TỔ ĐÌNH TAM BỬU TỰ Ba Chúc - An giang
♠♠๑۩۞۩๑ -KỲ HƯƠNG TỰ- ๑۩۞۩๑♠♠
Trang này được thực hiện bởi các đồng đạo TỨ ÂN HIẾU NGHĨA - TIỀN GIANG

1 tháng 3, 2010

Phật Thầy Tây An



Chùa Tây An, núi Sam, Châu Đốc, An Giang

Đoàn Minh Huyên (14 tháng 11 năm 1807 - 10 tháng 9 năm 1856)[1] là người sáng lập ra giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, thường được các tín đồ và người dân nơi vùng miền này, gọi tôn ông là "Phật Thầy Tây An".
Ngoài vai trò là một tu sĩ, ông còn là một nhà yêu nước, nhà dinh điền lớn, đã có công khai hoang miền đất phía Tây Nam thuộc miền Nam Việt Nam[2].

Tiểu sử


Mộ Phật Thầy Tây An.
Ông tên thật là Đoàn Văn Huyên hay Đoàn Minh Huyên, đạo hiệu: Giác Linh, quê ở Tòng Sơn, Cái Tàu thượng, tổng An Thạnh thượng, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Các tín đồ và người dân nơi vùng miền này, gọi tôn ông là "Phật Thầy Tây An".
Vụ mất mùa và đại dịch năm 1849 - 1850 ở miền Nam đã làm nhân dân lâm vào cảnh cùng cực, khổ đau và chết chóc. Trong hoàn cảnh ấy, ông Đoàn Minh Huyên từ Tòng Sơn vào Tràm Dư, rồi đến vùng Kiến Thạnh (nay là làng Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) trổ tài trị bệnh cho dân. Từ chỗ chữa trị bệnh có kết quả, ông dìu dắt được nhiều bệnh nhân và người thân của họ đến chỗ cải sửa tánh tình, biết điều nhân nghĩa, ngay thảo với mẹ cha, kính thờ Trời Phật.
Người tin theo ông ngày một đông, nên ngay vào năm 1849, ông sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương[3], rồi từ đó cho đến năm 1856, ông đến vùng đất phía tây Thất Sơn và Láng Linh, dựng chùa, lập trại ruộng và đi dạo khắp vùng miền này.
Vừa đi vừa rao giảng đạo, lại vừa có những cách trị bệnh kỳ hoặc như cho bệnh nhân uống nước lã, uống nước tro giấy vàng bạc, ăn bông hoa cúng Phật... nên nhà cầm quyền nghi ngờ ông ngầm hoạt động chính trị hoặc là gian đạo sĩ. Thế là ông bị bắt giam tại Châu Đốc, rồi vì không đủ chứng cứ nên viên quan cai trị phải thả ông, nhưng buộc ông phải đến tu ở chùa Tây An để dễ kiểm soát.

Chùa Thới Sơn, được coi như là Tổ đình của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương.
Sách Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức kể thêm chi tiết:
Vào khoảng năm 1847, Đoàn Minh Huyên đi hành đạo ở vùng Tòng Sơn (nay thuộc Lấp Vò, Đồng Tháp) và cốc Ông Kiến (nay là Tây An cổ tự, Chợ Mới, An Giang), ông bị triều đình bắt giam rồi đưa về ở chùa Tây An, Châu Đốc; buộc ông phải chính thức xuất gia thọ giới theo nghi lễ chánh thức của Phật giáo. Vì vậy, ông phải thọ giới tì kheo với thiền sư Hải Tịnh, được ban pháp danh là Minh Huyên, hiệu Pháp Tạng và trở thành vị thiền sư thuộc thế hệ thứ 38 của phái thiền Lâm Tế tông.[4] (thời kỳ Thiền sư Hải Tịnh Nguyễn Văn Giác trụ trì đời thứ nhất -Thiệu Trị thứ 7 năm 1847, và có thể vì vậy dân chúng gọi tôn ông là "Phật thầy Tây An") cho đến khi ông qua đời[5].
Ông mất lúc 49 tuổi.[6]. Hiện mộ ông ở phía sau chùa Tây An, không đấp nấm theo lời dặn dò của ông.


Công đức

Mặc dù mất sớm, nhưng Đoàn Minh Huyên đã làm được rất nhiều việc như: chữa bệnh miễn phí, khẩn hoang thành lập nhiều "trại ruộng"[7] và am tu hành, để có chỗ cho tín đồ hành đạo và tự tay làm lấy miếng ăn, chứ không nên cứ nương nhờ vào bá tánh, và sau này những nơi ấy đều trở thành những căn cứ chống quân Pháp. Đạo Hòa Hảo chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương[8].


Giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương


Chùa Phước Điền, cất trên nền trại ruộng xưa, nay thuộc xã Thới Sơn.

Tây An cổ tự, Long Kiến, Chợ Mới, An Giang

“trần Điều" tại chùa Thới Sơn.
Tên giáo pháiBửu Sơn: núi qúi báu, tức Thất Sơn mà đỉnh linh thiêng nhất là núi Cấm; Kỳ Hương tức là mùi thơm lạ.
Chủ trương của giáo phái: Tín đồ lấy đạo Phật làm căn gốc, không cần “ly gia cắt ái”, không đầu tròn áo vuông, không thờ tượng cốt, chỉ treo tấm "trần điều" (mảnh vải đỏ, tượng trưng cho tinh thần vô vi, cho ngôi Tam bảo), không ăn chay, không gõ mõ tụng kinh, không xuống tóc cạo râu. Vật phẩm dâng cúng chỉ hương hoa và nước lã đơn sơ. Chỉ cần giảng và nghe giáo lý, chứ không cần ghi chép... Và theo giáo lý của ông thì người “cư sĩ tại gia” cốt tránh ác làm lành, rửa lòng trong sạch, giữ tâm thanh tịnh và hằng thực thi “Tứ ân”: Ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam bảo, ân đồng bào nhân loại.
Nhờ sự canh tân về giáo lý, tín điều như trên, nên thu hút được đông đảo lưu dân thời khẩn hoang nơi vùng đất địa đầu lắm gian khó này[9].


