chánh là ông nào! Quê ổng ở đâu! sao em đọc lịch sử không thấy! Ông hai có mấy người con nuôi vậy! Hiện giờ ông Hai nghe nói còn nhiều Kỹ vật, Vậy ông Trần Văn Chánh đó có giử kỷ vật của ông không!
    Trả lời dùm em qua mail Httrong86@student.ctu.edu.vn
    Em xin cảm ơn!

    Trả lờiXóa
  2. Đền Thờ Quản Cơ Trần Văn Thành:Vào năm 1897, ông Trần Văn Nhu, con trai của ông Trần Văn Thành đã đứng ra xây dựng "đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành" tại Láng Linh — Bảy Thưa thuộc xã Mỹ Tây, huyện Châu Phú, để tưởng nhớ ông người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Láng Linh — Bảy Thưa 1867 — 1873) và ghi nhớ nơi tập hợp của nhân dân và các tín hữu đạo Bửu Sơn Kỳ Hương để chờ thời cơ đánh Pháp.
    Hàng năm, cứ vào rằm tháng giêng, tháng 7, tháng 10, ngày 21, 22, 23 tháng 2 âm lịch (ngày ông Trần Văn Thành hy sinh) và ngày 5 tháng 5 âm lịch (ngày bà Quản Cơ Trần Văn Thành hy sinh) là nhân dân trong và ngoài tỉnh lại tụ hội về đây rất đông để tưởng nhớ về người xưa.

    Trả lờiXóa
  3. Vợ ông tên Nguyễn Thị Thạnh (1825 - 1899), là người ở rạch Sa Nhiên, Sa Đéc. Bà là người vợ nhân hậu, đảm đang, văn võ đều khá giỏi. Trong công cuộc kháng Pháp của chồng, bà và người con gái thứ năm tên Trần Thị Nên, đã giúp đắc lực, nhất là về việc hậu cần [12], an ủi và động viên binh sĩ.
    Ông Thành và bà có tất cả 6 người con: ba trai, ba gái. Trừ trai út tên Trạng mất năm 7 tuổi, hai trai còn lại đều khá danh tiếng:
    Một là, Trần Văn Nhu (1847 - 1914), còn gọi là Cậu hai nhà Láng (người miền Nam gọi con đầu lòng là thứ hai), người lập ra Bửu Hương tự (tức chùa Láng) và cũng là người kế truyền mối đạo Bửu Sơn Kỳ Hương khi cha mất. Khi cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa bị đánh dẹp, mẹ ông, ông và những người thân tín khác, bị Pháp truy nã rất gắt nên phải lẩn trốn nhiều nơi. Năm 1897, ông Nhu trở về căn cứ cũ lập Bửu Hương tự (nay là Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành), phát “lòng phái” để thu nhận tín đồ. Ông Nhu mất tại Trà Bang (Rạch Giá) ngày 25 tháng 3 âm lịch năm 1914.
    Hai là, Trần Văn Chái (1855 - 1873), bị thương rồi bị Pháp bắt khi cùng chiến đấu với cha tại bản doanh Hưng Trung. Nghe tin con bị thực dân dụ hàng, bà vợ Quản Cơ Thành liền nhét một con dao, kèm theo một bức thư giấu bên trong đòn bánh tét, ý khuyên con phải cố giữ khí tiết. Năm ngày sau khi nhận thư, người con tự tử trong nhà ngục Châu Đốc, bỏ lại người yêu vừa mới hứa hôn, năm ấy Trần Văn Chái mới 18 tuổi[13].
    Không rõ Trần Văn Thành và Trần Văn Chái được chôn cất ở đâu. Trong khu mộ của dòng họ Trần ở gần chùa Bửu Hương tự thuộc xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú), không có phần mộ của hai người.

    Trả lờiXóa

Nhận xét của bạn đang được chúng tôi duyệt qua, và chúng tôi sẽ đăng lên trong thời gian sớm nhất! Chào Thân ái!