Nhận xét tổng quát:

Bửu Sơn Kỳ Hương đã đề xướng những hoạt động mang lợi ích thiết thực cho đời sống lưu dân. Như vào năm 1851, Đoàn Minh Huyên chia các đệ tử thành nhiều đoàn đi khẩn hoang những miền đất hoang vu, lập nên những trại ruộng ở vùng Cần Lố (Đồng Tháp Mười) của Đạo Ngoạn; vùng Láng Linh của Quản cơ Trần Văn Thành; vùng núi Két (thuộc Thất Sơn) của Bùi Văn Thân (tức Bùi Thiền Sư) và Bùi Đình Tây (lập nên hai làng Hưng Thới, Xuân Sơn, sau này hợp thành xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên); vùng Cái Dầu của ông Nguyễn Văn Xuyến (tức Đạo Xuyến)...[10]. Nhờ đức tin, tín đồ đã bám trụ và khẩn hoang, biến những vùng đầm lầy, rừng rậm thành những vùng đất rộng lớn, màu mỡ.
Khi Pháp xâm chiếm miền Tây Nam Bộ (1867), tiếp nối truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc Việt và tư tưởng giáo lý “Tứ ân”, những tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đã tự cuốn hút vào ngọn cờ khởi nghĩa do lãnh tụ Trần Văn Thành khởi xướng ở Bảy Thưa (Láng Linh). Tuy nhiên, do lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ... nên cuối cùng khởi nghĩa này cũng không tránh khỏi thất bại.
Bửu Sơn Kỳ Hương thực sự là một tôn giáo nhập thế, một tôn giáo yêu nước có ảnh hưởng lớn đến lịch sử chính trị và tôn giáo tại Nam Kỳ[11].

[Chú thích

  1. ^ GS Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển, Sài Gòn, 1966, cho biết thêm: Đoàn Minh Huyên sinh vào giờ ngọ ngày 15 tháng 8 năm Đinh Mão (1807), ông mất cũng vào giờ ngọ ngày 12 tháng 8 năm Bính Thìn(1856).
  2. ^ "Đình Thới Sơn - Di tích lịch sử cách mạng ở An Giang" trên trang web của An Giang
  3. ^ Theo Địa chí An Giang, tập 2, UBND tỉnh ấn hành, 2007, tr. 229.
  4. ^ Theo Sách do NXB T.P HCM ấn hành, 1995, tr.380-381
  5. ^ "Đạo Hoà Hảo trong lịch sử (I)" trên trang web Đàn Chim Việt
  6. ^ Tín đồ theo đạo Bửu Sơn Kỳ HươngTứ Ân Hiếu NghĩaPhật Giáo Hòa Hảo đều tin sau khi Đoàn Minh Huyên mất, ông chuyển kiếp thêm bốn đời nữa để giáo hóa chúng sinh, đó là Phật Trùm, Ngô Lợi, Sư Vãi Bán Khoai và Huỳnh Phú Sổ.
  7. ^ Ông Đoàn Minh Huyên, một nhà yêu nước ẩn dưới chiếc áo nhà tu cùng với tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương khai sơn lập đình, khai hoang, phá rừng, chống muôn loài thú dữ... để làm ruộng tập thể còn gọi là "trại ruộng", một hình thức như hợp tác xã nông nghiệp bây giờ (Theo trang web An Giang, đã nêu ở chú thích 2[1]và [2].
  8. ^ Nguyễn Đăng Duy, Văn hóa tâm linh Nam Bộ, NXB Hà Nội, 1997, tr.78)
  9. ^ Theo Nguyễn Văn HầuSấm truyền Đức Phật Thầy Tây An, Tòng Sơn cổ tự ấn tống, 1974, tr.41
  10. ^ Các đệ tử nổi danh khác như Đạo Lập ở vùng Hà Tiên-Rạch Giá. Đạo Thắng, Đạo Sĩ, Đạo Chợ, Đạo Đọt v.v. (gọi chung là Thập nhị hiền thủ) hành đạo khắp miền Tây Nam Bộ (Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, NXB TP. HCM, 1995).
  11. ^ TS. Cao Thanh Tân, "Tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương ở miền Tây Nam Bộ", trên báo Biên phòng

1 nhận xét:

  1. Bạn đang bị cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, VIÊM XOANG MÃN TÍNH, viêm mũi dị ứng, U XƠ TỬ CUNG, đau thắt lưng, ĐIẾC NGƯỜI GIÀ, nhức mỏi bắp thịt, thoái hóa khớp gối, ngất xỉu đột ngột, viêm dạ dày có vi khuẩn HP… ? Mời các bạn vào trang chuabenhdongian.com để biết cách điều trị đơn giản và hiệu quả những bệnh thường gặp

    Trả lờiXóa

Nhận xét của bạn đang được chúng tôi duyệt qua, và chúng tôi sẽ đăng lên trong thời gian sớm nhất! Chào Thân ái!